Việt Nam: Ô, ta tự đóng cửa ngắm mình!

06:45 CH @ Chủ Nhật - 04 Tháng Hai, 2018

Một Việt Nam còn xa lạ

1. Có lần, một chị phóng viên người Singapore gặp ở nước ngoài, bất ngờ hỏi: "Ô, thế Việt Nam có tiếng nói và chữ viết riêng à? Tôi tưởng các bạn nói tiếng Anh hoặc tiếng Pháp?", và chị đề nghị tôi nói thử vài câu tiếng Việt để chị hình dung như thế nào.

Tôi đứng lặng. Không ngờ, một nhà báo, lại chỉ cách Việt Nam có vài giờ bay, lại trong thời đại thông tin này, mà hỏi một câu như vậy.

2. Một nghiên cứu sinh đang làm tiến sĩ kinh tế ở Italia kể: "Hơn 2 năm nay, từ khi tôi sang Italia, hầu như gặp ai họ cũng chỉ biết Việt Nam là đất nước của chiến tranh. Nhắc đến Việt Nam, bao giờ họ cũng hỏi: Anh ở Bắc hay Nam?

Dường như trong tâm trí họ, Việt Nam vẫn là một đất nước bị chia cắt. Những người này phần lớn đều đã lớn tuổi và những gì họ biết được về Việt Nam là kiến thức lịch sử học từ hồi phổ thông".

Đó chỉ là một vài trong vô vàn những thí dụ có thể dẫn ra để biết người nước ngoài nghĩ gì về Việt Nam.

Càng đặt câu hỏi này, càng nhận được nhiều câu trả lời tương tự: "Gần như là số không" - như lời một tiến sĩ hoá học tương lai đang làm việc ở Áo. Thậm chí ngay cả tại Đức, Ba Lan, những nơi có cộng đồng người Việt khá lớn cũng vậy. Người Việt Nam ra đường, họ nghĩ đó là người Trung Quốc.

Tất nhiên có rất nhiều người yêu mến Việt Nam. Báo chí vẫn đăng những phát biểu của họ ca ngợi Việt Nam. Đừng vì vậy mà nghĩ rằng tất cả người nước ngoài đều biết về một Việt Nam đang cố gắng tạo môi trường ổn định cho đầu tư kinh doanh và người Việt Nam thật thân thiện dễ mến.

Chúng ta ngắm hình ảnh mới của mình trong gương và tưởng rằng người khác cũng nhìn chúng ta như thế. Nhưng nếu chúng ta không lên tiếng, không tự tiếp thị mình, thì hoá ra chỉ là chúng ta đóng cửa tự ngắm mình.

Khỏi phải nói điều đó sẽ thiệt thòi cho Việt Nam thế nào. Xét riêng trong du lịch, 2,3 triệu du khách đến Việt Nam năm nay, nhưng Thái Lan ở ngay cạnh, đón 9,7 triệu du khách. Nước mắm, gạo, bánh đa nem... rất nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam bị tưởng lầm là của Trung Quốc, Thái Lan. Chưa nói đến những nhìn nhận sai lệch, định kiến của người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về những vấn đề như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo...

Lỗi phần nào ở chính chúng ta

Xem CNN - kênh truyền hình tin tức lớn nhất của Mỹ và phổ biến nhất trên thế giới, có thể thấy các nước láng giềng của Việt Nam sôi động trong việc tự quảng bá đến thế nào.

Trong vòng 2 tiếng buổi tối giờ Việt Nam, ít nhất 3 lần các đoạn phim ngắn giới thiệu về Malaysia được phát trong thời gian quảng cáo giữa các chương trình tin tức. Đoạn nhạc phim đầy chất Á đông và khẩu hiệu "Malaysia - Truly Asia" (Malaysia - Châu Á đích thực) đã trở thành một điệp khúc trong đầu khán giả.

