"Nhạy cảm" - một từ rất hay trong giới văn hóa

04:36 CH @ Thứ Ba - 04 Tháng Tám, 2009

Khá ngạc nhiên là cái “lão” có đầu bờm sư tử bạc, ít nói và chỉ “khỏe” ăn cà rốt luộc trong các buổi tạc thù với bạn bè, lại có vẻ nói nhiều đến thế khi đụng đến những vấn đề anh yêu thích, đã làm, chưa làm được và cả… những “bức xúc” trong công việc nữa. Đã từ lâu, cái tên Đoàn Tử Huyến rất quen thuộc với bạn đọc, không phải chỉ bởi anh là một dịch giả tài hoa, một tay làm sách chuyên nghiệp xuất phát từ tình yêu đối với sách… mà còn bởi những câu phát biểu, những ứng xử gây “sốc” cho không ít người. Có gì mâu thuẫn chăng, giữa con người đam mê và rất kén chọn khi đọc sách với con người kinh doanh sách trong thời buổi thị hiếu của người đọc không có một cái chuẩn nào cụ thể?

Xin bắt đầu từ chuyện cũ.Văn học nước ngoài” được coi là một tờ tạp chí sang trọng của Hội Nhà văn Việt nam (HNVVN) và được khá nhiều người yêu thích. Là một trong những người sáng lập, điều hành ngay từ buổi đầu, sao bỗng dưng anh lại từ bỏ nó?

- Chuyện cả chục năm nay rồi… Khi mình không được làm những cái mình thích, mình ấp ủ vì thấy cần cho bạn đọc thì hà cớ gì mình phải làm theo ý thích người khác? Khi lập đề án cho sự ra đời của “Văn học nước ngoài”, tôi mong muốn nó phải được “nuôi dưỡng” thành một "đứa con" sang trọng, kiêu sa (ngụ ý không có lối quảng cáo kiếm tiền thô thiển - PV) và dự định sau khoảng dăm năm sẽ mang đến cho bạn đọc một cách có hệ thống những tinh hoa văn học của thế giới từ trước đến nay, cũng như giới thiệu kịp thời những thử nghiệm mới trong sáng tác của thế giới - có thể cái thử nghiệm ấy, sau này chưa hẳn là đứng vững nhưng nó là cần thiết để người cầm bút Việt Nam biết hiện nay thế giới người ta đang làm gì, quan tâm tới gì và hướng thử nghiệm là gì… và theo dõi biết được thử nghiệm ấy thành công hay không… Muốn vậy thì hoạt động của tờ tạp chí phải được định hướng bằng nghiên cứu, lý luận, chứ không đơn thuần là sự ngẫu hứng, gặp gì in nấy. Phải biết người đọc, và trước hết, người viết (vì đây là tờ tạp chí của HNVVN) cần gì. Định hướng là vậy, và hồi đó tôi cũng may mắn có một số bạn bè tự nguyện làm cố vấn không công như Nguyễn Văn Dân, Phạm Xuân Nguyên, Đỗ Lai Thúy… Chúng tôi thường xuyên gặp nhau để trao đổi, chắt lọc ý kiến trước khi quyết định nên làm gì cho số tới… Còn về việc tôi rời bỏ nó, thực ra chẳng có ai "đuổi" tôi cả, nhưng vì nhiều lý do, áp lực, tôi nhận thấy khuynh hướng của tờ tạp chí không theo đề án của tôi, nên tốt hơn hết là mình ra đi, để họ làm theo cách của họ, hay dở, thành bại sẽ có thời gian phán xét. Về việc đánh giá tờ “Văn học nước ngoài” hiện nay, tôi đã từng phát biểu rồi, nay không nói lại, và xin để đông đảo bạn đọc và các nhà chuyên môn phán xét công bằng - trong đó có cái đúng và cái sai của cá nhân tôi.

Như vậy mục đích của anh là hướng dẫn cho người đọc nhiều hơn là chiều theo ý người đọc? Có vẻ anh quá khó tính khi những người “ngoại đạo” như tôi chẳng hạn, vẫn cho rằng đó là một tạp chí đọc được?

