Bệnh thành tích đã lan rộng!
Chạy theo thành tích đã trở thành bệnh - bệnh thành tích. Bệnh này không trực tiếp gây chết người, nhưng có thể làm "chết" một phong trào, làm "chết" sự trung thực, làm "chết" lòng tin và làm "chết" sự phát triển, gây ra tính gian dối, kiêu ngạo...
Bệnh thành tích không chỉ còn giới hạn ở một con người cụ thể, ở một đơn vị lẻ, ở một lĩnh vực riêng rẽ,... mà còn lan ra cả một cấp, một ngành, thậm chí còn lan cả vào lãnh đạo ở cấp, ở ngành này. Trong rất nhiều thí dụ, có thể chọn ra đây vài ba thí dụ điển hình. Trước hết và điển hình nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chỉ tiêu này trong thời gian qua, nhất là vào các dịp chuẩn bị đại hội Đảng bộ của hầu hết các địa phương đều cao hơn tốc độ tăng chung của cả nước; số tỉnh, thành phố có tốc độ tăng thấp hơn tốc độ chung của cả nước là không đáng kể. Đáng lưu ý, những địa phương mà trong cơ cấu kinh tế, nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản còn chiếm tỷ trọng lớn nhất, lên tới trên dưới một nửa (thường gọi là thuần nông), còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nhưng cũng tăng cao hơn hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước! Theo tính toán sơ bộ, nếu tổng hợp số thực hiện và số theo mục tiêu của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa ra tại đại hội Đảng bộ, thì tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước (tính từ các địa phương) sẽ lên đến 11 - 12% trong khi số thực hiện và mục tiêu của cả nước chỉ có trên dưới 8%, tức là chỉ bằng khoảng hai phần ba. Hầu hết các nước trên thế giới chỉ tính GDP ở cấp quốc gia còn nước ta, do yêu cầu phân cấp quản lý nên cấp tỉnh cũng có nhiều chỉ tiêu giống như của cả nước, cấp huyện cũng có một số chỉ tiêu giống như của cấp tỉnh (thậm chí cấp huyện, cấp xã cũng tính GDP, HDI). Do nguồn số liệu, do trình độ cán bộ, do phạm vi tính toán rất khó khăn nên việc tính GDP, HDI ở các cấp này thường không chính xác, không bảo đảm được tính so sánh... nên Tổng cục thống kê không dựa hoàn toàn vào số liệu báo cáo của địa phương mà tính trên phạm vi quốc gia, gạt bỏ sự trùng lặp giữa các địa phương. Trong khi cả nước vật lộn và phấn đấu quyết liệt để đạt trên dưới 8% và phấn đấu để thoát nghèo và kém phát triển thì cộng các địa phương lại đã tăng 11 - 12%, chẳng mấy mà "hóa rồng", "hóa hổ" ! Chắc rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và đảng viên trong cả nước cũng như ngay tại các địa phương đó đều không muốn có sự chênh lệch "ảo" này. "Chống tụt hậu xa hơn" là mục tiêu tổng quát không chỉ của cả nước mà của cả các địa phương, nhưng phải chống bằng các biện pháp quyết liệt và đồng bộ, bằng các thành tích thực chứ không thể "ép số" cho cao hơn để đạt thành tích "ảo", thành tích không có thực, để rồi tăng trưởng kinh tế thì thuộc hàng "Top ten" nhưng thu nhập và mức sống của dân cư, chỉ số HDI, hạ tầng cơ sở yếu kém cũng thuộc hàng "Top ten" tính từ dưới lên. Về chỉ số phát triển con người (HDI), có địa phương có GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương chỉ bằng già một nửa mức bình quân chung của cả nước (thuộc tỉnh nghèo) nhưng đã tính ra HDI cao hơn mức chung của cả nước. Vậy thì tỷ lệ người lớn biết chữ phải cao đến bao nhiêu trong khi của cả nước đã đạt trên 95%? Chẳng lẽ lên đến gần 100% (hay là phải mượn người đi học của tỉnh khác đưa vào tử số, lùa người chưa biết chữ của tỉnh mình khỏi mẫu số, giống như cái thời trại lợn tập thể của hợp tác xã phải mượn lợn của xã viên mỗi khi có đoàn kiểm tra của huyện, của tỉnh về kiểm tra hay tham quan). Tuổi thọ của tỉnh này phải vượt xa cả nước (năm 2005 đã đạt 71,5 tuổi) trong khi thu nhập và việc chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa phương này còn kém xa mức bình quân chung của cả nước. Số xã nghèo của cả nước từ những năm nào mới có khoảng 1.700, Nhà nước đã phải bỏ ra hàng "tấn" tiền để hỗ trợ thoát nghèo, nhưng rất ít xã xung phong thoát nghèo, trong khi số xã "xung phong" trở thành xã nghèo tăng mạnh, hiện đã lên đến khoảng 2.400, tăng khoảng 700 so với cách đây 7, 8 năm! Chủ nghĩa thành tích là kẻ thù của trung thực, là kẻ thù của phát triển, là bạn đồng hành của tệ gian dối, góp phần làm hư hỏng cán bộ, thậm chí làm hư hỏng cả lớp trẻ nếu họ "noi gương" theo.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu MaiCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần BạtThấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?
21/10/2003Trương Hiệu