Học sinh trung học muốn gì: “Hãy lắng nghe chúng em”
“Đau lòng lắm khi nhìn những hiện tượng dạy và học đó” - một cô bé học sinh Quảng Ninh đã phát biểu như vậy. Hãy lắng nghe các em nói và nhìn lại trách nhiệm của người lớn – đó là nội dung chính của diễn đàn “Chúng em nói về giáo dục” được tổ chức từ 18 đến 20-8 tại Hà Nội với sự tham gia của 160 em từ 10 - 17 tuổi đến từ 11 tỉnh thành. Đây là một cơ hội hiếm có để các em nói về những suy nghĩ của chính mình...
Chủ đề được thảo luận chiều 19-8: Hãy nói về những điều các em thích và những khó khăn liên quan đến việc dạy và học hiện nay. Một câu hỏi cụ thể, và khó, đối với cả người lớn.
Nhiều học sinh Hà Nội vẫn chưa biết đến bàn phím?
Thoạt nghe, ai cũng tưởng đó là chuyện đùa, thế nhưng đây là chuyện hoàn toàn có thật, theo như khẳng định của em Nguyễn Hải Trà, nhóm “Phù sa đỏ”, học sinh lớp 9, Trường THCS Yên Viên, Hà Nội. Trà cho biết, mặc dù đây là thời đại của máy tính và internet song em chưa bao giờ được học một tiết Tin, chưa một lần được sờ đến bàn phím máy tính. Cả trường hiện chỉ có một máy tính nhưng lại dành cho cô văn thư để đánh máy và soạn văn bản nên mỗi khi xem ti vi, thấy các bạn học sinh cùng cấp nơi khác được học vi tính, được chơi games, em thèm lắm.
Không chỉ thiếu môn học vì không có máy móc, trang thiết bị, nhiều học sinh trường của Trà còn phải chịu áp lực về lượng kiến thức phải học khá nặng cộng thêm sự dồn ép quyết liệt của các phụ huynh trong cuộc chạy đua bắt con mình phải hơn hẳn con người. Trà kể, nhiều bạn tâm sự với em rằng, chỉ muốn trở thành một lao động bình thường nhưng cha mẹ lại buộc phải học ngày, học đêm để thành luật sư hoặc nhà khoa học
Cho em đến trường trong những ngày mưa!
Không có điều kiện sống ở thành phố như Nguyễn Hải Trà, em Nguyễn Thị Hồng Điệp, nhóm “Sông Tiền” (Cai Lậy, Tiền Giang) cho biết: Quê em ở vùng lũ nên cứ đến mùa mưa là trường dột, bàn ghế ẩm ướt, đường đi đến trường cũng rất khó khăn.
Nguyễn Thị Ngọc Anh, lớp 9 Trường THCS Hợp Đức (Tân Yên, Bắc Giang) cũng không ngại ngùng phát biểu, trường của em còn thiếu một số phòng học, nhiều phòng khác lại dột nát.
Mong ước của nhóm học sinh đến từ vùng miền xa xôi của tổ quốc - Trường THCS Võ Việt Tân, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang - đã khiến nhiêÌ€u ngươÌ€i tham gia diễn đàn không khỏi ngạc nhiên, xúc động. Trong mảnh giấy hồng nhỏ nhoi ghi nguyện vọng, đề xuất, em Nguyễn Thị Kim Tiến, học sinh lớp 7A2 ghi rằng, em mong được thầy cô giáo quan tâm, cha mẹ xem trọng và giúp đỡ; các bạn không bị phân biệt đối xử vì giàu nghèo; nhà trường tạo điều kiện cho học sinh đến trường trong những ngày mưa lũ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các em được yên tâm học tập...
Tiến tâm sự: ''Cứ mỗi khi trời mưa, đường sá đi lại khó khăn, chúng em thường phải nghỉ học vì trường ngập đầy nước, bàn ghế, đồ dùng học tập hư hại hết Những lúc như thế, em rất sợ phải thua bè kém bạn''.
Khó khăn còn đến từ thầy cô giáo!
Chìu Thị Hảo, nhóm “Bầu bí thương nhau” (Tiên Yên, Quảng Ninh) không thể không tủi thân khi “các bạn ở đồng bằng có đầy đủ sách vở, thậm chí không đọc hết được số sách tham khảo thì học sinh ở đây không đủ sách giáo khoa, vẫn còn phải học bằng đèn dầu. Đường đến với trường học thật khó khăn, nhiều bạn để học được cái chữ phải vượt 30 – 40 km đường rừng”.
Hảo còn cho biết thêm, hiện vẫn còn hiện tượng một số giáo viên không giảng bài mà dặn học sinh tự lấy sách vở học, còn giáo viên khoanh tay ngủ trên bàn. Học sinh không hiểu bài, hỏi giáo viên thì bị mắng...
Hậu quả là không ít bạn ở bản xa không nắm được kiến thức, có bạn tốt nghiệp tiểu học mà không biết làm những bài toán, bài văn đơn giản, thậm chí không viết nổi tên mình hay đọc được một bài tập đọc. Điểm thi cứ 0 và 1. Và Hảo cũng như nhiều bạn khác “đau lòng lắm khi nhìn những hiện tượng dạy và học đó”.
Với Tráng A Páo (Sapa, Lào Cai), khó khăn trong việc học hiện nay của em và các bạn là chương trình sách giáo khoa khó, học sinh dân tộc không dễ tiếp thu. Thêm vào đó, lại chưa có giáo viên dạy môn phụ nên nhiều khi các em không được học hết chương trình. Không chỉ dừng lại ở đó, khó khăn mà các em gặp phải còn là tình trạng một số thầy, cô chạy theo thành tích nên thiên vị học sinh, phạt nặng học sinh khác hay dạy thêm quá nhiều gây căng thẳng cho học sinh (TPHCM)...
Và 1.001 ước muốn...
Khi tổ chức diễn đàn, Bộ GD-ĐT, Hội đồng Đội Trung ương, Liên minh Các Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế và Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em mong muốn nhận được bức tranh toàn cảnh về giáo dục thông qua con mắt trẻ em.
Bức tranh ấy có thể được ghép bằng những trang vẽ, bài hát, vở kịch, mẩu chuyện, bài thơ hoặc những mong muốn, kiến nghị mà các em mang tới diễn đàn. Đó có thể là mong muốn giản đơn được cắp sách tới trường và sống cùng gia đình của nhóm “Vươn lên” - nhóm của trẻ lang thang - với tập thơ các em tự sáng tác. Cũng có khi là hy vọng các bạn khuyết tật được đi học như bao bạn khác của nhóm “Hòa nhập” (Vĩnh Phúc), hay đơn giản đến không ngờ là ước mơ có xuồng đi lại trong mùa lũ của nhóm “Sông Tiền” (Cai Lậy, Tiền Giang).
Nhóm “Sông Tiền” cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng xem xét lại thời gian đi học của học sinh vùng lũ để các em có thể nghỉ lũ thay vì nghỉ hè, bảo đảm thời gian lên lớp.
Nhóm “Phù sa đỏ” lại bày tỏ quan điểm các thầy, cô nên quan tâm hơn đến phương pháp giảng dạy mới để nâng cao chất lượng dạy học, ví dụ học môn lịch sử thì thay cho chỉ bản đồ, thầy và trò cùng diễn kịch, kể chuyện, tăng cường các phòng chức năng và dụng cụ học tập.
Nhóm “Yên Sở” (Hà Nội) mong giám thị và các học sinh nghiêm túc hơn trong khi thi cử, đồng thời trong quá trình học tập, lý thuyết và thực hành cần được coi trọng như nhau.
Nhóm học sinh vùng cao Lào Cai đề xuất phương án khắc phục tình trạng học sinh phải vượt hàng chục cây số đèo núi tới trường bằng cách chính quyền và các cơ quan chức năng xây dựng ký túc xá tại trường cho các bạn nhà xa...
Hôm nay, 20-8, ngày thảo luận thứ 3, các nhóm trẻ em dự kiến sẽ đưa ra một thông điệp chung cho diễn đàn. Buổi chiều, các em cũng sẽ dành 2 giờ (từ 14 giờ 30-16 giờ 30) để trao đổi trực tiếp với các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước về những vấn đề liên quan đến giáo dục...
Tintucvietnam.com
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Đánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh BùiSách và doanh nghiệp: Đọc để phát triển
01/01/1900Tố Tâm