Tương tự là Thái Lan với khẩu hiệu "A beautiful reason to smile" (Một lý do đẹp để mỉm cười), là Indonesia với "The colour of life" (Sắc màu cuộc sống). Kết thúc đoạn phim của Indonesia ghi rõ: "Bộ Văn hoá" - vâng, chính Bộ Văn hoá Indonesia là cơ quan đứng ra quảng cáo đất nước của mình.

Xem những đoạn phim đó, người ta có thể quên mất hình ảnh của xung đột chính trị, tôn giáo, của sự nghèo đói còn tương đối phổ biến, mà chỉ muốn khám phá.

Chưa nói đến những nền văn hoá lớn, những khu du lịch nổi tiếng của Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ, Maldives, Hồng Kông, Hawaii... cũng tự quảng cáo trên CNN. Tại sao họ có tiếng, họ có lượng khách du lịch khổng lồ, họ là những nền kinh tế năng động, mà họ vẫn tự "dán nhãn" cho mình như vậy? Câu trả lời chỉ có thể là: Họ không muốn dừng lại!

Phó Thủ tướng Vũ Khoan, sau chuyến đi Mỹ đầu tháng 12 vừa qua, đã nói: Người Mỹ đi du lịch rất nhiều nhưng đến nước ta ít. Khách du lịch vào Việt Nam phần lớn là từ Pháp, Nhật, Trung Quốc. Về chủ quan, có lẽ công tác quảng bá của ta chưa có gì, mới quảng bá được phần nào ở các nước xung quanh. Tiềm năng còn rất lớn mà ta chưa khai thác hết".

Hanoi

Phó Thủ tướng nhấn mạnh một ý buộc chúng ta phải suy nghĩ: "Tại sao người Pháp đi thăm Việt Nam nhiều như vậy? Trong tâm lý của người Pháp, hoài niệm Việt Nam còn trong tâm trí họ. Những bộ phim như "Đông Dương" tạo cho người ta mối quan tâm. Còn những phim về Việt Nam chiếu ở Mỹ, rất nhiều phim đưa ra những hình ảnh Việt Nam rất tệ hại".

Người Mỹ hẳn cũng có một ký ức về Việt Nam. Chắc chắn không chỉ là thế hệ người Mỹ lớn lên trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam muốn trở lại đất nước này, mà cả thế hệ trẻ cũng muốn tìm hiểu Việt Nam - một đất nước có quan hệ rất đặc biệt với Mỹ.

Tiếp thị hai tiếng "Việt Nam"

Có một công ty lớn đã làm được việc quảng bá hình ảnh Việt Nam và tự quảng bá hình ảnh của mình ở nước ngoài - đó là Vietnam Airlines với cách làm mà ông Đại sứ Canada tại Việt Nam Richard Lecoq đặc biệt khen ngợi.

Những đoạn phim của Vietnam Airlines phát trên CNN có thể nói là một câu chuyện cổ tích bằng hình về Việt Nam được quay rất đẹp. "Đưa văn hoá Việt Nam đến với thế giới"- đó là một triết lý kinh doanh rất ý nghĩa và khôn ngoan của Vietnam Airlines.

"Hiệu quả của việc quảng bá này rất tốt. Người nước ngoài họ mường tượng Việt Nam là nước nghèo nàn lạc hậu, nhưng khi xem phim, họ thấy một Việt Nam ở tầm cỡ khác hẳn. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen, nhất là trong những chuyến đi làm việc ở nước ngoài"- một quan chức của Vietnam Airlines, cho biết.

Vietnam Airlines đã làm gần 10 phim quảng cáo từ khoảng những năm 1994, 1995 đến nay và đã phát hết trên những kênh truyền hình lớn của thế giới và của nhiều nước như Mỹ, Pháp, Nhật: Discovery, CNN, LCI, ODYSEE, CNBC Nickee... "Mọi người tưởng rằng chúng tôi phải đổ tiền vào việc này. Thực ra chi phí không ít nhưng không phải là quá lớn"- nguồn tin từ Vietnam Airlines nói.

