Để hội nhập, phải hiện đại hóa giáo dục
GS Hoàng Tụy vừa trở về từ Mỹ trong một dự án hợp tác khoa học. Trong bộn bề công việc, ông vẫn dành cả một buổi chiều để cùng chúng tôi trao đổi về những việc của khoa học và giáo dục. Ông vào đề trước:
Tôi đã nói quá nhiều về những việc này, phải không? Nhưng có lẽ chuyện giáo dục vẫn còn dài. Càng đi ra nước ngoài, trông người lại ngẫm ta, càng bứt rứt… Trong đầu tôi luôn có một câu hỏi lớn: bao giờ con em ta mới được hưởng một nền giáo dục như ở các nước?
Tình hình không khá hơn hay sao, thưa ông?
Nói cho đúng lần này tôi bớt bi quan, vì có những tín hiệu đáng mừng. Thứ nhất: Chúng ta đã đủ can đảm để công khai sự thật khách quan về chất lượng giáo dục qua những con số thống kê điểm trong các kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ). Còn nhớ năm ngoái, có người chẳng hiểu gì về thống kê, chỉ dựa vào mấy trăm trường hợp sai (trên tổng số cả triệu thí sinh) mà phủ nhận tất, còn nhân danh khoa học quả quyết thống kê đánh lừa! Bây giờ không còn ai chối cãi nữa, vì sự thật đã quá hiển nhiên. Cho dù đau đớn, ung nhọt có bung ra mới mong chữa khỏi. Thứ hai: Một chứng bệnh nặng khác được phanh phui, đó là sự dối trá của thành tích 90% thi đỗ trong kỳ thi tú tài. Đây tuyệt nhiên không phải là bệnh thành tích, mà cần gọi đúng tên là thói gian dối. Tuy nhiên, gian dối, thiếu trung thực là chứng bệnh nặng nề trong cả xã hội ta hiện nay, cho nên đấu tranh chống bệnh này còn lâu dài và gian khổ.
Thưa ông, trước đây ít lâu có tờ báo Đức nói rằng Giáo dục Hà Nội đánh bại Munich; trẻ em Việt Nam kỷ luật hơn, chăm học hơn, dù không thông minh bằng trẻ em Đức. Báo chí của ta đã đăng lại tin này. Và vừa qua, trong cuộc thi Olympic dành cho học sinh tiểu học ASEAN, học sinh của ta cũng giành thành tích đáng nể… Ông giải thích thế nào về chuyện này?
Đây là do quan niệm giáo dục của ta còn lạc hậu. Trẻ em đi học không chỉ để có kiến thức, mà còn để phát triển trí thông minh nữa. Những nghiên cứu nghiêm túc ở Mỹ cho thấy trí thông minh bẩm sinh của trẻ em da đen hay da trắng không khác gì nhau. Cho nên tôi tin rằng trẻ em Việt
Trách nhiệm ấy, theo ông, thuộc về ai? Có phải tất cả là do ngành giáo dục do những người làm giáo dục không?
Đương nhiên ngành giáo dục phải gánh trách nhiệm lớn. Song theo tôi, sẽ bất công nếu đổ hết lỗi cho ngành giáo dục, nhất là đổ hết lỗi cho giáo viên. Các thầy cô giáo của ta đã cố gắng hết sức, chứ nói thật, với kiểu quản lý này, với đồng lương này, tình hình có thể tồi tệ hơn nhiều. Còn được thế này đã là may, cho nên thay vì trách cứ thầy cô giáo, tôi nghĩ phải coi họ là những anh hùng. Dĩ nhiên không ít nhà giáo thiếu lương tâm (ở đâu mà chẳng có những con sâu làm rầu nồi canh?), nhưng về phía lãnh đạo nên thấy vì sao chuyện dạy thêm tràn lan nói mãi 7-8 năm rồi vẫn không chấm dứt được, vì sao không ngăn được nạn bán chữ trong nhà trường? Xin nói thẳng rằng nếu tôi ở hoàn cảnh đó, chắc tôi cũng dạy thêm. Vì lẽ đơn giản: không dạy thêm thì không sống nổi và phải xin ra khỏi ngành nếu còn tinh thần trách nhiệm; còn dạy thêm là hạ sách nhưng dẫu sao, nếu thầy giáo có lương tâm, cũng còn tốt hơn bỏ dạy. Cho nên khi tiền lương không bảo đảm cuộc sống tử tế cho các thầy giáo và người làm khoa học mà để họ tự xoay xở kiếm sống, thì không ai biết giáo dục và khoa học sẽ còn xuống cấp tới mức nào. Thật ra mười năm qua, chẳng ai không tự cứu được, có nhiều người giàu lên là đằng khác. Nhưng có ai dám tính xem cái giá đáng sợ mà xã hội phải trả cho việc đó là bao nhiêu không?
Vậy, có cách nào không, thưa ông?
Theo tôi lối thoát không đến nỗi quá khó, cái khó nhất là vượt qua được sức ì rất lớn hiện nay, nhất là sức ì đó lại từ ở trên. Nhưng càng để dài thì càng khó, càng phải trả giá đắt hơn. Năm 1999, tôi có đề nghị ba vấn đề không bình thường trong giáo dục cần tập trung giải quyết dứt điểm, trước khi tiến tới một cuộc cải cách giáo dục sâu rộng theo hướng hiện đại hóa toàn diện. Ba vấn đề đó là:
- thi cử nặng nề;
- dạy thêm, học thêm tràn lan;
- sách giáo khoa.
Tôi được biết, năm 2001 Thủ tướng đã chính thức nêu ba vấn đề này cho Bộ Giáo dục – Đào tạo. Tuy vậy đến nay vẫn còn ngổn ngang, chưa đâu vào đâu. Thi cử chưa có cải cách cơ bản, chỉ mới ì ịch cải tiến tuyển sinh ĐH và CĐ, mà không nghĩ đến việc bỏ hẳn một số kỳ thi, đồng thời phân tán và phân cấp tuyển sinh ĐH và CĐ. Còn hai vấn đề kia thì hầu như chưa có tiến bộ gì đáng kể. Song tôi chỉ trách giáo dục một phần, vì phải thấy rằng với đồng lương như hiện nay, dù tới đây có được nâng lên đôi chút, cũng khó có thể giải quyết dứt điểm hai vấn đề đó. Mà triển vọng về một giải pháp tiền lương cơ bản thì xem ra chưa có gì sáng sủa. Cho nên, cách thực tế hơn là hãy mạnh dạn tìm một giải pháp riêng cho giáo dục. Bằng cách nào? Bằng cách tất cả mọi khoản tiền học sinh phải đóng (kể cả tiền học thêm) đều gộp lại thành học phí và dùng để trả lương tử tế cho thầy cô giáo dạy hết trách nhiệm trong giờ chính khóa, không được dạy thêm. Chỉ như thế mới mong hạn chế, tiến tới chấm dứt tiêu cực trong nhà trường và kéo giáo dục ra khỏi sa lầy.
Còn về phương hướng phát triển giáo dục thì phải nhận rằng bản chiến lược đến năm 2010 do Bộ Giáo dục – Đào tạo soạn thảo dựa trên tư duy còn cũ kỹ và bảo thủ. Đã đến lúc cần huy động trí tuệ khoa học xây dựng một chiến lược hiện đại hóa giáo dục để tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế. Hiện nay, những yếu kém của giáo dục thì ai cũng thấy, nhưng lối ra như thế nào, thì có nhiều ý kiến khác nhau. Hiện đại hóa giáo dục phải là phương hướng chủ đạo của công cuộc cải cách giáo dục. Không nên dựa trên những nguyên lý chung chung không còn sức sống nữa mà nên nhìn ra các nước tiên tiến trên thế giới, xem người ta đang làm gì, làm như thế nào. Ngay như “tôn sư trọng đạo” ở thời nay cũng phải quan niệm khác trước, nói gì đến những khẩu hiệu như “tiên học lễ hậu học văn”. Muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, muốn mau chóng đuổi kịp các nước, không có cách nào khác phải phát triển giáo dục và khoa học theo tinh thần hiện đại hóa để hội nhập…
Ông có thể cho biết qua tình hình khoa học và giáo dục của ta trong xu thế hội nhập như thế nào?
Tình hình khác nhau tùy từng ngành. Trừ một vài ngành như toán học hay vậy lý lý thuyết, còn nói chung phải nhận rằng ta tụt hậu khá xa, chỉ so với Thái Lan cũng đã chậm hơn họ vài chục năm. Chúng ta thua kém từ số lượng, chất lượng, trình độ công trình nghiên cứu cho đến tổ chức quản lý, không chỉ đi sau mà còn rất khác người ta. Ví dụ rõ nhất là về đào tạo tiến sĩ và tuyển chọn GS, PGS: quan niệm, cách làm, cũng như chuẩn mực của ta đều lạc lõng so với thế giới. Cái họ coi trọng thì ta xem nhẹ, và ngược lại. Nhiều luận văn thạc sĩ, tiến sĩ, chẳng có chút giá trị khoa học gì, thậm chí có khi chỉ là món hàng mua hay thuê chép ở “chợ luận văn” mà vẫn được bảo vệ trót lọt. Thỉnh thoảng báo chí còn phanh phui những giáo trình, công trình khoa học đồ sộ đến ngót nghìn trang của tác giả là ông A, bà B ở một trường ĐH lớn nào đó chỉ là ăn cắp công trình khoa học của người khác hay dịch nguyên xi của nước ngoài. Thầy như thế thì làm sao có trò giỏi. Cho nên mới có ý kiến đòi xét lại để miễn nhiệm những GS, PGS không xứng đáng. Nhưng làm sao miễn nhiệm được, khi có thể đến 1/3 số GS, PGS như vậy? Có vị phản ứng gay gắt khi nghe con số này, nhưng đó là do chưa quan niệm được chuẩn mực một GS, PGS. Còn những ai hiểu biết đều cho rằng con số 1/3 còn quá lạc quan. Tất nhiên ta vẫn có những GS, PGS rất xứng đáng, và những luận văn tiến sĩ chất lượng không thua kém gì các nước, nhưng số đó còn hiếm và điều trớ trêu là bên cạnh con số 1/3 yếu kém lại có khá nhiều người giỏi bị gạt ra vì không đạt tiêu chuẩn của ta.
Những điều kiện của chúng ta khác các nước, làm sao có thể theo họ hoàn toàn được, thưa ông?
Đó chỉ là cái cớ để biện minh cho tính bảo thủ. Trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, tuy mỗi nước đều có điều kiện riêng, nhưng phải có những chuẩn mực quốc tế thì mới có thể trao đổi, hợp tác được chứ. Không theo chuẩn mực quốc tế thì chỉ có thể xài trong nước, mà rồi ngay trong nước cũng ít ai chịu xài, người ta đổ xô tìm hàng ngoại. Đó là điều đang diễn ra về giáo dục: nhiều gia đình đua nhau gửi con em đi du học một phần cũng vì thiếu tin tưởng ở chất lượng giáo dục của ta. Những sự bất cập trong việc đào tạo tiến sĩ, xét duyệt GS, PGS của ta đã quá rõ nhưng mãi vẫn được duy trì. Không lạ gì số GS, PGS, tiến sĩ của ta thì rất cao so với nhiều nước trong khu vực, mà đại học của ta lại được xếp gần cuối bảng. Chẳng lẽ cái nghịch lý ấy cứ phải tồn tại cho đến 2010 sao?
Xin ông nói riêng về giáo dục phổ thông cụ thể hơn một chút, ví dụ đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay như thế nào…?
Vấn đề này không thể nói gọn được, nhưng trước hết, theo tôi hiểu đổi mới là hiện đại hóa để tiến tới hội nhập và theo kịp thời đại. Hiện nay ai cũng nói cần đổi mới giáo dục phổ thông, nhưng tôi sợ nhất là cứ hô hào chung chung rồi để đó. Từ xưa tôi đã nghe câu chuyện có giáo sư dạy khoa sư phạm mà khi giảng cho giáo sinh “làm thế nào lôi cuốn học sinh vào bài giảng”, thì cả lớp ngủ gật. Ta đang làm đúng như thế: hô hào cấp dưới đổi mới trong khi cấp trên vẫn duy trì nếp cũ. Đổi mới phương pháp đâu phải chỉ ở khâu giảng bài trên lớp, mà trước hết phải thể hiện trong hệ thống chương trình và kế hoạch giảng dạy, sách giáo khoa, phương tiện và hình thức lên lớp, kiểm tra, thi cử v.v… Dù có thầy dạy nhưng chương trình lạc hậu thì có ích gì. Tóm lại muốn đổi mới giáo dục phổ thông có nhiều thứ phải làm. Tinh thần bao trùm là rèn luyện đầu óc, bản lĩnh con người hiện đại: ham hiểu biết, ham hành động, ham sáng tạo, trung thực và không sợ gì hết ngoài sự trì trệ và thoái hóa của chính mình.
Biết là ông còn nhiều điều muốn nói, nhưng không dám “lạm dụng” thêm nữa, tôi đành xin phép được gặp ông vào nhiều dịp khác. Tôi tin những điều ông nói xuất phát từ con tim nồng nhiệt và khối óc mẫn tiệp của ông. Riêng cuộc trò chuyện hôm nay, tôi càng có cơ sở để tin, bởi được biết thêm, ông đã từng đi trao đổi khoa học và giảng dạy tại các các nước XHCN suốt từ năm 1962, khi ông mới 32 tuổi; và sau 1975, ông còn được giảng dạy và làm khoa học ở hầu hết các nước phương Tây, như Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Italia, Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ, Nhật Bản, Úc… Cho đến nay, ông vẫn say mê tiếp tục các nghiên cứu của mình về toán học tối ưu, dù đã thôi làm Viện trưởng Viện Toán từ năm 1990. Ông bảo, về Viện của ông, việc chuyển giao quản lý diễn ra rất tự nhiên, nhẹ nhàng, có lẽ vì mọi người đều nhận thức rằng làm quản lý không phải là làm quan và cơ quan khoa học, giống như một cơ thể, chỉ có thể phát triển lành mạnh khi luôn luôn được bổ sung những dòng máu mới. Thật đúng là tư duy của nhà khoa học.
An Nguyễn
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt