Một số vấn đề về tôn giáo và nhu cầu tôn giáo hiện nay
Ngày 16/10/1999, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 24 về Công tác Tôn giáo trong tình hình mới, xác định: "Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới".
Đây là một bước "đột phá" trong quan điểm của Đảng ta về tín ngưỡng, tôn giáo. Lần đầu tiên trong văn kiện Đảng, tín ngưỡng, tôn giáo được nhìn nhận là một vấn đề "nhu cầu tinh thần", tính tích cực của tôn giáo cũng được xem xét ở góc độ đạo đức. Quan niệm mới này tiếp tục được đề cập trong các nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VII, VIII, IX và hoàn thiện ở Nghị quyết 25 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ngày 12/3/2003 được thể hiện trong Hiến pháp 1992 (Điều 70) và cụ thể hóa với Nghị định 26CP (1998) của Chính phủ, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 18/6/2004.
Điểm lại những văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới càng thấy tầm quan trọng của vấn đề chúng ta đang đề cập. Xem xét tình hình tôn giáo sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn quan điểm đổi mới của Đảng bắt đầu với Nghị quyết 24 của Bộ chính trị.
Năm 1968, nhà xã hội học tôn giáo Peter Berger, một trong những cột trụ của lý thuyết thế tục hóa, đã phát biểu: "Vào thế kỷ XXI, các tín đồ tôn giáo có thể chỉ còn được tìm thấy trong các giáo phái nhỏ, họ túm tụm sống với nhau để kháng cự lại một nền văn hóa thế tục có tính toàn cầu”. Hơn 30 năm sau, năm 2001 chính học giả này lại viết: "Ý tưởng cho rằng chúng ta đang sống trong một thế giới tục hóa là sai lầm. Thế giới ngày nay, với một vài ngoại lệ, vẫn mang tính tôn giáo dữ dội như trong quá khứ”.
Như thế, phải chăng tình hình tôn giáo ngày nay đã khác xa so với 30 trước, phải chăng có một giai đoạn của thế kỷ trước nhu cầu tôn giáo không còn nữa và ở thế kỷ XXI nhu cầu tôn giáo của con người trở lại, hay nói như đạo Công giáo thì Chúa đã chết nhưng cũng đã phục sinh?
Từ cuối thế kỷ thứ XIX, cuộc cách mạnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ tác động đến mọi mặt đời sống xã hội trong đó có tôn giáo. Nếu các thế kỷ XVII, XVIII, phong trào Triết học Ánh Sáng tấn công vào thần học kinh viện và cách mạng tư sản, mở đầu với Cách mạng tư sản Pháp 1789, tấn công vào Giáo hội làm cho "Giáo hội nghèo đi", thì cuộc cách mạng khoa học công nghệ tiếp tục tước đi của Giáo hội quyền lực thánh thiêng. Người ta bắt đầu nói đến sự "giải mê thế giới" (M. Weber) và nhắc lại lời tiên đoán của Voltaire từ hàng thế kỷ trước về cái chết của tôn giáo.
Rõ ràng, khoa học công nghệ phát triển, hiểu biết của con người mở rộng, thế giới dường như trở nên nhỏ bé, cái siêu tự nhiên bị thu hẹp lại. Với việc tách ra và phát triển độc lập với triết học của các ngành khoa học, sự phân biệt rạch ròi giữa quyền lực thế tục của Nhà nước với quyền lực thánh riêng của Giáo hội, sự chuyển đổi từ xã hội tín đồ sang xã hội công dân khiến tôn giáo mất đi vai trò chủ đạo chi phối và điều hành thế giới. Cùng với nguyên nhân đó, đầu thế kỷ XX, cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công, chủ nghĩa cộng sản vô thần từ "bóng ma ám ảnh" trở thành hiện thực ở Nga, Đông Âu và phát huy ảnh hưởng tư tưởng vô thần ra toàn thế giới.
Bối cảnh thế giới bấy giờ khiến không chỉ Peter Berger mà nhiều nhà thần học và nghiên cứu tôn giáo dù lạc quan đến mấy cũng phải tin rằng trong tương lai không xa vai trò của tôn giáo không còn, tôn giáo sẽ chết.