- Đúng vậy. Tạp chí là của HNVVN, trước hết là dành cho những người làm nghề viết văn, do vậy phải cung cấp cho họ - xin nhấn mạnh, những người làm nghề - những gì họ cần, và có quyền đòi hỏi. Đó là, như tôi nói, những thông tin, kiến thức mới và có hệ thống của văn học thế giới. Còn đối với người đọc bình thường thì người ta cũng nên cung cấp những món lạ và ngon chứ. Hiện nay, tôi thấy nó, tạp chí ấy, “gặp gì làm nấy” này. Đó là một cách tiêu tiền của Nhà nước mà không mang lại lợi ích tương ứng cho đối tượng được Nhà nước giao phải phục vụ. Nói tôi khó tính cũng được, nhưng rõ ràng, những người trong nghề như chúng tôi khó có thể chấp nhận. Tại sao tôi lại phải bỏ tiền ra mua (kể cả là được biếu) những thứ thứ phẩm như vậy: những thông tin, và cả tác phẩm đã in, đã được đọc từ lâu rồi, chẳng có gì mới mẻ.

Người ta nói chỉ có Đoàn Tử Huyến mới có được quyết định dễ dàng như thế bởi ông ta có cả một “sân sau” rất rộng: Đó là Công ty sách và mấy nhà sách nằm rải rác ở HN…Nói tóm lại, có thể gọi anh là một “đại gia” trong ngành xuất bản?

- Không đúng. Khi ra đi tôi mới chỉ có một quầy sách nhỏ ở 49 Trần Hưng Đạo. Tôi đã làm tờ tạp chí với rất nhiều tâm huyết, công sức, với kì vọng sẽ làm được việc mình vừa yêu thích, vừa có ích cho nhiều người, cho xã hội, nên không thể nói tôi quyết định rời bỏ nó một cách dễ dàng. Nhưng mặt khác, tôi cũng không thể làm cái việc tôi không thích, ở cái nơi tôi không thích, với những người có cung cách làm việc tôi không thích....

Cái tên “Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây”- nghe có quá “tham vọng” không, thưa anh? Các anh đã làm được những gì trong 10 năm qua?

- Chúng tôi đã tổ chức xuất bản gần ngàn cuốn sách, trong đó có không ít công trình có giá trị được bạn đọc đánh giá cao, như “Phan Bội Châu toàn tập” (10 cuốn), bộ sách nhiều tập Tuyển tập tác phẩm các tác giả trong và ngoài nước, An Nam chí lược, “Thủy kinh chú sớ”, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, các tác phẩm của Trương Tửu, Phạm Quỳnh, Hoàng Cao Khải... và gần đây nhất là bộ sách nhân dịp kỉ niệm 230 năm năm sinh và 150 năm năm mất Nguyễn Công Trứ gồm năm cuốn (đến nay đã ra mắt được ba cuốn, trong đó tập Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử có qui mô khá đồ sộ - trên 1.100 trang sách khổ lớn). Bên cạnh đó là một thư viện công cộng gồm khoảng 10.000 đơn vị tài liệu, trong đó có nhiều bản thuộc loại quí hiếm, sẵn sàng phục vụ mọi đối tượng bạn đọc. Chúng tôi cố gắng chuyển tải, quảng bá các giá trị văn hoá của nhân loại vào Việt Nam và ngược lại. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung "giới thiệu lại" những giá trị văn hóa, tinh thần mà cha ông chúng ta, những người Việt nhiều thế hệ trước đã tạo ra nhưng vì nhiều lí do thời gian qua chúng ta đã không đánh giá đúng mức. Trước mắt, chúng tôi xác định làm công tác "tư liệu" là chính, nghĩa là cố gắng giới thiệu càng nhiều, càng đầy đủ, trọn vẹn càng tốt, những gì người trước đã làm (nhưng bị thời gian và định kiến vùi lấp), từ đó mới đánh giá đúng đắn để làm cơ sở loại bỏ hay phát triển. Tôi nghĩ khôi phục lại những giá trị văn hóa Việt Nam ta một cách đầy đủ, bài bản là việc rất cần làm nhưng chưa được làm một cách tương xứng.

Thế còn các buổi trao đổi bàn tròn, giao lưu, giới thiệu sách thường xuyên giữa các tác giả và bạn đọc tại thư viện?

- Đó cũng là một hình thức khôi phục và nâng cao "văn hoá đọc" như chúng ta nói nhiều tới trong thời gian gần đây. Qua vài năm hoạt động, qua mấy chục buổi giao lưu, tôi có thể khẳng định rằng đó là một hình thức sinh hoạt văn hoá và học thuật bổ ích, được nhiều người quan tâm. Đây cũng là cách giúp bạn bè - tác giả “định vị” được những sáng tác của mình. Thật buồn khi (có khi cả đời) in được cuốn sách ra, mà không biết bạn đọc đón nhận như thế nào. Những buổi giao lưu như vậy, có cả nhà phê bình lẫn bạn đọc, sẽ giúp ích tác giả rất nhiều. Các buổi trao đổi bàn tròn cũng vậy, tạo cái cớ cho những người yêu nghề gặp nhau, cập nhật thông tin… Và, còn một điều nữa, có thể nhiều người chưa biết để quan tâm, ấy là trong những buổi giao lưu đó đọc giả thường được tác giả hào phóng kí tặng sách, và đến mua sách ở Thư viện Đông Tây bao giờ cũng được ưu đãi (giảm khoảng 30% giá bìa).

Nhìn lại những gì Trung tâm đã làm được, anh có hài lòng?

- Những gì đã làm, mặc dù phải vượt qua khá nhiều khó khăn, nhưng đến giờ tôi cho là cơ bản đúng với ý đồ của mình và tôi sẽ cố gắng tiếp tục. Nhưng mặt khác, sau 10 năm hoạt động của Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, có lẽ cũng cần có thêm những ý tưởng khác, những đổi mới nhất định. Ý định của tôi là mở rộng Trung tâm thành một tổ hợp, ngoài thư viện, nhà sách sẽ có thêm cả trang web, thậm chí cả nhà xuất bản (chà, đây là mơ ước số một, nhưng "ông" nhà nước chưa mở cửa cho phép!). Trang web sẽ được thiết kế một cách chuyên nghiệp cho việc làm báo, bán thông tin (từ những cuốn sách mà chúng tôi đã dày công làm nhưng rất khó bán), bán sách, bán hàng … Tuy nhiên, tôi cũng biết những ý định đó rất khó thực hiện nếu như không kiếm được người tài, cộng với cơ chế thoáng.

Lại “cơ chế”! Có vẻ như doanh nhân các anh hay dùng từ này để bao quát những khó khăn - đôi khi không thể nói rõ - của mình? Cụ thể những khó khăn của anh nằm ở đâu?

- Cụ thể nhé? Trong Hiến pháp nước ta nói về quyền tự do ngôn luận là “Mọi công dân có quyền được công bố tác phẩm của mình", nhưng trong thực tế điều đó không thể thực hiện được. Nguyên nhân là do... cơ chế đấy. Muốn công bố tác phẩm thì phải qua nhà xuất bản (độc quyền của nhà nước), mà (các) ông giám đốc nhà xuất bản (NXB), vì những lí do riêng tư hoặc "nhạy cảm" rất mơ hồ, không cấp phép, thì làm sao công bố? Ở ta, chưa có cơ chế giải quyết tình huống này. Nên đã có lần tôi phát biểu tại một cuộc góp ý (nhưng không biết có đến tai người được góp ý hay không?) với đại diện đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội ý như thế này: Nên đổi cụm từ “có quyền được công bố” thành “có quyền được XIN công bố” thì mới đúng thực tế. Hiện nay trong "giới" văn hoá, tư tưởng có một từ rất hay là “nhạy cảm”. Tuy “nhạy cảm” không thuộc một trong bốn điều cấm của Luật Xuất bản, nhưng không biên tập viên của NXB nào dám vượt qua. Nhưng cũng lại có cái “hay” là nếu cái "nhạy cảm" đó đã lỡ xảy ra rồi thì cũng khó có thể “kết tội” nó theo Luật được (ít ra là bằng văn bản). Giải quyết nó chỉ có thể bằng cơ chế rõ ràng. Thêm nữa, việc quản lý xuất bản ở nước ta rất yếu kém. Tình trạng sách lậu, sách độc hại tràn lan từ lâu ai cũng thấy, vậy mà chẳng có biện pháp nào hữu hiệu nào để loại bỏ, ngoài những lời kêu chẳng thấu tới tai ai. Tôi có cảm giác như bây giờ những người, cá nhân và tổ chức, muốn làm ăn đứng đắn, minh bạch thì không được ủng hộ, chịu nhiều áp lực, thiệt thòi; còn những kẻ làm ăn phi pháp, gây ô nhiễm độc hại thì lại được làm ngơ, thậm chí là dung túng...

Quay trở lại ý trên, tôi muốn thẳng thắn đặt ra một câu hỏi: tại sao đến tận bây giờ vẫn không cho phép thành lập Nhà xuất bản tư nhân?Tư nhân (hoặc các tổ chức phi chính phủ) cũng có tư cách pháp nhân bình đẳng trước pháp luật, là thành phần kinh tế bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, và trong thực tế đã tỏ ra năng động, có nhiều thành tựu và đóng góp trong hoạt động xuất bản (nhưng dấu mặt, "vô thừa nhận"!). Nghịch lí: chúng tôi muốn được chịu trách nhiệm trước pháp luật về những việc (những cuốn sách) mình làm thì không được, còn những người không làm (NXB) thì... phải chịu? Nếu có NXB tư nhân thì tôi tin tình hình trật tự xuất bản sẽ tốt hơn bởi trách nhiệm của tôi chính là sự sống còn của NXB. NXB của tôi sẽ phải tự chịu trách nhiệm về bất cứ sai sót nào của tôi, tôi xin chịu mọi hình thức xử lý, từ phạt hành chính, bỏ tù đến…xử bắn - nếu sai phạm nghiêm trọng. Tôi tin là như thế các vấn nạn xuất bản, như nạn sách lậu chẳng hạn, cũng được giải quyết cơ bản

Trong câu chuyện từ đầu đến giờ chưa thấy bóng dáng con người dịch thuật tài hoa của anh đâu… Việc hiện nay ít người đọc quan tâm đến văn học Nga - một dòng văn học có thể nói có ảnh hưởng khá sâu sắc đến văn hóa người Việt một thời - có là nguyên nhân khiến anh không theo đuổi việc dịch nữa hay không?

- Đúng vậy, văn học Nga những năm 1960 được coi là chân trời văn học thế giới. Sau khi đổi mới, người đọc có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với văn học Mỹ, phương Tây, Trung Quốc nên việc văn học Nga không còn là mối quan tâm duy nhất nữa cũng là lẽ đương nhiên. Lâu nay, người ta hay nói đến cụm từ “văn hóa đọc bị xuống cấp”. Theo tôi không hoàn toàn như thế. Bạn đọc nói chung, nhất là giới trẻ, biết đọc gì giữa “rừng” sách thật giả lẫn lộn, chất lượng cũng vô cùng khác nhau mà thị trường đang có. Chẳng có ai hướng dẫn họ cả… Tới đây, nếu xây dựng được trang web cho Trung tâm, nhất định tôi sẽ nghĩ đến việc này. Còn chuyện dịch thuật thì không phải vì ham làm sách mà tôi bỏ, nhưng với điều kiện bây giờ tôi chỉ có thể dịch những tác phẩm mình thật thích. Cái khó bây giờ là vấn đề bản quyền. Hơn nữa, tôi chỉ dịch tiếng Nga mà văn chương, hoàn cảnh xã hội của Nga bây giờ cũng khác nhiều lắm so với thời trước, do vậy rất khó tìm được một tác phẩm mình thích mà lại phù hợp với bạn đọc trong nước để dịch.

“Nghệ nhân và Margarita” - cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Mikhail Bulgakov do anh chuyển ngữ được tái bản lần thứ ba tại Việt Nam - đã cho bạn đọc Việt Nam một cái nhìn khác lạ về văn học Nga cận hiện đại. Khi gấp cuốn tiểu thuyết đồ sộ đó lại, tôi không thể không tự đặt câu hỏi, làm sao mà anh lại giúp nó “có một cuộc sống ở Việt Nam ” một cách tài tình như thế?

- Nghệ nhân và Margarita” được NXB Cầu Vồng (Matxcova) in lần đầu cách đây đã hơn 20 năm. Thời gian còn học ở Nga tôi vẫn chưa được biết về tiểu thuyết này, đến khi về nước ông Thái Bá Tân, lúc đó là biên tập viên NXB Tác Phẩm Mới (bây giờ là NXB Hội Nhà văn) đưa nó cho tôi và nói là rất đáng dịch. Thế là tôi “vật lộn” với nó gần hai năm với hàng đống tư liệu liên quan. Thực ra, qua lần đầu đọc, tôi vẫn chưa cảm thấy thích. Tuy nhiên, càng dịch tôi càng thấy bị thu hút. Trong quá trình dịch, tôi có đọc được bài phê bình của một nhà văn Nga về Bulgakov, trong đó có ý: “Văn của Bulgakov là thứ văn trong suốt, nó không bị ngăn cản bởi hàng rào của ngôn ngữ". Nghĩa là đọc đến đâu, ta có thể tiếp cận được ngay với tư tưởng của nhà văn mà không bị vướng bận bởi văn bản ngôn từ. Nương theo ý này, việc dịch của tôi suôn sẻ hơn rất nhiều.

Liệu đây có phải là cuốn tâm đắc nhất trong số hơn 30 đầu sách anh đã dịch?

- Tôi thích “Nghệ nhân và Margarita” vì đã giới thiệu được tác giả đặc biệt này với bạn đọc Việt Nam. Đây cũng là một bản dịch khó, mà tôi thấy ít nhiều hài lòng với công sức của mình. Nhưng có một cuốn khác tôi rất thích là “Nguyệt thực” của Tendriakov - cuốn tiểu thuyết phản ánh tâm trạng của thanh niên tri thức với tình yêu và những ngổn ngang, giằng xé của các vấn đề xã hội thời ấy. Giọng văn của tác giả đầy tâm huyết, dí dỏm; bố cục lại chặt chẽ. Khi dịch cuốn này, tôi cũng đang là tuổi thanh niên nên thấy rất tâm huyết.

Một câu hỏi cuối cùng: Với vai trò Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài (Hội Nhà văa Hà Nội), anh suy nghĩ như thế nào về tình hình dịch thuật ở ta hiện nay?

- Nói ngắn gọn, nền dịch thuật của ta có lẽ đã qua được cái "khủng hoảng" mà vài năm trước nhiều người lo lắng, phàn nàn. Chỉ lấy riêng việc xét giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội mà nói, có những năm rất khó tìm ra tác phẩm dịch xứng đáng để trao, nhưng năm 2008 thì cả ba cuốn vào chung khảo là Nửa kia của Hitler (Eric-Emmanuel Schmitt, Nguyễn Ðình Thành dịch), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami, Dương Tường dịch), Những kẻ thiện tâm (Jonathan Littell, Cao Việt Dũng dịch) đều rất xứng đáng. Tiếc là cuối cùng chúng tôi chỉ có thể chọn lấy một là Nửa kia của Hitler. Thời gian gần đây cũng có nhiều dịch phẩm tốt.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Sách và chuyện làm sách!

    12/11/2014Nguyễn HòaKinh tế thị trường lên ngôi, các “đầu nậu” sách ra đời, đối với nhiều người trong số họ hai chữ “bản quyền” dường như là một quy ước của người ngoài hành tinh. Mặc cho tác giả rền rĩ kêu ca, những người tuyển chọn vẫn vượt mọi khó khăn để tra tấn máy photocopy đặng làm nên những cuốn sách do họ “chủ trì” nhưng thường quên mất vai trò “chủ chi”...
  • Bùi Văn Nam Sơn: Kẻ lữ hành theo chân các triết gia

    23/07/2009Hải Miên thực hiện“Đối với nước ta, công cuộc tu thư ngày càng bức thiết để nhanh chóng lấp khoảng trống về học thuật, bù lại những quãng thời gian và cơ hội đã bị bỏ lỡ, nhằm tiếp cận một cách toàn diện hơn, chính xác hơn các trào lưu tư tưởng và thành tựu khoa học trên thế giới. Việc dịch sách kinh điển là con đường ngắn nhất trong việc tiếp phát văn hóa”.
  • Biên tập sách - đi tìm chuẩn mực đã mất

    22/05/2009Lại Nguyên ÂnĐến các cửa hàng sách trong nước hiện nay, người ta đều phải công nhận rằng sách Việt bây giờ phong phú, phồn tạp hơn hẳn so với trước kia. Tuy vậy, những người từng trải qua thời kỳ bao cấp ở miền Bắc những năm 1960-80, nếu tinh ý, lại phát hiện được một điều trái ngược: sách bây giờ tuy rộng rãi hơn hẳn trước kia xét về mặt đề tài, song dường như lại kém tin cậy hơn, nếu xét về chất lượng làm sách.
  • Sách – công cụ lý tưởng để tiếp cận văn hóa*

    14/01/2009Jean-Marie Gustave Le Clézio- Nguyễn Tiến Văn dịchVăn hóa là tài sản chung của chúng ta, chung cho toàn thể loài người. Nhưng để điều đó trở thành sự thật, cần phải sao cho mỗi người được trao cho những phương tiện như nhau để tiếp cận văn hóa. Để làm điều đó, cuốn sách, dù cổ kính đến đâu, vẫn là công cụ lí tưởng.
    Chúng ta thử tưởng tượng là sách không tồn tại.
  • Ra mắt Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh

    09/01/2007H.T.Một năm sau khi NXB Tri thức thành lập, quỹ Dịch thuật Phan Châu Trinh được ra mắt và khởi động những dự án lớn với tham vọng hỗ trợ và quảng bá việc dịch thuật các tác phẩm có giá trị thuộc Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới. Bắt đầu từ 2007, giải thưởng dịch thuật mang tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh sẽ được tổ chức thường niên...
  • Những cuốn sách kinh điển và văn hóa đọc hiện nay

    27/08/2006Như Bìnhd“Muốn có văn hóa thì phải được giáo dục, định hướng, bồi dưỡng nhưng bạn đọc của ta hiện nay phần nhiều bối rối, bất lực và lạc lối giữa biển sách đủ loại, đủ màu sắc, hay-dở, tốt-xấu, thật -giả lẫn lộn”, dịch giả Đoàn Tử Huyến nói...
  • Lý luận - phê bình văn học và các “vấn nạn”

    27/03/2006vài năm trở lại đây tình trạng “khủng hoảng” của lý luận - phê bình đang trở thành nỗi trăn trở của nhiều người, nhiều báo chí đã đề cập một cách trực tiếp và về mặt tổ chức, một số hội thảo, hội nghị do Hội Nhà văn, Viện Văn học… đã được tiến hành để mọi người cùng bàn thảo tìm cách tháo gỡ. Các động thái ấy mang lại một niềm tin vì đây chính là thể hiện của ý thức trách nhiệm...
  • Ra mắt Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới

    22/12/2005Kiều MinhSáng nay (19/12) tại Hà Nội, NXB Tri thức vừa công bố 3 tác phẩm đầu tiên được dịch và xuất bản trong Tủ sách tinh hoa thế giới tại Việt Nam. Gồm cuốn: Những cuộc đời song hành của Plutarque; Bàn về tự do của John Stuart Mill và Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein...
  • Dịch thuật và vấn đề cải cách giáo dục

    23/08/2005Ngô Tự LậpMột trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn dến tình trạng lạc hậu của nền giáo dục nước ta, đặc biệt là giáo dục ĐH, theo tôi, là tình trạng kém cỏi của công việc dịch thuật. Tình trạng này nói chung có thể quy về ba chữ: thiếu, yếu, và lệch lạc. Về chuyện thiếu, nhiều người và bản thân tôi đã từng nói: hầu hết các tác phẩm quan trọng trên thế giới chưa hề được dịch ra tiếng Việt.
  • Kế hoạch 500 cuốn sách

    22/08/2005Ngô Tự LậpCó một việc vô cùng quan trọng mà theo tôi chúng ta cần phải và có thể làm ngay, đó là tạo điều kiện để người Việt tiếp cận với những tác phẩm quan trọng nhất của nhân loại...
  • Về sự cần thiết xây dựng tủ sách kinh điển

    22/07/2005Nguyễn Cảnh BìnhKhông phải ngẫu nhiên mà gần đây, rất nhiều người thể hiện mối quan tâm đặc biệt đến dịch thuật như Nguyên Ngọc, Ngô Tự Lập và mới đây nhất là Nguyễn Quang A khi muốn phát triển tủ sách SOS2 nhằm góp phần xây dựng một “hệ điều hành” cho xã hội Việt Nam. Hiện nay, thị trường sách dịch ở Việt Nam đang bùng nổ với vô số các sách dịch được xuất bản ồ ạt nhưng chất lượng và nội dung đều có những vấn đề cần phải xem xét. Vì vậy, chúng ta cần thảo luận kỹ càng về hệ thống sách dịch ở Việt Nam: cần dịch những cuốn sách nào với những nội dung nào và có lộ trình, phương hướng đúng đắn mới tránh khỏi sự lãng phí và lệch lạc không đáng có.
  • xem toàn bộ