Không tưởng tỉnh táo, không tưởng mộng mơ
Người Việt có truyền thống tôn giáo sâu sắc hay không? Dấu ấn tôn giáo nào còn in đậm trong tâm hồn người Việt cho đến ngày hôm nay? Tôi thấy hình như chưa có lời giải đáp nào minh bạch và thuyết phục cho những câu hỏi trên, mặc dù ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu nhận ra tầm quan trọng của những câu hỏi đó trong việc giải mã những vấn đề văn hóa và thế giới đạo đức của người Việt. Có lẽ một phần là do câu hỏi tôn giáo là gì cũng chưa có được lời giải đáp thỏa đáng.
Khi nhìn vào các tôn giáo truyền thống, nhiều người thường hay để ý đến nội dung siêu hình học huyền bí cũng như hoạt động xã hội của các giáo hội trong lịch sử. Thông thường người ta giải thích rằng hiện tượng tôn giáo xuất hiện từ xa xưa trong các xã hội loài người là do tâm trạng hoang mang của con người vào thời buổi hoang sơ. Trước những sức mạnh của thiên nhiên đầy đe dọa, con người đã tưởng tượng ra Thượng đế và các thần linh và đặt lòng tin vào sự bảo hộ của họ, giống như đứa trẻ tin vào người cha bảo vệ cho con cái của mình. A. Comte (1798-1857) cho rằng tôn giáo là thời kỳ ấu thơ của nhân loại. Đối lập với thời kỳ ấu thơ ấy là thời đại khoa học đánh dấu sự trưởng thành của nhân loại. Thế nhưng tôn giáo bao gồm nhiều phương diện sinh hoạt văn hóa tinh thần của con người, chứ không phải chỉ liên quan đến nỗi sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên. Chú trọng tới định hướng đạo đức của con người, Erich Fromm (1900-1980) đã quan niệm tôn giáo như là một hệ thống tư tưởng và hoạt động được chia sẻ bởi một nhóm người, đem lại cho mỗi cá nhân thành viên một cơ cấu định hướng và một mục tiêu để hiến dâng. Fromm quan niệm “tôn giáo” không chỉ là các tôn giáo có Thượng đế và thần linh, mà bao gồm cả những định hướng thuần túy thế tục nữa. Trong ý nghĩa như vậy có thể nói rằng không có nền văn hóa nào trong quá khứ và hiện tại lại không có tôn giáo.
Cả hai tôn giáo, Kitô giáo và Phật giáo đều đòi hỏi tôn trọng phẩm giá của con người cá nhân trong tư cách là con người, không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay của cải của người đó. Cả hai tôn giáo đều nói đến một thế giới tinh thần, độc lập với cõi trần gian, con người trong thế giới tinh thần được hiệu triệu hướng tới điều thiện, kháng cự lại các cám dỗ dục vọng thấp hèn để hoàn thiện bản than. Cả hai tôn giáo đều nói đến tình thương yêu hay lòng từ bi đối với thế giới xung quanh và trước hết là đối với đồng loại của mình.
Trong xã hội Việt Nam hiện nay sự tôn trọng phẩm giá con người vẫn còn là một mong ước hơn là một hiện thực xã hội. Vấn đề không đơn thuần mang tính chính trị, mà chủ yếu là tâm thế văn hóa của đa số dân chúng còn chưa sẵn sàng xem việc tôn trong người khác là mệnh lệnh của lương tâm. Vì giá trị phổ biến mà mọi người theo đuổi là tìm kiếm tiền tài và danh phận như một chỗ đứng dưới ánh mặt trời, nên khát vọng vượt lên trên người khác ắt phải lấn át tình yêu thương và lẽ công bằng. Nhiều người còn xem thuyết cạnh tranh sinh tồn áp dụng vào đời sống xã hội như chân lý phổ quát. Kinh tế thị trường được hiểu như cuộc cạnh tranh khốc liệt, cho nên người ta ví von: thương trường là chiến trường. Điều này thể hiện rõ rệt trong hiện thực muôn vẻ của đời sống xã hội cũng như trong nhiều sinh hoạt tinh thần ở nước ta hiện nay. Đạo đức không tiếp thu như chân lý nhân bản phổ quát, mà thường gắn với lòng trung thành của phe nhóm xã hội theo kiểu bầy đàn. Trong mối quan hệ xã hội giữa người với nhau đầy rẫy những biểu hiện phân biệt đối xử, kỳ thị lẫn nhau theo đủ loại tiêu chí bề ngoài của lối sống đánh giá con người qua những gì sở hữu và chiếm đoạt được. Con người bị hạ thấp xuống thành hữu thể theo đuổi duy nhất những mục đích trần gian và hoàn toàn bị quy định bởi hoàn cảnh xã hội.
Ảnh hưởng của Phật giáo (mà nhiều người xem là tôn giáo truyền thống) trong sinh hoạt tinh thần của người Việt đương đại dường như chẳng còn được bao nhiêu. Ở nước ta từ lâu rồi Phật giá đã bị hiểu sai. Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính (1875-1921) trong tác phẩm Việt Nam phong tục (1915) đã lưu ý sự kiện Phật giáo bị các nhà Nho bài bác kể từ thời Hậu Lê. Ông viết: “... Phật giáo cũng là một món đạo giáo, người tầm thường vị tất đã hiểu thấu lý cao sâu của nhà Phật, thì cũng chớ nên bài bác khinh bỉ mà thành ra một người vô hạnh. Hiện bây giờ ở nước ta Phật giáo cũng đã suy. Tuy lưu truyền đã lâu, làng nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng chẳng qua là bọn ngu phu, ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kỳ thật thì không mấy người mộ đạo”(*). Bản thân cách đạt vấn đề của tôn giáo, xem con người đồng thời thuộc về hai thế giới: thế giới tự nhiên và thế giới tinh thần, có lẽ cũng chưa được những người có học vấn chấp nhận rộng rãi. Cách hiểu theo chủ nghĩa duy vật thô thiển hàm ý chỉ có thế giới tự nhiên khả dĩ khảo sát được bằng các phương pháp khoa học là hiện thực duy nhất mà thôi; cách hiểu này hình như vẫn đang chiếm ưu thế.
Cách đây mấy năm có dư luận ồn ào xung quanh khả năng chữa bệnh kỳ lạ ở một khu vườn. Tôi có đọc được trên báo chí khẳng định của các quan chức địa phương là họ đã đo các loại bức xạ vật lý trong khu vườn, nhưng không có gì hết; từ đó họ kết luận khu vườn không có khả năng chữa bệnh nào cả. Khẳng định như vậy ắt phải ngầm dựa trên tiền đề cho rằng không có thế giới nào khác ngàoi thế giới tự nhiên, các bức xạ vật lý là duy nhất khả dụng trong các thực thể không nhìn thấy bằng mắt thường. Tôi không khẳng định niềm tin như thế ( thế giới tự nhiên duy nhất khả hữu) là sai trái. Tôi chỉ khẳng định rằng một niềm tin khác (con người thuộc về hai thế giới) cũng có quyền ngang bằng và chẳng có luận cứ duy lý nào có thể bác bỏ nó về mặt logic.
Niềm tin khác nhau dẫn đến sinh hoạt tinh thần khác nhau, cũng giống như các tiền đề hình học khá nhau về đường thẳng song song dẫn đến các hình học khác nhau. Những người theo các tôn giáo truyền thống đều thừa nhận một thế giới tinh thần độc lập với thế giới trần gian. Thế giới tinh thần trong các tôn giáo lới luôn hàm nghĩa khả năng siêu việt hóa của con người hướng tới cái siêu việt thiêng liêng cao cả: Thiện tính với biểu tượng Thượng đế nhân bản (Kitô giáo), hay cảnh giới của giải thoát viên mãn với biểu tượng Niết bàn (Phật giáo). Định hướng tinh thần như thế đòi hỏi nỗ lực của con người kháng cự lại tình trạng nô lệ cho những dục vọng và cám dỗ thấp hèn gắn liền với cuộc sống thường nhật ở cõi trần gian, để nhằm đạt tới trạng thái Tự do, đồng thời vun đắp những cảm xúc tích cực như lòng yêu thương hay lòng từ bi đối với đồng loại, cũng như thái độ tôn trọng phẩm giá con người. Những điều không hay gắn với chủ nghĩa vô thần không phải là ở bản thân niềm tin khẳng định Thượng đế không hiện hữu. Những tai hại của chủ nghĩa vô thần sinh ra từ những ẩn ý đi theo sau khẳng định ấy: một số người muốn làm Thượng đế chính vì tin rằng không có Thượng đế “thực” (Thượng đế chỉ là một ý tưởng của con người), nên họ muốn “thế thiên hành đạo” để xây dựng thiên đường trong cõi trần gian; vì họ là Thượng đế nên họ có thể tự cho phép mình sử dụng người như phương tiện nhằm phục vụ cho mục đích mà họ cho là cao đẹp; một số khác lại cho rằng không có Thượng đế “thực” thì mọi hành động đều được phép làm, họ gây nên những tội ác kinh động lòng người mà không ghê tay.
Hiện nay không thể nói về tình trạng vô tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam đương đại: mở ti vi ra là thấy các lễ hội thờ cúng khói hương nghi ngút, các đoàn người mặc lễ phục khăn đóng áo dài màu sắc rực rỡ; sách nói về thế giới tâm linh với các phép lạ được bày bán khắp nơi; vô số các ngôi chùa hoành tráng được xây nên... Tuy nhiên, thế giới tâm linh của người Việt trung bình hoàn toàn khác hẳn với thế giới tinh thần của các tôn giáo lớn như Kitô giáo hay Phật giáo. Không như các tín đồ Kitô giáo bước vào nhà thờ với lòng thành kính hướng tới Thượng đế cao cả để sám hối về những sa đọa của mình và mong được cứu chuộc; không như các tín đồ Phật giáo ngồi thiền để dẹp đi những tạp niệm và dục vọng, hướng tới giải thoát viên mãn; những người Việt trung bình đi tới các miếu mạo đền chùa với tiền bạc và lễ vật giống như đi đến nhà các quan chức để lo chạy chọt. Điều thú vị là những mục đích họ lo chạy chọt ở các hai thế giới, đều cùng là một thứ: ấy là những khao khát tư dục của con người. Khi những tín đồ chân chính của các tôn giáo lớn hướng tới biểu tượng của sự cao cả, họ tạo cho mình niềm hứng khởi để thực hiện những nghĩa vụ đạo đức nhân bản như những “mệnh lệnh nhất quyết” trong ý nghĩa của I.Kant (1724-1804), được thanh lọc khỏi mọi ham muốn tư dục. Còn những người ở trong tình trạng nô lệ kép (nô lệ cả hai thế giới) cho các tư dục của mình thì làm sao mà vun đắp được những phẩm tính đạo đức nhân bản như lòng yêu đồng loại hay tôn trọng phẩm giá của tha nhân.
Định hướng tinh thần của cộng đồng người Việt hiện nay đang có nhiều dấu hiệu khủng hoảng thể hiện ra trong nhiều phương diện của đời sống. Suy đồi đạo đức của người Việt không còn là những hiện tượng lẻ tẻ để có thể tự lừa dối bằng ngôn từ sáo mòn “đó chỉ là một thiểu số cá biệt chứ không phải của số đông dân chúng’. Để vượt qua cuộc khủng hoảng tinh thần này cần nhận thức được vai trò cực kỳ quan trọng của giới tinh hoa văn hóa trong tác động định hướng tinh thần cho dân chúng.
Trong quá khứ chúng ta đã bị xúc động bởi tình trạng bất bình đẳng của xã hội cũ với một thiểu số bọn bóc lột thống trị xã hội, nhưng trong khi chống lại “ thiểu số bóc lột”, hình như chúng ta đã ghép luôn thiểu số tinh hoa văn hóa vào chung một phe với các chủ ngân hàng và chủ nhà máy, trong khi phá hủy trật tự bất bình đẳng xã hội về chính trị và kinh tế chúng ta lại phá hủy luôn cả trật tự ngôi thứ tinh thần trông văn hóa vốn là thứ mà triết gia Nga Fedotov (1886-1951) xem như quý báu và mang tính vĩnh hằng. Do tôn thờ sức mạnh bạo lực của đám đông, chúng ta đã coi thường các danh nhân văn hóa đỉnh cao như những người yếu đuối, không có sức mạnh. Có vẻ như chúng ta đã không biết rằng: phẩm tính cao luôn ở trong thiểu số tinh hoa không có sức mạnh phá hủy, còn đám đông có sức mạnh hủy diệt lại không có phẩm tính cao của văn hóa tinh thần. Triết gia Đức N. Hartmann (1882-1950) cho rằng: trình độ hiện hữu tỷ lệ nghịch với sức mạnh của nó; cái cai cả là thượng tầng phái sinh ở trên cái thấp kém, nhưng bao giờ cũng yếu ớt hơn cái thấp kém. Triết gia Nga Berdyaev (1874-1948) cũng nói rằng trong cuộc sống thường nhật thì cảnh sát và cai đội, chủ ngân hàng và con buôn mạnh hơn là thi sĩ và triết gia, hơn là nhà tiên tri và thánh nhân. Ông khẳng định: “ Khi nguyên lý sức mạnh được tuyên bố và sức mạnh được đặt cao hơn sự thật và cao hơn giá trị, thì điều này có nghĩa là sự cáo chung và cái chết của văn minh”.
Triết gia Nga Fedotov cho rằng cần phải có khoảng cách giữa thầy và trò, giữa nhà văn và độc giả, giữa nhà tư tưởng và người phổ cập hóa. Nếu không như thế thì sẽ chẳng có gì để dạy cả. Cường độ của chuyển động hướng lên cao của văn hóa tỷ lệ thuận với khoảng cách giữa hai cực của nó – với điều kiện không mất đi mối ràng buộc giữa chúng: cường độ dòng điện tỷ lệ thuận với độ chênh thế hiệu giống như thế. Lẽ dĩ nhiên khoảng cách giữa hai cực phải được lấp đầy bởi người hoạt động trung gian; cấu trúc thế giới văn hóa có thứ bậc, có ngôi thứ. Vai trò của thiểu số tinh hoa văn hóa là cực kỳ quan trọng trong việc hướng dẫn định hướng tinh thần cho các thành viên trong xã hội. Ông phê phán chủa nghĩa dân túy Nga đã hủy diệt giới tinh hoa văn hóa, biến nền văn hóa Nga thành một đống hoang tàn, khiến cho trạng thái tinh thần của đám đông dân chúng đắm chìm trong vô minh, dù cho đời sống vật chất của họ có được cải thiện đi nữa. Ông cho rằng trong tình trọng như thế việc phục hồi giới tinh hoa văn hóa là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Giới trí thức phải gìn giữ tự do tinh thần của mình trước mọi mưu đồ, dù nó đến từ đâu; hội đoàn là cần thiết để bảo vệ phẩm giá xã hội của giới tri thức chứ không phải để bảo vệ quyền lợi vật chất của họ. Phải phục hồi những quan hệ ngôi thứ cần phải có giữa người thầy hay nghệ nhân và người học trò. Việc học tập bắt đầu từ sự nhún nhường, đằng sau sự nhún nhường là lao động khổ hạnh. Kẻ nào không muốn đi theo phương pháp của Socrates- và nói lên tự đáy lòng mình: “ Tôi không biết gì cả” thì không được để cho bước vào thánh đường đang xây dựng. Văn hóa phải được hiểu một cách tôn giáo, nếu không nó sẽ bị giẫm đạp bởi chiếc ủng nặng nề của kẻ mị dân. Sự phục sinh của giới tinh hoa văn hóa đòi hỏi trước hết phải tái lập được ngôi thứ tinh thần của các giá trị và rồi sau đó mới là việc giáo dục xã hội và tổ chức tương ứng với nó. Đó là những gì Fedotov đã khẳng định từ năm 1939. Từ đó đến nay nước Nga đã trải qua biết bao biến cố trọng đại và chủ nghĩa dân túy dường như đã đi vào quá khứ. Ấy vậy mà về phương diện văn hóa có vẻ như vẫn chẳng có biến chuyển gì tích cực theo hướng Fedotov mong đợi.
Nếu nước Nga còn như vậy thì liệu chúng ta có thể hi vọng gì ở nền văn hóa Việt Nam mai sau? Tôi không có ý hoàn toàn tuyệt vọng về tương lai, nhưng như Fromm đã nói, “những người còn nuôi hi vọng chỉ có thể thành công, nếu những người hiện thực có đầu óc rất tỉnh táo, dẹp bỏ mọi ảo tưởng và đánh giá đầy đủ những khó khăn. Thái độ điềm tĩnh ấy là chỉ dấu phân biệt sự khác nhau giữa “những người không tưởng” tỉnh táo và “những người không tưởng” mộng mơ.
*) Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, NXB Hồng Đức, tr. 225
Nguồn:
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn Quân"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
23/11/2013Anh Vũ