Nghề... học thuê

03:51 CH @ Thứ Ba - 18 Tháng Mười Một, 2003

Chưa đi làm, vẫn có thu nhập đều đặn; không mất một đồng học phí nào, vẫn theo học đầy đủ các chương trình đào tạo dịch vụ. Hiện tượng "đi học lĩnh lương hàng tháng" của sinh viên tại các lớp tại chức buổi tối giờ đây đang diễn ra sôi động.

Đ.T.M.T. là một cử nhân báo chí tốt nghiệp năm 2002. Sau hơn nửa năm cộng tác và thử việc không lương cho không dưới 4 tờ báo tạp chí với thu nhập chủ yếu từ những đồng nhuận bút bấp bênh, ít ỏi, T. đã tìm được một công việc mà cô chưa bao giờ nghĩ tới: học thuê. Một học viên của Học viện Tài chính do bận con mọn nên đã thuê T. thế chỗ của mình trên lớp. Cứ thế, mỗi tuần có mặt ở lớp 5 buổi, mỗi buổi gần 3 tiếng đồng hồ! Cuối mỗi tháng, T. được thân chủ chi trả cho 400.000 đồng. T. nói: "Tuy ít, nhưng ổn và quan trọng lắm đấy". Thay vì có mặt ở một trung tâm ngoại ngữ - tin học nào đó cho hợp thời thế, T. ngáp ngắn ngáp dài trong lớp với những giờ học căng thẳng về thị trường chứng khoán, tài chính doanh nghiệp, các loại tài khoản... Ngoài khoản lương kia, T. còn được một thứ nữa là củng cố kiến thức, biết thêm nhiều điều mới mẻ về lĩnh vực tài chính. Đích danh học viên nọ chỉ có mặt trên lớp khi T. "nhờ" chị đi học. Cho đến bây giờ thì nhiều người trong lớp tưởng T. là một thành viên "xịn" của lớp. T. phải đóng tất cả nhưng khoản phí liên quan đến tập thể rồi về báo cáo lại với thân chủ của mình!

N.T.D. đã tốt nghiệp một trường khối kỹ thuật nhưng lại "đèo bòng" thêm một lớp ĐH tại chức ngoại ngữ và còn một năm nữa mới xong. Với năng lực học tập cùng với sự nhạy bén, D. đã vào ngay được một công ty xây dựng lớn làm ăn có hiệu quả ở Hà Nội, thu nhập rất cao. Tưởng đâu êm chèo mát mái, ai dè đùng một cái, D. bị điều đi công trình ở mãi tận một tỉnh miền Trung xa lơ xa lắc gọi là thời gian đầu thử thách. Sự nghiệp học hành dang dở, "bỏ thì thương vương thì tội" và không thỏa lòng mong mỏi của cha mẹ. D. đành nhờ bạn bè tìm cho một mối là một sinh viên năm thứ hai của trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ còn rảnh rang học hộ cho tới khi ra trường (mà có thể là thi hộ luôn bởi vì biết đâu cho tới khi thi tốt nghiệp anh chàng vẫn chưa qua thời gian thử thách!). D. thì mừng rỡ vì trút được gánh nặng đèn sách (khoản chi phí đã có bố mẹ ở nhà lo), còn bạn trai kia thì tự dưng lại có thêm thu nhập và cơ hội để trau dồi kiến thức. Bố mẹ ở nhà thì cũng yên tâm khi con cái bận rộn hơn thì sẽ có ít thời gian giao du với bạn bè hơn, nguy cơ bị lôi kéo vào thói hư tật xấu cũng ít hơn.Thật là nhất cử tam, tứ tiện!

Linh học ĐH dân lập Đông Đô, là con một quan chức ngành than ở Quảng Ninh, nếu muốn, cô có thể có ngay một công việc tốt ở Hạ Long. Nhưng cô nàng lại nuôi ước vọng ở lại Hà thành nên cố gắng theo học cả hệ tại chức của ĐH Kinh tế Quốc dân. Trong thời gian chờ tấm bằng thứ 2 "xuất xưởng", Linh đã đi làm ở một số nơi nhưng cũng chỉ được một thời gian bởi vốn là "cô chiêu" trước nay không phải chịu vất vả bao giờ nên cô không chịu được áp lực của công việc. Thêm nữa, chuyện lời nặng tiếng nhẹ là chuyện trước nay cô chưa từng phải nếm trải. Vì thế, sau hơn một năm với nhiều lần nước mắt ngắn nước mắt dài với mẹ, Linh đã quyết định về Quảng Ninh làm nhân viên của... bố. Nhưng theo ý mẹ thì không thể bỏ phí cái bằng được. Với lại, "có thêm cái bằng ấy nữa thì không ai con nói ra nói vào được cái chuyện con làm nhân viên của bố con ạ!". Chiến lược được vạch ra và giải pháp tốt nhất vẫn là thuê lấy một bé có thời gian mà lại cần tiền. Như thế để khỏi phải ân huệ ai cả. Mỗi khi đến kì thi Linh ta lại lên Hà Nội. Có khi không phải là thi mà chỉ để trông chừng thôi! Coi như một chuyến đi chơi ấy mà! Chỉ cuối năm nay chương trình học của Linh sẽ xong và cho đến bây giờ thì vẫn chưa có "sự cố" nào xảy ra cả. Đơn giản vì giáo viên bộ môn, thậm chí cả giáo viên chủ nhiệm có biết sinh viên của mình là ai đâu mà kiểm tra?!

Có rất nhiều lý do khiến người đi học phải đi tìm người để thuê học giúp mình.Vì thế, chuyện học thuê và thuê học tuy chưa thể nói là phổ biến nhưng không phải là hiếm thấy trong nhiều lớp học cả chính quy và tại chức ở các cấp học. Các ví dụ trên phần nào giúp bạn hiểu thêm về sự đa dạng của... thị trường thuê học và học thuê đang diễn ra âm ỉ trong các lớp học buổi tối. Người vì không có thời gian, người muốn nghỉ ngơi, người thì tìm được việc làm có thu nhập cao đủ tiền thuê người đi học cho mình, người thì mới lập gia đình ngại chuyện đèn sách ... Chi phí trả cho dịch vụ này phổ biến từ 350-500.000 đồng/tháng.

Cho dù, với nguyên nhân hay hình thức nào thì việc thuê học và học thuê cũng là rất đáng phê phán. Tất nhiên, có cầu thì mới có cung, nhưng đương nhiên từ cả hai phía đều góp phần làm mất đi giá trị đích thực và giá trị nhân văn của việc học tập và cũng góp phần làm cho chất lượng giáo dục càng trở nên sa sút.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: