Chuyện "anh" trí thức
Giờ đã bắt đầu chặng đường của các nước trung bình. Các lợi thế tích cực đã qua, các hệ quả tiêu cực ngày càng trầm trọng. Người trí thức sẽ phải vào vai chính,là chủ lực tiên phong cho HĐH - CNH.
Diễu hành năm đầu đổi mới đi đầu là con tôm càng xanh. Tiếp theo sau là lúa Đồng bằng sông Cửu Long trĩu hạt. Dù thất bại kinh tế tập thể quốc doanh bao cấp nông vi bản vẫn đúng trong thời đầu kinh tế thị trường. Để thoát đói. Rồi dệt may, gia công, chế biến làm cất cánh kéo theo dòng nông dân ra phố làm thợ may, phụ hồ cùng đủ mọi việc ở chợ người.
Lại nhớ vị tổng cục trưởng dầu khí cười tươi mang tặng bạn bè những chai dầu thô đầu tiên phun lên từ những giếng đầu tiên. Cả nước khai thác ồ ạt, bán tài nguyên thô từ cây rừng đến dầu, than và vàng, bạc, bôxít và thiếc... Nhân công rẻ, tài nguyên thô là hai máy cái giúp xóa nghèo. Công nông là chủ lực, tiên phong suốt 20 năm đổi mới. Tranh cổ động có lấp ló anh trí thức đeo kính phía sau nhưng rõ ràng là vai phụ. Giờ đã bắt đầu chặng đường của các nước trung bình. Các lợi thế tích cực đã qua, các hệ quả tiêu cực ngày càng trầm trọng. Người trí thức sẽ phải vào vai chính,là chủ lực tiên phong cho HĐH - CNH. “Nước đến chân”, ngoảnh lại mới hốt hoảng, cấp tập đưa ra chiến lược phát triển đội ngũ trí thức!
Trí thức đào tạo ra không đạt chuẩn thông thường, không hữu ích, không tác động vào tăng trưởng và phát triển, không nâng dân trí, chấn dân khí... thì phải gọi là “ngụy trí thức” cho đúng bản chất, sự thật. |
Trong giai đoạn thoát nghèo tương tự các nước hóa rồng đều đã dồn trọng tâm đầu tư vào GDĐT, xây dựng đội ngũ trí thức tinh nhuệ cho đợt cất cánh thứ hai. Việt Nam ta đã vừa lãng quên vừa mắc quá nhiều sai lầm trong GDĐT và xây dựng đội ngũ trí thức. Khủng hoảng GDĐT và trí thức bắt đầu từ nửa sau thập kỷ 1970, trì trệ kéo dài 35 năm, hơn 7 thế hệ đại học! Bản chất “trí thức.vn”, hệ thống GDĐT và sử dụng trí thức mắc hàng loạt căn bệnh nan y. Càng “cải cách”, bệnh càng trầm trọng. Thậm chí càng hô chữa bệnh nào thì bệnh đó càng nặng hơn. Nói chống bệnh thành tích thì chạy theo thành tích, chức danh, bằng cấp ảo. Nói nâng cao chất lượng thì chất lượng đi xuống. Nói tập trung vào mũi nhọn thì ào ào lập đại học nhếch nhác, bê bết khó tưởng tượng nổi, nói đào tạo theo đơn đặt hàng của xã hội thì người tốt nghiệp thất nghiệp... Dân tình bực bội, oán thán dài dài.
Lịch sử Việt Nam từng có ít nhất 4 mô hình người/giới trí thức: Trí thức thời phong kiến gắn chặt thần/thế quyền làm nhà tu và quan lại. Không thành công trong ghi âm/ghi nghĩa tiếng mẹ đẻ nên phải dùng Hoa ngữ và phát triển hệ từ Hán-Việt để biểu đạt ý nghĩ (điều này khác hẳn trường hợp Nhật và Hàn)... Trí thức quan phương, thi giáo điều Khổng và phép hành chính để làm công chức trong bộ máy cai trị. Sáng tạo là cấm kị khi làm quan. Nhàn tản, về hưu mới “trước tác” chủ yếu là ngâm vịnh vô bổ bằng ngoại ngữ! Kém về tư duy trừu tượng, lý thuyết. Khối lượng tri thức ứng dụng hữu ích nằm ở các tổ nghề, các thợ cả, các làng nghề, các nghệ sĩ bậc thầy khuyết danh nhưng họ lại bị giáng xuống hàng chót (công, thương) trong 4 thứ dân, thậm chí “vô loài”!
Nửa đầu TK 20 xuất hiện người/giới trí thức hiện đại, yêu nước, ít mà tinh, được gọi là thế hệ vàng. Trong 2 cuộc kháng chiến có người/giới trí thức chiến sĩ-cán bộ ở miền Bắc được đào tạo cơ bản ở Liên Xô, khối XHCN và người/giới trí thức dấn thân vào sản xuất và công nghệ ở miền Nam, vàng son cũng thuộc các lớp đầu đàn 1960-1970. Và thứ tư là người/giới trí thức Việt ở nước ngoài, ngày càng mạnh/giỏi. Mỗi hình mẫu trí thức trên đều có mặt mạnh và mặt yếu, thế mạnh và thế yếu, tiến bộ và bất cập của mình.
Song thực tiễn đào tạo và xây dựng người/giới trí thức trong ba thập niên qua có vẻ như chỉ phát huy các mặt yếu, thế yếu, và những bất cập của 4 mô hình kia, khiến bản thân nó không ra hình thù gì nữa. Giả dối này chồng lên giả dối khác, năm bảy lớp tan thấm, cố kết vào nhau không bóc tách, tẩy rửa đi được. Trí thức đào tạo ra không đạt chuẩn thông thường, không hữu ích, không tác động vào tăng trưởng và phát triển, không nâng dân trí, chấn dân khí, không là gương mẫu về lối sống, ngọn cờ cho đạo đức, luân lý xã hội và không độc lập với thần quyền thế quyền... thì phải gọi là “ngụy trí thức” cho đúng bản chất, sự thật.
Người Việt Nam có nhiều mặt thông minh và hiếu học và “hào kiệt thời nào chẳng có”, nhưng các giá trị đích thực của người/giới trí thức chỉ hình thành và phát triển trong một môi trường trí thức đích thực và tất bị chôn lấp, xóa nhòa, thui chột trong “sinh quyển” giả dối, ngụy tạo. Xây dựng người/giới trí thức hiện đại bây giờ thì đầu tiên là phải trừ diệt tận gốc, toàn diện mọi sự giả dối trong GDĐT, trong toàn bộ hệ thống sử dụng và hoạt động của người/giới tri thức Việt Nam.
Ngày xuân nói chuyện buồn, lòng người cũng buồn thay. Nhưng cái khát khao lớn nhất của “anh” trí thức là gì ngoài sự thật và tình thương?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/20147 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh Linh