Nhưng không lâu sau, vào thập kỷ cuối thế kỷ XX, tình hình thế giới có nhiều biến động to lớn tác động sâu sắc đến tôn giáo. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu tạo ra một cuộc khủng hoảng mất ổn định chính trị, tụt dốc kinh tế, gây xáo trộn lớn về tâm lý không chỉ giới hạn ở khu vực này. Cục diện thế giới từ đối đầu hai cực Xô - Mỹ chuyển sang đa cực, vừa cạnh tranh quyết liệt, vừa đối thoại, hợp tác. Đồng thời, kỷ nguyên hậu công nghiệp và toàn cầu hóa cũng làm cho bức tranh tôn giáo biến đổi.
Xã hội càng phát triển, khoa học công nghệ càng mở ra những chân trời mới thì đồng thời cũng "mở mắt" cho nhận thức của con người về giới hạn của mình trong vũ trụ bao la. Quá trình toàn cầu hóa không chỉ đem lại mặt tích cực, nhất là ở vùng ngoài Châu Âu, nơi thế giới thứ ba vẫn đang bị thống trị bởi tình trạng nghèo đói và dịch bệnh. Toàn cầu hóa thúc đẩy sự phân cực giàu nghèo. Các nước kém phát triển bị xoáy hút vào vùng trung tâm Âu - Mỹ quay theo quỹ đạo của trung tâm này và trở thành "bãi rác" công nghệ, nơi khai thác tài nguyên và nhập khẩu tư bản. Ngay trong mỗi nước, khoảng cách giàu nghèo cũng là vấn đề nhức nhối. Số đông quần chúng là nhân dân lao động thuộc thành phần "bị loại trừ' (mức sống thấp, luôn bị đe dọa bởi tình trạng thất nghiệp, xa lạ với các phương tiện truyền thông hiện đại), ngày càng nghèo đi, trong khi đó thiểu số ngày càng giàu có nắm đa số tài sản và phương tiện truyền thông. Ngoài ra, thế giới hiện đại còn phải đối mặt với tình trạng di dân, đô thị hóa, mất cân bằng sinh thái, nạn ô nhiễm môi trường, nguy cơ khủng hoảng tài nguyên, đối diện với tình trạng bùng nổ dân số và đại dịch… Và còn nữa, tình trạng mất cân bằng tâm lý do đổ vỡ trong hôn nhân, gia đình, sức ép công việc, chiến tranh và di chứng của nó, sự bất ổn chính trị, v.v... Những biểu hiện đó cho thấy con người ngày trở nên tha hóa và đang tự đánh mất mình trong xã hội hiện đại.
Trong một thế giới đầy bất trắc, một thế giới vật chất lạnh lùng, một thế giới "không thể chấp nhận được" là mảnh đất tốt cho các tôn giáo, nhất là hình thức các tôn giáo mới, tôn giáo cực đoan phát triển. Tôn giáo, vì thế, vẫn luôn là nhu cầu, là sự "bù đắp" cho những gì con người còn thiếu và khát vọng vươn tới. Tuy nhiên, theo các góc độ biểu hiện này, tôn giáo không đơn giản chỉ xuất phát từ sự kém hiểu biết của con người, từ mê tín hay phục tùng mù quáng của tín đồ trước sức mạnh tự nhiên, đối tượng được thờ cúng và lực lượng đại diện cho nó (giới chức sắc, tôn giáo, nhà tu hành). Tôn giáo không chỉ là liều thuốc giảm đau, là sự "đền bù hư ảo" mà nó vừa là biểu hiện vừa là biện pháp khắc phục sự tha hóa của con người. Tôn giáo còn được quan niệm "là sự quan tâm tột cùng, tuyệt đối, tôn giáo là cái gì đó tột cùng và tuyệt đối, là những cái "tuyệt đối” mà chúng ta không thể nào "miêu tả" được.
Chính vì thế, ngày nay, tôn giáo được dán cho ý nghĩa là động lực thúc đẩy con người khao khát tìm kiếm bản thân, khám phá thế giới và tình cảm tôn giáo "làm phát triển quy luật của đạo dẫn dắt cuộc đời và lòng cam đảm của con người để họ thành công trong việc thoát khỏi xiềng xích của lòng tham muốn ích kỉ" (A. Einstein). Điều này giải thích tại sao tôn giáo không chỉ cuốn hút quần chúng ít học và còn giành được tín đồ trong hàng ngũ các khoa học, những người một thời quyết đấu tranh chống tôn giáo.
Ngày nay, tôn giáo không còn được coi là "một hình thức văn hóa tình cảm", một bộ phận của đời sống tinh thần loài người, một thành tố cấu thành của văn hóa nhân loại. Cực đoan hơn, như Paul Tillich và A. Toynbee quan điểm, tôn giáo chính là "bản thể", là linh hồn của văn hóa và của mọi nền văn minh.
Từ xưa đến nay, tôn giáo đều chủ trương "xuất thế” xem thế giới hiện thực chỉ là "hư ảo", tạm thời, thế giới bên kia mới là thế giới tốt đẹp, vĩnh cửu. Nhưng dù vậy, tôn giáo nào cũng đều xuất phát từ đời sống, đều phản ánh thế giới hiện thực, do đó bao giờ cũng tác động trở lại xã hội. Qua sinh hoạt tôn giáo, các cá nhân có dịp tiếp xúc, chia sẻ tình cảm làm giảm căng thẳng, vơi bớt sự cô đơn một thứ bệnh rất phổ biến của xã hội hiện đại, tránh cho con người tìm đến lối sống thác loạn và hành động tự sát. Tôn giáo cũng rất nỗ lực cổ vũ hòa bình, công bằng, bác ái, nỗ lực trong các hoạt động từ thiện cải thiện đời sống nghèo, kêu gọi thế giới giữ gìn môi trường, giải trừ vũ khí hạt nhân, bảo vệ văn hóa truyền thống và gia đình, nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh,v.v… Phong trào đại kết và bảo vệ hòa bình của tôn giáo trong một chừng mực nhất định đã có tác động tích cực.
Điều đó cho ta thấy tôn giáo không chết, nhu cầu tôn giáo của con người chưa mất đi, thậm chí chưa hề suy giảm.
Nghiên cứu tôn giáo hiện đại, các nhà nghiên cứu tôn giáo khẳng định phong trào thế tục hóa thực chất mang tính giải thiêng hơn là giải trừ tôn giáo. Sự khủng hoảng của tôn giáo trong một giai đoạn nhất định đánh dấu sự chuyển biến thích ứng của tôn giáo trong thời đại nhiều biến chuyển. Như thế, nhu cầu tôn giáo chưa bao giờ mất cả, hay mất đi chẳng qua là hình thức truyền thống của tôn giáo chứ không phải là bản thân tôn giáo.
Chủ nghĩa tư bản tự do và xã hội công dân khiến tôn giáo từ toàn thống trượt sang cá thể, từ các tôn giáo chuyển sang cái tôn giáo. Ở đó mỗi người tự tìm kiếm Chúa cho riêng mình không phụ vào giáo lý và cách biến dạng của Giáo hội như trước đây, cũng không phải lệ thuộc vào các thể chế giáo hội do đó không nhất thiết phải đi lễ nhà thờ và thực hành nghi lễ tôn giáo như xưa. Hơn nữa như Francois Houtart nhận xét: "Sự phân cực của xã hội cũng có nghĩa là sự phân cực của tôn giáo". Tại các nước phát triển, khủng hoảng tôn giáo thực chất là khủng hoảng Giáo hội Công giáo kéo tín đồ ra khỏi nhà thờ trở về với đời sống tôn giáo cá nhân hay như giới trẻ thì tìm đến với các tôn giáo mới. Tại các nước kém phát triển, tôn giáo dân tộc trỗi dậy như một phản ứng tự vệ trước sự bành chướng của văn hóa, văn minh Phương Tây, một bộ phận không nhỏ trong đó trượt sang chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo cực đoan. Còn tại các quốc gia Islam giáo và có quốc đạo, lực lượng tôn giáo đang xâm nhập hoàn toàn quyền lực nhà nước hay đang vươn lên nắm lấy quyền lực chính trị, nhiều khi còn cạnh tranh gây sức ép với chính phủ.
Tình hình đó cho thấy tôn giáo có thể trở thành động lực tuyệt vời để liên kết quốc gia nhiều tộc người, nhưng cũng có khi lại trở thành nguyên nhân dẫn đến nội chiến, ly khai. Như thế, vấn đề tôn giáo với những hình thức mới là tác động trần thế của nó, nhất là mặt chính trị, xem ra vẫn là vấn đề của thế kỉ XXI.
Tình hình tôn giáo thế giới và nhu cầu tôn giáo không suy giảm cho thấy tôn giáo là một hiện tượng có tính lịch sử tồn tại khách quan, hay nói như Nghị quyết 25 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) thì tôn giáo "đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta". Nhận thức nhất quán đó của Đảng ta không tách rời thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam, đồng thời định hướng cho chính sách tôn giáo cụ thể và việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến tôn giáo.
Theo thống kê hiện nay, Việt Nam có 19,4% dân số theo đạo với hơn 18 triệu người là tín đồ các tôn giáo. Số liệu này chưa phản ánh chính xác số lượng tín đồ tôn giáo ở Việt Nam vì việc xác định thế nào là một tín đồ tôn giáo vốn dĩ đã phức tạp lại chưa có sự thống nhất. Hơn nữa, người Việt Nam không giống người Phương Tây chỉ tham dự một hành vi tôn giáo. Một người Việt Nam có thể đi lễ nhà thờ, lễ chùa hoặc tham dự vào các hành vi tôn giáo khác nhưng nhiều khi lại không tự nhận là có đạo. Đến Việt Nam, người Phương Tây thường rất ngạc nhiên bởi ở đâu họ cũng bắt gặp nơi thờ tự với nhiều thần linh khác nhau mà tâm thức tôn giáo độc thần của họ không sao hiểu nổi. Từ gốc cây cổ thụ, hòn đá, hốc núi với hình thù kì dị đến khúc sông, ngọn suối… tất cả đều linh thiêng và có hồn. Trong nhà người Việt Nam, nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Chúa, Phật hay các Mẫu, góc nhà, góc bếp có bàn thờ Thần Tài, Thần Bếp (Táo Quân), ngoài sân có cây hương thờ Thổ Địa góc vườn có miếu thờ bà Cô, ông Mãnh, v.v... Điều đó phần nào nói lên nhu cầu tâm linh của người Việt và bầu không khí thấm đẫm hương vị tôn giáo nơi cõi hư và cõi thực hầu như không có ranh giới.
Trong lịch sử cũng như hiện nay, dân tộc Việt Nam không có quốc đạo, mà có rất nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau cũng tồn tại, trong đó có cả tôn giáo truyền thống, tôn giáo nội sinh lẫn tôn giáo ngoại nhập. Trên bầu trời thần thánh, không chỉ có Đức Phật, Đức Chúa mà còn có cả một phức hệ thần thánh với nhiên thần, nhân thần và nhiều nhân vật nửa lịch sử nửa huyền thoại. Nếu chúng ta quan niệm tôn giáo là việc thực hành nghi thức thờ cúng thì hầu hết người Việt Nam có đạo, trong đó thờ cúng tổ tiên đóng vai trò quan trọng và là thứ "tôn giáo thân thiết nhất của người Việt". Theo nghĩa rộng, thờ cúng tổ tiên không chỉ là thờ cúng những người thân trong gia đình, những người cùng huyết tộc đã khuất, mà còn thờ cúng những người có công với làng xã đất nước (thành hoàng, anh hùng dân tộc), thờ quốc tổ Hùng Vương. Với nghĩa đó, hệ thống tôn giáo dân tộc, tiêu biểu là đạo thờ cúng tổ tiên, có đóng góp tích cực vào việc củng cố mối quan hệ gia đình, liên kết cộng đồng, cố kết dân tộc. Cùng với các tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo, và Nho giáo, tôn giáo truyền thống là nền tảng tư tưởng Việt Nam trước khi chịu ảnh hưởng của các trào lưu tôn giáo, tư tưởng Phương Tây và Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Vì thế, ở Việt Nam, tôn giáo còn được gọi là "đạo" (đường đi), nên không chỉ là con đường dẫn đến Niết Bàn, Thiên Đường hay thế giới siêu nhiên giải thoát nào khác. Đạo trước hết và trên hết được xem là con đường sống làm người có nhân cách, đạo đức. Do đó Đạo chính là lối sống, là thế ứng xử ở đời.
Tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam có đặc điểm nổi bật là tính đa nguyên dung hợp không mâu thuẫn kì thị tôn giáo, cũng không tồn tại thứ đức tin cực đoan, cuồng tín. Truyền thống tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, và ngày nay vẫn "đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc" đi lên chủ nghĩa xã hội.
15 năm (1990 - 2005) tiến hành chính sách tôn giáo mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam chú trọng vào khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức, tinh thần, những truyền thống tốt đẹp của các tôn giáo. Tuy nhiên với tính chất là một "hình thức văn hóa tình cảm" trong quốc gia mang tâm thức tôn giáo đa/phiếm thần được vận hành bởi lối tư duy tiểu nông, tôn giáo tính của người Việt Nam nặng nề về lễ nghi rườm rà, mê tín. Các sinh hoạt tôn giáo gần đây với các hoạt động mạnh mẽ của các hội đoàn tôn giáo, sự phục hồi lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo, việc trùng tu và xây mới cơ sở thờ tự, v.v... nhiều khi mang tính phô trương hình thức và chạy theo nhu cầu, thị hiếu vật chất đầy đủ hơn xưa nhưng tệ mê tín với các hình thức bói toán, xin xăm, đồng cốt, v.v... không những không giảm mà ngược lại có chiều hướng ngày càng gia tăng, cả về hình thức lẫn số lượng người tin theo, đang đi ngược lại trào lưu tôn giáo hiện đại cho thấy tính bảo thủ chậm biến đổi thích nghi của tôn giáo nước ta.
Bên cạnh đó, với tính nhạy cảm, tôn giáo vẫn luôn bị các thế lực thù địch tìm cách lợi dụng phục vụ chiêu bài can thiệp khoác áo "nhân quyền, dân chủ, tôn giáo". Việc truyền đạo trái phép do các tổ chức phản động từ nước ngoài hỗ trợ tài chính và chỉ đạo "tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định" (Nghị quyết 25) khiến tình hình tôn giáo có những diễn biến phức tạp, chủ yếu tập trung tại các khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hiện tượng tôn giáo mới bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước có biểu hiện thiếu lành mạnh đi ngược lại đạo đức luân lí dân tộc, thậm chí một số vụ gây chết người.
Chính vì thế, trong thời gian qua, công tác tôn giáo được đẩy mạnh, nhất là công tác vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đạo. Chủ trương chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng từng bước được thể chế hóa đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, "nhu cầu tinh thần" chính đáng của một bộ phận không nhỏ nhân dân, thực hiện đại đoàn kết toàn dân, phát huy những mặt tích cực của tín ngưỡng, tôn giáo trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, chính sách pháp luật đó cũng đã kịp thời ngăn ngừa nhiều hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo phục vụ mưu đồ chính trị đen tối hay trục lợi, có tác dụng định hướng cho các hoạt động tôn giáo trong sáng, thiết thực phục vụ nhân dân và Tổ quốc đối với phương châm "tốt đời, đẹp đạo".
Tóm lại, Nghị quyết 24 của Bộ chính trị và Nghị quyết 25 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa IX) về công tác tôn giáo xác định tôn giáo là nhu cầu tinh thần và còn tồn tại lâu dài cùng dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội, là một luận điểm có tính định đề đặt cơ sở cho nhận thức mới trong công tác tôn giáo thời gian qua và thời gian tiếp theo. Quan điểm này cũng chứng tỏ Đảng ta luôn luôn tôn trọng và đảm bảo quy luật vận động khách quan của tôn giáo. Do vậy, nó có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ vững tình hình sinh hoạt tôn giáo nhìn chung bình thường, ổn định ở Việt Nam trong bối cảnh tôn giáo, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005