Đại học: Tiền không mua được đẳng cấp

11:50 CH @ Thứ Năm - 11 Tháng Mười Một, 2010

Một trong các giải pháp của “đề án đổi mới giáo dục đại học 2006-2020” của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo là cho phép thành lập nhiều trường đại học để “đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cao”.

Nhưng đại học không phải là địa chỉ để “đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ và dịch vụ chất lượng cao”. Đó là một lối suy nghĩ dễ tính. Thành lập một trường, và rồi hệ thống đại học, phải xuất phát từ sự suy tư thâm hậu và sâu sắc về hiện trạng và tương lai của đất nước.

Vì đại học không đơn thuần là địa chỉ cung cấp những con người có tay nghề đáp ứng yêu cầu làm việc ngay cho xã hội.

Ngay cả khi coi đại học đơn giản là nơi đào tạo để cung cấp cho xã hội “nhân lực chất lượng cao”, thì ước muốn này cũng không thành công vì nó bắt nguồn từ một quan điểm sơ sài, giống như cách làm thế nào để thắng vụ lúa đông xuân hay hè thu sắp tới. Cho nên cần can đảm nhìn lại quá trình đi học của cả nước, nhìn ra thế giới ngoài, rồi nhìn lại hiện thực đại học của đất nước để xem các sản phẩm đại học của chúng ta đang đứng ở đâu trong một thế giới càng ngày càng phẳng.

Đi đầu và và tiếp tục đi đầu

Văn miếu (Hà Nội) được nhiều người Việt Nam hãnh diện coi là trường đại học đầu tiên của đất nước. Chúng ta có quyền hãnh diện vì từ năm 1070 đã có Văn miếu, một “trường đại học” kéo dài hơn 700 năm (khoa thi cuối tổ chức ở Văn miếu vào thời vua Lê Chiêu Thống, năm 1787).

Nhưng chúng ta có hãnh diện thái quá không khi danh tiếng và mục tiêu của “đại học Văn miếu”, bây giờ, còn lại gì, hay chỉ là một di tích kỷ niệm, một di sản ngậm ngùi về một thời đã qua. Trường đại học đầu tiên ấy đã không liên tục đến hôm nay vì nhiều lý do.
Văn miếu đúng là biểu tượng của một truyền thống trọng chữ tốt đẹp của Việt Nam. Nhưng truyền thống trọng chữ ấy đi kèm với truyền thống không tốt đẹp là học để ra làm quan, để được bằng cấp, để được bảng vàng đề tên, để được khắc tên lên mu rùa.

Trường đại học đầu tiên ấy không thọ so với lịch sử đất nước vì mục tiêu của nó cũng thời vụ: đào tạo nhân tài (chỉ để) đáp ứng nhu cầu về đội ngũ quan lại phụng sự cho đất nước.
Mục tiêu ngắn hạn ấy đã khiến trường đại học đầu tiên của Việt Nam không được mở rộng, bành trường để thành một đại học hiện đại kéo dài cho đến hôm nay. Chúng ta chỉ lo hãnh diện với truyền thống hiếu học nhưng dường như không muốn thấy mục tiêu của sự ham học là để làm gì.

Đại học Harvard của Mỹ, thí dụ, thành lập năm 1636, nghĩa là rất trẻ so với Văn miếu, nhưng nó chưa hề bị ngưng hoạt động một thời gian, hay chết yểu, mà vẫn lớn đều và lớn mạnh cho đến hôm nay. Tự bản thân Harvard lớn mạnh, đồng thời mô hình của Harvard cũng trở thành một tiêu chuẩn để được nhân rộng. Lý do vì xuất phát điểm của Harvard không phải để đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề cho xã hội, mà để “Thúc đẩy sự Tìm Tòi (viết hoa) và lưu truyền tinh thần tìm tòi cho Hậu thế (viết hoa)”, như châm ngôn của Harvard có từ những ngày đầu thành lập.

Đại học đầu tiên của Việt Nam không phát triển tự bản thân nó, không trở thànhh mô hình kiểu mẫu vì tinh thần của nó là đào tạo một tầng lớp “nhân tài quan lại”. Đó là một tinh thần phi đại học, một tinh thần thời vụ. Và tinh thần ấy, ngớ ngẩn thay, lại thỉnh thoảng được quạt cho sống lại thật “hoành tráng” như các hoạt cảnh thi Trạng Nguyên được tổ chức trong sân Văn miếu các năm qua. Trên bình diện lớn hơn, tinh thần (thời vụ) ấy, tiếc thay, lại được làm điểm xuất phát để đổi mới đại học, để đại học là nơi “đào tạo nhân lực cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa”.

Hậu quả là: Chúng ta đã có một trường đại học trước nhiều nước trên thế giới kể cả Mỹ, và mãi cho đến hôm nay vẫn là nước tiếp tục duy trì một tinh thần và hệ thống đại học đứng đầu thế giới – tính từ dưới lên trên.

Thế nào là đẳng cấp quốc tế

Sau khi cố gắng làm sống lại cái tinh thần học để ra làm quan, ngày nay chúng ta có vẻ như làm theo phong trào, là nói hoài đến đại học đẳng cấp quốc tế.

Thế nào là đại học quốc tế và có đẳng cấp quốc tế. Và thực sự đẳng cấp quốc tế có giá trị không, giá trị vừa về mặt học thuật (thực học) vừa về mặt kinh doanh?

Hầu hết các trường đại học trên thế giới đều muốn được nằm trong danh sách các trường hàng đầu theo hai cách xếp hạng được coi là có giá trị nhất hiện nay, hệ thống xếp hạng của Đại học Giao Thông Thượng Hải (SHJT), và của Times Higher Education Suplement (THES, Phụ trương của Thời báo Times). Muốn đánh giá cách xếp hạng đại học có khách quan và chính xác không thì phải coi phương pháp đánh giá của họ.

Nhiều người cảm nhận là cách xếp hạng của THES đáng tin cậy. Thật ra, phương pháp đánh giá của THES rất chủ quan và chỉ tương đối. THES tập trung khảo sát các đại học ở các nước nói tiếng Anh (như Mỹ, Canada, Anh, Úc), các trường lâu đời và có danh tiếng, còn các trường chuyên biệt (nhỏ nhưng giỏi về chuyên môn) thì không được xếp hạng. Với mẫu dân số có chọn lựa, tức thiếu khách quan, không ngẫu nhiên, thì kết quả đương nhiên không phản ảnh đúng thực tế.

Tuy THES không công bố tỉ lệ trường tham gia khảo sát, nhưng theo ước tính của một số giáo sư đại học thì chỉ khoảng 1% đối tượng khảo sát trả lời. Về mặt thống kê, tỉ lệ trả lời như vậy không thể coi là tiêu biểu cho toàn bộ đối tượng khảo sát (dân số). Thí dụ trong khảo sát năm 2006, có 3.703 trường trả lời nhưng con số này là gộp với các trường trả lời trong các năm 2004 và 2005. Dù vậy, THES vẫn dùng tỉ lệ trả lời này để lập danh sách các trường đứng đầu trên thế giới. Chúng ta thấy các trường không tham gia khảo sát không có nghĩa là họ không đạt chất lượng giảng dạy và nghiên cứu của một đại học.

Cách đánh giá chính yếu của THES là dựa trên tiêu chí “đồng nghiệp tự đánh giá” (40%), tức các giáo sư, nhà khoa học, giảng viên tự nhận xét về các trường khác, trong đó không thể không có yếu tố cảm tính của họ khi đánh giá trường bạn. THES cũng đưa tiêu chỉ “số sinh viên nước ngoài theo học” để xếp hạng. Dễ hiểu là tại sao nhiều đại học ở các nước nói tiếng Anh được xếp hạng cao nhờ tiêu chí này.

Nói chung, cách xếp hạng đại học chỉ có giá trị tương đối dù các trường được xếp hạng cao luôn dùng nó như một công cụ quảng cáo hình ảnh và xin thêm ngân sách của chính phủ. Vì vậy khi dùng bảng xếp hạng để làm tiêu chuẩn phấn đấu, hay thậm chí đặt chiến lược phát triển của một trường đại học là lọt vào “200 trường đại học hàng đầu vào năm 2020”, như chiến lược phát triển của trường đại học Việt Đức vứa mới thành lập (2008) ở Thủ Đức, là một cách nhìn đại học dễ tính và lại không thực tế.

Đẳng cấp quốc tế vì vậy chỉ phản ảnh tương đối tình hình hoạt động của đại học được xếp hạng. Nếu thành lập một trường đại học với chiến lược phát triển là lọt vào bảng xếp hạng của 200 trường đầu, thì đó là một chiến lược chạy theo thành tích trá hình mà thôi, không đúng tinh thần và mục tiêu của đại học.

Đổi mới phải bắt đầu từ tinh thần

Sinh viên chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ đại học thế giới? Chúng ta đã cho ra lò nhiều ông bà cử nhân nhưng có bao nhiêu cử nhân đủ tự tin đối thoại với các cử nhân thế giới. Chúng ta có nhiều sinh viên tốt nghiệp thiếu tự tin, hoặc nếu tự tin thì lại tự tin thái quá hay tự tin về những điều không liên quan gì đến tri thức, như sinh viên đi dự hội nghị nước ngoài, khi về nước thì chỉ hãnh diện khoe rằng các sinh viên nước bạn rất trầm trồ… chiếc áo dài Việt Nam, không thấy nói gì về một bài tham luận xuất sắc, sáng tạo mà khiêm tốn. Chẳng lẽ sinh viên Việt Nam không có chất suy tư, sáng tạo, khai phóng để tặng cho sinh viên thế giới sao, mà chỉ có mỗi một chiếc áo dài không phải do mình tạo ra mà là “của gia truyền”.

Những yếu điểm đó hoàn toàn không phải lỗi của sinh viên mà do cách đào tạo và tinh thần “quân sự phụ” lỗi thời còn sót lại ngay cả trong môi trường đại học.

Chúng ta nói đến phương pháp dạy “lấy người học làm trung tâm” nhưng thực tế là, đa số thầy cô không tôn trọng sinh viên. Thí dụ không thiếu. Đổi giờ dạy xoành xoạch và chỉ thông báo cho sinh viên vào phút cuối là thí dụ cụ thể nhất. Nó phản tinh thần coi sinh viên như con rối.

Một đứa trẻ không được bố mẹ coi trọng như một con người trưởng thành, luôn bắt con làm theo ý chí và ý muốn của mình thì sẽ có những đứa con rụt rè, thiếu tự tin. Một đại học không mở cửa cho sinh viên phát biểu những điều không hài lòng, thầy cô tự coi mình có mọi quyền quyết định, tự coi mình là người biết mọi thứ trên đời thì không thể đào tạo một lớp sinh viên tự tin và tự trọng vì họ luôn bị áp đặt làm theo ý chí của người khác. Vì vậy không phải vì cơ sở vật chất còn khiêm tốn, thư viện không đủ sách, máy tính không đủ cho sinh viên mà chúng ta có những sinh viên rụt rè. Nhiều trường bây giờ đã khắc phục được điều đó nhưng nhìn sinh viên Việt Nam bên cạnh sinh viên nước ngoài thì thấy vẫn có sự thua sút.

Hồi tôi còn học năm thứ nhất ở Úc, có lần sinh viên đặt câu hỏi liên quan đến bài giảng, tôi thực ngạc nhiên biết bao khi người thầy tiến sĩ trả lời bình thản: “Tôi không biết, để tôi xem lại.” Những năm học ở Việt Nam đã cho tôi ấn tượng làm thầy thì phải biết tất cả, kể cả những việc không liên quan đến môn học. Ấy thế mà một người thầy thản nhiên trả lời “không biết”. Nhưng mấy hôm sau, ông thầy vô lớp và nhắc lại câu hỏi của cậu sinh viên kia, trả lời rành rọt, nói thêm rằng mấy ngày qua ông đã tìm hiểu thêm nên mới biết như vậy. Không chỉ riêng người thầy năm thứ nhất mà càng học lên, tôi mới biết đó là tinh thần dạy học của các thầy ở nước ngoài. Đó là tinh thần thầy và trò cùng tìm hiểu. Giáo sư đại học chỉ là người hướng dẫn cho sinh viên lối tư duy độc lập, thầy và trò cùng nghiên cứu chứ không phải thầy phán và trò làm theo. Thầy và trò cùng bình đẳng về nhân cách, thầy trò tôn trọng nhau một cách vừa thành thật vừa hồn nhiên, không thắc mắc, nó khác với hình ảnh các ông thầy đạo mạo, đi đứng đôi khi phải “sửa tướng” cho đúng với tác phong thầy giáo. Điều đó cũng giống như biết mình xài bạc giả nhưng mà cứ xài!

Đổi mới đại học vì vậy cần đổi mới tinh thần đại học. Phải đổi mới ngay trước tinh thần đứng lớp của người thầy, của người làm công tác quản lý trong nhà trường, phải bắt đầu từ những điều tưởng nhỏ nhưng rất căn cơ, như phải biết nếu không có sinh viên thì không có mình (người thầy) đứng ở đây. Bắt đầu từ những suy nghĩ như thế thì mới dần tiến đến cái gọi là “coi người học là trọng tâm”.

Phải vận động cho được trong giới nhà giáo một tinh thần bình đẳng với sinh viên. Người thầy “tập làm quen” với tinh thần cùng nghiên cứu với sinh viên, từ bỏ quán tính “quân sư phụ” lạc hậu, điều nào chưa biết thì nói “không biết”, không trả lời thiếu cơ sở. Như thế mới hình thành được một căn cốt đại học. Trong khi đó ở cấp quản lý, đừng coi đại học là lò đào tạo “nhân lực có kỹ năng cao”. Dễ tính quá. Vì không thể có những con người có kỹ năng “cao” nếu đại học không cho ra đời những con người có khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh, linh hoạt và sáng tạo. Đào tạo kỹ năng chỉ là mới đào tạo “phần cứng”, những công cụ xơ cứng trong khi đời sống là những liên miên thay đổi. Phải đào tạo những con người có kỹ năng nhưng những kỹ năng (sống) đó phải biết uyển chuyển để có thể thích ứng với môi trường và công việc trong xã hội ngày nay.

Muốn vậy phải tạo cho đại học trở thành một môi trường khai phóng. Một môi trường trong đó mọi phát biểu đều được tôn trọng, mọi thắc mắc (hay bất mãn) đều được bày tỏ và thông cãm (nếu không giải đáp được). Một môi trường trong đó người thầy chỉ đứng trước (vì đi trước) chứ không phải đứng trên sinh viên. Một môi trường trong đó sinh viên biết rằng những điều mình học chỉ là tương đối, và sự thật luôn ở phía trước, phía trước nữa để kích thích óc tò mò và khám phá. Một môi trường trong đó người thầy cũng biết rằng những điều mình nói cũng chỉ tương đối, để người thầy vẫn phải triền miên tìm tòi và học hỏi. Thầy và trò cùng tìm kiếm chân lý, và vì chân lý không bao giờ tuyệt đối, nên sẽ cùng nhau khám phá, tiến lên.

Khi cấp quản lý ngành giáo dục “đổi mới giáo dục đại học” xây dựng được một tinh thần đại học như thế thì hãy nói đến đổi mới.

Đổi mới đại học không phải là chăm chăm mời thầy giỏi ở nước ngoài về, chăm chăm lo liên kết với đại học nước ngoài, mở thêm các chương trình liên kết như 2+2 (hai năm học trong nước cộng hai năm học nước ngoài), hay trang bị cơ sở vật chất thật đầy đủ, đổi mới chương trình học, mở thêm các ngành và nghề phù hợp với thị trường nhân dụng, “đào tạo 20.000 tiến sĩ”, xây dựng ký túc xá thật tiện nghi. Tất cả những điều đó chúng ta đang làm và làm được, và ai cũng làm được, như Chính phủ đã sẵn sàng chi 100 triệu đô la cho trường đại học Việt Đức. Nhưng đó chỉ là các giải pháp tình thế và thiếu căn cơ, ngắn tầm.

Đổi mới đại học phải đổi mới tư duy trước, bắt đầu bằng việc thổi một luồng sinh khí khai phóng vào môi trường đại học, cho người thầy biết chỗ đứng (rất) khiêm tốn của mình trong một thế giới (người và đại học) mà trí thức đồng nghĩa với tìm tòi và khám phá.

Khi chúng ta đã có một tinh thần như thế thì mới nói đến các phần cứng (nhân lực và trang thiết bị) để trang bị cho một trường đại học. Có đầy đủ tinh thần và vật chất như thế, tự đúng vững trên đôi chân của mình rồi thì không cần lo đạt “thành tích đẳng cấp quốc tế”, tự mình cũng có đẳng cấp, đẳng cấp sẽ tìm đến mình.


Tài liệu đọc thêm:

Times Higher Education Suplement (2008):http://www.timeshighereducation.co.uk/

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • So sánh giáo dục Đại học Việt - Mỹ

    17/12/2017TS. Vũ Quang ViệtBài viết tóm tắt những khác biệt cơ bản giữa giáo dục đào tạo cấp cử nhân (BA) ở Mỹ và ở Việt Nam hiện nay. Những nét cơ bản này dựa vào so sánh chương trình học kinh tế ở VN và chương trình học khoa học cơ bản, xã hội hoặc nhân văn (trong đó có kinh tế, toán, vật lý, hoá học, văn chương, tâm lý học…)
  • Công bằng xã hội trong giáo dục Đại học

    27/06/2007PVViệt Nam đã vào WTO. Điều này có nghĩa, nguồn nhân lực của Việt Nam và từ đó là nền Giáo dục Đại học cũng như nguồn cung cấp tài chính cho nền giáo dục, nay cũng phải được đặt trên cùng một mặt bằng so sánh với các nước khác trong khu vực và trên thế giới...
  • Lối thoát nào cho giáo dục Đại học Việt Nam?

    04/06/2007GS,TS Trần Đình Sử“Trước thực trạng xuống cấp của giáo dục Đại học nước nhà, đã có ý định thả nổi hệ thống Đại học hiện có. Đâu là lối thoát cho giáo dục Đại học Việt Nam. Có niềm tin, biết tháo gỡ các vướng mắc, bổ khuyết các thiếu sót, nhất định chất lượng Đại học sẽ lên”.
  • Giáo dục đại học và cơ chế thị trường

    22/03/2007Giáo sư Phạm PhụCụm từ "Giáo dục đại học và cơ chế thị trường" đang được tranh luận sôi nổi trên mọi diễn đàn về GD trong hơn một năm qua. "GDĐH có là một loại hàng hóa công?", "Trường học không phải là chợ", "Có hay không có thị trường GD?"... Thanh Niên xin được giới thiệu với bạn đọc bài viết của GS Phạm Phụ - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về vấn đề khá nóng bỏng và cũng khá nhạy cảm này.
  • Hiện đại hóa giáo dục để đi vào kinh tế tri thức

    16/02/2007GS. Hoàng TụyNăm học mới đã bắt đầu, năm học đầu tiên của thế kỷ 21. Giữa lúc suy thoái kinh tế và thất nghiệp đang đe doạ lan tràn khắp nơi, hầu hết các nhà trường trên thế giới văn minh vẫn tích cực bứơc vào hiện đại hoá giáo dục, ...
  • Lược sử giáo dục đại học và những vấn đề của trường đại học đương đại

    05/10/2006Ngô Tự LậpKhác biệt lớn nhất giữa trường ĐHHĐ với trường đại học thời trung cổ là ĐHHĐ có một tư tưởng chủ đạo, tạo thành nền tảng cho mọi hoạt động của nó, bao gồm mục đích, triết lý, phương pháp, cũng như quan hệ giữa các khoa và quan hệ của trường với nhà nước. Tư tưởng chủ đạo ấy, với Kant, là lý tính...
  • Đại học đẳng cấp quốc tế, nâng cấp hay xây mới

    11/08/2006Thương TùngXây dựng Trường Đại học Đẳng cấp quốc tế của Việt Nam đạt trình độ đào tạo, nghiên cứu hàng đầu, có khả năng cạnh tranh quốc tế là những nội dung chính trong quyết định số 145/2006/QĐ-Thủ tướng của Chính phủ ban hành ngày 20/6/2006. Việc này nhận được sự ủng hộ của nhiều người nhưng vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận là xây dựng hoàn toàn một trường hay nâng cấp các trường Đại học sẵn có?
  • Dân ta cần Đại học đạt chuẩn thế giới

    15/07/2006Hữu NguyênChất lượng giáo dục đại học hiện đang là một trong những nguy cơ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững trong tương lai. Nhiều phụ huynh lo xa và có điều kiện đã tìm mọi cách cho con mình đi du học nước ngoài...
  • 7 kiến nghị cấp bách về phát triển giáo dục Đại học

    21/06/2006GS Hoàng TụyTrước đây ta xây dựng Đại học theo mô hình Liên xô cũ, nay nềnĐại học đó không còn thích hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước, song những biện pháp sửa đổi chắp vá thời gian qua đã phá vỡ tính hệ thống của nó, rốt cuộc tạo ra cảnh tượng lộn xộn, không còn chuẩn mực, không theo quy củ, tuỳ tiện, và kém hiệu quả. Muốn thoát ra khỏi tình trạng này, cần có thời gian và một lộ trình hiện đại hoá thích hợp.
  • Giải pháp nào cho giáo dục đại học?

    01/04/2006Giáo sư Hoàng TụyCuộc cách mạng công nghệ và xu thế kinh tế tri thức từ vài thập kỷ lại đây càng nêu cao vai trò của giáo dục đại học, không chỉ đối với các nước tiền tiến mà cả đối với các nước khác(2). Cho nên tuy hiện nay dư luận xã hội đang quan tâm nhiều nhất về chất lượng giáo dục phổ thông, tôi vẫn nghĩ giáo dục đại học mới là cái đáng lo hơn cả.
  • Giáo dục ở nước ta hiện nay, đi ra bằng con đường nào?

    21/12/2005Nguyên NgọcKhi bàn về giáo dục ở nước ta hiện nay, nhiều người thường thống nhất với nhau: Thôi, không nên nói tình hình nữa, tình hình giáo dục, những căn bệnh của giáo dục đang khiến cả xã hội không thể yên tâm, thì ai cũng biết và nhận ra cả rồi. Vấn đề bây giờ là cần tìm giải pháp nào để thay đổi được. Tôi bây giờ nghĩ khác. Chúng ta có thể thấy rõ điều ta vẫn yên trí là vậy hóa ra không phải là vậy...
  • Giáo dục đại học Việt Nam: Một vài con số

    21/10/2005LTS. Nhà báo Lê Hạnh, trên Lao Động số ra ngày 23.06.2004, đã ghi nhận từ hội thảo quốc tế " Đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế ", tổ chức trong hai ngày 22 – 23.6.2004 tại Hà Nội, một vài thông tin so sánh đại học Việt Nam và thế giới. Chúng tôi xin trích đăng dưới đây một số đoạn của bài báo – dù biết rằng các so sánh thường khó tránh khỏi phần khập khiễng !
  • Cải cách giáo dục

    09/09/2005Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch - Tổng giám đốc, InvestConsult GroupPhát triển con người là vấn đề trọng tâm của mỗi quốc gia. Hầu hết các nước trên thế giới đều giương cao khẩu hiệu "Giáo dục là quốc sách hàng đầu và dành nhiều tâm sức đề xây dựng và thực hiện các chương trình cải cách giáo dục. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, các chương trình cải cách giáo dục đó, tuỳ theo mức độ, đều có những hạn chế và sai lầm nhất định.
  • Giáo dục đại học: Khơi dậy và nuôi dưỡng tính ham học

    12/07/2005Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, AustraliaGần đây, nhân dịp được tham dự vài buổi giảng tại một trường đại học trong nước (theo lời mời của vài đồng nghiệp), tôi chợt nhớ đến kinh nghiệm của chính mình trong thời còn theo học đại học hơn 30 năm trước đây. Thời đó, mối quan hệ giữa người giáo sư và sinh viên chủ yếu là “thầy giảng trò chép”. Ở các trường đại học Tây phương từ hơn 50 năm trước giới nghiên cứu giáo dục đã chứng minh rằng một phương pháp giảng dạy như thế không đem lại hiệu quả cao cho người học, vì nó mang tính thụ động quá. Ngày nay, qua trao đổi với một số đồng nghiệp trong nước và trực tiếp tham dự nghe giảng, tôi cảm thấy mối quan hệ thụ động như thế vẫn còn tồn tại. Có lẽ đã đến lúc chúng ta nên thay đổi cách giảng dạy để đem lại hiệu quả tốt cho sinh viên và cả người dạy.
  • Giáo dục đại học: phải cải cách triệt để!

    12/07/2005Nguyễn PhanHội thảo “Các giải pháp cơ bản nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Báo Giáo dục & Thời đại tổ chức ngày 5-11-2004, đã thu hút gần 50 tham luận của các đại biểu.
  • Giáo dục Việt Nam: những vấn đề căn bản

    06/07/2005Trương VũTrong suốt hơn một thập niên qua, những vấn đề giáo dục của Việt Nam thường là những đề tài gây tranh luận trên báo chí. Hầu hết đều ghi nhận truyền thống hiếu học của học trò Việt Nam và sự hy sinh của bố mẹ cho việc giáo dục con cái. Sinh viên Việt Nam tốt nghiệp ở các trường giỏi trong nước khi ra nước ngoài tiếp tục học ở các trường cấp trên thường đạt thành công không mấy khó khăn.
  • 3 ý kiến của một sinh viên về Giáo dục đại học

    02/07/2005Trần Phạm Lê Phan, Sinh viên năm 2 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, ĐH Bách khoa TP.HCMNhững điều GS Hoàng Tụy viết về việc cải cách giáo dục ĐH vẫn còn ở tầm cao so với nhận thức của một sinh viên năm hai như tôi. Nhưng nhân một “cuộc cách mạng” của ngành giáo dục, tôi – với tư cách là một sinh viên – xin có vài ý kiến.
  • 2006 - Bắt đầu lộ trình đổi mới giáo dục đại học...

    30/06/2005Thanh HàĐây chính là một cơ hội lớn cho giáo dục - đại học (GDĐH) Việt Nam. Tất nhiên nó sẽ đi kèm những thách thức cũng rất lớn”. Bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ Đại học & sau đại học  - mở đầu cuộc trao đổi với TTCN.
  • Một số đề nghị về tăng chất lượng đào tạo đại học ở Việt Nam

    09/07/2005Từ lâu nhiều người đã thấy chất lượng giáo dục ở VN xuống cấp nghiêm trọng. Để giải quyết triệt để vấn đề nầy, chúng ta cần có một cuộc đổi mới toàn diện, và cũng cần thời giờ và nhiều ngân sách hơn....
  • Giáo dục đại học: Cần một hệ tư duy quản lý khác?

    04/01/2004Chất lượng đào tạo (ở đây tôi chỉ xin trình bày ý kiến của mình trong giới hạn lĩnh vực đào tạo đại học) liên quan đến nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, cơ sở vật chất, chương trình cùng phương pháp giảng dạy và bao trùm trên hết là chất lượng quản lý. Các yếu tố khác đã được đề cập nhiều. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh đến yếu tố bao trùm. Nhưng vì sao quản lý là yếu tố bao trùm?
  • Cần đẩy mạnh cải cách giáo dục đại học

    23/07/2003Trong cải cách giáo dục (CCGD), có lẽ do quan niệm phải cải cách tuần tự từ lớp 1 trở đi đến lớp 12 nên trong những năm qua ta đã chú trọng quá nhiều đến bậc PT, còn việc CCGD đại học (ĐH) cho đến hiện nay vẫn chưa được chú trọng ngang bằng...
  • Dự án giáo dục Đại học có nguy cơ phá sản

    25/04/2003"Cực kỳ thất vọng", "rủi ro cao, hiệu quả thấp", "vượt ngưỡng an toàn" và "có thể phải huỷ toàn bộ dự án, kế hoạch chưa thực hiện", đó là những lời đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng thế giới (WB) sau chuyến giám sát thực tế dự án giáo dục ĐH vào đầu tháng 4 vừa qua.
  • xem toàn bộ