Đỗ Hoàng Diệu thích đẹp hơn giỏi

02:14 CH @ Thứ Ba - 04 Tháng Mười, 2005

Trong cái bàng bạc của văn chương VN hiện nay, một vài gương mặt mới đã xuất hiện, không quá mới nhưng sáng tác của họ cũng khiến những người đang ngái ngủ phải giật mình. Đỗ Hoàng Diệu là một trong số đó.

- Các nhà văn trên thế giới đã viết về bản năng gốc của con người từ rất lâu, gần đây văn chương Việt Nam và Trung Quốc mới bung ra. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi biết nhiều người trẻ không thích tôi và họ đọc tôi chỉ vì tò mò. Thường thì ở VN hay có cách thẩm văn theo kiểu xã hội học dung tục, tức là chỉ dừng lại ở những xác chữ. Hơn nữa, mỗi người viết có một kiểu độc giả khác nhau. Có người bảo văn tôi có lẽ chỉ quý tộc đọc được chứ cứ trần trụi thì rất khó vào. Có nhà phê bình thì bảo: "Không in được truyện ngắn Đỗ Hoàng Điệu ở VN thì... hèn". Nhưng rồi chính họ, cũng chỉ dám in ở cái ngưỡng độc giả chấp nhận được thôi.

- Văn chương của chị ngoài những đoạn xuất sắc dường như vẫn chưa thực sự vượt thoát khỏi những ám ảnh thông thường, chị thấy sao?

- Nghe nói Bóng đè của tôi bán chạy lắm. Người yêu tôi cũng rất thích, và tôi cũng chưa nghe thấy người ta bảo tôi trắng trợn, thô bỉ. Thật ra, 8 truyện ngắn trong tập truyện Bóng đè, ngoài Bóng đèvà Vu quy có bố cục chắc chắn thì 6 truyện còn lại không có gì xuất sắc vì cả nội dung lẫn lối viết đều không mới hơn cách mà các nhà văn đương đại VN đã và đang làm. Có lẽ hai truyện Bóng đèvà Vu quy đã "đè" mất những cái khác rồi nên người ta không đọc ra (cười).

- Chị lý giải thế nào khi sau khi đoạt giải Tác phẩm tuổi xanh năm 1990 rồi biến mất và 10 năm sau mới đột ngột trở thành hiện tượng?

- Ban đầu tôi cũng hơi ngạc nhiên. Có gì đâu mà mọi người xôn xao thế? Chẳng qua là tôi tự nghĩ mình phải tự thay đổi. Lắm lúc nghĩ viết ra không biết để làm gì. Nhưng chẳng lẽ lại dừng? Trong khi thiên hạ người ta cứ viết ầm ầm. Con gái mà viết văn vớ va vớ vẩn thì... ai thèm lấy? Nhưng rồi lại nghĩ, tại sao mình không viết nhỉ, vì hình như là mình cũng viết được cơ mà? Thế là tôi bắt đầu phải viết để tự khẳng định.

- Chị xác định gì cho nghiệp văn chương mệt mỏi này?

- Phải cố gắng thôi. Khi nào mệt thì dừng. Thế nhưng, giống như bao phụ nữ, nếu không phải khiêm tốn giả dối, tôi cũng thích ăn diện, mua sắm. Tôi mệnh Thổ nên thích các gam màu nâu, vàng...

- Nhưng nhiều người cho rằng đó là sự phù phiếm. Chị thì sao?

- Giữa đẹp và giỏi để chọn thì tôi thích đẹp, nếu không phải nói dối. Bản thân cái đẹp đã là đủ rồi, đèm đẹp hay đẹp một cách phù phiếm với tôi cũng là đủ.

- Vậy danh tiếng đối với chị quan trọng như thế nào?

- Thật ra, tôi không nghĩ mình sẽ nổi tiếng. Có cũng tốt, vì dẫu sao nó không vô bổ. Nhưng cũng không phải là quan trọng nhất, mà đôi khi sự nổi tiếng cũng khiến tôi gặp nhiều phiền hà, ví dụ, phải giao du, phải trả lời phỏng vấn chẳng hạn... Bạn trai tôi luôn dặn phải cẩn thận. Trông tôi có vẻ hiện đại chứ thực ra tôi cũ lắm.

- Cũ như thế nào?

- Tôi không bung phá. Công, Dung, Ngôn, Hạnh bao giờ cũng là những cái đích cần đạt tới của những người phụ nữ VN trong bất kỳ xã hội nào. Có điều tùy từng thời điểm mà cách biểu đạt ấy có thể có những hình thức khác nhau.

- Cuộc sống hiện tại của chị ra sao?

- Tôi làm tư vấn luật cho một công ty nước ngoài. Tôi ở nhà thuê, thu nhập tương đối ổn, không thấy cần phải bon chen. Cũng chẳng biết ngày mai thế nào, mà thôi, cứ sống cái đã. Nhưng chắc chắn không phải sống bằng nghề viết văn. Tôi không chịu được sống khổ, mà nói thật chẳng ai muốn khổ cả. Ngày nhỏ, nhà tôi rất nghèo, và tôi cũng nghĩ mình phải phấn đấu.

- Mơ ước của chị giờ đây là gì?

- Tôi không muốn nói những chuyện to tát, sẽ sống như một người đàn bà bình thường, sẽ sinh con đẻ cái, sẽ chăm sóc chúng và già đi. Đấy là quy luật mà vĩnh viễn không tránh khỏi.

Nguồn:Vnexpress
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Đỗ Hoàng Diệu: “Tôi viết đúng với những gì mình có”

    04/10/2005Thể thao văn hoáNhững người yêu văn học, những người sốt ruột chờ sự đổi mới của văn học Việt Nam thời gian gần đây hay kháo nhau về cái tên Đỗ Hoàng Diệu. "Viết lạ lắm, bạo lắm! Đọc đi!" là cái câu được nhắc đi nhắc lại ở nhiều nơi. Cũng có người đơn giản hơn, chỉ nói: Văn rất sếch-xy... thế là đủ gợi tò mò cho hàng trăm độc giả vốn thừa háo hức với đời sống văn chương không có nhiều cái mới lạ như hiện nay...
  • Lớn hơn số phận đàn bà...

    04/10/2005Nguyên NgọcThường có một câu hỏi: Nhà văn viết bằng trực cảm hay bằng ý thức hoàn toàn tỉnh táo? Tôi nghĩ có lẽ bằng cả hai. Và cũng có lẽ một trong những dấu hiệu đáng tin cậy để nhận ra một tài năng văn học là đọc họ ta cảm thấy cứ như bằng trực cảm, bằng một thứ ăngten riêng, dường như họ nhận ra được và truyền đến cho chúng ta những nghiền ngẫm sâu thẳm về con người, xã hội, về đất nước, thậm chí về số phận dân tộc, mà chính bằng luận lý họ lại cũng không nói ra cho rõ được...