Những nghịch lý giáo dục

03:51 CH @ Thứ Tư - 30 Tháng Chín, 2015

Thế là cả nước lại chính thức bước vào năm học mới, sau khi tiểu học tựu trường sớm mấy tuần. Giữa lúc dư luận xã hội còn nhiều băn khoăn, lo lắng về chương trình và sách giáo khoa cải cách, chưa mấy ai thật sự tin tưởng vào chất lượng giáo dục của nước nhà thì một tin đăng trên báo Tin tức của TTXVN ngày 9-8 không khỏi làm nhiều người ngạc nhiên: theo kết quả khảo sát công bố trên một tạp chí Đức ngày 8-8-2003 thì trình độ học vấn của học sinh tiểu học ở Hà Nội cao hơn ở Munich - nơi chất lượng giáo dục được đánh giá vào loại cao nhất nước Đức.

Đó là kết luận bất ngờ mà hai nhà nghiên cứu Đức đã rút ra từ cuộc điều tra và phân tích ở 54 lớp tiểu học ở Munich và 20 lớp tiểu học ở Hà Nội. Hóa ra Việt Nam có một nền giáo dục tiểu học tốt bậc nhất trên thế giới, vượt cả Đức vốn được coi là nước có nền giáo dục phổ thông vào loại tiên tiến. Vậy phải chăng bao nhiêu lời phàn nàn, chỉ trích bấy lâu của dư luận xã hội đối với giáo dục đều thiếu cơ sở và chúng ta đã sai lầm khi đánh giá thấp chất lượng nhà trường mấy năm qua?

Theo nhận định của nhóm nghiên cứu nói trên, "học sinh Đức có phần thông minh hơn, nhưng khả năng tập trung chú ý thì học sinh Việt Nam vượt trội. Đặc biệt, học sinh Việt Nam vượt trội hơn hẳn về môn toán, kể cả khi làm các bài toán khó cần có tư duy... Học sinh Việt Nam có tinh thần kỷ luật cao, tuyệt đối kính trọng thầy cô, thân ái đoàn kết với nhau, coi học tập là niềm vui".

Cứ theo cách đánh giá này, nếu là người Đức tôi chẳng có gì phải lo lắng, còn là người Việt thì tôi không cảm thấy hãnh diện, trái lại càng thấy lo lắng nhiều hơn cho tương lai đất nước. Công bằng mà nói, cấp giáo dục tiểu học của ta, ít ra ở các thành phố lớn, vẫn còn nề nếp, kỷ cương và ít lạc hậu so với thế giới hơn các cấp học cao hơn như trung học phổ thông và đại học, đặc biệt là cấp đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ. ít ra chất lượng giáo dục tiểu học cũng còn nhiều điểm có thể tự hào. Vậy điều gì khiến ta lo lắng?

Vấn đề là ở chỗ những đức tính mà trẻ em ta vượt trội thì ở các nước người ta không đặt yêu cầu quá cao ở lứa tuổi tiểu học, vì điều quan trọng là giáo dục phải phù hợp và giữ gìn cho trẻ em tính hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ. Cho nên họ khuyến khích trẻ em chăm học bằng cách tạo hứng thú học tập chứ không phải ép buộc học thêm lu bù. Giáo dục của họ có nề nếp nhưng không gò bó, không theo khuôn phép cứng nhắc mà để cho trẻ em được phát triển tự nhiên, phát huy tính năng động của chúng, do đó, làm cho trẻ em biết tự tin, chủ động, biết xoay sở, và càng lên lớp cao càng thông minh hơn, càng sung sức hơn, chứ không phải mòn mỏi dần do từ tuổi nhỏ đã tiêu hao hết sức lực vào những mục tiêu nông cạn và thiển cận.

Đó chính là nguyên nhân vì sao trẻ em Đức có phần thông minh hơn trẻ em ta. Nói chung, tôi vẫn tin rằng trẻ em sinh ra dù thuộc dân tộc nào và tầng lớp nào cũng thông minh ngang nhau, trừ những ngoại lệ mà ở đâu và lĩnh vực nào cũng có. Một số nghiên cứu ở Mỹ đã từng xác nhận điều đó khi họ so sánh trẻ em da đen và da trắng. Sự khác biệt trong phát triển trí tuệ phụ thuộc chủ yếu vào môi trường giáo dục, chứ không phải nguồn gốc dân tộc hay giai tầng xã hội. Vậy khi trẻ em Đức được đánh giá có phần thông minh hơn trẻ em Việt Nam, thì điều đó cũng có nghĩa giáo dục của ta chưa chú ý đầy đủ việc phát triển trí tuệ, mà còn nặng nhồi nhét kiến thức, gò bó cá tính, và ít khuyến khích phát triển tính năng động, sáng tạo.

Có thể trẻ em ta biết nhiều thứ, nhưng chỉ khi được hỏi về những kiến thức có sẵn mới ứng đáp trôi chảy, còn khi đặt trước những tình huống mới, chưa được học tới ở lớp, mà phải vận dụng thông minh để xử trí, thì thường lúng túng, xoay sở kém; ngay các điểm cao về toán cũng chưa phản ánh khả năng thật, mà chủ yếu vì học nhiều, làm nhiều bài mẫu, luyện tập nhiều về các thứ mẹo vặt để giải các kiểu bài toán có tính đánh đố, mà nhiều khi cũng chỉ được hiểu một cách hình thức, giống như các máy tính biết đánh cờ giỏi vì đã được cài đặt những chương trình phức tạp.

Vài tuần trước tôi có xem truyền hình một buổi dạy toán cho học sinh tiểu học. Nội dung rất khó: tính diện tích của một hình đa giác bằng cách phân tích thành hình chữ nhật và tam giác. Tôi ngạc nhiên sao lại dạy khó như thế, nhưng hỏi ra thì đó là chương trình hiện nay tại các trường. Điều chắc chắn là với cách học đó, nhiều học sinh cảm thấy nặng nề, phải vất vả mới hiểu nổi mà chắc gì hiểu đúng, có lẽ chỉ tiếp thu hình thức. Cứ như thế năm này qua năm nọ, gồng lên mà chịu đựng sự căng thẳng, trách gì không dần dần mụ người, đầu óc trở nên chậm chạp, kém nhanh nhạy so với trẻ em ở những nước có một nền giáo dục hợp lý hơn.

Một số quan chức giáo dục viện cớ trẻ em các nước học nhiều giờ hơn trẻ em ta để nói rằng học sinh ta học thế này hãy còn ít chứ chưa phải đã quá tải. Đúng là giờ học ở lớp của họ nhiều hơn, song cần nhớ rằng trẻ em của họ phần lớn chỉ học ở trường, về nhà ít phải học thêm, làm bài thêm, trừ một số bài học thuộc lòng. Nhiều giờ ở lớp chỉ để học sinh tự làm bài tập, thầy có mặt chỉ để quan sát và giúp đỡ các em nào cần đến. Vì vậy trẻ em học nhẹ nhàng mà có hiệu quả hơn, đồng thời cũng tránh được sự bất công do khi ra bài làm ở nhà thì trẻ em các gia đình khá giả sẽ được thuận lợi vì có bố mẹ giúp đỡ còn trẻ em các gia đình nghèo và văn hóa thấp sẽ phải thiệt thòi.

Dù sao nhận xét của nhóm nghiên cứu Đức cũng đáng cho ta suy nghĩ vì nó gióng thêm một hồi chuông cảnh báo mà nhiều người trong nước đã từng nhiều lần lưu ý các nhà lãnh đạo: với nền giáo dục kiểu này học sinh Việt Nam học giỏi, ngoan ngoãn, có kỷ luật ở các lớp nhỏ, nhưng càng học lên cao càng đuối sức dần vì đã không biết dành sức chạy đường dài. Khi nhà trường chỉ tập trung nhồi nặn trẻ em theo một mẫu cứng nhắc thì nhiều đức tính có được chỉ là cái bề ngoài không sâu, không thực chất, khi lớn lên có thể dễ dàng mất đi hoặc biến dạng thành điều trái ngược. Mặt khác, sự gò bó quá mức ngăn cản sự phát triển tính năng động, tư duy độc lập, đầu óc tưởng tượng, cho nên sau này ra đời dễ bị hẫng hụt, và một khi không đủ tài trí thông minh để cạnh tranh lành mạnh thì có thể dễ dàng nảy ra xu hướng vươn lên bằng mánh khóe, lừa dối, gian xảo.

Cuối cùng cũng nên tự hỏi: vì sao con em ta giỏi toán mà đời sống kinh tế, xã hội ở nước ta về nhiều mặt lại thể hiện một cung cách làm ăn không hề biết tính toán - cứ xem chuyện mía, đường, xi-măng, xe máy, v.v. thì rõ - một trình độ dân trí (đúng hơn là quan trí) quá thấp so với cả những nước như Thái-lan, Malaysia, chứ nói gì Đức hay các nước phương Tây khác? Vì sao trẻ em ta có tinh thần kỷ luật cao, mà đời sống công cộng của người lớn trong xã hội lại biểu lộ một ý thức kỷ luật, trật tự thấp kém không thể chấp nhận được ở một nước cần hướng tới công nghiệp hóa và hiện đại hóa? Vì sao trẻ em được dạy bảo phải thật thà, trung thực, mà xã hội người lớn có quá nhiều gian dối, tham nhũng, buôn lậu? Bao nhiêu câu hỏi là bấy nhiêu nghịch lý nhức nhối.

Nói như các nhà khoa học hệ thống: muốn hiểu đầy đủ các vấn đề của một hệ phức tạp như giáo dục, dù chỉ là giáo dục tiểu học, phải nhìn rộng ra hệ trên của nó, ở đấy mới có thể tìm thấy lời giải đáp trọn vẹn. Xã hội mà còn xô bồ, thật giả lẫn lộn, kỷ cương phép nước không được tôn trọng, thì làm sao giáo dục tốt được. Tuy nhiên, lại cũng theo khoa học hệ thống, bất cứ hệ phức tạp nào cũng có tính độc lập tương đối của nó, thì giáo dục cũng vậy, cho nên dù khó khăn chung còn nhiều thì cái ngành hoạt động quốc sách hàng đầu này vẫn cần được sự quan tâm chăm sóc nhiều hơn của Nhà nước và xã hội để phát triển tốt. Thua kém về gì chứ về trí thông minh sẽ khó được bù lại bởi những ưu thế khác, nhất là ở thế kỷ tri thức này. Đó là quy luật khắc nghiệt sẽ trừng phạt chúng ta nếu cứ để cho giáo dục sa lầy trong những cuộc thi tốn kém vô lối và tàn nhẫn, những cuộc thí nghiệm chương trình và sách giáo khoa vội vã, hết cải tiến đến cải lùi, và những chuyện dạy thêm, học thêm, luyện thi tràn lan triền miên như không bao giờ chấm dứt được.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: