Tản mạn về trí thức và trí giả
Trong “Từ điển tiếng Việt” do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, GS Hoàng Phê chủ biên, hai từ “trí thức” và “trí giả” không có nghĩa khác nhau là mấy. Từ “trí thức” được dùng để chỉ “người chuyên làm việc lao động trí óc và có tri thức chuyên môn cần thiết cho hoạt động nghề nghiệp của mình”. Định nghĩa này hoàn toàn không có gì cần phải bàn bạc nữa.
Còn từ “trí giả” được định nghĩa như sau: “Đó là người có trình độ học vấn uyên thâm, hiểu biết sâu rộng”. Tức là theo đó, trí giả chỉ khác trí thức ở mức độ sâu và rộng của trình độ hiểu biết. Cá nhân tôi cảm thấy về điều này chúng ta cần phải nói thêm một vài điều.
Trong thời đại nào cũng vậy, ở nơi nào cũng vậy, giữa những người có chữ trong đầu bao giờ cũng tồn tại hai cách hành xử đều lương thiện cả khi nhập thế: một đằng là lao vào việc đời mang tinh thần dâng hiến, tức là chú trọng giúp những người khác; đằng kia là tham gia thế sự chủ yếu để mang danh lợi cho mình, tất nhiên khi làm như vậy, họ cũng hoàn toàn có thể mang lại lợi ích cho đồng loại nhờ những thành quả lao động trí tuệ hợp pháp của họ. Không thể nói là làm thế nào thì tốt hơn hay đáng trọng hơn nhưng mỗi một người có chữ trong đầu cần phải lựa chọn lối đi riêng hợp với tâm nguyện và khả năng mình nhất.
Xã hội hiện thời có không ít những trí thức bằng cấp đầy mình, rất biết lựa cục diện tương quan môi trường mình sống để đạt thành công. Họ không làm việc gì xấu cả nhưng họ có thể cũng không làm việc tốt nếu việc tốt đó không mang lại cho họ lợi ích thiết thực. Thế nhưng, xã hội hiện thời cũng vẫn có những trí thức hành xử theo cách khác: họ không sợ nguy hiểm nếu như họ cảm thấy điều họ nói, việc họ làm là có lợi cho sự nghiệp chung, cho đất nước và dân tộc. Những người này bây giờ cũng rất được tôn vinh và hơn thế nữa, lắm lúc còn được tín nhiệm giao cho những trọng trách. Những người này, theo thiển ý của tôi, xứng đáng được gọi là bậc trí giả.
Làm một trí thức bình thường một cách trung thực và tận tâm đã là điều đáng quý lắm rồi. Và phải thấy rằng, không chỉ có những ai có nhiều bằng cấp mới là trí thức. Giá trị của con người là ở những kiến thức về cuộc sống thực tế và cách áp dụng những kiến thức đó vào việc làm giàu có hơn cuộc đời này, giúp cho đồng loại đỡ vất vả, khốn khó hơn; giúp cho tập thể của mình, xã hội của mình trở nên phồn thịnh và có điều kiện mà hành động tử tế hơn.
Tôi đã từng thấy có những người do hoàn cảnh riêng đã không theo học được đến đầu đến đũa những lớp chính quy nhưng nhờ trí tuệ bẩm sinh và những cố gắng rèn luyện cũng như lao động quên mình đã trở thành những chuyên gia thực sự tài giỏi trong chuyên môn của mình và gây dựng nên được những sự nghiệp rất đáng vì nể. Không những thế, họ còn biết cách vượt qua mọi trở ngại, hạn chế của thời thế để không chỉ làm nhiều việc công đức nhất mà còn bảo toàn được sự khí khái, đức độ và tính nhân nghĩa của mình, bất chấp mọi biến thiên của hoàn cảnh.
Những người như thế đáng được gọi không chỉ là trí thức mà phải là bậc trí giả, dù có thể họ cho tới hôm nay vẫn không có một tấm bằng chứng nhận học vấn cao cấp nào trong túi. Thiên chức của họ là làm việc, làm việc, làm việc một cách sáng tạo, ngoan cường và thẳng thắn vì sự nghiệp chung. Chuẩn hóa cán bộ là phải nhìn vào chất lượng công việc chứ không nên chỉ nhìn vào những cái dấu xác định chất lượng, vì ai dám đoan chắc rằng, cái dấu xác định chất lượng nào cũng thực sự có chân giá trị?!
Ngại nhất là những ai cố dán lên mình nhiều bằng cấp nhưng khi giao cho những công việc chuyên môn sâu thì làm chẳng ra đâu vào đâu cả. Hay khi cần phải bày tỏ quan điểm chính trực của thời đại mình thì lại đánh bài lảng tránh, ấp úng ngậm hột thị vì sợ trái ý người có thể “tán lộc” cho mình. Những người này thường coi danh hiệu trí thức hay các học vị như đồ trang sức và thường cảm thấy rất đắc chí khi những bậc chân tài thua họ về số lượng bằng cấp hay học vị đã thu nhận được. Những người như thế thì không bao giờ vươn lên được tầm trí giả và ngay cả cái từ “trí thức” đối với họ cũng có lẽ là tên gọi quá xa xỉ...
Trí thức là người có chữ. Trí giả là người có chữ, sẵn sàng chấp nhận mọi cảnh ngộ trên đời, miễn là không phải làm việc trái với những đạo lý mà mình được truyền thụ. Bậc trí giả luôn thức thời nhưng không bao giờ trở thành kẻ xu thời được. Đấy mới là đấng quân tử, vì như Luận Ngữ nói, “quân tử bền gan chịu cảnh cùng, không vì cùng mà làm bậy”.
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015