"Chúng em yêu văn, nhưng chúng em chán học văn"

12:10 CH @ Thứ Tư - 06 Tháng Bảy, 2005

Trên Văn nghệ trẻ số 36 nhà thơ Phạm Tiến Duật có nhắc đến chuyện thái độ của học sinh đối với tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố. Ðiều này làm tôi nhớ lại hồi đầu năm 1999, khi Chân dung và đối thoại của Trần Ðăng Khoa đang là một best seller và hầu hết học sinh đều tâm đắc nhất với phần Trần Ðăng Khoa nói về chị Dậu. Lúc bấy giờ, trong một lớp bồi dưỡng học sinh giỏi văn lớp 9 của quận Ðống Ða đang chuẩn bị cho học sinh đi thi thành phố, thầy Long phụ trách buổi hôm ấy có bảo học sinh như thế này: các em cũng đã đọc Chân dung và đối thoại, cũng biết Trần Ðăng Khoa nói về chị Dậu như thế nào rồi. Bây giờ các em làm một bài văn tỏ ý kiến ngược lại và bênh vực chị Dậu nhé. Tất cả học sinh phản đối. Học sinh nói: chúng em đồng ý với Trần Ðăng Khoa. Chúng em không chấp nhận chuyện bán đi máu mủ ruột rà của mình vì một người không chung dòng máu. Văn học xưa nay ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng cao quý, chẳng lẽ giờ cái tình cảm thiêng liêng cao quý ấy lại bay sạch cả sao? Thầy giáo thấy vậy đành bảo: thôi vậy, bây giờ coi như các em đồng ý với chị Dậu hộ thầy vậy. Giả sử như thế và các em làm một bài văn ca ngợi chị Dậu đi, vì đề thi nếu có ra thì chắc chắn cũng không trách cứ gì chị đâu! Học sinh, sau đó, tất nhiên làm những bài văn, có thể là hay đối với một số người, nhưng là vô cảm với các em. Ðấy còn là chuyện ở lớp bồi dưỡng học sinh giỏi, nơi thầy cô cho học trò quyền suy nghĩ độc lập. Nhưng vì chương trình giáo dục đã không chỉ bắt học sinh phải đọc tác phẩm mà còn bắt học sinh phải hiểu và cảm nhận tác phẩm theo một hướng duy nhất, nên rốt cục cái bình đẳng mà thầy cô gắng hết sức tạo ra cũng chỉ gói gọn trong một vỏ hạt dẻ! Trong văn học liệu có gì là đúng và có gì là sai? Quan niệm đạo đức còn thay đổi từng ngày, nhưng quan điểm đạo đức trong một tác phẩm văn học lại phải giữ nguyên và trường tồn qua hàng thế kỷ!

Học sinh bây giờ không phải đã hết thích học văn. Nhưng môn văn bây giờ, có thể cần đem ra phường đổi tên lại thành môn chính tả. Học sinh lớp 12 còn tập chép chính tả, khác chăng là chính tả lớp 12 chữ có thể xấu hơn chính tả lớp 1 mà thôi! Cô Trương Ngọc Bích, một trong những giáo viên được đánh giá là dạy giỏi nhất nhì trường Kim Liên, một trường lớn ở Hà Nội, đã phải hoàn thành chương trình bằng cách đó. Bộ cho học sinh học những tác phẩm tuyệt vời, nhưng cả tác phẩm dài như Rừng xà nu hay Ðất nước, Mùa lạc mà các vị gói gọn cho học sinh trong 2,3 tiết học hỏi cô trò vắt chân lên cổ chạy có kịp không? Những tác phẩm mà chỉ riêng giới thiệu tác giả tác phẩm cũng đã hết hơn một tiết học, vậy giáo viên và học sinh còn thời gian đâu mà thảo luận, mà cảm nhận tác phẩm? Một tiết, là 45 phút, dành 15 phút đầu giờ cho kiểm tra bài cũ, còn 30 phút để đọc, để dạy, để học! Phần lớn quyển sách văn tập 2 (thường là phần văn học nước ngoài và lý luận văn học) bị bỏ trống là vì thế. Chỉ riêng dạy và học cho đủ các tác phẩm trong nước cũng đã khiến thầy trò đứt hơi! Bao nhiêu tiền in sách, bao nhiêu công biên soạn, rồi thì gửi cho gió cả! Kể cả với văn học trong nước, với ngần ấy thời gian mà lại muốn học sinh hiểu tác phẩm thật sâu (theo ý giáo viên) thì chỉ còn một cách là đọc cho học sinh chép cái cách hiểu sâu xa của những vị tiền bối mà thôi. Cô Bích nói trên thường đọc từ "Giảng văn văn học Việt Nam" hay "Ðể học tốt văn" và một số sách văn mẫu khác. Nhiều học sinh chăm đọc phát hiện ra điều đó thì thấy cô giáo mình thường quá, giáo viên văn mà không tự làm văn, lại đi đọc văn người khác cho học sinh chép, đâm ra thấy không phục giáo viên, và không phục thì chẳng có gì đáng để học tập nữa. Ðến giờ kiểm tra học sinh cũng cứ sách văn mẫu mà chép ra. Giờ dạy cô đọc sách cho trò chép, giờ kiểm tra trò chép lại từ sách ra giấy cho cô đọc. Vậy là huề. Môn văn dành cho các nhà nghiên cứu văn học ôm lấy, cô trò chỉ việc đá đi đá lại mà thôi.

Chả riêng gì cô Bích. Chả riêng gì trường Kim Liên. Giáo viên và học sinh những trường khác cũng đều dạy và học một kiểu ấy cả. Học sinh bảo tại giáo viên bắt mình phải học kiểu tập chép. Giáo viên nói chương trình ép quá, dạy chả kịp, đọc cho học sinh chép, rồi học thuộc, may ra còn đủ điểm tốt nghiệp! Thế là người ta đóng hộp rút chân không rồi đem nhét môn văn vào những cái đầu học sinh.

Còn đâu thời vớ được bài thơ hay là đem ngâm nga cả buổi rồi say mê bình luận. Học sinh giờ mê văn quá người ta lại bảo điên! Phụ huynh bảo con em nên học thi khối A, nhiều ngành, nhiều trường, dễ kiếm việc, lương lại cao. Người ta bảo khối C chỉ dành cho kẻ tư duy kém và là sọt rác cho những học sinh không học nổi một ngành nào khác thi vào. Chả ai bảo thật ra tư duy xã hội còn khó hơn tư duy tự nhiên nhiều lần và cũng không ai nói học giỏi văn còn khó hơn giỏi toán lý hoá.

Có chuyện một học sinh bình một cách say sưa chỉ về một dấu "." của câu thơ "Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang" trong "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử. Giáo viên nghe và ngợi khen. Ðó là chuyện của lớp chuyên. Vì là lớp chuyên nên mới được thêm tiết, mới có thời gian để cô trò thảo luận với nhau và phát hiện ra cái hay chỉ từ một dấu "." như vậy. Nhưng giờ bỏ trường chuyên lớp chọn, học sinh không có thời gian để bay bổng cùng môn văn nữa. Ðôi cánh lãng mạn của văn chương chỉ nâng học sinh bay cao được bằng những con gà rừng!

Có học sinh đi thi học sinh giỏi văn thành phố Hà Nội. Năm ấy nước ta bỏ thi toàn quốc nên đó đã là cấp cao nhất (được cái nền giáo dục nước nhà mỗi năm lại có một vài thay đổi nên nói lại chuyện cũ phải chú thích đôi dòng.Thế kể cũng thú, mới có chuyện để mà nói với nhau!).Trong kỳ thi quyết định (vòng 2) đề bài yêu cầu học sinh phân tích hai khổ trong bài "Ðoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận. Chẳng may học sinh ấy lại nghỉ mất buổi học bài thơ đó, và thậm chí cũng chẳng thuộc bài thơ ấy luôn. May mà đề thi đã in đủ hai khổ thơ đó ra. Và sau khi phân tích một cách say sưa hai khổ thơ mà mình chưa thuộc một chữ, học sinh ấy được giải nhất văn Thành phố Hà Nội! Có người bảo may, người bảo ghép nhầm phách. Chẳng ai bảo môn văn cần cái mới, cái lạ. Và giữa tập bài đầy những ý tưởng được đúc kết bởi các vị tiền bối và viết ra bởi nét chữ học sinh thì cách cảm của một học sinh chưa được định hướng có thể là lạ lùng, và nhờ thế, hấp dẫn hơn; nhờ thế, đễ được giải hơn. Không ai nói thế. Vì người ta quen rằng làm văn là phải có sách mẫu. Học sinh kia không mua một quyển tham khảo văn nào và vì thế có người quen hỏi xem em thường đọc sách gì để mua cho con tham khảo với, lại nghĩ em "giấu nghề" khi trả lời mình không thích sách văn mẫu!

Môn văn cứ thế mà ngày một thảm hại hơn.

Một trong những giáo viên dạy văn giỏi nhất thành phố Hà Nội, công tác ở phòng giáo dục quận Ðống Ða đã nói với đội tuyển đi thi học sinh giỏi văn thành phố của mình như thế này: "Các con học rồi đi thi hộ quận. Học nốt năm nay(lớp 9) đi. Rồi thôi. Chứ cũng đừng theo cái nghề văn này. Bạc lắm!". Cô là người mà hầu hết giáo viên quận Ðống Ða đều gửi gắm con em mình; chồng cô nguyên là phó tổng biên tập một tờ báo văn lớn nhất nước. Và cô nói với học sinh mình rằng văn bạc lắm các con ạ ! Thế mà học sinh vẫn cứ học. Các đội tuyển học sinh giỏi khác mỗi tháng nộp trên dưới 100.000 tiền mời giáo viên giỏi về dạy. Riêng đội tuyển văn không thu một xu, thậm chí còn dịu dàng gọi học sinh đi học. Ai bảo người ta đã quên văn? Giáo viên đau đáu với nghề. Học sinh đau đáu với học. Chỉ có chương trình là chẳng để ai yên.

Rời đội tuyển, rời lớp chuyên, ai yêu văn xin cất tình yêu của mình vào két sắt, chờ một ngày môn văn được (cải) cách xa môn chính tả một chút, học sinh đỡ khổ, giáo viên đỡ tủi…

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: