Bạn theo tôn giáo nào?

10:35 CH @ Chủ Nhật - 16 Tháng Tư, 2017

Có thời nhiều người Việt ra nước ngoài được bạn bè hỏi theo tôn giáo nào thì đều nhanh nhảu mà rằng chẳng theo tôn giáo nào cả.

Kể ra trả lời thế cũng chẳng làm sao. Thế giới đang đầy những phong trào xã hội đòi tự do này nọ. Đức tin cũng là một thứ tự do, ai muốn theo gì thì theo, không theo thì thôi, chẳng ai có quyền áp đặt đức tin cho người khác.

Nhưng hình như có điều không ổn trong chính những câu trả lời kia, nhất là bao giờ nói xong cũng như kèm thêm một vẻ hãnh diện tự đắc, cứ vênh vênh nhơn nhơn ra.

Tôi từng ở những nơi nhiều tôn giáo: Ấn Độ, và Rome "thần với thánh chất chồng như lợn con lăn lóc”, trong một câu thơ báng bổ của Evtushenko. Những nơi đa tôn giáo, tôn giáo lại đa thần, người ta không thể hình dung được có người không theo tôn giáo nào. Không tôn giáo đường như đồng nghĩa với không giới tính. Bởi vì người ta quan niệm tôn giáo là một thuộc tính của con người - con người lọt lòng mẹ là có tôn giáo, cũng như khi lọt lòng phải có giới tính. Có mấy ai lại vênh vang tự nhận không giới tính?

Cũng thế, người ta không hình đung được rằng người không tôn giáo lại biết sống có đạo. Tôn giáo như một cái phanh hãm, nó có thể thắng con người dừng lại bên bờ vực tội lỗi, trước vùng ranh giới thiện-ác, bóng tối-ánh sáng... Có cỗ xe nào lại vênh vang tự nhận rằng nó không cần phanh?

Phải hiểu tâm lý người mộ đạo như vậy thì mới thấy câu trả lời thật thà nọ có thể gây sốc, thậm chí gây ác cảm cho người đối thoại. Một thời, không tôn giáo là câu cửa miệng, người ta khai vào lý lịch ở mục tôn giáo chỉ một chữ: Không. Lúc khác thì: Lương. Có người lý giải lương tức là mình lương thiện, có nghĩa là những ai không lương là theo tôn giáo, tà tà giáo. Chẳng biết có đúng nghĩa thế không?

Nhưng nghĩ cho cùng, nói rằng mình không tôn giáo là thật thà song chưa hẳn đã trung thực. Xin hãy xem, mọi tôn giáo đích thực đều có 5 yếu tố trụ cột:

- Có khái niệm về một đấng tối cao.
- Có người sáng lập.
- Có kinh sách.
- Có nơi linh thiêng để thờ phụng.
- Thực hành tụng niệm.

Xét theo năm tiêu chuẩn ấy thì thử hỏi có mấy ai trên thế gian này thực sự không tôn giáo? Nhiều thứ chủ nghĩa đang tồn tại hội đủ những điều trên, thực tế cũng là một kiểu tôn giáo. Mọi người ở một mức độ nào đó cũng có thể là những giáo đồ. Xung đột nảy sinh do khác hệ tư tưởng liệu có phải là một thứ thập tự chinh tôn giáo, dù cách này hay cách khác?


Cây thánh giá - một biểu tượng được chọn làm biểu tượng cho sự vinh quang của Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ và sự chết. Vì vậy, thánh giá tượng trưng cho sự chiến thắng và vinh quang.

.

Mỗi một người thông minh có tôn giáo riêng của mình, Bernard Shaw từng nói vậy. Rất nhiều danh nhân, nhiều trí thức có sẵn trong mình một vị chúa, một ông thánh, và vị chúa tể nội tâm ấy khó mà cúi đầu trước đức chúa của một đám đông. Trong mỗi con người thông minh có hệ tư tưởng riêng, một thế giới riêng của mình và thế giới ấy đủ rộng lớn để bao trùm lên thế giới nhân loại bên ngoài. Nói như vậy không có nghĩa là đức chúa nội tâm, thế giới nội tâm là mối đe doạ xung đột với tôn giáo và xã hội, với thế giới nhân loại Cũng không hàm nghĩa trí thức tất thảy đều vô thần. Có rất nhiều người mộ đạo là đằng khác, nhất là trên các hành tinh bấn loạn và bất ổn hôm nay, nhất là vào thế kỷ XXI mà có người gọi là "thế kỷ tôn giáo".

Mặt khác có theo đạo cũng không phải là thứ để phô trương. Nhà văn Khushwant Singh từng phê phán một số thủ tướng Ấn Độ đến dự lễ ở các đền thờ trước ống kính truyền hình. Theo ông, tôn giáo là thứ rất riêng tư, một chính khách theo đạo Hindu chỉ nên thờ cúng ở nhà, cũng không nên rầm rộ dẫn đoàn đến thăm các nhà thờ Thiên Chúa giáo, Hồi giáo... như để biểu diễn hay khoe khoang. Một chính khách không thể thuộc về riêng một tôn giáo nào.

Cũng như một chính khách không nên gây ấn tượng thuộc về riêng một vùng quê nào. Nếu đó không phải là con người của mọi tôn giáo, của cả đất nước, thì thảm họa chia rẽ là nguy cơ tiềm tàng.

Một người bạn tôi không bao giờ nhận mình là người vô thần hay là không tôn giáo. Chẳng phải là những nhãn hiệu ấy không dùng làm đạo trang sức được, biết thế nào là đẹp hay không đẹp. Chỉ đơn giản là trả lời như vậy dễ dãi quá, hấp tấp quá, trong khi mỗi con người còn chưa hiểu hết thế giới bên trong mình, một phần nhỏ cũng chưa. Được hỏi theo tôn giáo gì, bao giờ anh cũng nói mình là một agnostic, một kẻ cho rằng con người chỉ có khả năng nhận thức những gì thuộc về vật chất, còn những gì thuộc về tinh thần, về tôn giáo, về dạng tối cao là bất khả tri. Làm sao con người có thể vội vàng nói có hoặc là không trước những vấn đề ấy. Chẳng lẽ lại có thể dễ dàng đến thế?

Agnostic không phải là câu trả lời láu lỉnh, lại nhuốm màu triết học, cốt để lảng tránh tranh luận, tránh xung đột, nhằm bảo toàn uy tín và danh dự cho một trí thức khôn khéo. Đấy nên là câu trả lời phải chăng và biết điều của tất cả những ai không chịu được một tôn giáo nào và tự xem là cái gì cũng biết. Nên thận trọng, thưa những ông những bà Biết Tuốt, những Mr. và Ms. Know-All.

Trở lại với câu bạn theo tôn giáo nào? Rất nhiều người Việt ra nước ngoài đều thản nhiên trả lời: Tôi không tôn giáo. Người ta lại hỏi: Thế thì bạn tin cái gì? Rất nhanh nhảu bên ta đáp luôn: Tôi chỉ tin vào khoa học.

Nhưng mà tôn giáo là khoa học. Người đối thoại khẳng định.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tín ngưỡng

    07/08/2017Nguyễn Trần BạtLà một vấn đề vô cùng phức tạp, thực ra tín ngưỡng không phải là hiện tượng mê tín thuần tuý theo cách hiểu thông thường. Lịch sử cho thấy rằng các loại tín ngưỡng khác nhau có sức sống dai dẳng và ảnh hưởng lâu dài mà khó có hệ tư tưởng nào sánh được...
  • Quan điểm của Albert Einstein về Chúa

    13/11/2013Albert Einstein có những quan điểm về Chúa cùng các quan điểm duy vật khác hết sức đúng đắn, sắc sảo, tính nhân bản sâu sắc. A. Einstein phủ định khả năng tồn tại của Chúa từ góc nhìn của bản thể luận và nhận thức luận...
  • Về sự cầu nguyện của con người

    15/07/2005Bùi Quang MinhBạn đã bao giờ lắng nghe người ta cầu nguyện những gì chưa? Quan trọng nhất là ta hiểu về bản chất sự cầu nguyện. Đó không phải là cầu xin thứ gì đó từ Phật, Chúa hay ai đó khác cả...
  • Tôn giáo và văn hoá ảnh hưởng tới tiến bộ ra sao?

    10/09/2005Stephen EvansLord Tebbit là một bộ trưởng quan trọng trong chính phủ của bà Margaret Thatcher khi xưa, nói: "Hồi giáo không hề cải cách kể từ khi được sinh ra, đến nỗi mà không có nơi nào trong thế giới Hồi giáo thực sự đưa ra được những tiến bộ về khoa học, nghệ thuật, văn chương hay công nghệ trong vòng 500 năm qua"...
  • Tôn giáo có ý nghĩa gì?

    15/07/2005F. Engels trong tác phẩm Chống During đã chỉ ra bản chất của Tôn giáo: “Tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”.
  • Khoa học và tôn giáo phụ thuộc lẫn nhau

    15/07/2005Đây là bản lược dịch bài Science & Religion are interdependent của nhà bác học Albert Einstein. Nó cũng đồng thời phản ánh rõ nhất quan điểm của nhà bác học về vấn đề Tôn giáo...
  • xem toàn bộ