SV ngủ gục, chán chường vì sao?

03:51 CH @ Thứ Ba - 28 Tháng Mười, 2014

Tôi không muốn học, tôi không muốn làm việc, tất cả đều làm tôi chán ngán và thất vọng... Hiện tượng này không còn hiếm nữa trong giới sinh viên. Một thế giới trẻ năng động, nhiềt huyết, đầy hoài bão và ước mơ ở đâu rồi? Tương lai của một đất nước đang ngủ gục, chán chường.. Vì sao?

Nguyên nhân sâu xa phải nói đến đó là việc lựa chọn nghề nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông.

Học sinh giỏi, xuất sắc nhắm vào các trường danh tiếng, các ngành thời thượng; học sinh yếu hơn thì chọn các trường thấp hơn để cố sao đậu được vào đại học, chứ ít ai cân nhắc kỹ xem bản thân có phù hợp với tính chất ngành nghề không để sau này phấn đấu hết sức vì mục tiêu đã chọn.

Đôi khi con cái lại phải chọn lựa tương lai theo sự chi phối của bố mẹ với lý luận rằng chỉ có bố mẹ mới biết được đâu là nơi tốt nhất dành cho con.

Ban đầu chưa thấy được tác hại của lối suy nghĩ này, nhưng một khi đã bước chân vào trường đại học, tiếp xúc với ngành học rồi SV mới nhận ra rằng mình đã... sai.

Trong mắt SV các môn học bắt đầu tẻ nhạt, cảm giác mệt mỏi đeo đuổi dai dẳng suốt các giờ trên giảng đường. Hậu quả của sự “chán” đó là vô tình bóp chết tính sáng tạo trong SV, người ta không thể tìm ra những điều thú vị mới mẻ từ những thứ bị áp đặt.

Đây thiết nghĩ cũng là một nguyên nhân giải thích vì sao có hiện tượng nhiều SV ngủ trong lớp, hình ảnh quen thuộc trong các trường đại học hiện nay. Một nghiên cứu mà tôi đã đọc cho thấy có trên 60% SV cảm thấy không vừa ý với nghề nghiệp đã chọn, không ít người thuộc số đó muốn chuyển ngành khác.

Một nguyên nhân nữa là bầu không khí các buổi học phụ thuộc người giảng viên đứng lớp. Thực tế cho thấy nhiều vị đã có bằng tiến sĩ nhưng khả năng sư phạm còn thiếu, chưa có các phương pháp mang lại kiến thức tinh thần cũng như cuốn hút SV vào các chủ đề được trình bày. Nhiều giảng viên vào lớp chỉ đọc cho SV chép, ít khi cho các bài tập thảo luận giúp SV tăng khả năng tự học.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về các tấm gương SV xuất sắc, đạt thành tích cao trong nghiên cứu khoa học...; thế nhưng đó chỉ là con số cực nhỏ, trong khi phần đông SV đang ngày càng lãng phí khả năng của mình.

Các nhà quản lý luôn tìm cách đưa ra nhiều biện pháp cải cách, nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thế nhưng việc khắc phục nguyên nhân sâu xa là công tác định hướng nghề nghiệp cho SV ngay từ buổi đầu lại thiếu hiệu quả.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: