Đặng Huy Trứ và những điều răn dành cho người làm quan
Đặng Huy Trứ (1825-1874), tự HoàngTrung, hiệu Võng Tân, Tỉnh Trai, quê làng Thanh Lương - nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, dĩnh ngộ. Tương truyền, khoa thi Hội năm 1847. Ông đã lọt qua các vòng thi (Kỳ) coi như đã chắc chắn đỗ Tiến sĩ, nhưng khi vào thi Đình lần cuối chẳng may bài thi dính phạm húy thế là bị cách tuột và cấm thi suốt đời.
Biết tài học của ông, một vị quan lớn đương triều đã mời ông về dạy học cho con em trong nhà và cho tới 8 năm sau, nhờ vị quan nọ tâu xin với vua nên ông được thi lại và lại đỗ Tiến sĩ. Ra làm quan, Đặng Huy Trứ lần lượt trải các chức: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương, Tri phủ Thiên Trường (Nam Định). Một thời gian sau, ông được triệu về kinh làm Hàn lãm viện trước tác rồi Ngự sử.
Đến năm 1864, ông được bổ nhiệm chức Bố chinh Quảng Nam và hai năm sau (1886) thì điều về làm Biện lý Bộ Hộ, trực tiếp phụ trách Ty Bình chuẩn tại Hà Nội để chuyên lo việc kinh tế, tài chính cho triều đình. Với chức danh này, ông đã có dịp công các đến Hương Cảng, Ma Cao, Quảng Châu (Trung Quốc) để học hỏi thêm con đường chấn hưng đất nước của nước ngoài mà ngôn từ bấy giờ gọi là “thám phỏng dương tình". Năm 1871 , Đặng Huy Trứ được điều giữ chức Bang biện quân vụ Lạng – Bằng - Ninh – Thái dưới quyền Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm (1820 - 1909). Khi giặc Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ (cuối năm 1873), Đặng Huy Trứ lui quân về căn cứ Đồn Vàng - Hưng Hóa cùng với Hoàng Kế Viêm mưu tính kháng Pháp lâu dài nhưng việc trù tính còn dở dang thì vua Tự Đức đã ký Hòa ước Giáp Tuất (1874) coi như đầu hàng giặc. Là người thuộc phái chủ chiến, đứng trước tình cảnh ấy, Đặng Huy Trứ hết sức đau buồn rồi lâm bệnh và mất tại Chợ Bến, Đồn Vàng vào ngày 25 tháng 6 Giáp Tuất (7/8/1874) trước ngưỡng cửa của tuổi 50. Sau khi ông qua đời, sách "Đại Nam nhất thống chí" của triều Nguyễn đã "cái quan định luận" về ông như sau: "Đặng Huy Trứ khảng khái, có chí lớn, đương trù tính nhiều việc"' chưa làm xong đã mất, ai cũng tiếc và chí sĩ cận đại Phan Bội Châu (1867 - 1940) đã từng coi Đặng Huy Trứ là người "Trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam"...
Trước tác của Đặng Huy Trứ để lại , ngoài các tác phẩm văn thơ như: “Tùng chinh di quy”, "Hoàng Trung thi văn”, “Tứ thập bát hiệu ký Sự tân biên”, "Nữ giới diễn ca”... thì bộ sách dày gần 2000 trang có đầu đề “Từ thụ yếu quy" với nội dung chuyên về chống hối lộ - tham nhũng đã thu hút nhiều thế hệ người đọc hơn một trăm năm qua. “Từ thụ yếu quy” nghĩa là nguyên tắc chủ yếu của việc từ chối và có thể nhận (thụ) những thứ biếu xén mà người có chức quyền cần luôn luôn tỉnh táo phân biệt để giữ mình. Mở đầu lời tựa cuốn sách, ông viết: “Trong ba chữ răn mình của nhà quan thì chữ thứ nhất là Thanh. Thanh là liêm khiết giữ mình, không lấy của ai mảy may. Tuy nhiên, là người đã từng lăn lộn trong chốn quan trường gần hai chục năm, nên khi viết “Từ thụ yếu quy”, Đặng Huy Trứ có cái nhìn thật sự thông cảm trước những sự thể khó xử của người làm quan: "Trước chưa làm quan nay ra làm quan, trước địa vị thấp nay địa vị cao, khi giỗ chạp, vai lợn không kín mâm cỗ đâu có thể được? Khi đã có nhân dân, có xã tắc, muốn đi xe nát, cỡi ngựa còm đâu có thể được?...”
Vậy lấy của nhà nước chăng? Bọn bề tôi trộm cắp còn không thể làm. Dùng bạo lực và mánh khóe để lấy của liêu thuộc và dân dưới quyền chăng? Bọn quan tham nhũng còn không thể làm. Thế thì lấy ớ đâu? Thưa rằng có đạo lý của nó.
Đối với của mang đến thì thư tâm mà ứng xử. Có thể nhận thì nhận không thể nhận thì dứt khoát từ chối. Nhận hay không nhận thi trong bụng đã có nguyên tắc định trước rồi. Nhận theo điều nghĩa, lấy điều tiết kiệm mà giữ mình, giữ mình ở khoáng không đục không trong, tiêu dùng thi không hoang cũng không bủn xỉn, như vậy là được. Nếu bảo phải thanh liêm hoàn toàn thì cái khí tiết gian khổ ấy khó lâu bền được....
Xuất phát từ cách đặt vấn đề “thấu tình đạt lý” như trên, nội dung "Từ thụ yếu quy”, gồm hai phần chính: không thể nhân (từ) và có thể nhận (thụ).
Trước hết nói về của đút lót không thể nhận, tác giả rút ra 104 kiểu hối lộ quan chức mà từ Hán gọi là "tang". Mặc dầu bối cảnh lịch sử và xã hội vào lúc sinh thời của Đặng Huy Trứ khác xa ngày nay, nhưng với 104 kiểu hôi lộ những kẻ có chức quyền diễn ra trên mọi mặt của đời sống bao gồm các lĩnh vực: giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... dưới nhiều hình thức và thủ đoạn mà ông đúc rút ra từ thực tế không khỏi làm chúng ta giật mình khi so sánh tệ nạn hối lộ - tham nhũng đang hoành hành hiện tại. Chắc không phải ngẫu nhiên mà Đặng Huy Trứ lại đưa việc hối lộ trong thi cử lên hàng đầu trong số 104 kiểu hối lộ. Vì vấn đề này liên quan đến việc tuyển lựa nhân tài cho đất nước nhưng đồng thời đây cũng là sự mở đầu của những kẻ có tham vọng muốn làm "Phụ mẫu chi dân" để được vinh thân phì gia. Dưới tiêu đề Sĩ tử đi thi hối lộ cầu được đỗ, Đặng Huy Trứ vạch rõ: "Phép thi quý” là chọn được thực tài, "Văn hành công khí” văn hay, dở là được xét công bằng, chẳng thể nâng lên bằng tư tình. Thế mà có những kẻ hèn kém, ngày thường chẳng chiu học hành, đến khi đi thi liền đỗ. Những kẻ ấy hạnh kiếm đã chẳng ngay thẳng, nhân phẩm không ra sao, mới bước ra khỏi cửa đi thi lần đầu đã giở trò gian dối. Nếu được đỗ thì cả đời họ chỉ tiến thân bằng con đường mờ ám, di hại cho dân chúng không nhỏ. Ta phải chặt đứt mầm mống tai họa ấy ngay từ đầu. Trừ được một kẻ như thế thì dân chúng thoát được một tai ương sau này. Nhược bằng thấy lễ hậu mà cho đỗ bừa thì ta đúng là một tên đạo tặc trong đám mũ cao áo dài. Thứ hối lộ ấy không thể dung nhận”?
Tiếp theo Đặng Huy Trứ nêu lên kiểu hối lộ thứ hai là Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử. Về vấn đề này ông viết: "Triều đình dùng người dựa vào tài, vào đức, căn cứ vào văn thao, vỡ lược, không có giới hạn nào... Còn người làm quan, hoạn lộ bằng phẳng hay trắc trở, thăng tiến nhanh hay chậm lả do mệnh vua và quan trên định đoạt. Ta không thể lợi dụng triều đình để kiếm miếng cơm cho riêng nhà mình được. Người làm quan phần đông là nóng lòng mưa cầu giầu sang, hoặc muốn được bổ vào chỗ để kiếm chác, hoặc mong thăng cao, hoặc hai người đang bổ dụng kẻ nọ tranh kẻ kia, hoặc gặp nơi lam chướng khó khăn thì tìm cách lẩn tránh, hoặc kỷ bổ dụng chưa tới mà đã sớm mong ngóng cầu ta ghi tên, hoặc nhân có nơi báo khuyết, người mới chưa đến mà cầu cho ta thế vào. Lúc đầu thì biếu sơn hào hải vị, thứ đến trà ngon, lụa tốt, tiếp đến là tùy ta thích gì, lớn nhỏ đều sẵn sàng biện dâng bạc từ một lạng đến ba bốn trăm lạng. Rồi chầu chực sân ngõ, đầy tớ dân hầu, tì thiếp môi giới, thôi thì đủ mọi cách đút lót để cầu ta giúp cho...
Phàm những lễ vật biếu ta, có đến 8, 9 phần 10 là do vay nợ. Đến khi mua chuộc được chức quan thỉ lãi mẹ đẻ lãi con, theo ngày, theo tháng. Nếu quá hạn không trả được thì chủ nợ truy bách. Vì vậy đến lúc ấy họ liều dùng uy quyền để mà lấy lại, dùng việc án để mà lấy, dùng việc công để mà lấy, dùng việc cưới xin để mà lấy (…) nhằm có cái bù vào cái tổn phí đã biếu ta trước đó…”
Để khẳng định Thứ hối lộ ấy không thể nhận, tác giả đã đưa ra 189 dẫn chứng gồm các điển tích, điển cổ của người xưa có cả gương tốt lẫn gương xấu làm bài học.
Trong số 102 trường hợp hối lộ khác mà Đặng Huy Trứ nêu tiếp, ta thấy từ cách thức cũng như thủ đoạn hầu như chẳng khác mấy so với ngày nay. Ấy là: Địa phương hối lộ các quan (trên) đến thanh tra, Đồng sự làm việc bất công, phi pháp hối lộ cầu được che giấu, Hương hào hối lộ để xin sắc phong thần (ngày nay gọi là "chạy" để được công nhận di tích các đền chùa, nhà thờ họ), Người bị tội hối lộ để xin giảm, miễn tội, Quan tham lại nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên, Chiều đón ý quan trên, đưa đồ hối lộ... thật là muôn hình, muôn vẻ... mà trước sau tác giả đều nhắc lại một điều răn là: Thứ hối lộ ấy không thể nhận.
Còn 5 trường hợp quà biếu có thể nhận (thụ) là những gì? Xét cho cùng thì đây cũng là sự cho - nhận trong mối quan hệ xã hội nhưng hàm chứa ân tình, ân nghĩa trong sáng, tốt đẹp hoàn toàn không mang mục đích mưa cầu tư lợi theo kiểu hối lộ. Đó là:
1 . Lễ tết hàng năm (cấp dưới tết cấp trên, học trò tết thầy, binh lính tết chỉ huy... bằng sản vật thổ ngơi - chứ không phải bằng tiền bạc).
2. Xong việc đến tạ ơn. Trong trường hợp này, Đặng Huy Trứ lý giải rõ: "Quan làm việc công đó là phận sự trong bụng không nên trông chờ sự báo đáp. Còn người có việc cũng không nên nói đến việc tạ ơn. Song lẽ ở đời "kết cỏ ngậm vành”, ai mà chăng có tình nghĩa ấy. Nếu như họ có công việc (nhờ ta), ta để hết tâm lực, cân nhắc cả ba mặt. tình, pháp và lý, xử thế thỏa đáng, khiến họ cũng được chút lợi họ ghi lòng tạc dạ ơn ấy, đem lễ vật đến tạ. Kẻ biếu xuất phát từ lòng thành, không có ý khác, người nhận không hề có yêu sách. Có thể nhận .
3. Người được tiến cử đến tạ ơn. Trường hợp này tác giả viết: “Tìm người hiền tiến cử nhà vua, đó là chức phận của bầy tôi. Nay ta biết có người hiền mà tiến cử, xuất phát từ lòng mong muốn triều đình có được người hiền đâu có mong báo đáp. Song đã gặp người tri kỷ, họ không quên. Đó là nhân tình vậy. Nhưng có những trường hợp công cử ở triều đình mà tạ riêng ở tư thất, như Vương Mật nửa đêm mang vàng bạc đến biếu Dương Chấn, Ngô Phụng ở giữa vườn hoa đưa vàng đút cho Trương Tải, người được tiến cử rồi thay đổi tiết tháo, phẩm hạnh như Trương Trật Phù công Lã Chính, như thế nếu họ có lễ tạ thì phải khước từ tức khắc Còn những người không phụ lòng ta tiến cử, đến khi tới hạn thăng chức, lên lương, được ân mệnh chuyển chức vụ khác nếu có mang sản vật thổ ngơi đến tạ lòng tri kỷ, người cho không xấu hổ, kẻ nhận không thẹn thùng. Có thể nhận”.
Ngoài ba trường hợp nêu trên, thì còn hai trường hợp thuộc diện "Có thể nhận". Đó là "Thuyền buôn Nam - Bắc nhờ thuận buồm xuôi gió đem quà đến biếu" và "Nhân việc vui buồn mà có quà mừng riêng . Cả hai trường hợp này cũng được tác giả đưa ra lời bàn hết sức cặn kẽ nhăm giúp kẻ nhận cũng như người cho nhận chân ra cái thực, cái giả nhiều khi lẫn lộn, rất dễ bị ngộ nhận.
Ngoài hai phần chủ yếu "không thể nhận" (từ) và "có thể nhận" (thụ), thì sau một phần đó, tác giả còn kèm theo hai đề mục là Tổng luận và Quảng nghĩa (suy rộng ra để xem xét) để bàn thêm về những đức tính, phẩm hạnh không thể thiếu của những người làm quan. Trong đó, Đặng Huy Trứ đặc biệt nhấn mạnh đến đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Bàn về hai chữ cần, kiệm, ông viết: "Sách "Chu Bách Lư Dung thuần khuyến ngôn" viết rằng: "Cần và kiệm là hai đạo sống ở đời. Không cần cù chăm chỉ thì thu nhập ít. Không tiết kiệm thì lãng phí bừa bãi. Đã thu nhập ít mà lãng phí bừa bãi thì tiền của sẽ cạn kiệt. Của cải cạn kiệt thì sẽ đi chiếm dụng bừa bãi. Nếu là kẻ ngu thì sẽ làm việc thiếu liêm sỉ. Còn kẻ tinh quái thì sẽ đi vào con đường mạo hiểm để chiếm đoạt những cái mà mình không đáng được nêu lên những lời dạy của người xưa, Đặng Huy Trứ cho rằng: "Cần là một đạo lý và kiệm cũng là một đạo lý". Nói tới hai chữ công tâm (tức chí công vô tư), ông trích dẫn một gương xưa: "Tấn Văn Công hỏi Cửu Phạm: ai có thể làm thái thú Tây Hà được? Cửu Phạm tiến cử Tử Cao. Văn Công hỏi: Tử Cao chẳng phải là kẻ thù của khanh sao? Cửu Phạm thưa lại: Ngài hỏi người có thể làm thái thú được chứ có hỏi kẻ thù của tôi đâu. Sau đó, Tử Cao đến tạ ơn, Cửu Phạm bảo: Tôi tiến cử ông là do công tâm, quyết không vì tư tình hại đến việc công. Xin ông cứ yên tâm mà đi (nhận chức)".
Thay lời kết
Tìm hiểu cuộc đời và đọc trước tác của Đặng Huy Trứ, ta càng thêm kính trọng và cảm phục ông. Tuy là mệnh quan triều đình, nhưng từ việc làm đến lời nói đều nhất quán với cái tâm, cái đức của bậc thức giả. ông quan niệm. bổn phận của người làm quan trước hết lạ phải vì dân "Dân không chăm sóc chớ làm quan" và "Vì dân, bệ ngọc giải oan khiên…”. Không những thế, ông còn. cho rằng:
"Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn
Hờn căm, gắn bó tùy ta cả…”
Tương tự như câu ca truyền tụng trung dân gian xưa nay: Dân thương, dân lập đền thời dân ghét, dân đái ngập mồ chưa tha...
Nội dung khác
Tìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiNếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự Lập