Những khoảng cách giữa giáo dục VN và thế giới
TT - Thông qua việc so sánh các xu thế của giáo dục đại học (GDĐH) trên thế giới với thực trạng GDĐH VN, GS Phạm Phụ đưa ra những nhận dạng có tính chất “chẩn đoán” về các khoảng cách (thua kém hơn) của GDĐH VN so với thế giới.
Ông cho rằng sự nhận dạng này có thể giúp chúng ta xác định GDĐH VN đang ở mức nào, muốn đổi mới thì bắt đầu từ đâu, phải làm gì để thu hẹp những khoảng cách này.
- Khoảng cách về sứ mệnh, chức năng của GDĐH: GDĐH của VN thường chỉ nhấn mạnh khía cạnh “phương tiện”, do vậy nền GDĐH chủ yếu là huấn luyện nghề nghiệp, là “học để làm”, là cần hướng đến việc chuyên môn hóa sớm để có thể sẵn sàng xin việc làm. Phần “phát triển trí tuệ cá nhân” và GD công dân rất mờ nhạt. Nhưng cũng vì thế mà có nghịch lý là “làm” cũng kém. GDĐH VN cũng chưa chú ý việc đem lại sự thỏa mãn (mở rộng khả năng lựa chọn) cho cộng đồng.
- Khoảng cách về tính chất công cộng của “hàng hóa dịch vụ GDĐH”: Trên thế giới, GDĐH là một loại “hàng hóa công không thuần túy”, có cạnh tranh, hướng đến khách hàng, là cơ hội kiếm lợi nhuận rất lớn. Nhưng đồng thời cũng là một loại hàng hóa đặc biệt liên quan đến quyền được học tập của người dân, có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế xã hội nên nhà nước phải can thiệp để điều chỉnh, phải chú trọng đến vấn đề “phân phối lại” để giải quyết vấn đề “bình đẳng về cơ hội”, công bằng xã hội, công bằng giới tính, vùng miền, sắc tộc, giàu nghèo và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận GDĐH, giải quyết các vấn đề kinh phí, chính sách học bổng, học phí…
Ở VN, dịch vụ GDĐH hiện không được xem là một loại hàng hóa mặc dù trên thực tiễn, dịch vụ GDĐH đang được mua bán phổ biến, công khai và có cả xuất nhập khẩu GDĐH. Nhưng VN lại chưa có những nghiên cứu đúng mức để có những chính sách thích hợp về học phí, học bổng hợp lý. Cách thu học phí đều cho mọi SV hiện nay là “lũy lùi” chứ không phải lũy tiến để góp phần giải quyết vấn đề công bằng xã hội.
- Khoảng cách về cơ cấu, qui mô của hệ thống GDĐH: Trên thế giới, GDĐH được xem là GD bậc 3 hay “GD sau trung học phổ thông”. Với nền GDĐH cho số đông, GDĐH thường được tổ chức theo kiểu phân tầng theo cả tính chất và trình độ, mỗi tầng có sứ mệnh/mục tiêu khác nhau. Ít nhất có ba tầng: ĐH hướng về nghiên cứu, ĐH kỹ thuật/huấn luyện nghề nghiệp và CĐ. Các nước đang phát triển trong khu vực đã vượt qua con số tỉ lệ SV trong thanh niên là 15% từ nhiều năm trước.
Còn ở VN, chưa tổ chức phân tầng nền GDĐH, sứ mệnh, mục tiêu các trường ĐH gần giống nhau, không thích hợp với nền GDĐH cho số đông. Vì vậy, kết quả đào tạo thường là “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”. Số SV CĐ chỉ chiếm 20% tổng số SV. Tỉ lệ SV trong thành niên ở VN còn dưới 10%.
- Khoảng cách về tổ chức quản lý: Nếu phân ra theo ba cấp quyền lực: (a) là cấp chính phủ/bộ, (b) cấp trường ĐH và (c) cấp khoa/bộ môn/giảng viên thì ở các nước quyền lực chủ yếu tập trung ở cấp (b) và (c). Trong phạm vi một trường ĐH thường có một hội đồng trường để quản trị (với thành phần bên ngoài trường nhiều hơn và SV có vai trò lớn), có tính chuyên nghiệp trong quản lý, đặc biệt là về tài chính.
Còn ở VN, quyền lực chủ yếu nằm ở cấp (a), cấp (c) gần như không có quyền lực gì. Về nội dung quản lý, chất lượng mới chỉ nhìn đến chất lượng của người được đào tạo, về tài chính mới chú ý đến việc phân phối ngân sách, gần như chưa có quản lý về huy động nguồn lực và hiệu quả/hiệu suất của cả hệ thống. Trách nhiệm xã hội chưa được đặt ra, mảng quan hệ công chúng bị bỏ trống. Quyền lực chủ yếu tập trung vào hiệu trưởng. Mô hình ra quyết định hiện nay về cơ bản là kiểu hành chính và thiếu tính chuyên nghiệp. Mảng quản lý tài chính ở trường ĐH còn khá thô sơ.
- Khoảng cách về cơ cấu, nội dung chương trình đào tạo: Nhìn chung hệ thống GDĐH thế giới có chương trình đào tạo đa dạng và khác nhau cho các tầng trong cơ cấu phân tầng. Khối lượng kiến thức thường chỉ khoảng 120 tín chỉ cho chương trình bốn năm. Về nội dung, có nhiều nội dung về “kỹ năng nhận thức” và “năng lực xã hội”, nhiều nội dung về “GD tổng quát”, nội dung thiết thực chủ yếu hướng vào “giải quyết vấn đề”.
Ở VN, chương trình đào tạo ĐH chủ yếu là chương trình huấn luyện nghề nghiệp, còn thiếu đa dạng, thiếu liên ngành, liên thông và ít phần tự chọn. Khối lượng kiến thức quá lớn, đến trên dưới 200 đơn vị học trình, số giờ lên lớp nhìn chung nhiều hơn các nước 30%. Về nội dung, thiếu mảng “GD tổng quát”, nội dung về “kỹ năng nhận thức”, “năng lực xã hội” và quá tập trung vào câu hỏi “tại sao?” nên rất nặng tính hàn lâm. Do vậy nhiều SV ngán học và không tạo cho mình khuynh hướng muốn biết.
- Khoảng cách về chất lượng, kiểm soát và đánh giá chất lượng: VN tuy có nói nhiều đến chất lượng nhưng chưa có đánh giá chất lượng, mới chỉ nói đến một vài khía cạnh chất lượng của người được đào tạo. Không có cạnh tranh, chưa có so sánh với các nước theo chỉ số. Vì không có sứ mệnh cụ thể của loại trường ĐH theo kiểu phân tầng nên khó mà đánh giá chất lượng trường ĐH.
Tuy vậy, qua nội dung, chương trình đào tạo, cách tổ chức giảng dạy, khả năng làm việc của người tốt nghiệp, GDĐH VN đang có một khoảng cách lớn với thế giới về mặt chất lượng cũng như quan niệm về chất lượng.
- Khoảng cách về tổ chức và phương tiện giảng dạy: Thế giới chú trọng đến phương pháp “học tập theo vấn đề”, do vậy rất chú trọng việc tự học, tham khảo tài liệu, viết, nói, giao tiếp, thảo luận, trình bày, làm việc nhóm… với các phương tiện giảng dạy của công nghệ thông tin, khống chế khối lượng chương trình đào tạo, qui mô lớp học, tỉ lệ SV/giảng viên…
Ở VN, chủ yếu là phương pháp “giảng giải minh họa”, học thuộc lòng và sử dụng lớp đông với phấn bảng. Tỉ lệ bình quân SV/giảng viên hiện nay khoảng 30, trong đó một số trường ĐH có tỉ lệ bình quân lên tới 80-100 SV/giảng viên. Với khối lượng chương trình đào tạo hiện nay không tổ chức dạy theo vấn đề được vì tốn nhiều gấp 2-3 lần thời gian.
Ngoài ra, còn có thể có những khoảng cách khác như tỉ trọng nghiên cứu khoa học trong trường ĐH, chất lượng nghiên cứu, tổ chức công ty trong trường ĐH và trường ĐH trong công ty, tính chuyên nghiệp trong xây dựng chính sách công… Sơ bộ, nếu xét về độ rộng của khoảng cách cũng như tính cấp bách của vấn đề thì có thể cho rằng khoảng cách về tổ chức quản lý và kết cấu nội dung chương trình đào tạo là hai nội dung cần ưu tiên nhất trong lộ trình đổi mới GDĐH VN trong vài ba năm tới.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Con người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương HiệuClip: Chúng ta luôn bên nhau
01/01/1900Protagoras và khai minh Hy Lạp
01/01/1900Bùi Văn Nam Sơn