2006 - Bắt đầu lộ trình đổi mới giáo dục đại học...

11:40 SA @ Thứ Năm - 30 Tháng Sáu, 2005

“Đây chính là một cơ hội lớn cho giáo dục - đại học (GDĐH) Việt Nam. Tất nhiên nó sẽ đi kèm những thách thức cũng rất lớn”. Bà Trần Thị Hà - vụ trưởng Vụ Đại học & sau đại học  - mở đầu cuộc trao đổi với TTCN.

Đánh giá về những yêu cầu bức thiết đòi hỏi hệ thống GDĐH phải có sự đổi mới, bà Trần Thị Hà nhìn nhận:

- Tuy có những cố gắng nhưng nhìn chung, sự chuyển biến của GDĐH nước ta còn chậm và vẫn trong tình trạng yếu kém, bất cập. Trong đó, yếu kém lớn nhất, gây nhiều lo lắng cho xã hội và làm trở ngại tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước và hội nhập quốc tế là sự bất cập về khả năng đáp ứng của hệ thống GDĐH đối với nhu cầu đào tạo nhân lực cho đất nước và nhu cầu học tập của nhân dân. Hiện qui mô đào tạo ĐH của chúng ta chỉ đáp ứng được khoảng 10% tỉ lệ trong độ tuổi học ĐH, chỉ là một nền GDĐH dành cho số ít.

Những biểu hiện cụ thể về sự yếu kém của hệ thống GDĐH hiện nay bao gồm: chất lượng đào tạo thấp, học không gắn với hành, nhân lực được đào tạo yếu về năng lực, phẩm chất. Mục tiêu, nội dung, phương pháp và tổ chức quá trình đào tạo chậm đổi mới hoặc không đồng bộ, còn khép kín, chưa mềm dẻo, liên thông.

Đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý hẫng hụt, không đáp ứng với nhu cầu đổi mới về cả số lượng và trình độ, thiếu nghiêm trọng đội ngũ chuyên gia nghiên cứu và thiết kế chính sách GD ĐH. Hệ thống được thiết kế thiếu liên thông, chưa thích ứng với cơ chế thị trường, mạng lưới trường ĐH và viện nghiên cứu bị tách biệt và bố trí không hợp lý trên lãnh thổ, làm giảm hiệu quả đầu tư và chất lượng đào tạo nghiên cứu. Trong khi đó, công tác tổ chức quản lý, cơ chế chính sách và năng lực thực hiện bất cập.

* Theo bà, đâu là nguyên nhân tạo nên những yếu kém kể trên?

- Trong quá trình nghiên cứu xúc tiến xây dựng đề án, chúng tôi đã thống nhất đánh giá một trong những nguyên nhân quan trọng của những hạn chế là tư duy chậm đổi mới, thậm chí còn có những biểu hiện lệch lạc. Mặt khác, tư tưởng và thói quen bao cấp đối với giáo dục vẫn còn khá nặng nề trong các ngành, các cấp và trong xã hội, nguồn lực đầu tư cho GDĐH còn hạn hẹp do thói quen bao cấp, cơ chế huy động thành phần ngoài công lập chưa thích hợp, nguồn lực từ nghiên cứu triển khai quá bé nhỏ...

* Trong đề cương mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị trình Chính phủ, đề án “Đổi mới GDĐH” hướng tới những mục tiêu nào, thưa bà?

- Đề án được xây dựng cho cả giai đoạn 2006-2020 nên trước hết chúng tôi tập trung xác định những mục tiêu tổng quát. Bao gồm: Xây dựng một nền GDĐH tiên tiến, đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao cho sự nghiệp CNH-HĐH và nâng cao dân trí, tạo nên một sự thay đổi căn bản để khắc phục những yếu kém bất cập, đổi mới tư duy, xóa bỏ thói quen bao cấp đối với GDĐH, chuyển hướng GDĐH từ sự nghiệp công ích sang cơ chế dịch vụ phù hợp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tác động phát triển khoa học công nghệ, làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời phải bảo tồn và phát huy những tinh hoa của dân tộc, góp phần tạo nên sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước trong một thế giới hội nhập.

* Đề án có tới bảy nhóm nội dung và giải pháp lớn. Vậy trong đó đâu là những giải pháp mang tính đột phá, có thể tạo ra “bước chuyển” của GDĐH VN?

Bản đề cương đề án “Đổi mới giáo dục đại học” sẽ được Bộ GD-ĐT trình Chính phủ vào đầu tháng 7- 2005. Lần đầu tiên vấn đề đổi mới GDĐH được đặt ra trong một kế hoạch tổng thể và dài hơi, thực hiện từ năm 2006 - 2020. Đề án này đang được kỳ vọng là một kế hoạch đồng bộ với những giải pháp đột phá mạnh mẽ có thể tạo ra bước chuyển biến cơ bản cho GDĐH Việt Nam.

-  Đề án được thiết kế mang tính tổng thể, để đạt hiệu quả như mong muốn cũng cần thực hiện tổng thể, các giải pháp mang tính đồng bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện được chia thành từng giai đoạn.

Trong từng giai đoạn sẽ có những giải pháp mang tính đột phá. Giai đoạn 2006-2007, trọng tâm là xây dựng sự thống nhất về ý chí và hành động của xã hội tham gia đổi mới GDĐH, đẩy mạnh xã hội hóa GD, đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, xây dựng các tiểu dự án.

Giai đoạn 2008-2010, trọng tâm là tạo được chuyển biến bước đầu về chất lượng GDĐH, về cơ chế quản lý và tài chính hiệu quả, về xây dựng, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý GDĐH. Giai đoạn 2011-2020, trọng tâm là hình thành hệ thống GDĐH hiện đại, mạng lưới các trường ĐH hợp lý, hội nhập quốc tế và đạt trình độ chất lượng khu vực.

* Trong đề cương chi tiết của đề án có xác định định hướng GDĐH sẽ thực hiện một phần hoặc toàn bộ các chương trình GD sau trung học, đa dạng về cơ cấu và phương thức đào tạo, liên thông và có nhiều đầu ra, đầu vào đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của xã hội. Với định hướng này, cơ cấu trình độ và phương thức đào tạo ĐH sẽ có gì thay đổi thưa bà?

-   Chương trình GDĐH sẽ được phân chia rõ theo hai hướng chính: hướng nghiên cứu - phát triển và hướng nghề nghiệp - thực hành. Hướng nghiên cứu - phát triển về cơ bản vẫn giữ cơ cấu trình độ theo mô hình 4:2:3 tương ứng với các bằng cấp cử nhân - thạc sĩ - tiến sĩ như hiện nay.

Còn hướng nghề nghiệp - thực hành sẽ thiết kế cơ cấu trình độ theo mô hình 2:2:1:1:3, tức là thực hiện đào tạo đa giai đoạn cả chương trình ĐH (2:2), thạc sĩ (1:1) để tăng thêm cơ hội học tập và phân tầng trình độ nhân lực được đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ qui định thêm các văn bằng trung gian đánh dấu từng giai đoạn học tập.

Đặc biệt, hướng nghề nghiêp - thực hành sẽ được ưu tiên phát triển về số lượng, mở rộng qui mô giai đoạn đầu, các chương trình cao đẳng (CĐ) và thu hẹp qui mô giai đoạn sau nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu hình tháp về trình độ nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng. Nhưng giữa hai hướng đào tạo kể trên có qui định về sự tương đương trình độ.

Hệ thống GDĐH cũng sẽ được phân chia lại. Trong đó hệ thống trường THCN từng bước chuyển sang CĐ kỹ thuật với bằng CĐ kỹ thuật hai năm. Các trường CĐ cộng đồng được củng cố và phát triển phục vụ nhu cầu nhân lực cho các địa phương. Các trường ĐH mở hiện có sẽ được củng cố cùng với việc phát triển hệ thống đào tạo từ xa ở qui mô toàn quốc trên nguyên tắc mở đầu vào theo phương thức ghi danh, chuẩn về chương trình và kiểm tra đánh giá, bằng cấp được công nhận tương đương với hệ chính qui.

Trong đề cương đề án cũng chính thức đặt mục tiêu xây dựng một số trường ĐH kiểu mới, hiện đại đạt trình độ tiên tiến trong khu vực làm hình mẫu cho hệ thống GDĐH và thành lập hai trường đào tạo sau ĐH trong hai Viện Khoa học và công nghệ VN và Viện Khoa học xã hội VN. Đồng thời xây dựng một số trường ĐH trong các doanh nghiệp lớn để gắn kết đào tạo với sử dụng, ưu tiên phát triển các ĐH, CĐ tư thục, khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo của các trường ĐH nước ngoài có uy tín tại VN...

* Vậy theo bà, để tương ứng với những thay đổi trong hệ thống GDĐH, công tác quản lý sẽ phải đổi mới như thế nào để theo kịp bước phát triển của GDĐH, không để tình trạng quản lý nhà nước “chạy” theo thực tế?

Đề cương đề án đưa ra bảy nhóm nội dung cùng các giải pháp chủ yếu. Bao gồm: cơ cấu trình độ GDĐH và hệ thống nhà trường; quản lý GDĐH; chương trình và qui trình đào tạo ĐH; xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý GDĐH; nghiên cứu khoa học và triển khai; tài chính và cơ sở hạ tầng cho GDĐH, và GDĐH và hội nhập quốc tế.

-  Quản lý GDĐH sẽ phải đổi mới đồng bộ ở cả hai cấp: quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ GD-ĐT và quản lý cấp trường. Quản lý ở cấp nhà nước sẽ theo hướng chuyển mạnh sang quản lý vĩ mô, thống nhất quản lý bằng luật và chính sách, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện các chiến lược, kế hoạch phát triển. Bộ GD-ĐT sẽ chủ yếu thực hiện việc quản lý nhà nước, tức là xây dựng các văn bản pháp qui, chỉ đạo và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đúng các văn bản đó.

Còn các trường ĐH được tăng cường quyền tự chủ và đồng thời phải nâng cao trách nhiệm xã hội của mình. Để tăng quyền tự chủ một trong các cơ chế quan trọng là thành lập các hội đồng trường và đưa chúng vào hoạt động đúng chức năng. Hội đồng trường là hội đồng có tính lập pháp và quyết định phương hướng lớn của trường đại học, còn hiệu trưởng là người điều hành thực thi.

Để nâng cao trách nhiệm xã hội của các trường, hoạt động kiểm định công nhận chất lượng sẽ được Bộ GD-ĐT triển khai thường xuyên trong toàn bộ hệ thống GDĐH. Kiểm định chất lượng là hoạt động tự đánh giá và đánh giá từ bên ngoài theo các tiêu chí tỉ mỉ, dẫn đến việc công nhận một trường ĐH hoặc một ngành đào tạo của trường có đạt chất lượng hay không, định kỳ công bố kết quả kiểm định cho xã hội.

* Trong lộ trình đổi mới, sự tham gia của các trường ĐH đến đâu, thưa bà?

- Các trường ĐH, CĐ là bộ phận quan trọng của đề án này và đóng vai trò rất lớn. Ngay từ bây giờ các trường cần bắt đầu khởi động, tham gia vào quá trình đổi mới GDĐH ngay từ giai đoạn xây dựng đề án.

Trong quá trình lập đề cương chi tiết cho đề án, chúng tôi cũng đã trực tiếp trao đổi với nhiều trường, tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến rộng rãi từ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên... Bởi chúng tôi xác định ngay từ đầu: để có tính khả thi và hiệu quả cao, đề án được xây dựng phải đồng trục với chiến lược phát triển của các trường.

* Thưa bà, khi nào Bộ GD-ĐT sẽ bắt tay vào thực hiện lộ trình đổi mới GDĐH?

- Đề cương của đề án sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng bảy tới. Nếu được phê duyệt, Chính phủ sẽ có nghị quyết về việc xây dựng đề án “Đổi mới GDĐH” VN giai đoạn 2006-2010 và xác định nguồn kinh phí cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện đề án. Chính phủ cũng dự kiến sẽ lập một “Ban chuyên trách đổi mới GDĐH” để trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đề án và thực hiện đề án.

Còn Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì thành lập tổ công tác xây dựng đề án gồm các chuyên gia về GDĐH và liên ngành, trong đó có một số chuyên gia nước ngoài. Dự kiến đến cuối tháng 6-2006 đề án sẽ hoàn thiện và bắt đầu triển khai thực hiện giai đoạn đầu với đích ngắm là năm 2010 với một số mục tiêu cụ thể như các trường ĐH cơ bản chuyển sang đào tạo theo tín chỉ, thực hiện đại trà kiểm định chất lượng...

LinkedInPinterestCập nhật lúc: