Dân ta cần Đại học đạt chuẩn thế giới
Ai cũng biết chất lượng giáo dục hiện đang là một trong những nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững trong tương lai không xa. Đặc biệt là chất lượng giáo dục Đại học và sau Đại học. Hàng chục ngàn sinh viên tốt nghiệp mỗi năm khó tìm được việc làm như ý hoặc không đủ năng lực làm việc trong môi trường hiện đại. Nhiều phụ huynh lo xa và có điều kiện đã tìm mọi cách cho con mình đi du học nước ngoài.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số ngoại tệ được chuyển ra nước ngoài hàng năm cho mục đích du học tự túc bằng con đường chính thức vào khoảng 120 - 150 triệu USD. Trên thực tế, số tiền chi tiêu cho du học còn lớn hơn rất nhiều. Bởi vì con số trên còn chưa tính đến những chương trình hỗ trợ du học của Chính phủ, các tổ chức kinh tế - xã hội, đoàn thể và cả những khoản chuyển tiền không chính thức... Tuy nhiên, con số 150 triệu USD cũng đã là một con số không nhỏ. Cứ tính bình quân chi phí du học cho mỗi người khoảng 15.000USD/năm, thì mỗi năm hiện có khoảng hơn 10.000 du học sinh Việt Nam đang mò mẫm lần tìm tri thức ở trời Tây. Nhưng có bao nhiêu trong số đó tìm được những nơi tốt nhất cho mục tiêu nâng cao tri thức? Vì những trường đẳng cấp cao thì điều kiện thu nhận rất khắc nghiệt và đều có học bổng. Một thực tế rất đáng buồn là phần lớn các du học sinh tự túc đều không biết rõ hay không muốn biết phần lớn các du học sinh tự túc đều không biết rõ hay không muốn biết trường mà mình theo học có chất tượng và vị trí ra sao trong cộng đồng giáo dục thế giới. Nhiều chuyện dở khóc dở cười của các du học sinh Việt Nam tại Singapore gần đây đã chứng minh điều đó.
Tại sao biết chắc chất lượng không bảo đảm mà vẫn cứ đi?Thực tế chất lượng giáo dục Đại học và sau Đại học ở Việt Nam đã đưa ra sự trái khoáy này.
Việt Nam đang có những trường Đại học với số lượng Giảng viên và Sinh viên cao nhất thế giới nhưng chưa có trường nào được xếp hạng trên danh sách Đại học thế giới. Trong khi các nước xung quanh ta đều đạt được điều đó. Nếu chỉ tính khoảng 10.000 du học sinh bỏ ra 3 - 4 năm để hoàn thành chương trình Đại học thì phải tốn đến hơn nửa tỷ đôla cho một kết quả mà chưa ai dám chắc về chất lượng thì quả là đau xót và uổng phí. Chua xót hơn, một số những người ưu tú nhất có thể sẽ ở lại xứ người vì trở về nước chưa chắc đã tìm được việc làm thích hợp.
Vậy thì tại sao chính chúng ta, vẫn luôn tự hào là một quốc gia có truyền thống hiếu học, thông minh và chịu khó, lại không tự xây dựng cho mình một hệ thống Đại học có chất lượng quốc tế?
Theo các chuyên gia hàng đầu thế giới về giáo dục Đại học, tình trạng đáng buồn của Đại học Việt Nam hiện nay là do hoàn cảnh lịch sử. Lý do trực tiếp nhất bắt rễ từ cơ chế quản lý tập trung và xơ cứng. Các trường không có quyền tự chủ, hầu hết mọi việc chuyên môn đều được áp đặt từ trên xuống. Hệ thống quản lý Đại học, vì vậy không thân thiện với những sáng kiến mới. Trong khi đó, hơn 50% tăng trưởng thu nhập của Mỹ trong thế kỷ XX là do những đóng góp của các phát minh, sáng chế ra đời từ các phòng thí nghiệm, từ giảng đường và từ thư viện của các trường Đại học.
Nhìn vào các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục Đại học thì vấn đề lớn nhất của Việt Nam không phải là tiền, mà ở cách thức tổ chức, quản lý và điều hành. Từ kinh nghiệm của các trường Đại học ưu tú trên thế giới, các chuyên gia giáo dục Đại học cho rằng một mô hình Đại học hiện đại phải đảm bảo các yếu tố cơ bản như sau: có tính độc lập và quyền tự quyết, có không gian học thuật, có chính sách trọng dụng nhân tài ổn định về tài chính và có trách nhiệm giải trình các vấn để của mình một cách minh bạch, công khai... Việt Nam đang khá dồi dào hai cột trụ của nền giáo dục đại.học, đó là nhân tài và tiền. Tuy nhiên, cần phải biết tổ chức để tận dụng hai yếu tố trên một cách hiệu quả. Theo GS Trần Văn Thọ (Đại học Waseda - Nhật Bản), nếu không có một cơ chế độc lập thì không thể xây dựng trường Đại học chất lượng cao. Có thể bỏ ra một số tiền thật lớn để xây một trường Đại học thật to, nhưng rồi đâu cũng hoàn đấy.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm Quỳnh