Miễn tố thủ phạm
Vụ 5 em học sinh Hà Nội tự tử - may mà được cứu chữa kịp thời - cho thấy đây là một hiện tượng rất đáng lo ngại trong xã hội. Tuy nhiên, sự quan tâm của dư luận có thể chỉ mới dừng lại ở cảm thán và mang tính tò mò về vụ việc. Chưa thấy thông tin về một động thái nào từ các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể về việc tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của hiện tượng từ các góc độ xã hội, góc độ giáo dục, tâm lý ,văn hoá...
Một vụ tự tử đáng sợ như vậy (có tính tập thể) nhưng lại đang có nguy cơ bị hờ hững, bị cắt nghĩa đơn giản, và đáng buồn hơn là không được (hoặc "bị") quan tâm bằng vụ cá độ bóng đá (?!). Và gần như tất cả những gì liên quan - là nguyên nhân dẫn đến vụ tự tử này - lại gần như được xã hội ... "miễn tố". Điều đó cho thấy rất cần thỉnh một hồi chuông cảnh báo về tâm lý xã hội, về sự thờ ơ của cộng đồng.
Niềm vui trong học tập, niềm vui trong cuộc sống, sự đảm bảo an toàn, yên vui cho tuổi thơ - những người chủ tương lai của đất nước - cần được người lớn suy nghĩ , hành động cho con em chúng ta một cách nghiêm túc. Gia đình, nhà trường, xã hội là những môi trường cực kỳ quan trọng làm nên chất lượng sống của các thành viên. Tuy nhiên, có người lại có lý rằng ở nhiều nơi, nhà trường đã trở thành nơi "kiểm soát cuộc sống". Chương trình nặng, việc học nhồi nhét không kích thích tính tự chủ, tự tìm kiếm, sáng tạo của học sinh.
Hệ thống kiểm soát, thưởng phạt từ thầy cô, từ lớp trưởng, tổ trưởng, đến bàn trưởng , cách đánh giá bằng điểm và mặt tiêu cực từ nó sinh ra và đặc biệt là các mặt trái của các quan hệ trong môi trường này hiện nay... đã tác động rất lớn đến học sinh. Khả năng nhận thức và cách đánh giá, tiêu chí đánh giá lực học đang đè nặng lên tâm lý học hành, niềm vui học hành của số học sinh trung bình và kém (và cũng chỉ có số học sinh này). Cần nhớ rằng, trường phổ thông là phổ cập kiến thức cho tất cả loại nhận thức bình thường, không chỉ dành riêng cho loại xuất sắc.
Đó là chưa nói đến do sức ép thi cử, sức ép của cha mẹ, mà nhiều em một ngày phải học cả ba ca: Sáng, chiều, tối ( khoảng chừng 12 tiếng đồng hồ). Niềm vui học còn đâu khi phải đối đầu với những chương trình như vậy, với hệ thống kiểm soát như vậy?
Còn gia đình? Có phải là nơi chia sẻ, động viên, là nơi sum họp đầm ấm, hoà mục, hay với các em cũng là nơi kiểm soát, hoặc cha mẹ thờ ơ vì bận kiếm tiền, để kiếm chỗ đứng cao trong xã hội?
Mới đây, một chính trị gia nói đại ý rằng: Nếu chúng ta đảm bảo được rằng những trẻ em của đất nước thành công trong cuộc sống thì chúng ta sẽ đảm bảo được rằng đất nước sẽ thành công trên thế giới. Thành công trong cuộc sống, cụ thể là cuộc sống chứ không chỉ là lời ca chung chung: Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai.
Cứ tưởng rằng chúng ta quan tâm đến con em chúng ta. Nhưng cách làm của chính chúng ta đang là nguyên nhân, là thủ phạm của những việc đáng tiếc như vụ 5 em học sinh rủ nhau tự tử. Thế nhưng, thủ phạm dường như đang được ... "miễn tố"! Thế thì thật đáng sợ.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt