Chiếc bình sứ cổ

02:46 CH @ Thứ Tư - 08 Tháng Tư, 2020

Một ông chủ nhà được bố mẹ để lại một chiếc bình sứ cổ, men có nhiều mã, làm từ đời nhà Minh ở thế kỷ 15. Sắp sửa Tết, lúc sáng ông đem ra rửa, rồi phơi nắng nó trên một cái bàn ở ngoài hè gần cửa ra vào. Xế trưa một thanh niên đến giao chậu mai mà ông đặt mua hôm qua. Không biết cậu ta khiêng chậu hoa thế nào mà chạm vào cái bình cổ làm nó rơi xuống hè.

Nghe tiếng xoẻng của đồ sứ bị vỡ, ông chủ nhà chạy ra. Cái bình đã vỡ thành nhiều mảnh! Chậu mai đã được đưa vào trong nhà. Chàng thanh niên mồ hôi nhễ nhại, mặt xanh như tàu lá, co ro sợ hãi. Ông chủ nhà sẽ làm gì với chàng thanh niên kia? Đó là thái độ ứng xử của ông ta với người khác. Hiền hòa hay dữ dằn. Và nó sẽ khác nhau; tùy thuộc vào việc ông chủ đã được giáo dục và sinh sống như thế nào.

Ba thái độ

Nếu là người theo đạo Công giáo, ông chủ đã được dạy từ bé, qua các kinh Tin, Cậy, Mến rằng phải “thương yêu người khác như chính mình”. Nay nhìn vào chàng thanh niên đang sợ hãi; ông định giơ tay đánh; bỗng dưng ông nhớ đến điều mình đã đọc từ tấm bé; ông bèn ngừng lại; vì chính mình, ông cũng không bao giờ muốn bị ai đánh. Cơn giận tan dần. Lời kinh ông đọc đã thấm nhuần vào con người ông và nó bật lên lòng ông. Kết quả là chàng thanh niên không bị gì, ngoài những câu trách móc. Ngày mai ông đi nhà thờ và rước lễ; vì ông đã không phạm tội.

Nếu là một người theo đạo Phật, ông nhìn vào chiếc bình. Mảnh vỡ của nó tứ tung. Cái bình lôi kéo ý nghĩ của ông. Ông nghĩ đến sự tồn tại của nó trong sợi dây nhân duyên. Ông biết sự vật nào cũng trải qua bốn giai đoạn: Thành – Trụ - Hoại – Không. Cái bình nằm kia đã đi đến giai đoạn “Không” của nó. Mối nhân duyên đã làm cho cậu thanh niên kia đụng vào nó. Bây giờ nó đã vỡ, tức giận cũng chẳng lấy lại nó được. Cơn giận trong ông tan dần. Kết quả là cậu thanh niên không bị gì, ngoài vài câu trách móc. Mai là ngày rằm, mình nhớ ăn chay. Ông nghĩ.

Nếu là một người không theo đạo nào, mà cũng chẳng tin ở điều gì; khi thấy cái bình đã vỡ thì một sự tiếc nuối dâng lên trong lòng ông. Nghĩ nhiều hơn, nào vật gia bảo, không mua ở đâu được nữa… sự tức giận trào lên trong lòng. Nó thúc đẩy ông: “Phải đánh nó cho biết tội”. Và cứ một ý nghĩ mới hiện lên, ông thấy phải đấm rồi đá anh chàng kia thêm. Trong lòng ông, không có một nội lực nào dằn được cơn tức giận. Bao lâu cơn giận chưa hả, ông còn thấy việc đấm đá thủ phạm là hợp lý. Đầu óc mình nghĩ là hợp lý, ông không nhìn thấy khuôn mặt đau đớn của cậu kia. Chỉ có người ngoài mới thấy. Và họ thấy ông ta ác!

Hợp lý là một phạm trù thuộc về lý tính. Nó rất chủ quan, vì chỉ có chính người bị tác động bởi nó mới nhận ra việc làm của mình có còn là hợp lý nữa hay không. Người ngoài không thể can thiệp được; vì người bị tác động có sẵn nhiều lý lẽ để củng cố sự hợp lý của mình. Do đó sự hợp lý luôn luôn không có giới hạn. Ta tạm gọi nó là “sự hợp lý vô hạn”. Nó – vô tình – tạo nên sự ác vì chính người làm không biết. Chẳng hạn, thấy người bị cướp giật, tiền văng ra ngoài đường, tôi nhặt vài tờ và bỏ túi. Việc ấy rất hợp lý, tôi có ăn cắp đâu? Như vậy, cái ác trong một xã hội diễn ra, khi có nhiều người làm theo “sự hợp lý vô hạn” và cái ác kia được đẩy lên do bị tác động bởi tâm lý đám đông. Việc hôi của là các thùng bia văng ra từ chiếc xe bị đổ ở Đồng Nai gần đây minh chứng cho các điều này.

Một lý giải

Vậy sự ác diễn ra trong một xã hội nhất định là vì nhiều người chỉ thấy sự hợp lý mà không thấy cái khác. Ngày xưa, khi xã hội chưa văn minh như bây giờ, người ta chấp nhận sự công bằng “mắt đền mắt, răng đền răng” và thấy điều đó là hợp lý. Mãi về sau khi tri thức được nâng lên, triết học được phổ biến, tôn giáo được rao giảng, thì trong xã hội mới có các khái niệm tha thứ, bác ái, diệt dục… Nghĩa là khi trình độ tri thức của con người cao hơn thì con tim của họ cũng quảng đại hơn. Họ hiểu “tha người khác để mình cũng được tha”. Tha thứ, yêu thương là nội lực trong mỗi con người giúp họ ngăn cản được “sự hợp lý vô hạn”.

Thế nhưng, khi tha thứ thì người thực hiện phải chấp nhận một sự thiệt thòi về phần mình. Và để sẵn lòng chấp nhận như thế thì từ khi còn bé, họ phải đã được dạy bảo, và có người lớn làm gương về điều đó. Chính vì điều này, giáo dục gia đình là một điều quan trọng.

Một đứa bé phải được dạy chịu thiệt thòi từ khi còn nhỏ ở trong gia đình. Mầm mống của sự chấp nhận thiệt thòi có sẵn trong mỗi đứa bé. Ta thấy một em bé hay tham ăn, nhưng khi mẹ hay anh chị “lêu lêu” nó sẽ ngừng. Vậy ngay từ khi còn nhỏ, một em bé đã biết xấu hổ. Trời đã phú cho cặp “tham lam – xấu hổ” tồn tại trong mỗi người. Vun xới cho cái mầm xấu hổ lớn lên trong trẻ từ khi còn bé thì nó quen chấp nhận thiệt thòi. Nó sẽ không tham lam. Và gia đình vun xới cho em bằng sự dạy dỗ, làm gương và qua sự nhắc nhở của các tôn giáo.

Rồi đứa bé sẽ lớn lên, nó phải tiếp tục được dạy dỗ. Có khi càng lớn nó càng tham lam hơn. Vậy đức dục tại trường học sẽ giúp vào việc này. Lời răn dạy của thầy cô, gương bạn bè tạo một áp lực cho nó. Đến đây ta có câu hỏi: Ở ta học sinh được dạy ở trường ra sao? Trong một bài báo gần đây khi bàn đến việc chấn hưng giáo dục thì một học giả viết rằng: “Trong cơ chế quan liêu bao cấp tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục nước ta bị ràng buộc với triết lý phủ nhận cá nhân con người đang sống trong hiện thực, để hướng tới những con người lý tưởng do cơ chế tạo ra để phục vụ chính cơ chế đó. Sản phẩm của triết lý giáo dục này chính là những “con người công cụ” mà phẩm chất quan trọng nhất là tuân phục các cấp lãnh đạo, luôn hòa mình vào tập thể để tạo ra sức mạnh của đám đông do các cấp lãnh đạo dẫn dắt, không cần đến tư duy độc lập và sáng tạo”.

Ngày nay, nền kinh tế của chúng ta là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cái định hướng kia ít nhiều còn là nguyên tắc. Trong thực tế, nền kinh tế thị trường hoạt động tự do. Nó cho mọi người được tự do làm giàu. Họ không bị bất cứ cái gì ngăn cản. Làm giàu là một sự hợp lý. Giống như tham lam luôn luôn là một sự hợp lý. Luật pháp có đấy, nhưng hai người a tòng với nhau họ sẽ qua mặt luật pháp; giống như hai thủ phạm chính trong vụ tham nhũng ở Công ty Cho thuê tài chính II đã làm. Vậy luật pháp không còn là một sự đe dọa bên trong mỗi người khiến ngăn cản được “sự hợp lý vô hạn” của họ. Chỉ có sự tự nguyện chấp nhận thiệt thòi, sự tha thứ mới làm được thôi.

Khi tham lam là mầm mống bẩm sinh, từ bé đến lớn, một người không được dạy để chấp nhận thiệt thòi, thì họ sẽ thấy tham lam là hợp lý. Được dạy dỗ không khoan nhượng với kẻ thù thì lúc cần họ sẽ áp dụng. Không có gì từ bên trong họ ngăn cản họ. Tại sao không làm theo sự hợp lý? Tại sao tha thứ cho kẻ thù? Chính những suy nghĩ này tạo nên cái ác diễn ra trong xã hội ta, khi ít, lúc nhiều. Ít người biết chấp nhận sự thiệt thòi và sự tha thứ để làm giảm cái ác. Chúng ta có lý do lịch sử để giải thích các hiện tượng này.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tôn giáo và ngoại tình

    12/04/2017Hồng Thu, Nguyễn Thiện AnCả Phật giáo lẫn Cơ Đốc giáo đều hướng con người ta đến sự phục thiện trong tình yêu. Sau đây là hai mẩu chuyện hướng thiện đó...
  • Tôn giáo như là một tất yếu của đời sống

    03/07/2015Nhà báo Phan Thế Hải (PTH)Niềm tin và tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Nhiệm vụ của các nhà khoa học là hiểu được tôn giáo và hướng các hoạt động tôn giáo vào việc cải cách xã hội...
  • Về vai trò của đạo đức tôn giáo trong đời sống xã hội

    06/11/2014Đặng Thị LanHiện nay, trên tinh thần đổi mới nhận thức về tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta đã nhận đinh tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, trong tôn giáo có những giá trị tốt đẹp về đạo đức, văn hóa. Vấn đề đạo đức tôn giáo đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Các giáo lý tôn giáo đều chứa đựng một số giá trị đạo đức nhân bản rất hữu ích cho việc xây dựng nền đạo đức mới và nhân cách con người Việt Nam hiện nay.
  • Khi cái ác lên ngôi

    23/05/2014Yên Trang (thực hiện)Cái ác hành hoành, người tốt, người có đạo đức, vốn là rường cột của xã hội họ lại phải lui về thúc thủ, bàn quan. Bởi vì nếu can thiệp họ sẽ gặp tai họa, gặp rắc rối. Chúng ta vẫn biết những câu chuyện về những nhà báo viết về chống tiêu cực phải vào tù, chúng ta biết những người viết ca khúc chống Trung Quốc bị bắt. Còn những người làm thất thoát hàng trăm tỷ đồng chẳng bị sao cả, có chăng cũng chỉ đi tù sơ sơ. Điều đó làm xã hội đang đi xuống chứ không phải đi lên...
  • Cái ác sinh ra từ Games online?

    15/07/2009Nguyên Cẩn (Theo VHPG)Làm sao giáo dục tính THIỆN trong nhà trường và nhất là trong gia đình? Không ở đâu mà lòng yêu thương con người, quý trọng mạng sống được dạy dỗ tốt và có hiệu quả cho bằng trong gia đình vì ở đó con trẻ học được ý nghĩa và niềm vui trong tình yêu.
  • Thế giới quan và tôn giáo

    08/06/2009M. Scott PeckCon người càng lớn lên trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người về thế giới và về vị trí của mình trong thế giới đó càng tự nhiên phát triển nhanh. Trái lại, con người càng không lớn lên được trong kỷ luật, trong tình yêu và trong kinh nghiệm sống thì hiểu biết của con người càng không phát triển được. Do đó, giữa những thành viên của loài người có một sự biến thiên lạ thường về bề rộng và độ phức tạp của hiểu biết của chúng ta về bản chất của cuộc đời.
  • xem toàn bộ