Một số đề nghị về tăng chất lượng đào tạo đại học ở Việt Nam

10:03 SA @ Thứ Bảy - 09 Tháng Bảy, 2005

Từ lâu nhiều người đã thấy chất lượng giáo dục ở VN xuống cấp nghiêm trọng. Để giải quyết triệt để vấn đề nầy, chúng ta cần có một cuộc đổi mới toàn diện, và cũng cần thời giờ và nhiều ngân sách hơn. Tuy nhiên cũng có những mặt chỉ cần thay đổi cơ chế trên quy mô nhỏ là có thể giải quyết trong thời gian ngắn và không cần nhiều ngân sách. Những đề nghị tôi sẽ nêu dưới đây nằm trong trường hợp nầy. Trong bài viết ngắn nầy, tôi xin chỉ nói về giáo dục đại học và chỉ giới hạn trong những vấn đề có thể thực hiện được ngay. Về một số vấn đề khác tôi đã có viết ở Tuổi trẻ chủ nhật, Nhân Dân và Tia Sáng (xin xem chú thích ở cuối bài nầy), trong đó có nhiều ý kiến phát biểu 6,7 năm trước nhưng rất tiếc hiện nay vẫn còn phải tiếp tục nêu ra.

Để tăng chất lượng đào tạo ở đại học, có 2 việc có thể làm ngay được và không tốn thêm nhiều ngân sách. Một là đưa yếu tố cạnh tranh vào hoạt động giảng dạy của giáo viên (từ giáo viên ở đây bao gồm tất cả cán bộ giảng dạy, kể cả giáo sư, phó giáo sư, giảng viên,... ), hai là phân bố lại nguồn nhân lực của xã hội để tăng chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy.   

1. Tạo ra cơ chế cạnh tranh trong việc giảng dạy:

Cạnh tranh là động lực của phát triển. Trong học đường cũng vậy. Giáo dục đại học ở VN hầu như thiếu hẳn tính chất cạnh tranh. Ở mỗi khoa, các khoá học được chia thành các lớp (tuỳ theo lãnh vực chuyên môn hẹp trong một khoa) và sinh viên mỗi lớp học các môn giống nhau với cùng các giáo viên như nhau. Nói dễ hiểu hơn, việc tổ chức như vậy không khác gì ở bậc tiểu học, trung học. Sinh viên không được chọn lựa môn học, không được chọn thầy để học. Do vậy, đại học không tạo cơ chế cho giáo viên luôn luôn phấn đấu, cố gắng để dạy tốt hơn, và đào thải những giáo viên thiếu trách nhiệm nghề nghiệp, những giáo viên không có khả năng cải tiến năng lực chuyên môn và thiếu năng khiếu giảng dạy.

Tôi đề nghị là cải thiện ngay cơ chế hiện tại. Chẳng hạn sinh viên cần 100 đơn vị học trình để tốt nghiệp thì đại học cung cấp số môn học tương đương với độ 150 đơn vị học trình để sinh viên chọn lựa. Những môn học liên tiếp trong 3 năm có quá ít sinh viên theo học sẽ bị loại bỏ, thay bằng môn học khác hoặc giáo viên khác. Được biết là hiện nay sinh viên VN phải học một chương trình khá nặng (theo một phân tich nọ thì số đơn vị học trình của đại học VN nhiều gấp rưỡi ở các nước khác), nặng về số lượng mà kém về chất lượng. Do đó việc cải cách như tôi đề nghị sẽ thực hiện được dễ dàng, không tốn thêm ngân sách.

2. Phân bổ lại nguồn lực để tăng chất lượng giáo viên:

Để tăng chất lượng giáo dục ở đại học phải có nhiều giáo viên giỏi chuyên môn và có tâm huyết với ngành giáo dục. Làm sao để đại học thu hút được nhân tài? Ở đây chỉ nói những biện pháp phân bổ lại nguồn lực của xã hội, những biện pháp có thể làm ngay và ít đòi hỏi tăng nhiều ngân sách. Tôi có 3 đề nghị sau:

Thứ nhất, kết hợp nghiên cứu với giảng dạy. Hiện nay ở VN có hai hệ thống hoạt động song song: các viện nghiên cứu và các đại học. Tôi đã có dịp đề nghị từng bước sáp nhập phần lớn các viện nghiên cứu vào trong đại học (xem chú thích), nhưng việc có thể làm ngay là tạo cơ chế giao lưu mật thiết giữa hai hệ thống để những người nghiên cứu giỏi có điều kiện tham gia trực tiếp vào việc giảng dạy ở đại học. Dĩ nhiên hiện nay đã có sự giao lưu nầy (nhiều cán bộ nghiên cứu ở các viện có giờ dạy ở các đại học) nhưng nhìn chung chưa có hiệu quả. Các cán bộ nghiên cứu được mời đến đại học phần lớn tập trung dạy 5-6 tiết trong ngày, dạy xong là đi về ngay. Vì 5-6 tiết quá dài nên có trường hợp trên thực tế chỉ dạy 4-5 tiết và, có người cho tôi biết kinh nghiệm cá nhân của họ, vì phải dạy một lần nhiều giờ quá nên không chuẩn bị đủ nội dung, thầy và trò nói chuyện riêng nên họ phải đem sách ra đọc cho sinh viên chép. Tình trạng nầy đưa đến sự thiếu nghiêm túc trong việc giảng dạy, gây ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều mặt khác. Tôi đề nghị là nên tạo sự giao lưu chặt chẽ hơn, chẳng hạn cán bộ nghiên cứu ở các viện có thể tạm chuyển sang biên chế ở đại học 1-2 năm và trong thời gian đó làm việc ở đại học là chính. Ngược lại, những giáo viên ở đại học, nhất là những giáo viên trẻ, cũng được tạm chuyển sang biên chế ở các viện nghiên cứu, trau dồi chuyên môn trước khi trở về đại học.

Thứ hai, cơ hội du học ở nước ngoài để lấy các bằng cấp cao (như tiến sĩ chẳng hạn) trước mắt nên ưu tiên cho giáo viên dạy đại học hoặc những nghiên cứu sinh có hoài bảo đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. Các cơ hội du học ở nước ta hiện nay có khuynh hướng trải rộng sang nhiều lãnh vực, có lãnh vực mà cán bộ không cần bằng cấp cao (như quản lý ở các cơ quan nhà nước) nhưng vẫn được tạo điều kiện đi du học. Sau khi về nước họ lại không dùng đến kiến thức khoa học đã hấp thu ở nước ngoài. Đây là một phí phạm lớn về nguồn nhân lực. Nếu xem giáo dục là quốc sách hàng đầu và nếu thấy nguy cơ của chất lượng đào tạo đại học hiện nay, chính phủ cần quan tâm phân bổ các cơ hội du học đến những giáo viên hiện tại và tương lai.

Thứ ba, cần cải cách phương pháp tuyển chọn giáo viên đại học. Theo chỗ nhận xét của tôi, các đại học hiện nay có khuynh hướng tự đào tạo giáo viên lấy từ những người vừa mới tốt nghiệp. Việc nầy cũng cần thiết nhưng không nên có nhiều. Khi thiếu giáo viên,  các đại học nên công khai chiêu mộ để thu hút những người có khả năng (như  những người được nói đến ở điểm thứ hai). Tránh trường hợp sinh viên mới tốt nghiệp mà đã có tư cách giảng dạy hay trợ giảng. Họ phải phấn đấu vào làm việc ở các viện nghiên cứu, sau đó tham gia ứng cử vào biên chế giảng dạy.

Trần Văn Thọ
GS kinh tế học, Đại học Waseda, Tokyo


Chú ý: Sau đây là danh sách các bài viết (kể cả một bài trả lời phỏng vấn) tôi đã phát biểu trên các báo và tạp chí trong nước, chủ yếu phân tích hiện trạng và đưa các đề nghị cải cách. :

[1] “Vài ý kiến về giáo dục đại học ở nước ta,” Tuổi trẻ chủ nhật, 12/1/1997.
[2] “Để phát triển trước hết phải phổ cập giáo dục bậc tiểu học và đào tạo, bố trí hợp lý nguồn nhân lực,” Trả lời phỏng vấn của báo Nông thôn ngày nay, số đặc biệt Tết Đinh Sửu 1997.
[3] “Về đào tạo và cấp bằng tiến sĩ kinh tế học,” Nhân Dân (mục Ý kiến nhà khoa học), 17/7/1997.
[4] “Mùa thi đại học: Bạn trẻ chọn ngành học nào?,” Tuổi trẻ chủ nhật, 1/8/1999.
[5] “Tiếng Anh và năng lực xã hội,” Tuổi trẻ chủ nhật, 7/11/1999.
[6] “Vài ý kiến về những điều đã được bàn,” Tia Sáng (mục Khoa học công nghệ), 9/2001.
[7] “Suy nghĩ về hội chứng thi vào đại học,” Tuổi trẻ chủ nhật, 4/8/2002.
[8] “Bàn lại vấn đề học vị tiến sĩ,” Tia Sáng, 9/2003.

LinkedInPinterestCập nhật lúc: