Albert Einstein và Giáo dục
Với tầm nhìn của một nhà khoa học lớn, với tấm lòng nhân hậu, tinh thần chuộng công lý và có lẽ với sự chứng kiến và nỗi đau tâm hồn trong những năm tháng tuổi thơ học ở Munkhen trong nhà trường nước Đức mang nặng màu sắc quân phiệt và bài Do Thái, Einstein đã phát biểu những tư tưởng của mình về một nền giáo dục căn bản cho xã hội hiện đại. Những tư tưởng đó được đăng rải rác ở nhiều nơi, chủ yếu vào những năm cuối đời và tập trung hơn cả là bài phát biểu của ông tại Albany, NewYork ngày 15/10/1936 nhân kỷ niệm 300 năm giáo dục Hoa Kỳ, rất đáng để chúng ta suy ngẫm và học tập.
Đánh giá vai trò của nhà trường trong xã hội, Einstein cho rằng: “nhà trường luôn là phương tiện quan trọng nhất trong việc chuyển tải những giá trị truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngày nay, do sự phát triển hiện đại của đời sống kinh tế, gia đình vốn là người mang giữ truyền thống và giáo dục, đang bị yếu dần đi, do đó sự trường tồn và sức sống của xã hội phụ thuộc vào nhà trường ở mức độ nhiều hơn trước kia”.
Về nhiệm vụ của nhà trường, đôi khi người ta quan niệm nhà trường như một công cụ để truyền đạt một khối lượng kiến thức tối đa cho thế hệ trẻ. Einstein cho như vậy là không đúng. Vì rằng “kiến thức là cái gì chết cứng, còn trường học phục vụ cái sống”. Ông nói: “Nhà trường có nhiệm vụ phát triển trong thanh niên những phẩm chất và năng lực có ý nghĩa đối với hạnh phúc của cộng đồng, nhưng điều đó không có nghĩa là làm mất đi cá tính của mỗi thành viên. Con người không thể là công cụ của cộng đồng”. Theo Einstein thì: “một xã hội của những cá thể thiếu cá tính là một xã hội nghèo nàn không thể phát triển được... Mục tiêu của nhà trường phải là đào tạo những cá thể có tư duy và hành động một cách độc lập, những con người nhìn thấy trong sự nghiệp phục vụ cộng đồng lý tưởng cao cả nhất của cuộc sống”.
Về phương pháp giáo dục, Einstein cho rằng “điều tồi tệ nhất đối với một trường học là làm việc bằng phương pháp cưỡng bức, doạ nạt, quyền uy giả tạo. Cách đối xử như vậy làm hỏng tình cảm đẹp, lòng chân thành và sự tự tin của học sinh. Điều này sản sinh ra những con người chỉ biết phục tùng”. Ông đề nghị :”Chỉ trao vào tay quyền lực của người thày những biện pháp cưỡng bức rất hạn chế để sao cho những phẩm chất trí tuệ và nhân văn của người thày là nguồn gốc sự kính trọng của học sinh... Nếu không có sự khích lệ tinh thần loại này thì sự hợp tác giữa những con người không thể có được”.
Einstein rất coi trọng mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Theo ông, bản chất nhân văn bảo đảm cho sự hợp tác giữa những con người. Ông viết: “Lòng khao khát được là thành viên của cộng đồng chắc chắn là một trong những sức mạnh gắn bó quan trọng nhất của xã hội”. Einstein cũng cảnh báo rằng :”Trong tình cảm này, những ý thức xây dựng và phá hoại nằm kề bên nhau. Lòng khao khát được là thành viên của cộng đồng là một động cơ lành mạnh, nhưng tham vọng được công nhận là một thành viên nổi trội hơn và trí tuệ hơn những người khác trong cộng đồng để dẫn đến sự điều chỉnh tâm lý ích kỷ quá mức, có thể có hại cho chính bản thân và cho cộng đồng.”Vì vậy, Einstein kêu gọi nhà trường và người thày giáo “phải chống trả lại việc áp dụng những biện pháp dễ dãi để kích thích lòng tham vọng cá nhân và để xui khiến học sinh làm việc siêng năng”. Ông phê phán những khía cạnh ganh đua của nhiều hệ thống giáo dục :”Tinh thần ganh đua này thậm chí đang ngự trị trong trường học, nó huỷ hoại tất cả tình cảm đồng đội và đề cao tham vọng cá nhân mà không xuất phát từ lòng ham mê với việc làm hữu ích để đạt thành quả công việc”.
Nhân nói về quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, Einstein phê phán một số người dùng lý thuyết Darwin về đấu tranh sinh tồn để khuyến khích sự cạnh tranh và nguỵ biện cho sự cần thiết phải có cuộc đấu tranh huỷ diệt về kinh tế. Einstein coi đó là sai lầm, “vì rằng một con người có được sức mạnh trong cuộc đấu tranh để tồn tại là nhờ ở yếu tố anh ta là một sinh vật mang tính xã hội”. Bởi vậy cần phải chống lại thói tâng bốc thành tích của giới trẻ như là một mục tiêu ở đời.
Einstein đặc biệt coi trọng sự hào hứng trong công việc. Ông nói: “Sự hào hứng trong công việc, niềm vui vào thành quả đạt được và hiểu rõ ý nghĩa thành quả đó đối với cộng đồng luôn là động cơ quan trọng nhất đối với công việc trong trường học”. Ông cho rằng nhiệm vụ quan trọng mà nhà trường phải đảm nhiệm là thức tỉnh và khích lệ sức mạnh tâm lý đó trong thanh niên học sinh. Việc thức tỉnh những sức mạnh tâm lý chắc chắn không dễ hơn việc áp đặ hoặc việc kích thích tham vọng cá nhân, nhưng có giá trị hơn nhiều. Einstein chủ trương xây dựng một nền giáo dục dựa trên niềm say mê đối với hoạt động có hiệu quả.
Để trả lời cho câu hỏi nên coi trọng giáo dục khoa học ngôn ngữ - lịch sử hay khoa học - kỹ thuật trong nhà trường, Einstein coi đó là vấn đề thứ yếu. Đồng thời Einstein phản đối tư tưởng cho rằng trường học phải trực tiếp dạy kiến thức nghề nghiệp và tay nghề cần cho cuộc sống sau này. Nhu cầu của cuộc sống rất đa dạng nên trường phổ thông không thể đảm đương được việc đào tạo chuyên môn. Ông viết :”Trường học nên luôn đặt ra mục tiêu để một học sinh rời ghế nhà trường như một con người hài hoà chứ không phải là một chuyên gia”. Ông khẳng định :”Sự phát triển năng lực tư duy độc lập và óc phê phán luôn phải đặt ở vị trí hàng đầu chứ không phải là việc thu nhận kiến thức chuyên môn”. Ông chỉ rõ điều gì làm phương hại đến mục tiêu trên. “Đối với nền giáo dục thực thụ thì việc phát triển tư duy độc lập và óc phê phán trong thanh niên học sinh là một vấn đề cốt tử. Tuy nhiên điều này đang bị băng hoại mạnh mẽ do học sinh chịu quá tải vì phải học rất nhiều và phải học nhiều bộ môn khác nhau. Sự quá tải này chắc chắn sẽ dẫn đến tính hời hợt trong học tập”. Việc dạy học phải làm sao để những điều giảng dạy được học sinh tiếp nhận như một món quà tặng có giá trị chứ không phải là một nhiệm vụ nặng nề”. Khi đã biết suy nghĩ, làm việc một cách độc lập và nắm được cơ sở của lĩnh vực mình hoạt động, chắc chắn con người sẽ tìm được con người cho mình. Anh ta sẽ thích nghi tốt hơn với những đổi thay và tiến bộ so với một người mà việc đào tạo chỉ bao gồm trong việc tiếp thu kiến thức chi tiết.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh