Khoa học và tôn giáo phụ thuộc lẫn nhau
Chẳng có gì là khó khăn khi chúng ta đồng ý với nhau về điều chúng ta hiểu khoa học như thế nào.
Khoa học là nỗ lực trong nhiều thế kỷ để góp lại với nhau, bằng sự suy tư có hệ thống, những hiện tượng trong thế giới mà chúng ta nhận thức được, thành một kết hợp càng thấu đáo càng tốt. Nói một cách rõ hơn, khoa học là toan tính tái tạo sự hiện hữu bằng một quá trình thuộc khoa nhận thức bằng quan niệm (process of conceptualization). Nhưng khi tôi tự hỏi tôn giáo là gì tôi không thể nghĩ ra câu trả lời một cách dễ dàng. Và ngay cả sau khi tìm ra được một giải đáp có thể làm cho tôi hài lòng, tôi vẫn tin tưởng rằng không bao giờ và trong bất cứ trường hợp nào, tôi có thể góp lại với nhau tất cả những giải đáp của những người đã suy tư nhiều về câu hỏi này.
Định Nghĩa Của Tôn Giáo
Thay vì hỏi tôn giáo là gì, tôi cho rằng nên hỏi đâu là đặc tính những khao khát của một người mà người này đã gây cho tôi một ấn tượng họ là người có ý thức tôn giáo hay mộ đạo: Đối với tôi, một người mộ đạo sáng suốt là người, với tất cả khả năng của mình, tự giải thoát ra khỏi những ràng buộc của những ham muốn ích kỷ, và đặc biệt quan tâm đến những suy tư, cảm nghĩ, khao khát mà họ bám vào đó vì cái giá trị cao cả của chúng. Đối với tôi, điều quan trọng là nội dung của cái động lực cao cả đó, và lòng tin tưởng sâu xa về ý nghĩa mạnh mẽ của nó, bất kể là có toan tính nào kết hợp nội dung đó với một đấng thần linh, nếu không như vậy thì chúng ta không thể kể Đức Phật và Spinoza như là những nhân vật có ý thức tôn giáo. Và như vậy, một người mộ đạo sùng đạo theo nghĩa anh ta không còn nghi ngờ gì về ý nghĩa và sự cao cả của những mục đích cao thượng, những mục đích không đòi hỏi cũng như không thể có một nền tảng thuần lý. Những mục đích cao thượng đó thật là cần thiết đối với anh ta cũng như chính sự sống của anh ta. Theo nghĩa này, tôn giáo, từ thuở khai sinh lập địa, là nỗ lực của nhân loại để trở thành sáng suốt và ý thức được đầy đủ về những mục đích cao thượng và củng cố, phát triển ảnh hưởng của những mục đích này trên con người. Nếu chúng ta quan niệm tôn giáo và khoa học theo những định nghĩa như trên thì một sự xung đột giữa khoa học và tôn giáo có vẻ như không thể nào xảy ra. Bởi vì khoa học chỉ có thể xác minh một cái gì đó là như thế nào (what is) chứ không phải là phải nên như thế nào (what should be), và ngoài giá trị trong lãnh vực của khoa học, mọi loại phán đoán về các lãnh vực khác đều là cần thiết. Mặt khác, tôn giáo chỉ đánh giá tư tưởng và hành động của con người: tôn giáo không có tư cách để nói đến các sự kiện (facts) và sự liên hệ giữa các sự kiện. Theo sự diễn giải này thì những sự xung đột quen thuộc giữa tôn giáo và khoa học là do sự nhận thức sai lầm về bản chất của tôn giáo và khoa học.
Thí dụ, một sự xung đột xảy ra khi một cộng đồng tôn giáo khẳng định là mọi điều viết trong Thánh Kinh đều tuyệt đối đúng. Điều này có nghĩa là tôn giáo đã can thiệp vào trong lãnh vực của khoa học; đây chính là cơ sở chống những thuyết của Galileo và Darwin của giáo hội Ki Tô. Mặt khác, khoa học thường toan tính đạt tới những phán đoán căn bản đối với những giá trị và kết quả, dựa trên căn bản của phương pháp khoa học, và trong đường hướng này đã đặt những giá trị khoa học ở vị thế đối nghịch với tôn giáo. Những sự xung đột này đều bắt nguồn từ những sai lầm nghiêm trọng.
Dù rằng những địa hạt tôn giáo và khoa học tự chúng xa cách nhau, giữa khoa học và tôn giáo cũng có những liên hệ và mối tùy thuộc lẫn nhau. Tuy rằng tôn giáo xác định những mục đích của tôn giáo, tôn giáo cũng học hỏi từ khoa học, theo nghĩa rộng nhất, những phương tiện góp phần vào trong việc đạt tới những mục đích mà tôn giáo đã đặt ra. Nhưng khoa học chỉ có thể được tạo nên bởi những người đã hoàn toàn thấm nhuần bởi sự khao khát sự thật và hiểu biết. Và nguồn cảm nghĩ này cũng nảy ra từ lãnh vực tôn giáo. Để đi tới sự thật và hiểu biết, khoa học tin tưởng rằng có thể những qui luật trong thế giới hiện hữu thì hữu lý, nghĩa là, có thể hiểu được bằng lý trí. Tôi không thể quan niệm một khoa học gia chân chính nào mà lại không có một đức tin vững chắc như vậy. Tình trạng này có thể biểu thị bằng một hình ảnh: Khoa học không có tôn giáo thì què quặt, tôn giáo không có khoa học là mù quáng.
Tuy rằng tôi đã khẳng định ở trên, rằng trong chân lý một sự xung đột giữa tôn giáo và khoa học không thể hiện hữu. Tuy nhiên tôi phải khẳng định rõ hơn trên một điểm quan trọng, dựa trên sự thực trong lịch sử các tôn giáo. Điều này liên hệ đến quan niệm về Thượng đế. Trong buổi sơ khai của tiến trình tiến hóa tâm linh của nhân loại, con người đã tưởng tượng và tạo ra những Thượng đế (gods) theo hình ảnh của chính mình, những đấng mà theo như ý muốn của con người, có thể quyết định, hoặc có ảnh hưởng đến thế giới các hiện tượng. Con người, bằng những trò quỷ thuật hoặc những lời cầu nguyện, mưu cầu thay đổi những khả năng mà họ gán cho Thượng đế để kéo Thượng đế về phe họ, giúp họ. Ngày nay, ý tưởng về một Thượng đế (God) [Thần của Ki Tô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo. TCN] chỉ là sự nâng cao lên tột đỉnh quan niệm cổ xưa về các Thượng đế (gods) [Thần của các tôn giáo dân gian. TCN]. Đặc tính nhận thức Thượng đế phỏng theo hình thái con người (anthropomorphic) dược thấy rõ, thí dụ như, qua sự kiện là con người, trong những lời cầu nguyện, cầu khẩn Thượng đế hãy hoàn thành những ước muốn của con người.
Lẽ dĩ nhiên, không ai có thể phủ nhận ý tưởng về sự hiện hữu của một đấng toàn năng, công bình, toàn nhân có thể mang lại cho con người sự an ủi, cứu giúp, và hướng dẫn; và cái ý tưởng đơn giản đó dễ dàng thấm nhập vào những đầu óc kém phát triển nhất (it is accessible to the most undeveloped mind). Tuy nhiên, một mặt khác, ý tưởng này lại có những yếu kém mà chúng ta phải đau lòng gánh chịu từ khi lịch sử bắt đầu. Đó là, nếu Thượng đế là đấng toàn năng thì mọi sự việc xảy ra, kể cả mọi hành động, mọi tư tưởng, mọi cảm tính, mọi khao khát của con người cũng đều là tác phẩm của Thượng đế; vậy làm sao mà có thể đổ trách nhiệm lên đầu con người về những việc làm hoặc tư tưởng của con người trước một đấng toàn năng như vậy? Khi định ra những sự thưởng, phạt, theo một mức độ nào đó, Thượng đế tất nhiên cũng phải tự phán xét chính mình. Làm sao mà chúng ta có thể kết hợp điều trên với những thuộc tính toàn thiện, công chính, mà chúng ta gán cho Thượng đế?
Nguồn Gốc Của Những Sự Xung Đột
Nguồn gốc của những sự xung đột ngày nay giữa tôn giáo và khoa học nằm trong quan niệm về một Thượng đế như trong Thánh Kinh (personal God). Mục đích của khoa học là thiết lập những quy luật tổng quát xác định mối liên hệ hỗ tương giữa vật chất và những biến cố trong thời gian và không gian. Đối với những quy luật này, hay luật thiên nhiên, chúng ta đòi hỏi chúng phải có một căn cứ vững chắc tổng quát và tuyệt đối (absolutely general validity is required). Chính yếu, đây là một chương trình, và một đức tin về những thành đạt mà trên nguyên tắc chỉ có thể xây dựng trên những sự thành công một phần (founded on partial successes). Nhưng không ai có thể phủ nhận những thành quả khoa học đó và cho rằng những thành quả đó chỉ là những điều con người tự lừa dối mình.
Sự kiện là, đặt căn bản trên những định luật thiên nhiên, chúng ta có thể tiên đoán sự diễn tiến của các hiện tượng trong một vài lãnh vực với một độ chính xác rất cao, đã ăn sâu vào trong tiềm thức của con người hiện đại, tuy rằng hắn ta chỉ có thể nắm được rất ít nội dung của những định luật đó. Tương tự, tuy không có cùng một độ chính xác, chúng ta có thể tính toán trước phương thức vận hành của một động cơ điện, một hệ thống truyền tin, hay một vật dụng không cần giây điện (wireless apparatus), ngay cả khi chúng ta đang đối phó với một phát triển mới.
Điều chắc là, khi có quá nhiều những nhân tố dự phần vào một hiện tượng phức tạp, phương pháp khoa học sẽ thất bại trong hầu hết các trường hợp. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến vấn đề thời tiết, trong trường hợp này khó có thể tiên đoán chính xác dù chỉ trước vài ngày...
Một Vũ Trụ Hài Hòa, Có Trật Tự
Một người càng thấm thuần vào sự hài hòa có trật tự của mọi biến cố trong vũ trụ bao nhiêu thì càng tin tưởng là không có gì ở ngoài thiên nhiên có thể ảnh hưởng đến và thay đổi làm cho thiên nhiên khác đi. Đối với hắn, quy luật của con người hay của Thượng đế không thể hiện hữu như là một nguyên nhân độc lập đối với những biến cố thiên nhiên. Điều chắc là, giáo lý về một Thượng đế trong Thánh Kinh có thể can thiệp vào (interfering) những biến cố thiên nhiên không bao giờ có thể phủ bác được bởi khoa học, theo đúng nghĩa, bởi vì giáo lý đó bao giờ cũng có thể nấp đàng sau những lãnh vực mà khoa học chưa thể đặt chân vào.
Nhưng tôi tin rằng cách xử sự của tôn giáo như vậy không những chẳng có giá trị gì mà còn nguy hại. Vì một giáo lý mà chỉ có thể duy trì trong bóng tối chứ không phải trong ánh sáng (For a doctrine which is able to maintain itself not in clear light but only in the dark), sau cùng sẽ mất đi ảnh hưởng đối với nhân loại, và gây phương hại không thể lường được cho sự tiến bộ của nhân loại. Trong cuộc tranh đấu cho đạo đức, các nhà truyền giáo phải có can đảm bỏ đi giáo lý về một Thượng đế trong Thánh Kinh, nghĩa là, bỏ đi cái nguồn gốc của sự sợ hãi và hi vọng mà trong quá khứ đã đặt tất cả vào quyền lực của các linh mục. Trong những nỗ lực của mình, các linh mục phải sử dụng những ảnh hưởng ngõ hầu có thể trau dồi Chân, Thiện, Mỹ trong chính con người. Điều này chắc chắn là sẽ khó khăn hơn nhưng là một nhiệm vụ đáng giá không có gì có thể so sánh được. Sau khi hoàn thành những điều tinh tế trên, những nhà tôn giáo sẽ sung sướng mà nhận ra rằng kiến thức khoa học đã nâng cao một tôn giáo chân thật lên và làm cho nó trở nên sâu sắc hơn.
Vai Trò Tinh Thần Trong Khoa Học
Nếu một trong những mục đích của tôn giáo là tận lực giải thoát nhân loại khỏi những ràng buộc của những tham muốn, và những sự sợ hãi, thì lý luận khoa học có thể giúp tôn giáo theo một nghĩa khác. Đã đành rằng mục đích của khoa học là khám phá ra những quy luật cho phép kết hợp và tiên đoán các sự kiện, nhưng đây không phải là mục đích duy nhất của khoa học. Khoa học cũng còn có mục đích giảm bớt những mối liên hệ được khám phá ra thành một số tối thiểu những quan niệm độc lập với nhau [Đây là ý tưởng mọi vật đều liên hệ với nhau (tương duyên, tương tác) về sau được nhiều khoa học gia hoàn chỉnh và chấp nhận. TCN]. Chính là trong nỗ lực theo đuổi sự hợp nhất thuần lý của thế giới đa dạng mà khoa học có được những thành quả to lớn nhất, dù rằng trong toan tính này khoa học có thể có nguy cơ rơi vào vòng ảo tưởng. Tuy nhiên, bất cứ người nào đã có những kinh nghiệm trong những thành công trong sự tiến bộ thì cũng phải hết sức tôn trọng tính thuần lý nằm trong sự hiện hữu. Bằng con đường hiểu biết người này đã đạt tới sự giải thoát rốt ráo khỏi những gông cùm của hi vọng, tham muốn cá nhân, và do đó đạt tới một thái độ khiêm tốn trước sự vĩ đại của lý trí thể hiện trong sự hiện hữu.. Thái độ này, đối với tôi chính là thái độ tôn giáo, theo nghĩa cao nhất của từ tôn giáo. Và vì vậy, đối với tôi, có vẻ như là khoa học không những chỉ thanh tẩy những thúc đẩy tôn giáo về cách nhìn Thượng đế theo hình thái con người trong tôn giáo mà còn góp phần trong phần tâm linh tôn giáo đưa đến sự hiểu biết của chúng ta về sự sống.
Kiến Thức Hợp Lý
Sự tiến hóa tinh thần của nhân loại càng tiến bao nhiêu thì tôi càng thấy rõ rằng con đường tôn giáo chân chính không nằm trong sự sợ hãi về sự sống, và sự sợ hãi về sự chết, và đức tin mù quáng, mà là nỗ lực theo đuổi kiến thức hợp lý. Theo nghĩa này tôi tin rằng một linh mục phải trở thành một ông thầy nếu ông ta muốn thực hiện đúng đắn nhiệm vụ giáo dục của ông ta.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc Hiếu“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900