"Tôi viết sách vì trăn trở với tương lai đất nước"
Tên ông đã trở nên quá quen thuộc đối với giới doanh nhân các tập đoàn kinh tế tài chính lớn trên thế giới. Ông là một trong những doanh nhân thành đạt và giàu có ở châu Á, người đã mở đường đưa một loạt các tập đoàn lớn như Coca Cola, ngân hàng ANZ… vào làm ăn tại Việt Nam.
Nhưng gần đây, ở Việt Nam người ta bắt đầu làm quen với Nguyễn Trần Bạt tác giả của những tập sách nổi tiếng viết về các vấn đề đang đặt ra cho quá trình phát triển ở Việt Nam như: Văn hóa và con người, Cải cách và sự phát triển, Suy tưởng, Cội nguồn cảm hứng và gần đây nhất là cuốn Đối thoại với tương lai (năm 2013 là bộ sách 2 tập Vượt qua những giới hạn). Bằng quan sát đa chiều, sách của ông đề cập đến những khía cạnh đa dạng của cuộc sống của phát triển tại Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công luận ở nhiều giới khác nhau và gây nhiều tranh cãi.
Các tác phẩm của ông là tập hợp của những nghiên cứu, quan sát cuộc sống xung quanh để rồi cố gắng đưa ra những lý giải về nó. Tuy nhiên sách của ông lại có được sức hấp dẫn đặc biệt bởi trong những trang viết của mình, tác giả cho thấy ông không ngại đụng chạm đến cả những vấn đề nhạy cảm, không ngại đưa ra những chủ kiến, sẵn sàng chịu trách nhiệm về chúng mà không né tránh hoặc phụ hoạ. Những chủ đề được đề cập đến toát lên những trăn trở của ông đối với quá trình phát triển đất nước đang còn ngổn ngang trước nhu cầu đổi mới.
Mở đầu cuốn Văn hóa và con người , ông bộc bạch : "Tôi là một người đam mê quan sát cuộc sống. Chính đam mê này và sự hấp dẫn của cuộc sống đã thúc ép tôi phải có những lý giải về nó". Chính vì thế mà sách của ông là một phần trong những cố gắng nhằm lý giải một số hiện tượng của cuộc sống xuất phát từ những đòi hỏi của chính nó. Ông không có tham vọng to tát mang tính triết học mà chỉ mong những nghiên cứu của mình như là kết quả của những suy tưởng khởi nguồn từ những ý niệm lắng lại trong tâm hồn mình.
Ông Nguyễn Trần Bạt đã tham gia cuộc phỏng vấn về cái nghiệp viết sách của một doanh nhân.
PV: Xin chào ông Nguyễn Trần Bạt, xuất thân từ một người làm khoa học, rồi thành đạt ở châu Á trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, nhưng bên cạnh cái nghiệp đó ông còn viết nhiều cuốn sách gây được sự chú ý của độc giả, vậy xin hỏi ,động cơ nào thôi thúc ông viết sách ?
NTB: Trước khi tôi làm kinh doanh, tôi là một người làm nghiên cứu khoa học thành ra cái bản năng của người làm nghiên cứu khoa học nó vẫn cứ ám ảnh tôi. Khi mà công việc kinh doanh của tôi đã đi vào ổn định thì tôi muốn quay trở lại với hoạt động khoa học, nhưng không ở trong lĩnh vực cũ mà là ở trong lĩnh vực nghiên cứu một số vấn đề của đời sống xã hội, do đó tôi làm như một cái bản năng thôi. Anh cũng biết là xã hội Việt nam cũng còn một loạt những vấn đề đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, được mổ xẻ được lý giải , cần phải được đóng góp để làm cho nó được tốt hơn, nó hoàn thiện hơn và nó thuận tiện hơn với đời sống của con người. Do đó, tôi nghiên cứu những vấn đề như vậy.
PV: Những cuốn sách ông đã cập đến những vấn đề rất đa dạng của cuộc sống bằng những cái nhìn ở nhiều góc độ khác nhau ?
NTB: Anh cũng biết, tôi là một người làm kinh doanh nhưng không phải là kinh doanh một thứ hàng hóa cụ thể mà tôi hoạt động như một luật sư, một nhà tư vấn cho nhiều ngành công nghiệp, ngành kinh tế khác nhau, cho nhiều quan hệ quốc tế khác nhau. Vì vậy, cái ấn tượng mà tôi thu nhận được trong cái quá trình làm việc của tôi cũng khá đa dạng. Chính cái đa dạng cuộc sống của tôi độ hai mươi năm trở lại đây đã làm cho tôi có nhiều cái ý nghĩ đa dạng như vậy. Những tác phẩm của tôi, những bài viết của tôi hoàn toàn phản ánh cảm giác của tôi đối với những đối tượng khác nhau xuất hiện trong cuộc sống.
PV: Cuốn sách gần đây nhất của ông, xuất bản hồi đầu năm nay, là cuốn « Đối thoại với tương lai», tập hợp lại các bài trả lời phỏng vấn với các hãng thông tấn và những bài nói chuyện của ông với nhiều giới khác nhau. Vậy tại sao ông lại cho xuất bản cuốn sách này ?
NTB: Cái nghề của tôi là tổ chức các quan hệ quốc tế về kinh tế cho người Việt. Có lẽ là do hoạt động nghề nghiệp lâu năm trong lĩnh vực này nên rất nhiều hãng thông tấn ở trong nước, hãng thông tấn ở ngoài nước, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước họ cũng biết tôi và họ cũng muốn trao đổi với tôi những ấn tượng của họ về Việt Nam, những quan niệm của người Việt về những quốc gia có liên lạc hợp tác kinh tế với Việt Nam. Có lẽ tôi cũng là một người trung thực, đôi khi thì cũng thẳng thắn, hay tôi cũng là người có thể tin cậy được cho nên vì thế người ta hỏi tôi và tôi trả lời.
Bắt đầu thì là những vấn đề đơn giản, cùng với thời gian thì các vấn đề cũng sâu sắc hơn, phức tạp hơn và do đó tôi có một cái mối giao lưu rộng rãi như vậy và tập hợp lại để thành quyển "Đối thoại với tương lai" này.
PV: Trong sách của ông toát lên những trăn trở với tương lai phát triển của đất nước?
NTB: Trong suốt quyển sách ấy, trong suốt những quyển sách của tôi, cái sự trăn trở ấy không nhạt đi, không mờ đi mà càng ngày càng sâu sắc thêm. Người Việt Nam chúng tôi có lẽ phải phấn đấu hơn nữa để có một xã hội thỏa mãn những tiêu chuẩn mà được xem như là những tiêu chuẩn toàn cầu. Nói gì thì nói, Việt Nam cũng mới mở cửa hội nhập độ khoảng hai mươi năm nay, suy ra cho cùng thì còn lóng ngóng, vụng về, vì thế xã hội còn phải phấn đấu, đặc biệt chính phủ chúng tôi chắc cũng phải phấn đấu để có thể đạt được một cái chất lượng được thừa nhận một cách rộng rãi, được cảm thông một cách rộng rãi và được tôn trọng một cách rộng rãi trên thế giới. Tôi nghĩ đấy là mục tiêu phấn đấu không phải chỉ của tôi, có lẽ của cả người Việt, của cả chính phủ chúng tôi.
Tôi đi lang thang khắp thế giới, quan trắc con người ở các quốc gia phát triển, những người châu Âu, những người Đông Âu, người Hoa Kỳ và người Việt. Dù sao tôi cũng thấy một điều là những điều kiện để cho con người sống một cách hạnh phúc ở trong nước Việt Nam bây giờ thì nó cũng chưa bằng các quốc gia khác. Cái đó tự nhiên nó trở thành nỗi niềm của mỗi một người trí thức có một chút lương tri, chút nghĩ ngợi đến trách nhiệm, đến cái thân phận của người Việt. Có lẽ tôi yêu người Việt, tôi thấy tội nghiệp người Việt, tội nghiệp bố tôi, mẹ tôi chết trong nghèo khổ, tội nghiệp những người vẫn còn nghèo khổ cho đến lúc này. Cũng phải nói với anh rằng, đó là những tình cảm xuất hiện một cách hoàn toàn tự nhiên, nó không có động cơ chính trị gì cả, tôi yêu con người một cách rất là vô tư không có động cơ chính trị nào.
PV: Dường như đối thoại và phản biện là hai nội dung chủ yếu trong các tác phẩm của ông, xin ông lý giải đôi chút về hai khái niệm này.
NTB: Có lẽ nó cũng có một sự khác nhau rất tinh tế. Đối thoại là trao đổi để tìm kiếm sự đồng cảm, phản biện là có tính chất phê bình có tính chất vạch vòi một số những cái nhược điểm trong chính sách hoặc trong ứng xử khác nhau của các đối tượng có quyền lực ở xã hội chúng tôi, vì thế, đối thoại mang tính thảo luận, còn phản biện mang tính phê phán . Tôi nghĩ rằng tôi không phải là một người có thiên hướng phê phán một cách trực diện, nhưng sự phân tích, sự thảo luận đôi khi nó có sự phê phán có chất lượng mà lại không có cái màu sắc, không có ngôn ngữ của sự phê phán vì thế nó dễ được tiếp nhận hơn.
PV: Có nhận xét cho rằng sách của ông mang tính suy tưởng triết học có nhiều điều mới mẻ, chính vì thế khiến độc giả phải suy ngẫm nhiều. Ông có cho đó là một thành công của mình?
NTB: Tôi là một người khiêm tốn. Đôi khi tôi không dám tự phong hay tự cho mình có chất lượng gì. Tuy nhiên, cùng với thời gian, cùng với sách vở và những trao đổi của bạn đọc thì tôi cũng nghe dần, cũng thấy được hình như cũng có chất lượng như anh vừa nói. Tuy nhiên cũng phải nói là người việt chúng ta có một cái thú vị là nó tiềm ẩn trong đó có những cái suy tưởng có chất lượng triết học tuy nhiên lại không có được một cái cộng đồng trao đổi, cho nên người Việt không xây dựng nổi triết học của mình, nhưng mỗi người Việt đều có chất lượng triết học trong suy tư của mình.
Có lẽ tôi là một cá thể suy tư có chất lượng triết học nhưng chưa đủ năng lực để hoàn thiện nó như là một triết gia. Vì thế có lẽ cũng cần phải được trao đổi, phấn đấu rồi học hỏi thêm để có được một chất lượng nó chuyên nghiệp hơn, xét theo những tiêu chuẩn như anh vừa nói.
PV: Trong tiến trình mở cửa hội nhập của Việt Nam hiện nay, ông đánh giá thế nào mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế?
NTB: Tôi nghĩ kinh tế là nhu cầu trước mắt, nhưng mà kinh tế theo nhu cầu trước mắt nó chỉ phát triển đến một cái ngưỡng nào đó. Nếu không có sự tiếp tục phát triển về phương diện văn hóa, thậm chí cả phương tiện chính trị thì rất khó để kinh tế phát triển một cách thuận lợi. Cho đến nay, có thể nói là kinh tế Việt Nam phát triển một cách tương đối thuận lợi. Nhưng dấu hiệu ban đầu về sự xung đột của nó, về sự vướng víu của nó liên quan đến sự phát triển văn hóa, thậm chí cả phát triển chính trị, đã bắt đầu xuất hiện. Khi con người còn nghèo khổ thì nghĩ đến cái ăn, nhưng khi bắt đầu có đời sống vật chất tốt hơn thì con người đòi hỏi những tiêu chuẩn, những giá trị tinh thần ở mức cao hơn và vì thế sự phát triển văn hóa hay là phát triển chính trị cũng là đòi hỏi tự nhiên của con người. Khi nào một cái xã hội phát triển theo cái khuynh hướng các đòi hỏi tự nhiên của con người thì chắc chắn xã hội đó lành mạnh. Mà muốn lành mạnh thì phải thỏa mãn các đòi hỏi của con người.
PV: Cuối cùng xin hỏi ông là sắp tới ông có tác phẩm nào dự tính cho ra mắt độc giả không?
NTB: Tôi sẽ viết đến khi nào mà tôi thấy mình không lao động được nữa. Tôi cũng có một cái công ty. Tất cả những nề nếp làm ăn của nó tốt, các luật sư của tôi là những người rất tích cực và có tay nghề tốt và cũng đem lại cho tôi những lợi ích tài chính nào đó và do đó cái thúc bạch về mặt đời sống nó không thúc bách tôi nữa và tôi nghĩ rằng tôi phải trả lại cho cuộc đời tất cả những may mắn mà tôi đã gặp phải, tôi có được trong hai mươi mấy năm đổi mới ở Việt Nam. Tôi vẫn sẽ lao động tiếp tục cho đến khi nào cảm thấy mình già quá rồi.
Cách đây vài năm tôi có gặp những trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Có những người hơn tám mươi tuổi họ vẫn lao động, họ vẫn băn khoăn thao thức về đất nước và không nghĩ rằng mình mới hơn sáu mươi tuổi thì tôi không có quyền nghỉ. Tôi nghĩ là tôi vẫn lao động. Việc viết lách của tôi vẫn tiếp tục, khi có điều kiện thuận lợi thì các tác phẩm của tôi vẫn cứ ra đời… Chắc là còn viết lâu nữa
PV: Xin cảm ơn ông Nguyễn Trần Bạt.
Nguồn:RFI
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức Phương