Mỗi bộ phim làm hết chừng 20 nghìn USD và hoàn toàn có thể do các công ty quảng cáo của Việt Nam thực hiện dựa trên một triết lý kinh doanh mạch lạc như Vietnam Airlines đã làm. Chi phí đăng quảng cáo cũng không hề đắt: 30 giây quảng cáo trong chương trình "Chiếc nón kỳ diệu" ở VTV3 hết khoảng 26 đến 30 triệu đồng, trong khi 30 giây trên CNN hết 300 - 500 USD (tất nhiên đây là giá dành cho khách hàng trung thành), mà vào những giờ phát rất thuận lợi.

Một số nước, ngay ở cấp chính phủ, đã làm rất tốt việc quảng bá hình ảnh, mà Indonesia đã nhắc đến là một ví dụ. Hay Thái Lan với chiến dịch "Amazing Thailand" rất quy mô, khởi đầu từ thời kỳ khủng hoảng tài chính Châu Á cuối thập kỷ 1990 và tiếp nối liên tục một cách sáng tạo cho đến bây giờ. Có thể thấy những cam kết ở cấp cao là rất cần thiết.

Đại sứ R. Lecoq gợi ý: "Việt Nam cần có một website của Chính phủ, bằng tiếng Anh, để giới thiệu Việt Nam ra nước ngoài". Các nước khác đều có những website chính thức để giới thiệu đất nước họ.

Thử làm một trắc nghiệm nhỏ: Vào website tìm kiếm Google và gõ keyword Vietnam. Kết quả là hàng nghìn trang web, phổ biến nhất là website của các tổ chức cựu chiến binh Mỹ từ chiến tranh Việt Nam, website du lịch Việt Nam do các hãng nước ngoài thực hiện.

Trong khi đó, website của chính Việt Nam làm mới là con số rất ít. Báo chí Việt Nam gần đây nhắc tới "cơn sốt Việt Nam" ở Nhật khi lượng khách du lịch Nhật đổ vào Việt Nam ngày càng đông.

Nhưng như lời Đại sứ Nhật Nori Hattori nhận xét: "Báo chí Nhật mới là người tạo ra cơn sốt này chứ không phải Việt Nam. Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật chưa cố gắng hết mức để truyền bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh của Việt Nam thân thiện".

Việt Nam thời chiến tranh - đó là ảnh đen trắng. Việt Nam đổi mới - đó là ảnh màu. Đại sứ Lecoq nói một cách hình ảnh. Vốn là một chuyên gia về truyền thông, ông Lecoq cho rằng việc vận dụng những công nghệ mới để quảng bá hình ảnh Việt Nam là rất cần thiết: Thay vì ảnh đen trắng, hãy dùng ảnh màu. Thay vì chụp ảnh, hãy dùng phim động - ông nói, với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Không ai có thể phủ nhận là vị thế của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể trong năm qua. Hãy làm thế nào để hình ảnh Việt Nam trong mắt các chính trị gia, các doanh nhân hàng đầu thế giới trở thành Việt Nam của tất cả mọi người.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể một câu chuyện nhỏ: "Tại Houston, tôi có gặp cựu Tổng thống Bush (Bush cha). Câu đầu tiên ông ấy nói với tôi là "Tôi rất ấn tượng với Việt Nam. Năm 1995, tôi đến thăm Việt Nam và không nghĩ người dân Việt Nam lại thân thiện đến thế".

Năm qua, không ai là không ca tụng Việt Nam phát triển nhanh, xoá đói giảm nghèo nhanh, thành công chống SARS, duy trì ổn định xã hội và vị trí của Việt Nam trong khu vực tăng dần. Đó chính là hình ảnh Việt Nam" - hình ảnh mà chúng ta muốn tất cả mọi người đều biết.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: