“Lương, cỡ nào cũng sống được - thế mới lạ!”

05:05 SA @ Thứ Năm - 23 Tháng Ba, 2006

Giáo sư Hoàng Tụy vẫn thường kêu lên như thế mỗi khi ông phải giải đáp băn khoăn của tôi về những sự việc “không thể hiểu” được trong giáo dục và khoa học. Lần này cũng thế, khi đề cập đến tệ nạn tham nhũng ông lại bắt đầu gọn lỏn: lương thế này thì chống tham nhũng sao nổi! Tôi đùa: Vậy chứ có ai không sống được bằng lương đâu, Thầy! Ông cười: Thế mới lạ! Lương cỡ nào cũng sống được!

Giáo sư nói: Nhà báo hỏi tại sao cứ nói chống hoài mà tham nhũng vẫn cứ phát triển? Nếu cần chỉ ra một nguyên nhân trực tiếp, thì đó là cơ chế tiền lương và thu nhập của công chức, cán bộ. Thứ đến là cơ chế chi tiêu thanh toán phổ biến dùng tiền mặt, khiến cho việc ăn cắp công quỹ khá dễ. Và, sau nữa - nhưng quan trọng không kém là cơ chế đề bạt cất nhắc cán bộ thiếu công khai, minh bạch, dễ dẫn đến tệ mua quan bán chức!

Mấy cái đó đều sửa được cả nhưng chậm sửa, không sửa hoặc chưa rốt ráo sửa hết chính là vì có nó bọn tham nhũng mới sống được. Này nhé: ai cũng biết tiền lương cơ bản hiện nay của hầu hết công chức, cán bộ chỉ đủ sống khoảng mươi ngày. Thế nhưng, thực tế phần đông vẫn sống đàng hoàng, có phải là do thu nhập “phụ” thường cao hơn mức lương chính 3-4 lần, thậm chí có khi cả chục, cả trăm lần không ? Vậy nguồn thu nhập “phụ” đó ở đâu ra? Từ công quỹ Nhà nước, từ đóng góp của dân, hay có nguồn nào từ trên trời rơi xuống mà tôi và cô đều không biết?

Người người xoay xở để sống

GS Hoàng Tụy tỏ ra khá trầm ngâm khi tôi đề nghị ông diễn giải cụ thể tại sao thu nhập “phụ” lại là một dạng tham nhũng. Mà lại là tham những hợp pháp nữa cơ chứ !?

- Chẳng có gì khó hiểu lắm. Thử lấy ví dụ ngành giáo dục (GD), dù sao cũng là một ngành tương đối ít tai tiếng tham nhũng (“tương đối” thôi nhé!). Thế mà, xem đây này, khi tôi tìm hiểu chế độ lương, phụ cấp các loại trong ngành GD thì nhận được một tập dày cộp không biết bao nhiêu thông tư, chỉ thị, chỉ đọc cho hết cũng phải vài ngày. Phức tạp như thế, tránh sao khỏi sơ hở.

Mà thực tế rất đơn giản: đồng lương cơ bản quá thấp thì phải bịa ra nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp, thù lao, nhằm tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cho cán bộ, giáo viên, làm ngơ cho họ dạy thêm, dạy liên kết, dạy sô, luyện thi tràn lan. Chưa kể nhiều hoạt động có bồi dưỡng, có phong bì: hội họp, kỷ niệm, viết báo cáo, tham luận, tham gia các dự án do quốc tế tài trợ hoặc cho vay tiền v.v…

Rốt cục, hầu hết mọi người biết xoay xở chút ít đều có mức thu nhập tương đối. Vậy có nghĩa là công quỹ, cộng với phần đóng góp của dân, hoàn toàn không thiếu để trả lương đường hoàng, nếu phân phối công bằng và hợp lý. Chẳng qua, ta chỉ dùng một phần nhỏ để trả cái gọi là lương, còn lại thì phân phối tùy tiện, bất công, không hiệu quả, lại tạo nhiều sơ hở cho kẻ xấu lợi dụng, đục khoét. Đó là thực tế trong ngành GD.

Tình hình ở nhiều ngành khác còn tệ hơn. Theo một nghiên cứu của TS Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế của Liên hiệp quốc, chi tiêu cho GD ở VN năm 2005 chiếm 8,3% GDP, vượt cả Mỹ chỉ có 7,2%; trong đó phần dân đóng góp ngoài ngân sách là 40%, gấp mấy lần ở nhiều nước giàu.

Nghe GS nói đến đây, tôi chợt nghĩ đến cái đề án thí điểm chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học công nghệ (KHCN), giai đoạn 2006-2010, do Bộ KH-CN dự thảo và vừa mới đưa ra thảo luận hôm 13-2. GS Hoàng Tụy làm ngay “bài toán” so sánh:

- Trong GD như vậy, còn trong KH thì cơ chế lương “không giống ai” này đẻ ra một chế độ cấp phát kinh phí cho nghiên cứu KH cũng rất đặc biệt Việt Nam. Ở các nước, tiền lương của nhà KH đảm bảo cho họ không phải lo chuyện mưu sinh, còn kinh phí cấp cho các đề tài nghiên cứu KH chỉ được phép dùng để trang trải các chi phí về phương tiện nghiên cứu (trang thiết bị chẳng hạn), chứ không được trích ra để bổ sung thu nhập cá nhân.

Như vậy, người ta xin kinh phí nghiên cứu là để có phương tiện nghiên cứu chứ không phải để tăng thu nhập. Ở ta thì trái lại, do tiền lương quá thấp, cho nên một tỷ lệ đáng kể (thường trên 50%) kinh phí cấp cho một đề tài được phép dùng để “trả công” cho các nhà KH tham gia đề tài. Có nghĩa là anh “chạy” được một đề tài với kinh phí lớn thì thu nhập của anh có thể cao gấp nhiều lần tiền lương.Tôi tự hỏi: thế thì còn được bao nhiêu kinh phí cho các đề tài KH đúng nghĩa? Ấy vậy mà trách nền KHCN tụt hậu thì oan cho giới KHCN lắm!

Để xã hội cùng sống tốt

- Thưa GS, ở nhiều nước tiên tiến cũng đầy rẫy tham nhũng. Tôi nói.

- Đúng thế, GS Hoàng Tụy tiếp lời – nhưng ở các nước ấy tham nhũng chỉ hạn chế ở một số nhân vật cấp cao của chính quyền nên người dân thường ít bị nhũng nhiễu. Còn ở ta, hình như nếu muốn thì ai cũng có thể nhũng nhiễu được cả, từ anh cảnh sát giao thông nhận tiền mãi lộ đến những cán bộ, nhân viên làm việc ở xã, phường vòi tiền “bồi dưỡng” của người dân để làm một số việc trong trách nhiệm thường ngày của họ.

Tuy nhiên, cần thấy rõ: nếu suy xét công bằng thì trong các hành vi phạm pháp đó chỉ khoảng 1/10.000 là phạm tội. Còn lại, người ta phạm pháp chẳng qua vì cơ chế đẩy họ tới chỗ không làm thế không sống được! Cũng như việc giáo viên dạy thêm giờ để kiếm sống. Tôi phản đối dạy thêm tràn lan vì việc đó có hại. Nhưng xét về đạo đức, lương không đủ sống mà cấm người ta dạy thêm là vô trách nhiệm!

Vâng, tôi cũng kể cho ông nghe rằng: tôi đã tiếp xúc với nhiều giáo viên, họ đều tâm sự: “lương như vậy, không dạy thêm, tôi sống bằng gì? Chẳng lẽ, tôi lại đi nuôi heo, nhưng ở chung cư thì nuôi heo ở đâu? Trong khi, với chương trình quá tải này, có nhiều học sinh thật sự cần được phụ đạo thêm mới theo nổi”. Trả lời câu hỏi đó thật khó, trong hoàn cảnh hiện nay. Và ngành GD cũng thừa biết những chỉ thị cấm dạy thêm chỉ cốt để xoa dịu dư luận xã hội và phụ huynh hơn là nhằm giải quyết vấn đề.

- Điều nguy hiểm chính là chỗ ấy đấy! Ông kêu lên – cấp dưới nếu có sai phạm ít nhiều để sống thì cấp trên phải thông cảm, phải làm ngơ. Song, tâm lý con người rất ít ai chịu dừng ở mức đủ sống, mà thường đi xa hơn, ngày càng xa, dẫn đến phạm tội. Còn cấp trên thì sao? Lương tuy có khá hơn, nhưng vẫn quá thấp so với nhu cầu, nên cũng phải xoay xở, và vì có quyền lực, nên phạm vi, quy mô tham nhũng lớn hơn. Trong bối cảnh như vậy, cấp dưới dù có biết những hành vi tham nhũng của cấp trên cũng phải im lặng, không dám đấu tranh, vì bản thân mình cũng đâu có trong sạch 100%.

- Trung ương cũng đã thấy điều đó, nên đã có nghị quyết giải quyết vấn đề tiền lương một cách cơ bản. Tôi nói.

Bất ngờ, GS Tụy cắc cớ hỏi tôi:

- Cũng 5 năm rồi, cô thấy “lương” thế nào?

- Dạ, chưa thấy gì. Chính vì vậy nên mới nhờ GS lý giải giùm! Tôi chọn cách trả lời ẩn dụ và nhẹ nhàng đẩy “quả bóng” về phía ông. “Lạy trời!”, ông không giận mà nói tiếp:

- Sau 5 năm nghiên cứu và tiêu tốn không ít tiền của và công sức, các bộ mới đưa ra được Đề án Cải cách tiền lương. Tuy nhiên cho đến nay, sau các kiểu điều chỉnh lương, phụ cấp linh tinh, tiền lương vẫn tăng lên về danh nghĩa, còn tính theo giá trị mới của đồng tiền, thì không hề thay đổi. Cái cơ chế trả lương - từng đẩy nhiều người đến hành vi sai trái mới có thể sống được- vẫn giữ gần nguyên.

- Từ lâu, có lạ gì cái nghịch lý “sờ sờ”: Ai cũng kêu lương thấp, nhưng ai cũng sống đàng hoàng! - Ông nhấn mạnh: Vậy mấu chốt là phải xóa bỏ cái nghịch lý ấy chứ. Đương nhiên, không phải chỉ thực hiện chính sách tiền lương đúng đắn thì tham nhũng sẽ hết. Nhưng có thể khẳng định, chừng nào còn duy trì chính sách tiền lương bất cập thì cuộc chiến chống tham nhũng còn gay go! Nhà báo có nghĩ thế không?

Biết là GS Hoàng Tụy hỏi, như một cách vấn lại mình, mà không cần câu trả lời, tôi trầm ngâm nối tiếp dòng suy tư của ông, tự hỏi: Nhưng sao chúng ta lại khó thực hiện đến là vậy, “tắc” ở đâu? Chúng ta đều có trách nhiệm tạo điều kiện và môi trường sống tốt cho những người tốt và cũng để cả xã hội cùng sống tốt.

LinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Những "nút cổ chai" của nền kinh tế

    17/01/2006Ngọc MinhNhững "nút cổ chai" của nền kinh tế nói chung và từng ngành, từng lĩnh vực nói riêng có khá nhiều, nhưng ở đây có thể khái quát thành mấy vấn đề lớn (thể chế kinh tế, chi phí dịch vụ, cơ sở hạ tầng)...
  • Minh bạch và công khai

    14/01/2006Đậu Anh Tuấn - Ban Pháp chế, VCCIMinh bạch là một khái niệm khá trừu tượng. Để đo lường tính minh bạch là một công việc hết sức khó khăn. Nhiều người vẫn thường hiểu minh bạch đồng nghĩa với công khai. Thực ra, khái niệm minh bạch là khái niệm rộng hơn, nó bao gồm cả cơ hội, tính bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tính tin cậy, nhất quán của thông tin, tính dự đoán trước được và sự cởi mở của cơ quan cung cấp thông tin...
  • Xung quanh chuyện lương và thưởng

    11/12/2005Có thể bạn nghĩ rất đơn giản rằng, cách tốt nhất để nhân viên của mình làm việc hăng hái và năng suất hơn là thường xuyên tăng lương cho họ...
  • Kinh tế học và chính sách kinh tế

    11/11/2005Lê Văn CườngTrong bất kỳ một quốc gia nào, mọi công dân, từ những nhà lãnh đạo đến người dân bình thường, đều mong muốn kinh tế học phục vụ tốt để phát triển kinh tế cho nước mình. Đó là một đòi hỏi chính đáng. Là một người lãnh đạo, theo tôi cần phải nhận thức được những hạn chế sau đây của kinh tế học...e
  • Lương không đủ song vẫn sống đàng hoàng

    09/11/2005GS. Tương LaiChuyện tiền lương hiện có một nghịch lý: hầu hết người lao động làm công ăn lương ai cũng kêu là “lương không đủ sống” nhưng rồi người ta cũng buộc phải sống, hơn nữa có những người sống “quá đàng hoàng”.
  • Nghĩ về “bàn tay vô hình”

    21/10/2005Phan Tránh DưỡngRõ ràng là đã có một "bàn tay vô hình" làm nhiệm vụ điều phối, cung ứng một nguồn thu nhập khác ngoài lương của công chức nên họ mới thể sống được, sống khỏe, sống không phải lo chén cơm manh áo như đại bộ phận người dân đang phải đối mặt...
  • Những lực cản của nền kinh tế

    28/09/2005Phan Thế HảiTheo ông Robert Glofcheski, chuyên gia kinh tế của UNDP: Với nguồn lực và đầu tư hiện nay, Việt Nam đáng phải tăng trưởng mạnh gấp 3 lần mức tăng trưởng hiện nay. Vậy đâu là lực cản của nền kinh tế, đâu là nguyên nhân gây nên sự trì trệ hiện nay?
  • xem toàn bộ