Tôn giáo và dân tộc
“Ý định của tôi khi viết cuốn sách này là tìm hiểu lịch sử nhận thức về vấn đề tôn giáo của người mácxít và của Đảng ta. Cuốn sách cũng còn mục tiêu khác nữa là nêu bật quá trình đổi mới nhận thức về tôn giáo và chính sách tôn giáo, đặc biệt từ năm 1990 trở lại đây”, Nhà sử học, GS.TS Đỗ Quang Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, Viện Khoa học và xã hội Việt Nam, nói về cuốn sách “Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam”.
Theo tôi, đời sống tôn giáo hiện nay có một số đặc điểm, xu hướng sau đây:
Thứ nhất là các tôn giáo nói chung đều có xu hướng đồng hành với dân tộc, với chế độ mới trong quá trình đổi mới đất nước vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mặc dù số lượng người theo các tôn giáo là khoảng 20 triệu, đây là một lực lượng khá lớn, song dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta thì trong suốt 20 năm qua, họ đã cùng với toàn dân tích cực tham gia thực hiện công cuộc đổi mới đất nước vì lợi ích thiết thân của mình, của tôn giáo mình trong đời sống thế tục cũng như trong đời sống tâm linh tôn giáo.
Về tư tưởng, nói chung 20 triệu đồng bào có đạo còn ý kiến khác biệt về thế giới quan, về nhân sinh quan so với hệ tư tưởng chính thống của xã hội. Song, với quan điểm chỉ đạo mang tính cách mạng - khoa học - thực tiễn, Đảng ta đã có các chủ trương đúng đắn, kịp thời như: "Xóa bỏ mặc cảm", "Chấp nhận ý kiến khác biệt", "Tìm ra sự tương đồng chung"... để thống nhất, đoàn kết toàn dân tộc, đã dẫn đến những hiệu ứng xã hội vô cùng to lớn.
Xét về góc độ văn hóa, tín đồ các tôn giáo đã tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xây dựng làng xã văn hóa, gia đình văn hóa. Đặc biệt, trên bình diện đạo đức, đồng bào có đạo đã có đóng góp nhất định vào quá trình kìm hãm tốc độ suy thoái đạo đức trước sự tác động của kinh tế thị trường và xã hội tiêu thụ.
Trên bình diện văn hóa lễ hội, đồng bào cũng có những đóng góp tích cực trong quá trình hội nhập văn hóa dân tộc với văn hoá tôn giáo và ngược lại. Trên bình diện văn hóa nếp sống, đồng bào cũng có đóng góp thiết thực vào quá trình khắc phục các tệ nạn xã hội, xóa bỏ một số hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức tang ma, cưới hỏi…
Xét về góc độ chính trị, xã hội, mối quan hệ giữa Nhà nước với các giáo hội ngày càng được cải thiện. Hàng loạt các tổ chức tôn giáo thuộc 6 tôn giáo chính ở nước ta (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo) đã được công nhận. Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo mới được ban hành năm 2004 tạo thêm cơ sở pháp lý cho các hoạt động tôn giáo.
Xem xét từ các góc độ cơ bản nêu trên, thực tế gần 20 năm đổi mới vừa qua cho thấy, đồng bào có đạo không chỉ là một lực lượng quần chúng quan trọng tích cực tham gia thực hiện công cuộc đổi mới đất nước theo cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam; mà còn là lực lượng quan trọng "chế ngự" khuynh hướng tiêu cực trong các tôn giáo, đảm bảo cho đường hướng "đồng hành với dân tộc" của các tôn giáo thúc đẩy những đóng góp xây dựng đất nước của đồng bào các tôn giáo trong quá trình đổi mới đất nước vì lợi ích chung, trong đó có lợi ích về phần xác và phần hồn của đồng bào các tôn giáo.
Chùa Trúc Lâm (đảo Hòn Tre, Nha Trang).
Việt Nam - một quốc gia đa tôn giáo, gồm 6 tôn giáo chính là:
Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao Đài, Hòa Hảo...
và một số tôn giáo mới du nhập. Các tôn giáo chung sống
hòa bình, bao dung cùng với tinh thần nhân bản của
người Việt tạo nên bức tranh sinh động về
tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam.
Thứ hai, các tôn giáo đều hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.
Một đặc điểm trong quan hệ Nhà nước với các giáo hội nước ta rất khác các xã hội phương Tây là các Nhà nước phong kiến thường "đứng trên" các giáo hội. Thực tế lịch sử ấy tạo ra cho các nhà nước ở Việt Nam vị thế "nhạc trưởng", xây đắp và phát huy truyền thống Tam giáo đồng nguyên, hài hòa quan hệ Đạo - Đời, tránh được các xung đột tôn giáo.
Đối với Nhà nước ta, những bước tiến quan trọng trong việc đẩy mạnh việc hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng là đã tạo ra hành lang pháp lý ngày càng thích hợp hơn, đáp ứng dần dần những nhu cầu chính đáng về quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân. Đồng bào các tôn giáo rất phấn khởi vì các văn bản pháp luật cũng đã khắc phục rất nhiều "cơ chế xin - cho", bước đầu xây dựng một xã hội dân sự về cả mặt tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực tiễn gần 20 năm đổi mới vừa qua cho thấy, trên cơ sở đồng hành với dân tộc, với chế độ mới, các tôn giáo ở nước ta về cơ bản đã, đang và sẽ hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ của hiến pháp, pháp luật Nhà nước và chịu sự hướng dẫn, tác động quản lý của chính quyền các cấp.
Khi có mâu thuẫn giữa giáo luật với pháp luật của Nhà nước và ngược lại về vấn đề cụ thể nào đó, thì về cơ bản, các tôn giáo đều thực hiện theo pháp luật của Nhà nước để đảm bảo lợi ích chung của cả xã hội và cộng đồng dân tộc. Ngược lại, trong các trường hợp cụ thể, Nhà nước tạo điều kiện cho các tôn giáo được thực hiện theo quy định của giáo luật để đảm bảo lợi ích riêng tư của cộng đồng tôn giáo đó.
Hiện nay, các tôn giáo đang có xu thế biến đổi để "thích nghi" hơn nữa với đời sống và xã hội trong điều kiện mới mở cửa, hội nhập và giữ vững căn tính xã hội chủ nghĩa.
Cần nói thêm rằng, xu thế thích nghi hôm nay còn bắt nguồn trước hết bởi khung cảnh toàn cầu hóa, trong đó có toàn cầu hóa tôn giáo. Bản thân các tôn giáo Việt Nam cũng đang đứng trước thách đố "sự phá vỡ các biên giới cũ và sự tạo ra các biên giới mới" của các hệ thống tôn giáo. Vì thế, nếu muốn tồn tại, các tôn giáo cũng không thể không duy trì "căn tính văn hóa" của dân tộc mình, không thể không bám rễ sâu vào đời sống xã hội mình.
Xét trên bình diện tín đồ, việc từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ phát triển khá nhanh. Trên cơ sở chất lượng cuộc sống được nâng cao dần về mọi mặt theo tiêu chí chung của đất nước đang phát triển, "chất lượng tín đồ" ở nước ta cũng đang tự biến đổi theo mức sống vật chất ngày càng được nâng cao, trong bối cảnh xu thế thế tục hóa phát triển.
Về mặt tâm thức tôn giáo nói chung có sự biến đổi vô cùng sâu sắc. Loài người đang chứng kiến quá trình: "ra khỏi các tôn giáo, những tâm thức tôn giáo thì quay trở lại". Nội dung cơ bản của hiện tượng này là các tôn giáo có thể chế tiếp tục suy nghĩ trong khi đời sống tâm linh lại tăng cường.
Lối sống đạo cũ (đi nhà thờ, xưng tội, cầu nguyện…) cải tiến rất nhiều theo lối chiêm nghiệm cá nhân. Nếu như các tín đồ trước đây nặng suy tư về sự cứu rỗi và luôn cầu xin đấng cứu rỗi thì thế hệ tín đồ mới ngày càng tiếp cận nghiêng về bình diện văn hóa và tâm lý - do họ cần sự cân bằng trong tâm tưởng trước sự căng thẳng đến mức trần trụi của nền kinh tế thị trường và nền văn minh tiêu thụ... đang xâm nhập xã hội nước ta.
Chức sắc là lực lượng quan trọng trong nhiều tổ chức tôn giáo. Tính thế tục do quá trình nhập thế đem lại khiến cho ngày càng có nhiều tín đồ, trước hết là trong số trẻ, chỉ còn tìm thấy ở các chức sắc như là những người làm chức năng tư vấn xã hội trên một số lĩnh vực nhất định. Sự biến đổi này trong mối quan hệ giữa chức sắc với tín đồ và ngược lại sẽ thúc đẩy công cuộc "cải tạo chức sắc" trên cơ sở tự biến đổi để có thể thích nghi được với "chất lượng tín đồ mới" ngày một được khẳng định.
- Xét về bình diện giáo hội, việc "cải tạo giáo hội" theo chiều hướng ngày càng đồng hành với dân tộc, đồng hành với chế độ mới đang tiếp tục diễn ra ngày một sâu sắc hơn. Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng ngày càng được chấn hưng đường hướng "đạo pháp - dân tộc - và chủ nghĩa xã hội". Giáo hội Công giáo Việt Nam chỉ có hội nhập văn hóa trên cơ sở "sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào". Các hội thánh Tin Lành ở Việt Nam không thể đi chệch đường "phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc". Các hệ phái Cao Đài ở Việt Nam cũng như Phật giáo Hòa Hảo cũng không thể không đi cùng dân tộc theo tinh thần "Nước vinh, đạo sáng".
Các tôn giáo chính ở nước ta đều ý thức rõ điều này. Trong khi thích nghi với xã hội, ứng cử mềm mỏng với Nhà nước, đạo Công giáo đang tập trung vào mục tiêu chiến lược như nâng cao vị thế người theo đạo "thần học giáo dân", "tái truyền giáo" (tái Phúc âm hóa) và "hội nhập văn hóa"… để phát triển lực lượng.
Chúng ta vẫn có thể khẳng định rằng, gần 20 năm qua, đất nước biến đổi nhanh theo xu hướng hiện đại hóa đã tác động đến quá trình cải tạo tín đồ, chức sắc và giáo hội theo chiều hướng làm cho tôn giáo ngày càng đồng hành với dân tộc, với chế độ mới. Đồng thời, qua quá trình gắn bó, đồng hành đó, các tôn giáo cũng tự biến đổi mình để thích nghi, tồn tại, thậm chí phát triển theo yêu cầu mới của xã hội đang tiến nhanh trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.
Có đặc điểm về địa tôn giáo ở Việt Nam hiện nay là tính quốc tế khá cao. Con số trên 2,5 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài rải rác hàng chục nước trên thế giới, trong đó số rất đông là Phật tử và giáo hữu Kitô giáo. Con số trên 550.000 tín hữu Công giáo Việt Nam cư ngụ ở 37 nước thuộc mọi châu lục, có 1.036 linh mục, hàng ngàn tu sĩ nam và nữ phục vụ, hơn 300 giáo đoàn trên khắp thế giới. Công giáo Việt Nam ở hải ngoại đã có những nhân vật trở thành sứ thần Tòa thánh như Tổng Giám mục Nguyễn Văn Tốt ở Trung Phi, Giám mục Mai Thanh Lương, Giám mục Phó một giáo phận quan trọng của Giáo hội Công giáo Mỹ…
Vai trò của các quan chức gốc Việt trong các giáo triều Roma cũng có vị trí nhất định. Đặc biệt, các tu nữ Việt Nam hiện có vai trò rất sống động ở nhiều nước. Riêng dòng Đức Mẹ Teresa ở Ấn Độ đã có 20 chị em hoạt động… Công giáo Việt Nam đã có ý thức về việc tham gia "quá trình truyền giáo ngược" ấy với khả năng "ơn gọi" dồi dào trong khi các khu vực trung tâm Âu - Mỹ lại suy giảm số lượng linh mục, tu sĩ thì đó là cơ hội hiện thực để "xuất khẩu" giáo sĩ…
Như vậy, có thể thấy những ảnh hưởng của toàn cầu hóa tôn giáo đối với Việt Nam cũng khá lớn. Tôn giáo Việt Nam đang từng bước hòa nhập với xu thế chung của thế giới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCách đây một thế kỷ, những người khổng lồ
12/05/2009Nguyên NgọcTiền... bạc
25/06/2009Linh Linh