Tại sao học sinh chúng ta học dở?

03:51 CH @ Thứ Sáu - 28 Tháng Mười Một, 2003

Giáo sư Võ Tòng Xuân trong một tờ báo gần đây đã viết:

Theo tin báo New York Times ngày 20.8.2003, Hội đồng giáo dục của tiểu bang Florida (Mỹ) vừa họp xong ngày 19.8.2003 kiến nghị với các nhà làm luật của tiểu bang (Hội đồng tiểu bang) lật ngược lại quyết định đã ban hành hồi tháng 4.2003 về việc cải tiến tình trạng giáo dục phổ thông của tiểu bang.

Đứng trước tình trạng chất lượng giảm sút của học sinh phổ thông, Hội đồng tiểu bang quyết định nhiều thay đổi trong ngành giáo dục toàn tiểu bang, một trong các quyết định đó là việc bắt buộc phải giảm số học sinh trong lớp để thầy cô giáo có thể dạy có hiệu quả hơn.

Luật mới chỉ cho phép vào năm 2010 các lớp từ mẫu giáo đến lớp 3 chỉ có 18 học sinh mỗi lớp, lớp 4 đến lớp 8 chỉ có 22 học sinh, và các lớp trung học chỉ có 25 học sinh. Hệ thống giáo dục của tiểu bang Florida đang ráo riết chuẩn bị để thực hiện năm thứ nhất của luật mới này bằng cách giảm 2 học sinh mỗi lớp phổ thông trong toàn tiểu bang.

Vấn đề khó nhất họ đang phải đối mặt là phải lấy đâu ra cho có tiền để xây dựng thêm lớp học và các trang thiết bị và lấy đâu ra đủ số thầy cô giáo để dạy các lớp mới đó. Thí dụ chỉ tính riêng cho quận Palm Beach, người ta cần thêm 570 thầy cô giáo mới.

Nhìn lại nước ta, tình hình giáo dục phổ thông ngày càng xuống dốc, nhưng chưa có ai dám nhìn thẳng vào thực trạng để phân tích chi ly để có hướng khắc phục.

Có một lần, dự một hội nghị tại Hà Nội tôi nghe cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng mô tả tình trạng giáo dục của ta "tụt nhanh như nhảy dù”. Và đặc biệt gần đây nhất, Đại hội Đảng toàn quốc cũng nhìn nhận tương tự và kết luận cần có một sự cải tiến cơ bản và toàn diện nền giáo dục nước ta.

Những nhận xét này đã và đang được chứng minh một cách hùng hồn qua điểm thi tuyển sinh đại học hằng năm.

Tuyển sinh 2003 đã diễn ra tốt đẹp, nhất là đối với chất lượng các đề thi dư luận đại chúng đều công nhận đề thi bám sát chương trình học, vừa tầm cho học sinh làm bài.

Nhưng kết quả sau khi chấm bài xong chúng tôi mới thấy là điểm thi của phần lớn học sinh phố thông trung học rất kém, nhất là học sinh "tuyến giũa và tuyến dưới” (theo tên gọi của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Đặc biệt là học sinh phổ thông thuộc Đồng bằng sông Cửu Long quá kém: trên 60% chỉ đạt dưới 3 điểm cho 3 môn thi, và trên 90% chỉ đạt dưới 5 điểm cho 3 môn thi.

Số liệu này tương tự kết quả tuyển sinh các năm trước mà tôi đã lưu ý ghi nhận từ năm 1998 tại Đại học Cần Thơ.

Những ai quan tâm đến tiền đồ đất nước nhất định không thể dửng dưng trước thực tế này. Nếu để cho tình trạng giáo dục phổ thông của chúng ta tiếp tục đi xuống như thế này, từ khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn đương chức cho tới ngày nay vẫn chưa có dấu hiệu chặn lại, thì liệu nước ta có cạnh tranh được với ai trong một thế giới mà khoa học kỹ thuật đang tiến rất nhanh?

Dĩ nhiên chúng ta không thể cải tiến bằng cách làm như phần lớn các thầy cô phổ thông trước áp lực phải đạt chỉ tiêu thi đua trên giao nên cứ cho điểm nới tay để có tỷ lệ học sinh lên lớp cao hơn.

Chúng ta phải thành thật xem tại sao học sinh của ta ngày nay hoc dở như thế. Đã đến lúc toàn xã hội phải được báo động về tình trạng xuống cấp của giáo dục phổ thông! Chúng ta nên nhìn sự thật và thẳng thắn nhận ra những thiếu sót và những nhược điểm của giáo dục phố thông Việt Nam ngày nay để có chiến lược cải tiến nhanh, truy lại từ chương trình và phương pháp đào tạo sư phạm lạc hậu cho đến thiết kế chương trình học phổ thông các lớp, thiết kế các bài giảng, sách giáo khoa, dụng cụ dạy học, cơ sở trường lớp v.v...

Ở nước người, mới xét về số học sinh tối đa trong mỗi lớp mà các nhà làm luật và nhà giáo dục đã tranh cãi con số 22 hoặc 24, huống hồ gì các điều kiện khác bảo đảm cho học sinh học tốt.

Nguồn:
LinkedInPinterestCập nhật lúc: