Từ một kỷ lục về trích dẫn
Hoặc là khoa học nước nhà đang “có vấn đề”, hoặc là chức danh giáo sư chỉ là kết quả của quá trình “Sống lâu lên lão làng”
Năm 2004, đọc tiểu luận của NN đăng trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, ngoài việc đề xuất một hướng nghiên cứu theo tôi còn rất “mông lung”, NN còn đưa tới cho tôi một nỗi kinh hoàng, ấy là bài viết chỉ quảng 10 trang giấy mà kèm theo tới 53 trích dẫn và chú thích! Khiếp quá, đọc một tiểu luận tần đầy các trích dẫn theo lối “ông John” cho rằng, “bà Smith” từng viết, rồi ông “ốp” ông “ép” đã nói…, tôi không thể nắm bắt đâu là khám phá, quan niệm học thuật của NN và đâu là khám phá, quan niệm “nói theo”. Ngẫm lại, thấy cũng không nên trách cứ NN, vì nhiều bậc thầy của anh vẫn thường làm như vậy và nếu có quan tâm, thì nên thừa nhận NN đã lập một kỷ lục!
MÊ HỒN TRẬN CÁC TRÍCH DẪN
Có một sự thật không thể chối cãi được rằng, không rõ tự bao giờ, trong rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học xã hội- nhân văn ở nước Nam ta luôn luôn ngổn ngang các trích dẫn, đến mức đôi khi tiếp xúc một công trình, người đọc như bị lạc vào giữa “mê hồn trận” các trích dẫn, các ý kiến của người khác…
Với những công trình như thế, ý tưởng khoa học thật sự của tác giả và hiệu quả thực tế thật đáng nghi ngờ. Tôi đã đọc khá nhiều công trình của một vị giáo sư văn học, và nhận ra mỗi khi đề xuất một nội dung nghiên cứu, giáo sư đều dẫn lại ý kiến của một danh nhân, một nhà khoa học đã từng nói… “y chang” với những gì ông đang trình bày. Kỳ thú nhất có lẽ phải kể tới vô số công trình nghiên cứu Thơ mới, trong đó hầu như cứ bàn đến Xuân Diệu là người viết cố chứng minh Xuân Diệu “tha thiết, nồng nàn”, bàn đến Huy Cận là người viết cố chúng minh chàng Huy Cận “buồn”, thậm chí gần đây còn có một cuốn sách xuất bản chỉ nhằm để khẳng điịnh Nguyễn Bính “chân quê” …, tóm lại là người ta dành khá nhiều công sức và chữ nghĩa nhằm chứng minh điều mà cách nay hơn nửa thế kỷ, trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã nói rồi!
Gần đây trong một công trình nghiên cứu văn chương được quảng bá khá hoành tráng, khi đề cập các nhà thơ dân tộc ít người có vị giáo sư chỉ tiến hành một thao tác nghiên cứu duy nhất là liệt kê một dãy tên tuổi từ Y Phương đến Lò Ngân Sủn, rồi không đưa ra ý kiến cá nhân nào, ông dẫn lại nhận xét của Lâm Tiến để đánh giá. Khi những sản phẩm như vậy cũng được coi là công trình nghiên cứu thì, hoặc là khoa học nước nhà đang “có vấn đề”, hoặc là chức danh giáo sư chỉ là kết quả của quá trình “sống lâu lên lão làng”!
Ấy là chưa kể tới việc người ta trích dẫn theo kiểu “ăn theo”. Ông X trích từ cuốn sách A một đoạn (không rõ ông X có thực đọc hay không?); ông Y thấy hay hay liền trích theo ông X; đến lượt ông Z tiếp tục “dẫn lại” từ ông Y … Thế là trong tính lên tục của nó, đoạn trích từ cuốn sách A dược dẫn lại trong công trình của X,Y,Z … và người dẫn lại không phải đọc, không cần phải truy nguyên.Tình huống trên thường diễn ra với các giả kinh điển. Toàn tập của các ông đã xuất bản từ hàng chục đến vài chục năm, vẫn thấy có người dẫn lại từ những cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước.
LƯỜI NHÁC TRONG LAO ĐỘNG TRÍ TUỆ
Dẫn lại, chú thích ý kiến của người khác trong các công trình nghiên cứu khoa học vốn là việc bình thường, trong từng trường hợp cụ thể đó là yêu cầu bắt buộc, nhưng khi sự trích dẫn, chú thích đã đạt đến tình trạng “lạm phát” thì tôi lại thiếu tin cậy vào tác giả. Buộc tôi phải đạt ra các khả năng:
một, “ý tưởng” khoa học chỉ là “đồng dạng phối cảnh” với ý tưởng của người khác;
hai, “ý tưởng” chưa đủ độ chín tác giả không đủ bản lĩnh, không dám chịu trách nhiệm về mình, cần được “bảo lãnh”;
ba, tác giả chỉ là một người “thuộc bài”?
Xét đến cùng, ba khả năng trên đều có chung một nguồn gốc, ấy là khi nhà khoa học lười nhác trong lao động trí tuệ, tồi tệ hơn, là không có khả năng nghiên cứu khoa học. Tương tự như vậy, có thể đặt ra nhiều câu hỏi đối với các nhà khoa học được tin tưởng giao trọng trách “nghiệm thu” một công trình nào đó mà sau khi nghiệm thu nó lại bị dư luận phê phán. Họ không đọc? họ không có khả năng phân biệt đúng sai? Họ nể nang? Họ …? Phải chăng từ những khả năng trên đây vô số công trình nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn có kinh phí từ vài chục triệu đồng đến hàng tỷ đồng đã không được công bố để cho những người trong nghề tham khảo, học hỏi?
Nói thật đơn giản, để các phát minh khoa học, các công trình nghiên cứu có thể sinh tồn và hữu ích với hoạt động của con người, trước hết đó phải là sự giải đáp các câu hỏi liên quan trực tiếp đến lĩnh vực nào đó thuộc về tự nhiên - xã hội - con người, là sự nắm bắt các nhu cầu và tìm ra, xây dựng khả năng đáp ứng nhu cầu …
Như vậy, muốn đạt một câu hỏi, muốn nắm bắt một nhu cầu, từ nền tảng một tri thức nhất định, người nghiên cứu cần khảo sát cụ thể về thực tiễn, suy ngẫm, luận chứng và đề xuất…, nếu có “kế thừa” ý tưởng của người đi trước thì phải là sự “nâng cấp” chứ không phải là sự “nhai lại”. Nói cách khác, với nghiên cứu khoa học, người ta phải suy nghĩ từ “cái đầu” của chính mình chứ không phải từ cái đầu của người khác. Nếu yêu cầu đó trở thành một thước đo nghiêm cẩn trong nghiên cứu khoa học xã hội - nhân văn ở Việt Nam, liệu bao nhiêu công trình sẽ phải tự triệt tiêu từ “khoa học”. Câu trả lời xin dành cho các nhà khoa học, nếu như họ đủ tự trọng “tự vấn” về công trình của mình .
Nghĩ thêm về bệnh thông thái
Bài trả lời của Đỗ Thích (Hà Nội)
nhân đọc "Từ một kỷ lục về trích dẫn..." trên báo TT&VH ngày 15/4
Đọc bài tôi thấy tác giả Nguyễn Hòa đã gãi đúng chỗ ngứa của không biết bao nhiêu độc giả.
Trong bài viết tác giả có nêu ra 3 lý do có thể khiến người ta lạm phát trích dẫn. Theo tôi cần phải bổ sung thêm một lý do quan trọng nữa, đó là thói “sính chữ”, thích viện ra ông John, bà Smith cho sang, cho oai, cho có vẻ thông thái. Thói này thường có ở những người đọc nhiều có trí nhớ tốt, nhưng không tiêu hóa hết, đâm gia “tẩu hỏa nhập ma”, lâu ngày không trị thành bệnh.
Chính vì muốn tỏ gia thông thái, nên nếu cứ đọc kỹ các nội dung được trích dẫn ta sẽ thấy dường như các danh nhân ấy toàn nói những điều chung chung, đại khái, nói trong hoàn cảnh nào cũng được. Nó cũng giống như cái thời chúng tôi mang văn nghị luận đi thi đại học vậy Ông thầy giáo già rất thực dụng của chúng tôi đã dạy cho một bài võ: “Cứ “tủ” mấy câu của ông “ốp” bà “ép”, trích dẫn đại ra, thế nào cũng ăn điểm”. Và thế là bất cứ bài văn nào chúng tôi cũng có thể “phang” hàng loạt các câu chẳng chết ai đại loại như “Văn học là nhân học” cốt để chua thêm cụ “M.Gorki” hay một cụ nào đó ở dưới. Thế là “ăn điểm” rồi.
Nhân bàn chuyện trích dẫn, tôi cũng xin tự “đá” mình một cái bằng cách trích dẫn cụ Cervantes trong tác phẩm Đônkihôtê. Trong phần giáo đầu dài dòng để bước vào thiên tiểu thuyết này, tác giả đã kể rằng, ông rất lo vì để tăng giá trị của cuốn truyện, tăng vẻ hàn lâm, kinh điển thường phải trích dẫn, phụ chú, tham khảo mà ông thì không biết lấy đâu ra. Sau cùng có một anh bạn khuyên “Chỉ cần đưa mấy câu Latin mà anh đã thuộc lòng, hoặc nếu không, chỉ cần bỏ chút ít công sức ra tìm. Ví dụ, khi nói đến tự do và sự giam cầm, hãy đưa câu Latin này vào “Ngàn vàng không mua nổi tự do” rồi ghi ở lề trang tên của Oracio, hay tên người nào đó đã nói câu ấy. Nếu nói về tình bạn, tình yêu hãy lấy ngay câu trong Kinh thánh: “Ta khuyên các ngươi hãy yêu mến kẻ thù của mình”. Về sự tráo trở của con người có câu của Catone: “Giàu sang nhiều lắm bạ bè” … Với những câu Latin đó hoặc những câu tương tự, anh sẽ được coi là một nhà thông thái, mà trên đời này, điều đó mang lại cho anh xiết bao là vinh dự và sự “sang trọng” đấy!”
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn