Khủng hoảng lựa chọn văn hóa
Xem thêm:
Với tư cách một khái niệm, khủng hoảng lựa chọn văn hóa dùng chỉ một tình trạng của văn hóa, khi xã hội và con người thiếu (không có) các tiêu chí, chuẩn mực văn hóa có khả năng định tính, định hướng quá trình nhận thức văn hóa dẫn đến sự nhiễu loạn hành vi văn hóa của xã hội và con người…
Sinh sống trên vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa, với điều kiện địa lý riêng như vậy, hàng nghìn năm trước, người Việt đã lựa chọn canh tác nông nghiệp lúa nước làm phương thức sinh tồn chủ yếu và cùng với thời gian, kinh tế nông nghiệp lúa nước trở thành hệ quy chiếu quy định nét riêng của văn hóa Việt, cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ thế giới quan coi con người và thế giới đều được cấu trúc theo mô hình âm – dương có tính phổ quát, người Việt đi tìm một lối sống hòa đồng với tự nhiên, tự coi mình là bộ phận của tự nhiên và bằng lòng với vai trò là bộ phận. Sự ra đời của tổ chức cộng đồng từ yêu cầu cố kết để canh tác nông nghiệp lúa nước, cố kết để chống lại các cuộc xâm lăng… đã sớm hình thành nên ý thức cộng đồng – một yếu tố cực kỳ quan trọng trong trường tồn lịch sử. Cá thể và cộng đồng, cộng đồng và cá thể cùng lo nỗi lo, cùng chia sẻ niềm vui. Sống giữa “biển làng xã”, mỗi người Việt thấy vững tâm khi sống giữa cộng đồng, thấy lẻ loi khi vì lý do nào đó mà phải xa rời quan hệ huyết thống, hay láng giềng… “Sống bằng mồ mả, không ai sống bằng cả bát cơm”, “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”… các răn dạy trong xử lý quan hệ huyết thống, quan hệ cộng đồng thoạt nghe có vẻ như là phủ nhận lẫn nhau nhưng xét đến cùng, chính là sự đề cao, khẳng định vai trò quan trọng của các quan hệ trong cộng đồng. Nhưng hình như, vấn đề có ý nghĩa quan thiết nhất đối với cư dân nông nghiệp lúa nước là vòng quay không đổi của chu kỳ canh tác: cày bừa – gieo mạ - cấy – làm cỏ - bón phân – gặt mùa, rồi tiếp tục cày bừa – gieo mạ… đã tạo nên một tiết tấu sống khá ổn định trải qua các thế hệ. Xuân – hạ - thu – đông, tết đến xuân về, vụ chiêm – vụ mùa, mọi thứ hầu như ít biến động, đến ngày “song thập” (10 tháng 10) là ăn cơm mới, và không thể đi gặt vào tháng giêng cũng không thể đón tết vào ngày đông chí! Nghĩa là cha ông chúng ta đã sống và lao động theo một chu kỳ đã được xác lập, hay đã được “lập trình” – như ngôn ngữ hôm nay của chúng ta. Và cha ông quan niệm chỉ có thể nương theo tự nhiên, chứ không thể tác động để làm biến đổi tự nhiên. Các điều kiện địa lý – kinh tế riêng, sự lặp lại dường như không đổi của vạn vật… dường như đã không làm nảy sinh nhu cầu phân tích sự vật – hiện tượng ở xung quanh, không làm nảy sinh nhu cầu tổng kết, khái quát ở tầm mức lý luận; các kinh nghiệm đã được rút đúc, các vốn liếng kinh nghiệm mà các thế hệ tích lũy và trao truyền cho nhau cũng đủ phục vụ các nhu cầu sinh tồn thiết yếu theo nguyên tắc “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Do vậy, mọi sáng tạo vật chất – tinh thần xét đến cùng đều nhằm hoàn chỉnh “cái đã có” chứ không để tìm tòi “cái phải có” và cha ông đã chọn một lối sống dựa trên nền tảng triết lý quân bình, giữa hài hòa mọi mối quan hệ.
Từ thời Nho giáo du nhập vào Việt nam, dần dần tìm được chỗ đứng chân, thì trong nhiều trường hợp, Nho giáo trở thành chuẩn mực chi phối nhiều tiêu chí văn hóa bản địa. “Kính nhi viễn chi”, “ôn cố tri tân”, “tập kỳ đại thành”… các quan niệm của Nho giáo được du nhập đã thống trị trong tâm thức nhiều thế hệ và không góp phần thúc đẩy tinh thần khám phá, mà chủ yếu khuyến khích đi tìm sự thích nghi. Trong quá khứ, hầu như người Việt không ham lập các kỷ lục, không bị ám ảnh bởi ước mơ bay vào vũ trụ, không có ý định tự hỏi “hai vạn dặm dưới đáy biển” có gì… nhìn chung là ít quan tâm tìm hiểu thế giới ngoài mình. Sống trong xã hội cũng vậy, khi nhà nước phong kiến thiết lập, con người trở thành thần dân, ít biến động về địa vị, họ chủ yếu thực thi hai chức phận chủ yếu: tự lao động để nuôi sống mình và thực hiện nghĩa vụ đối với triều đình. Trong bối cảnh ấy, ông vua chuyên chế không quan tâm tới cải cách, càng không có ý định khuyến khích các ý tưởng cải cách. Như nhận xét của GS Trần Đình Hượu, thần dân đã bị “thần dân hóa toàn thể”, họ yên phận vị, tự răn mình tất cả là do mệnh trời, không thể làm cho biến đổi. Nếu có phải chịu cảnh bất công xã hội, cũng chỉ biết thở than. Chúng ta thường nhắc tới tổ chức và vai trò của làng xã Việt nam. Ngoài các mặt tích cực của làng xã trong lịch sử như nhiều tác giả đã kết luận, có lẽ cũng không nên quên rằng trong mấy nghìn năm, với làng xã, mỗi người tìm thấy chỗ dựa cho chính mình, làm nảy sinh tâm thế ỷ vào làng xã, đến mức như quên mất rằng, chính mình phải góp phần làm cho làng xã phát triển.
Với đa số người Việt Nam xưa, học hành là con đường khả dĩ dẫn đến sự đổi đời, hiếu học, trở thành một phẩm chất được đề cao. Sinh thời, GS Trần Quốc Vượng đã phác họa sự đổi đời này qua tương quan tam giác tính “vua – quan – dân”, vai trò xã hội của mỗi cá thể chủ yếu biến động trong tương quan tam giác tính ấy. Và như đã nói ở trên, xưa kia mọi sáng tạo vật chất – tinh thần xét đến cùng đều nhằm hoàn chỉnh “cái đã có” chứ không để tìm tới “cái phải có”, để tham gia các kỳ thi, tiền nhân chủ yếu học lại, ôn lại, trình bày lại. Và học để làm quan, học để đổi đời có lẽ đã trở thành một mục đích tối quan trọng chi phối sự hiếu học.
Tâm thế, tình trạng trên đây hầu như ít biến động trong đa số người Việt nam sau gần một thế kỷ bị người Pháp đô hộ. Ngoài tầng lớp tư sản dân tộc, trí thức ở đô thị, bộ phận tiên tiến trong giai cấp công nhân non trẻ, do tiếp xúc và tiếp nhận tri thức mà trong họ nảy sinh kiểu tư duy mới có quan hệ với nhận thức khoa học. Từ năm 1945, hoàn cảnh lịch sử khác trước đã đặt người Việt Nam vào những điều kiện sinh tồn mới. Từ ngập ngừng đến chủ động tiếp nhận và truyền bá, lẽ ra những tri thức có khả năng giúp hình thành một kiểu tư duy mới phải được du nhập trong tính hệ thống và toàn vẹn. Muốn chiếm lĩnh, mỗi người phải đạt tới trình độ học vấn nhất định, phải nỗ lực tự thân… thì do điều kiện lịch sử và có lẽ còn do yêu cầu thực dụng trong thực hành nữa, tri thức mới – đặc biệt là tri thức của các khoa học về tư duy, có ý nghĩa định hướng cho nhận thức và hành động, đã bị quy giản đến mức tối thiểu. Sự quy giản này phải chăng một mặt để phù hợp với trình độ dân trí, một mặt để đáp ứng kịp thời các đòi hỏi của sự giác ngộ? Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, hơn 90% người Việt Nam chưa biết chữ, nhận thức được điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi giặc dốt nguy hiểm không kém giặc đói, giặc ngoại xâm. Người kêu gọi toàn dân cố gắng khắc phục, vì Người đã nhận thấy muốn phát triển đất nước thì người Việt Nam phải học. Phong trào Bình dân học vụ là biện pháp cấp thiết của một giai đoạn, nhưng lại có “vệt kéo dài” tới gần mấy chục năm. Các khóa đào tạo vài ba tháng là thanh toán xong chương trình từ lớp 1 đến lớp 5, các lớp bổ túc, các khóa bồi dưỡng ngắn ngày… có kết quả rất đáng ngờ, vẫn tiếp tục tiến hành đến tận hôm nay. Với những tri thức đòi hỏi muốn thâu nạp phải có trình độ nhất định thì tình hình khá phức tạp. Thí dụ, mọi công dân Việt Nam làm việc trong lĩnh vực xã hội nào (nhất là viên chức làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước) cũng đã học qua một (vài) chương trình triết học Marx-Lenin, có chứng chỉ. Nhưng ngoài mấy công thức đã quy giản như “vật chất quyết định ý thức”, “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”, “quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất”… thì liệu họ còn lưu giữ được gì? Và nếu hỏi họ đã vận dụng thế giới quan, phương pháp luận triết học vào công việc chuyên môn như thế nào, liệu họ có thể trả lời? Vậy rồi nhiều người đã sử dụng mấy công thức quy giản như “cẩm nang lý luận”, không khác người xưa thuộc nằm lòng Tam cương, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức… Dẫn tới việc này sinh ra những căn bệnh: chủ quan duy ý chí, coi thường quy luật khách quan, sùng bái kinh nghiệm để xem thường tri thức lý luận, tri thức khoa học… Các căn bệnh này thể hiện qua sự hoành hành của tệ hành chính mệnh lệnh và hình thức chủ nghĩa, tệ gia trưởng độc đoán và thói ban phát ân huệ, tệ sùng bái cá nhân và thói nịnh bợ, thói sử dụng quyền lực thay cho tri thức, tệ tham ô,lãng phí và ỷ vào Nhà nước, giấu dốt và ngụy biện, quy chụp mỗi khi đuối lý hoặc muốn triệt hạ người khác, ăn cắp tri thức, coi thường lao động , bằng cấp “dỏm”, rồi dị ứng với ý kiến đóng góp thẳng thắn nhưng nghiêm túc. Quan ngại hơn là tình trạng người được đào tạo chuyên ngành khoa học này lại lãnh đạo người làm chuyên ngành khoa học khác, người không có chuyên môn lại lãnh đạo người có chuyên môn.
Ai đó có thể phản bác: làm lãnh đạo nghiên cứu khoa học không nhất thiết phải là chuyên gia, mà là người lãnh đạo, tổ chức giỏi. Đúng thôi, nhưng nếu chúng ta lãnh đạo, tổ chức giỏi trong khoa học thì nhất thiết khoa học phải có kết quả, phải đào tạo được đội ngũ chuyên gia đầu ngành – hai vấn đề dẫu chưa có con số cụ thể vẫn có thể đoán chắc còn… khác khiêm tốn.
Học sinh, sinh viên khấn xin điểm
Trong bối cảnh quốc tế phức tạp, một số thế lực đã và đang sử dụng mọi phương tiện để tấn công vào con người và chế độ, trong văn hóa dân gian có thể xuất hiện một số sản phẩm ra đời từ sự thiếu thiện chí, nhưng không có nghĩa là ý kiến của quần chúng lại không được coi trọng. Có lẽ do chưa có nhận thức đầy đủ, chưa kịp thời (chưa muốn?) khắc phục, nên tới hôm nay, tình trạng trầm trọng đến mức được định danh qua một khái niệm rất khôi hài là “quan trí thấp”?!
Ở các giai đoạn lịch sử trước, các quan hệ xã hội chưa phức tạp, các chuẩn mực và tiêu chí sống còn khá thống nhất, con người chưa tiếp xúc với quan niệm về cá nhân và ý thức chịu trách nhiệm về hành vi trước xã hội còn chưa hình thành rõ nét… thì tác động của các vấn đề trên có thể không lớn. Nhưng, vào lúc quan hệ xã hội đã trở nên phức tạp, khả năng truyền bá thông tin nhanh chóng, con người ít nhiều đã nhận biết về sự phát triển tự do của bản thân… thì những nội dung đề cập trên đây sẽ trực tiếp làm nhiễu loạn hệ thống chuẩn mực cùng tiêu chí sống, nảy sinh tình trạng khủng hoảng lựa chọn văn hóa trong một số nhóm xã hội và tất nhiên là ảnh hưởng tới xã hội. Một cơ thể xã hội khỏe mạnh sẽ là một cơ thể có khả năng đề kháng trước sự xâm nhập của bất kỳ loại virus nào. Một nền văn hóa có nội lực mạnh mẽ sẽ có khả năng tự đứng vững trên đôi chân của nó. Điều hiển nhiên ấy, trước hết phụ thuộc vào chính chúng ta, không thế lực nào có thể làm suy yếu nền văn hóa của đất nước này, trừ khi chúng ta tự làm suy yếu mình.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn