Thế nào là chuẩn?
Chuẩn, mà chưa chuẩn
Thực ra, các yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng của từng môn học đã xuất hiện trong Chương trình cải cách giáo dục (CCGD) (năm 1981). Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (1991- 2000), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Bộ GDĐT tổ chức soạn thảo và thử nghiệm "Trình độ học tập tối thiểu" môn tiếng Việt và môn toán theo chương trình CCGD ở tiểu học.
Tuy chưa có điều kiện để hoàn thiện và ban hành nhưng việc làm này đã góp phần chỉnh lý SGK Tiếng Việt và Toán ở các lớp 4 và 5 (1994 - 1995) và là cơ sở để soạn thảo, ban hành "Các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng" các môn học ở tiểu học, bước đầu đã góp phần chỉ đạo dạy học, kiểm tra, thi theo hướng "chuẩn hoá", tạo tiền đề cho nghiên cứu, soạn thảo chuẩn kiến thức và kỹ năng các môn học của chương trình mới (từ 1996).
Tuy nhiên, một GS tham gia viết SGK môn vật lý THPT lại nói rằng: "Chuẩn không phải từ trên trời rơi xuống. Nó có sẵn ở... trong đầu, là kinh nghiệm tích luỹ được qua nhiều năm. Khi chúng tôi viết sách, mọi người trong nhóm biên soạn, ý kiến cũng không khác nhau nhiều"(!).
Ông Nguyễn Văn Vọng - Thứ trưởng Bộ GDĐT cũng thừa nhận: "Chúng ta nói là đã làm, đang làm nhưng khi tôi xem lại "chuẩn" kiến thức kỹ năng trung học cơ sở hiện nay thì thấy vẫn còn sơ sài". Theo nhận xét của Ban chỉ đạo "Hoàn thiện Bộ chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng của giáo dục phổ thông" (Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, Bộ GDĐT)) thì: "Chương trình CCGD dù đã có định hướng "chuẩn hoá" nhưng chưa thành chủ trương nhất quán từ nghiên cứu đến soạn thảo và chỉ đạo thực hiện. Mức độ phát huy tác dụng đối với biên soạn SGK, kiểm tra và thi còn hạn chế, tuỳ thuộc vào nhận thức của người thực hiện".
Có lẽ thực trạng này là cơ sở để giải thích vì sao trong giáo dục phổ thông từ những năm 90 (thế kỷ trước) đến nay vẫn có một số khó khăn và tiêu cực: Một số nội dung của SGK còn cao, nặng; một số địa phương, chủ yếu ở các đô thị, dạy học, kiểm tra, thi còn nặng nề, góp phần gây ra sự "quá tải", "dạy và học thêm tràn lan"... Ngược lại, giáo viên ở một số địa phương dạy học không đủ các nội dung quy định, tạo ra sự "học lệch", giáo dục thiếu toàn diện, và có sự chênh lệch về chất lượng giữa các vùng, đối tượng học sinh.
Tối đa hay tối thiểu?
Hiện nay, việc hoàn thiện bộ chuẩn kiến thức và kỹ năng được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục. Đề cập đến việc xây dựng chuẩn, GS Nguyễn Xuân Huy tỏ ra lo ngại bởi "3 cấp học là 3 dự án làm chương trình và SGK. Mỗi dự án do một quốc gia tài trợ, chuẩn của các quốc gia này có lẽ không giống nhau. Vậy thì ta sẽ theo chuẩn nào cho thống nhất?". GS Huy còn ví von "người ta đánh bắt xa bờ, mình lại thích đánh bắt gần bờ thì sớm muộn họ cũng tìm cách loại bỏ".
GS Nguyễn Bá Kim có băn khoăn khác: Chuẩn hướng vào tối thiểu hay mức độ cao hơn? Theo GS Kim, trong điều kiện VN có lẽ hướng vào tối thiểu thì đúng hơn. "Tuy nhiên còn mức yêu cầu trung bình. Như vậy lại hướng vào mức trung bình hay tối thiểu? Không thể giải quyết vấn đề này một cách đơn giản vì theo cái nào thì cũng có mặt yếu. Nếu hướng vào tối thiểu thì tránh được tình trạng yêu cầu quá cao, không khả thi, nhưng giáo dục VN có đạt được cái gọi là "thách thức"? Còn nếu chuẩn ở mức trung bình thì có thể đạt được mức thách thức phù hợp với VN, nhưng nhiều vùng miền sẽ nằm ở dưới chuẩn".
Theo GS Kim, đây là vấn đề sẽ gây tranh cãi. Và nếu đi đến thống nhất là "chuẩn tối thiểu" thì cũng phải có cách giải thích hợp lý, để "tối thiểu không có nghĩa là không có gì". GS Trần Kiều cho rằng: "Chuẩn xác định không phải là một đường thẳng mà là một băng, một dải. Nơi nào có điều kiện thì vươn lên vạch trên cùng. Nơi khác nằm trong dải hoặc vạch dưới của dải chuẩn đó".
Chuẩn kiến thức, kỹ năng của giáo dục phổ thông VN sẽ ở mức nào? Theo dự kiến, tháng 5.2004 Viện đưa ra bộ chuẩn được biên tập lần thứ nhất để trưng cầu ý kiến.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam SơnĐánh thức đất trong Tết nguyên đán
01/01/1900Nguyễn Vinh PhúcBức tranh muôn mặt của khủng hoảng kinh tế thế giới
01/01/1900Minh Bùi