"Phải tiến nhanh lên mà thôi"

02:22 CH @ Thứ Tư - 13 Tháng Bảy, 2016

"Bàn về văn minh nước ta, khuyết điểm còn nhiều nhưng không có gì phải lo, chỉ phải tiến nhanh lên mà thôi...”(1).Đó là câu nói mà 100 năm trước được ghi trong Quốc Dân Độc Bản của các sĩ phu yêu nước tiến bộ thời Đông Kinh Nghĩa Thục.

Lời nói đã 100 năm cũ mà vẫn như rất mới, như là nói với chính chúng ta hôm nay vậy. Có thể coi Quốc Dân Độc Bản là một tuyên bố đổi mới. Còn hơn là một tuyên bố, đây chính là một cương lĩnh chấn hưng dân tộc mở đầu thời hiện đại của nước ta. Những thanh niên nào quan tâm đến vận nước, giờ đây nên giở lại trang sách xưa và tìm ở đấy những tâm huyết, những tình cảm, những dự báo của tiền nhân.

Mở đầu trong đại ý biên tập: “Phàm những điều liên quan đến quốc gia, xã hội, công đức của quốc dân, chính thể, quan chế, học đường, quân chính, phú thuế, pháp luật, giao thông, cảnh sát, dân chính, hộ luật, tôn giáo, cho đến kế toán đều có đề cập đầy đủ”. Có 79 mục tất cả. Mục đầu là nguồn gốc xã hội, mục cuối cùng nói về lập công ty. Công ty là một hình thức hoạt động xã hội mà hôm nay chúng ta cũng chưa thành thạo!

Ngày ấy, dân tộc Việt lần đầu tiên ý thức về một hình thái xã hội mới để bứt ra khỏi một quá khứ nhiều trì trệ và lạc hậu. Bấy giờ các bậc trí thức tiên tiến đã đề xướng phong trào Duy Tân (đổi mới), hô hào xây dựng đời sống mới mà một giải pháp then chốt là mở trường học, nâng dân trí, học hỏi những bài học hoàn toàn mới mẻ về dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân trí, về cả phương thức lao động sản xuất kinh doanh, cả về lối sống văn minh của cá nhân, của cộng đồng... Cố nhiên mọi vấn đề đều là khởi thảo, còn sơ lược, còn những hạn chế. Nhưng có rất nhiều những phán đoán rất mới mẻ, ý nghĩa rất khái quát, giá trị ứng dụng còn mãi đến ngày nay.

Bàn về văn minh, các cụ thời ấy khẳng định “văn minh không có giới hạn...”, "Hôm qua thấy đúng, hôm nay đã thấy sai. Biết sai tất phải sửa cho đúng"(2). Ngày nay nhiều người hô khẩu hiệu văn minh ra rả nhưng dẫu biết sai mà cũng không muốn sửa, nên bài học trăm năm trước vẫn còn giá trị.

Để có dân quyền các cụ đề xướng: "Dân mạnh thì nước mạnh... Dân mạnh dù nước yếu có thể chuyển thành mạnh và mạnh lâu dài... Phải nghĩ rằng dân là gốc của nước, không thể bắt ép dân theo ý muốn của mình"(3). Để cho “dân mạnh”, “nước văn minh” thì phải làm nhiều điều, “trước hết là làm giáo dục”. Giáo dục phổ cập là “cả nước không một người nào không được đi học”. "Theo lý chung học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia, xã hội...

Một là học vệ sinh, tức là học làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật; hai là học trị sinh, tức là học cách làm cho có thức ăn, đồ mặc và quản lý sản nghiệp; ba là học làm người, làm quốc dân, tức là học cách tự kiềm chế và cách đối xử với quốc gia, xã hội". Quan niệm học như thế kém gì cách đặt vấn đề bốn cột trụ của giáo dục mà UNESCO gần đây đưa ra?

Cùng với giáo dục là mở mang công nghiệp với quan niệm đánh giá cao giới công thương: “Giá như người giàu có bỏ vốn ra phát triển công nghiệp thì dân ta sẽ cảm kích, xưng tụng, sao lại sinh lòng đố kỵ?”. Thời ấy dân ta đã nhận thức khá hoàn chỉnh và hệ thống những thiết chế để xây dựng một quốc gia - xã hội văn minh, tiên tiến hiện đại. Có một điều rất thú vị là quan niệm về chính phủ và quan chức: “Người trong chính phủ chẳng phải là tiên phật, thần thánh, mà chỉ là người trong quốc dân nắm chính quyền mà thôi”.

Có thể hiểu rằng tất cả vấn đề mà Đông Kinh Nghĩa Thục và phong trào Duy Tân đã nêu ra từ 100 năm trước là cương lĩnh chấn hưng đất nước. Có điều phải trăn trở suy nghĩ là vì sao cũng đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà nhiều nước Đông Á và Đông Nam Á lại có thể đi nhanh hơn chúng ta rất nhiều?

Bước vào mốc thời gian 2005 của thế kỷ mới, chúng ta đã có những điều kiện vật chất, trình độ dân trí và khoa học công nghệ... khác xa so với 100 năm trước. Hơn nữa, không như ngày xưa dân tộc còn trong vòng nô lệ. Ngày nay chúng ta đang làm chủ giang sơn của mình. Nhớ lại hồi ức lịch sử để chúng ta khôn ngoan hơn, quyết tâm hơn, thực hiện bằng được mơ ước của tiền nhân: “Bàn về văn minh nước ta, khuyết điểm còn nhiều nhưng không có gì phải lo, chỉ phải tiến nhanh lên mà thôi”. Chỉ phải tiến nhanh lên mà thôi.

Nguồn:
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Tính cập nhật kỳ lạ của một tư tưởng lớn

    19/07/2005Nguyên NgọcLà người đứng đầu phong trào Duy Tân, Phan Châu Trinh đã nêu ba nội dung cơ bản của phong trào duy tân: Dân trí, Dân khí, và Dân sinh. Ba nội dung đó gắn liền với nhau, nhưng như ta có thể thấy ngay trong cách sắp xếp vấn đề, chìa khoá là dân trí. Ông cho dân trí là quyết định hàng đầu...