Thế kỷ của những chuyển dịch văn hóa

11:35 SA @ Thứ Ba - 03 Tháng Tư, 2018

Đối với Việt Nam, thế kỷ XX là thế kỷ của các biến động chính trị - xã hội. Để giành lại độc lập, dân tộc đã phải hao tổn quá nhiều xương máu và nước mắt. Những biến thiên ngoắt ngoéo của lịch sử đã đẩy văn hóa dân tộc vào tình thế chỉ trong một thế kỷ, đã phải chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn văn hóa rất khác nhau, trong các tình thế khác nhau.

Với văn hóa Trung Hoa là sự nối dài các quan hệ đã có từ quá khứ; với văn hóa Pháp, văn hóa Nhật Bản (dù chỉ trong vài ba năm trước 1945) và văn hóa Mỹ, nhiều khi là sự áp đặt; với văn hóa Nga, lại như tiếp thu khá chủ động. Dù sao thì, ảnh hưởng đó cũng góp phần làm cho văn hóa Việt Nam phong phú hơn. Như văn hóa với Nga.

Một thời, người Việt Nam không chỉ say mê nồi áp suất, "phích" đá, đài Rigonda, áo "bay", xe máy Minxk, tủ lạnh Saratov,... mà cả Thép đã tôi thế đấy (N. A. Ostrovsky) trở thành sách gối đầu giường với Pavel Corsaghin là thần tượng; rồi giai điệu của Đôi bờ, Chiều hải cảng, Cachiusa, Tuổi thanh niên sôi nổi,... đã là bộ phận cấu thành nên đời sống thẩm mỹ của mấy thế hệ.

Từ ngày mở rộng quan hệ kinh tế và văn hóa với thế giới, văn hóa - văn minh phương Tây tiếp tục tràn vào Việt Nam, quá trình Âu hóa tái xuất hiện với một tần suất cao trong sinh hoạt xã hội. Thực tế cho thấy, trong giai đoạn trước, quá trình Âu hóa dẫu mạnh mẽ nhưng vẫn không thể thay thế tất thảy các quan niệm, hành vi ứng xử, cũng như mọi thói quen, nền nếp văn hoá...

Tình trạng lưỡng phân kéo dài trong nhiều thập kỷ, chưa lúc nào Âu hóa tỏ ra lấn lướt. Quãng những năm 60 của thế kỷ XX, trong nhiều gia đình Việt Nam ở miền Bắc, đa số các bậc phụ huynh vẫn không vừa lòng với cô con gái có mái tóc phi-dê (frisé), hay đi chơi quá giờ quy định của gia đình mà lại không xin phép. Cũng là thời mà các "ông Tây An Nam" vẫn bị xem như hình ảnh lố lăng.

Tức là sau hơn nửa thế kỷ tiếp xúc với văn minh phương Tây, về cơ bản người Việt vẫn bảo lưu rất nhiều giá trị văn hoá vật chất - tinh thần truyền thống. Các thế hệ sinh trong những năm 30, 40, thậm chí là những năm 50 của thế kỷ trước vẫn lưu giữ khá nhiều giá trị này. Đến hôm nay, mọi việc dường như đã khác.

Ở đô thị, vốn liếng thời gian rỗi ít ỏi và cả sự "đua theo" một vài kiểu lối thời thượng đã lôi cuốn nhiều người đến với siêu thị (super market), nơi những người mẹ trẻ có thể mua thức ăn sẵn dành cho cả tuần, để cho cha mẹ già chỉ còn việc lên gác xuống nhà, xem ti-vi hay rủ nhau tập thể dục dưỡng sinh.

Trong mâm cúng gia tiên ngày tết ở nhiều gia đình, đã thấy có ngô ngọt xào, thịt hun khói, jambon, và xúc xích Đức - những món ăn mà mấy chục năm trước vẫn chưa thể len lỏi vào mâm cơm của người Việt. Nên không có gì ngạc nhiên nếu thấy trong bữa tiệc của gia đình nào đó lại được tổ chức mô phỏng theo thực đơn (menu) nhà hàng, bắt đầu bằng súp gà và kết thúc bằng bánh mì phết bơ.

Rồi những bộ đồ Jean "cả cây", mini jube tối màu, cravatte in dòng chữ made in France,… cùng sự hiện diện của những chai XO, Johnnie Walker và Rémy Martin trên bàn thờ các cụ,… thật sự đã và đang tiềm ẩn các khả năng biến khăn xếp, áo dài, nón Huế,... thành trang phục của dịp lễ lạt hay cần giới thiệu bản sắc; và biến những chai "cuốc lủi" nút lá chuối khô thành thú vui của các cuộc nhậu bình dân và của người hoài cổ...

Như mọi chuyển dịch của xã hội lúc giao thời, một bức tranh văn hóa đa sắc, đa diện đang phát lộ ở nhiều khía cạnh phong phú, sinh động, song không kém phần phức tạp.

Thực trạng này có thể đưa tới một cái nhìn bi quan nếu chỉ dựa trên các giá trị văn hóa cổ truyền. Đồng thời, lại có thể đưa tới cái nhìn lạnh lùng nếu lấy các tiêu chí văn minh - hiện đại để định tính, mà thiếu vắng điểm tựa truyền thống. Cho nên, cần nhìn vào đó một cách trực tiếp, để nhận ra sự đổi thay, bởi tình thế xã hội đã khác trước.

Cuối thế kỷ XX, mọi việc xảy đến với văn hóa Việt Nam quá nhanh và chuyển dịch văn hóa diễn ra quá gấp gáp. Ngoảnh đi ngoảnh lại, đa số lớp trung niên chưa kịp hiểu Internet là gì thì lớp cháu con đã kịp chat qua Internet để kết bạn với một John, một Smith nào đó ở phía trời Tây.

Rồi nhiều người đã chấp nhận, dù vẫn thấy chướng mắt, về sự hiện diện hàng ngày không chỉ trên đường phố mà trong ngôi nhà của mình các mái tóc nhuộm xanh đỏ tua tủa như lông nhím vì được xịt keo "bọt", hoặc những chiếc áo kéo phía trước thì hở phía sau, kéo phía sau thì hở phía trước. Rồi đám trẻ bắt đầu không quan tâm tới ý nghĩa của khái niệm "mất dông" vốn rất chặt chẽ trong quá khứ, chúng đi chơi giao thừa tới 4 - 5 giờ sáng.

Và nếu về nhà mà cha mẹ chưa mở cửa thì chúng đi chơi tiếp, và bữa sáng đầu tiên của năm mới là bát bún riêu giá đắt vài lần so với giá ngày thường. Rồi chúng hồ hởi đón chờ ngày Valentine để gửi cho nhau một bông hoa hồng đỏ - món quà tặng mà nhiều người do không nắm bắt được thông điệp tình yêu của nó nên vẫn vác đại lên sân khấu tặng cho diễn viên.

Rồi mỗi khi có thời gian rảnh rỗi là chúng rủ nhau đi "phượt", mò mẫm đến những nơi đèo heo hút gió mà sau đó nghe kể lại, khối bậc cha mẹ phải tròn xoe mắt vì kinh ngạc. Rồi chúng rủ nhau tới các cửa hàng Pizza "oánh chén" một cách thích thú, nhất là hôm nào ở đó người ta khuyến mãi theo lối mua một tặng một. Một cách tự nhiên, hầu như mọi người đã chấp nhận lời Chúc mừng Năm mới qua telephone, qua SMS, qua e-mail mà không cảm thấy việc làm ấy có điều gì thất thố, hay thiếu tôn trọng...

Nghĩa là các chuyển dịch văn hoá mới đã và đang bắt đầu, phần nào được thừa nhận như là kiểu loại chuẩn mực, hành vi được coi là phù hợp với tiết tấu, nhịp điệu, quan niệm thẩm mỹ, khuôn mẫu ứng xử của lối sống đương đại.

Hơn nửa thế kỷ trước, khi ở một số đô thị xảy ra hiện tượng tiếp nhận - biến đổi văn hóa (hay tiếp biến văn hóa) sau một thời gian quan hệ với văn minh phương Tây, người Việt ở nông thôn vẫn nhìn về đô thị như nhìn một "thế giới khác mình".

Như chị em cô bé Liên trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, họ nhìn về phía Hà Nội thấy "không rõ rệt cái gì, chỉ là một vùng sáng rực và lấp lánh" nên hiếm mới có người dám gia nhập vào thế giới đó. Mấy thập kỷ trước, do điều kiện kinh tế và cả do e ngại, văn minh đô thị rất khó xâm nhập vào "cái biển làng xã" mênh mông vốn bảo lưu khá chặt chẽ các tập quán văn hóa cổ truyền.

Ngày nay, tình hình đã khác trước, văn minh đô thị có điều kiện tỏa rộng ảnh hưởng. Còn từ góc độ của xã hội học, người nông dân Việt Nam đã có sự chuyển dịch vai trò xã hội. Họ được mở rộng tầm nhìn, được đánh thức khát vọng và tự phát tiếp nhận, chuyển tải một số nội dung văn hóa - văn minh từ đô thị mà họ có điều kiện và họ biết mình có quyền gia nhập, biến chúng thành tài sản của mình.

Tuy nhiên, chính sự tự phát ấy đã làm cho đời sống văn hóa - văn minh tại một số vùng nông thôn Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn tạp. Ở đó, các giá trị văn minh thường được chọn lựa qua xe máy Wave, đầu VCD GVG, quạt MD,... mang nhãn hiệu made in China. Và sau lũy tre làng, các ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, ngất nghểu cần anten, cùng ngang dọc những bức tường cắm mảnh chai bia Tàu nham nhở, làm cho giậu mồng tơi và hàng râm bụt chỉ còn lại trong ký ức người già.

Đường làng lát bê tông trắng lóa mắt, hai bên đường là hệ thống cống rãnh được quản lý theo nguyên tắc "cha chung không ai khóc", nên có màu - mùi tương tự như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu giữa đất Hà thành. Cưỡi trên xe máy phóng vèo vèo và phun khói mù mịt vào mọi ngõ ngách, ngày nay cánh trai làng không còn lo về chuyện "công tử nhất bộ".

Họ được học hành, được đi đây đi đó và sau mỗi chuyến mưu sinh, họ mang về làng điều hay thì ít, thói hư tật xấu thì nhiều. Nên, nếu thấy cảnh trai làng túm năm tụm ba rượu chè, cờ bạc, thậm chí nếu đọc mẩu tin ngắn: "Các đối tượng này ngày làm ruộng, đêm tối đèo nhau bằng xe máy lên nhà Tùng Anh. Mạnh mua dùi cui điện, Tuyên và Tùng Anh sắm dao, thế là chúng biến thành một nhóm cướp nguy hiểm, hoành hành trên địa bàn TP Thái Bình và các huyện Vũ Thư, Đông Hưng, Quỳnh Phụ" cũng không còn thấy đó là sự lạ.

Sự phình ra của rất nhiều đô thị, đất đai canh tác bị thu hẹp, nắng mưa ngày càng thất thường, công việc nhà nông vất vả, khó nhanh chóng đưa tới sự giàu có, lại sớm tiêm nhiễm lối sống hưởng thụ, một số thanh niên ở nông thôn đang tự tha hóa, đang tự biến mình thành một bộ phận "khác lạ" của nông thôn Việt Nam. Đó là chưa nói có người còn hăng hái níu kéo nhiều lề thói tiểu nông tư hữu mà biểu hiện rõ nhất là thói ích kỷ theo kiểu "trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ" và hiện tượng "phong tỏa gái làng"…

Còn một sự thật đáng lưu tâm nữa là tình trạng phụ nữ ở nông thôn ra thành phố làm người giúp việc. Lao động chân chính ấy đã và đang trở thành "món hàng" để trục lợi của những kẻ môi giới, và đã có một số phụ nữ nông thôn dường như vì muốn khẳng định vị trí xã hội của mình, vì muốn nhanh chóng đổi đời mà đã thực hành một số hành vi rất khó có thể chấp nhận.

Cho nên, chỉ cần vào google.com.vn gõ dòng chữ "ôsin giết chủ nhà" là có thể tiếp xúc với hàng trăm nghìn kết quả, qua các thông tin như: Mười tám năm tù cho osin giết chủ nhà cướp tài sản, osin giết chủ nhà lấy tiền vàng, Tử hình ôsin giết chủ nhà man rợ, Vụ osin cắt cổ chủ nhà, osin 16 tuổi cắt cổ chủ nhà...

Nhìn trên toàn cảnh, sự tăng trưởng về mức sống và cái mới về văn minh dường như chỉ đem lại một số chuyển dịch hình thức - với dáng vẻ bên ngoài khác nhau trong đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam ở cả vùng đô thị lẫn vùng nông thôn. Còn về thực chất, các chuyển dịch ấy vẫn chưa có khả năng làm biến đổi một cách cơ bản các thói quen, tập quán ổn định đã lâu đời.

Từ tiếp nhận - biến đổi văn hóa đến chuyển dịch, rồi phát triển văn hóa, là một quá trình rất lâu dài. Cũng tức là chuyển dịch văn hoá luôn chuyển tải một ý nghĩa nhất định, trong thời gian nhất định. Bởi đó là quá trình chọn lọc, tích luỹ, để từng bước hình thành nên bảng giá trị vật chất - tinh thần mới được xã hội thừa nhận, tạo tiền đề cho văn hoá phát triển.

Tuy nhiên, nếu chuyển dịch diễn ra trong sự mờ - nhòe kéo dài, lại không được hướng dẫn bởi ý thức tự giác thì hiển nhiên sự phát triển văn hoá sẽ gặp không ít khó khăn. Cho nên, từ toàn cảnh của nó, có thể đặt câu hỏi: Phải chăng chuyển dịch văn hóa đương thời đang phát lộ điều chúng ta không mong mỏi rằng, đây mới chỉ là các chuyển dịch văn hoá tự phát?

Nội dung liên quan

  • Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá

    29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Hệ giá trị bị chao đảo mạnh. Hệ chuẩn mực đánh giá thay đổi mạnh. Có sự phân hóa của người viết, người đọc, của văn chương đặc tuyển, văn chương đại chúng. Có sự trỗi dậy của văn chương mạng, internet, sự thu hẹp của văn chương sách giấy. Tất cả đang được sắp xếp lại để định hình...
  • Hồn Tết vơi đi

    02/02/2019Đào Vân ViệtLại sắp Tết rồi! Nhớ những lúc giao thừa. Hình như năm nào bà cũng đi ra đi vào, rồi phàn nàn với con cháu rằng thế này thì bỏ hết tết à! Năm nào cũng vậy, sau khi sắp xong mâm cỗ giao thừa là con cháu tản đi hết...
  • Trách nhiệm hàng đầu - đổi mới văn hóa và giáo dục

    17/12/2015Nguyễn TrungChỉ có văn hoá và giáo dục dục mới có thể làm nên diện mạo một nước Việt Nam mới, sau đó mới đến công nghiệp hoá –hiện đại hoá! Có văn hoá, có giáo dục, mới có thể công nghiệp hoá đất nước theo hướng hiện đại...
  • Biến động văn hoá thập kỷ đầu tiên

    13/05/2015Nhà phê bình: Phan Cẩm ThượngThập kỷ đầu tiên của thế kỷ trước (1900-1909), nền văn hoá Việt Nam biến động dữ dội như chính xã hội và chính trị lúc bấy giờ. Xu hướng phương Tây được áp đặt và thống trị trong giáo dục của người Pháp ở các thành thị, còn nông thôn vẫn mù mịt cho đến hơn nửa thế kỷ sau. Trí thức Việt Nam lúc đó biết dùng văn hoá hiện đại vào việc cách tân đất nước trong những phạm vi nhất định...
  • Văn hóa đang "loạn chuẩn"?

    28/05/2014Nguyễn Như PhongKhông hiểu nghĩ thế nào mà người ta đưa một ông diễn viên chèo đóng vai Lý Thái Tổ trong khi theo nghi lễ truyền thống, để nhớ bậc tiền nhân người ta thường rước kiệu hoặc rước bài vị hoặc rước một kỷ vật nào đấy của người xưa. Đóng giả vai vua trong những sự kiện trọng đại thế này đó chính là sự xúc phạm đến tiền nhân...
  • Khoảng cách thế hệ: có đáng sợ?

    30/08/2013Nguyễn Thị Ngọc HảiKhông phải bây giờ mới có vấn đề này. “Chứng cớ” là từ điển Oxford đã có nó từ lâu với định nghĩa rất khoa học: generation gap là sự khác biệt về thái độ giữa những người khác thế hệ. Trong đó, chữ “thái độ” được giải thích là sự suy nghĩ và cảm nhận như thế nào về một sự việc, một người nào đó.
  • Đợt sóng thứ ba

    18/12/2010Trịnh Thị Kim NgọcĐợt sóng văn minh thứ ba với nền kinh tế tri thức cũng kéo theo những biến động không nhỏ đối với cuộc sống con người và tạo nên một kiểu văn hoá tổ chức và hoạt động xã hội hoàn toàn khác, không giống như các design được lặp đi lặp lại, trước đây. Biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của "ngôi nhà điện tử" đến hoạt động cộng đồng, tâm lý cá thể, phương thức quản lý lao động, đến môi trường và nhiều vấn đề kinh tế khác.
  • Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hoá phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX

    11/08/2010Vương Trí NhànTừ Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch qua Phan Chu Trinh và các nhà nho hoạt động cho Ðông Kinh Nghĩa Thục, trong giới trí thức - thường gọi là các sĩ phu - của nước ta cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thấy nổi lên một loạt người có cách nhìn khác đi so với cách giải quyết thông thường các vấn đề xã hội.
  • Đi tìm chân dung đô thị Việt

    03/07/2010Kim YếnLà tác giả của nhiều dự án quy hoạch đô thị trong và cả ngoài nước như quy hoạch đảo Phú Quốc, Phố Đông Thượng Hải và hai bờ sông Hoàng Phố – Trung Quốc, cuộc trao đổi giữa TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn và đội ngũ kiến trúc sư trong nước diễn ra vào ngày 26.6 tại Càphê Thứ Bảy đã đặt ra nhiều suy nghĩ.
  • Ngàn năm sẽ là vô nghĩa

    28/06/2010Nguyễn Trương QuýHà Nội. Khi viết hai từ đó ra, chúng ta ít nhiều có những chủ kiến: trái tim cả nước, nghìn năm văn hiến, tinh hoa văn hóa. Trừ những yếu tố kiểu “lịch sử để lại”, thì văn hóa là thứ phổ quát mọi đô thị đều cần chứ không riêng Hà Nội...
  • xem toàn bộ