Việt Nam cần 'cởi trói' cho các trường đại học

03:51 CH @ Thứ Bảy - 06 Tháng Chín, 2003

Đúng như giáo sư Nguyễn Đức Chính nói, đầu tư về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam quá ít ỏi, hay nói đúng hơn là bị lãng quên.

So với trình độ các học sinh Âu - Mỹ, học sinh Việt Nam có thể dễ dàng vượt trội về các môn khoa học tự nhiên, nhưng về các môn khoa học ứng dụng, học sinh Việt Nam như "vịt nghe sấm", vì có được cập nhật tin tức mới đâu mà biết! Lên đến đại học thì sinh viên Việt Nam hoàn toàn thua hẳn vì các đại học Âu - Mỹ cập nhật thông tin thường xuyên. Ở những trường đại học này, 2-3 năm đầu các môn học chỉ là về căn bản, nhưng càng lên cao càng thiên về nghiên cứu những vấn đề mới nhất. Luận án tốt nghiệp của của sinh viên có thể là một vấn đề hữu ích và ứng dụng ngay.

Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục theo chỉ tiêu, theo khuôn phép bó cứng, làm kiến thức bị hạn hẹp và bó buộc. Trong khi các sinh viên Việt Nam phải học những sách cũ, in từ 5 đến 10 năm trước (nhiều khi cập nhật xong thì cũng đã lỗi thời mất 2-3 năm), thì các trường đại học ở Mỹ thay đổi sách thường xuyên. Các giáo sư nghiên cứu nhiều về một ngành, môn học nào đó thường viết sách về nó. Các giáo sư khác có thể sử dụng những cuốn sách này nếu như thấy nó phù hợp. Sinh viên sẽ phải mua sách đó theo yêu cầu của giáo sư. Chính vì vậy những vần đề mới nhất luôn được các SV Mỹ nắm bắt kịp thời.

Theo tôi, giáo dục Việt Nam phải được cởi mở và tự do cho các trường. Mỗi trường có thể chọn sách làm giáo trình cho riêng mình, không nhất thiết phải dùng sách của Bộ Giáo dục. Dù rằng có những trường chọn sách dở, nhưng chính vì vậy mới phân biệt được thành những trường đại học danh tiếng và những trường đại học "vô danh tiểu tốt". Những trường có tên tuổi sẽ phải tiếp tục nâng cao trình độ của sinh viên qua việc đầu tư nghiên cứu, cập nhật giáo trình thường xuyên, lựa chọn những giáo trình, đề tài phù hợp với thực tế. Các trường đại học có tiếng cũng cần có tiền đầu tư của các công ty hàng đầu trong ngành đó để chi phí cho việc nghiên cứu.

Đầu tư nghiên cứu cũng là một vấn đề cần chú ý nhiều ở VN. Các nhà sản xuất, kinh doanh thường không đầu tư vào nghiên cứu phát triển mà chỉ đi "ăn cắp" kỹ thuật, mẫu mã của các hãng danh tiếng khác. Các nhà kinh doanh phải hiểu rằng đầu tư cho nghiên cứu phát triển là một phần trong những chi phí họ phải tính vào giá trị sản phẩm. Nhiều khi nó có thể lên tới 20-30% của vốn đầu tư. Sử dụng vốn chất xám lãng phí vào những công việc mà 1 thư ký có thể làm, trong khi nghiên cứu khoa học thì thiếu vắng hoàn toàn.

Cởi mở giáo dục là cách duy nhất để cởi mở tư duy và kiến thức cho sinh viên Việt Nam chúng ta bắt kịp với thế giới.

From: hoangmn
To:
[email protected]

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc: