Tùy bút về giới trí thức và trí thức đích thực

10:56 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Hai, 2012

Tôi luôn không thích lối tư duy : cái / điều gì có trước có sau… mà luôn yêu thích nhấn mạnh bản chất triết học : khả năng và chất lượng chuyển hóa của sự vật hiện tượng mới thực sự là quyết định. Nên tôi không bắt đầu bài viết của mình bằng đặt vấn đề : xã hội và trí thức gì có trước, mà tạo ra nhau trong mọi thời điểm và bối cảnh. Tri thức luôn tiềm ẩn vô vàn trong cuộc sống và Thế giới, còn giới trí thức tiếp cận tìm ra nó như thế nào, kiến giải được điều gì, và ứng dụng cho sự cai trị hay bài toán phát triển ra sao. Trong đó người Trí thức đích thực là ( Cách vật + Chí tri + Sự thật + Tâm thành + Hữu ích ) với động lực duy nhất là tính Chân Thiện Mỹ của khoa học, hay lĩnh vực mà họ tham gia nghiên cứu, thấu đạt được…

- Bắc Triều Tiên hôm nay tuy hơn nửa thế kỷ họ Kim duy trì chế độ gia đình trị, đưa đất nước vào trong biên giới quốc nội khép kín, tiêu điều như thế nhưng rõ ràng là có giới trí thức, họ đáng kính nể, nếu không làm sao tạo ra được các chương trình hạt nhân, tên lửa đạn đạo và kỉ cương trật tự như vậy – điều mà ngay cả quốc gia dân chủ, mở mang, phát triển cũng chưa có được đến trình độ ấy

- Xưa kia ở Trung Quốc, dưới chính sách chôn Nho, đốt Kinh bạo tàn của Tần Thủy Hoàng nhưng hôm nay người ta vẫn biết đến Trương Lương : ngồi trong lều tranh, ở giữa rừng sâu vẫn đóan định được việc Thiên Hạ vạn dặm. Ngay cả gần đây khi 1o năm Cách mạng Văn hóa làm kinh hoàng lương tri, Trung Quốc vẫn theo đuổi thành công các chương trình nguyên tử, vũ trụ để làm nên kì tích như ngày hôm nay…Kiểu gì thì trí thức vẫn còn, dù thế nào

- Liên Xô trước kia tồn tại trong lòng nó quá nhiều vấn nạn sinh ra bởi thể chế Chính trị / kinh tế mà hôm nay không một người Nga trưởng thành bình thường nào lại hy vọng hay muốn nó quay lại ( tuy là có nhiều nỗi niềm thương nhớ đi nữa ). Nhưng hiển nhiên là Quốc gia vĩ đại này đã sản sinh ra rất nhiều trí thức cho mình, không những thế cho rất nhiều nước Xã hội chủ nghĩa nữa

- Giao thời của thời kỳ Cách mạng Dân chủ Pháp , Công xã Paris ra đời, như là mô hình tiền thân của nhiều chế độ ‘xã hội chủ nghĩa’ biến thể như sau này chứng kiến ở hơn chục Quốc gia: cực tả, rất nhiều mất mát, hy sinh, sự kỳ thị xã hội và đàn áp của chính quyền cũng khốc liệt lắm…nhưng cũng có những trí thức nổi danh Thế giới như : Mongteskiơ, Didero, Russeau…rồi thuyết Tam Quyền Phân Lập nổi tiếng…

- Đế quốc rộng lớn nhất lịch sử do công quả của Thành Cát Tư Hãn cùng hàng chục vạn vó ngựa kỵ binh Mông cổ…chinh phạt Thế giới từ đông đến tây từ năm xuống bắc… nhưng rồi không duy trì được, tiêu biến nhanh, sau này không bao giờ mạnh lên được nữa…Vì lý do rất quan trọng mà chính Thành Cát Tư Hãn cuối đời nhận ra và than thở như định mệnh : Đất nước họ không có giới Trí thức !

Vài ví dụ điểm như thế, tôi muốn phát biểu một kết luận thứ nhất rằng : mỗi đất nước, nhất thời có thể rơi vào những tình cảnh đen tối khác nhau ( dù do khach quan hay chủ quan ) thì chỉ trong vòng hơn nửa Thế kỷ thôi sẽ chứng thực được ngay rằng : đất nước đó có thể ra khỏi sai lầm, điêu linh, sự hủy hoại mà đi đến sự phản tỉnh, sủa chữa, cải cách hướng tới phát triển sau đó hay không, là ở chỗ Đất nước đó có hay còn lại những người Trí thức thực sự hay không ? Nếu không, khi hơn nửa Thế kỷ đi qua, cho dù từng có thành tựu chiến quả, nhưng không thể tự mình làm được điều gì đó mang ý nghĩa phát triển, hoặc cứ chìm sâu thêm vào suy đồi. Hoặc cái từng được gọi là ‘giới trí thức’ của Xã hội đó có vấn đề nghiêm trọng về phương diện tri thức ( ví như nhiều Bộ Lạc có ‘trí thức’ của họ có ‘danh hàm học vị’ nhưng như kiểu thày bói, thày cúng, thày ma, thày đề…mà thôi ) ! Cái gì sau hơn nửa Thế kỷ ( phạm vi trung bình của một đời người ) sẽ thực sự được định vị lại giá trị đúng của nó trong dòng đời sống của xã hội. Nên, trong từng khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ : xã hội còn tốt là còn chứa đựng , hơn nữa là sản sinh ra giới trí thức thực sự của nó, sẽ là cứu cánh cho dù Xa hội từng đã thế nào ! Nếu không, thì Xã hội đó tự nó không phải là tốt đẹp, cho dù có giới gọi là danh hàm học vị kiểu của nó đi chăng nữa thì cũng chỉ là thứ làm đời sống thêm tăm tối, u mê…

Quang Trung Nguyễn Huệkhi ra Bắc Hà đã phải than thở với Ngô Thì Nhậm rằng : nghe nói vùng đất này đến là ‘lắm Nho sĩ, bảng nhãn, thám hoa, trạng nguyên mà xã tắc đắm chìm trong rối ren loạn lạc, nhân dân điêu linh khốn khổ hàng bao nhiêu đời’…Tuy nhiên chính Nguyễn Huệ phải công nhận Ngô Thì Nhậm lại là Trí thức vậy, và Ngô Thì Nhậm còn được lưu danh là bởi Nguyễn Huệ là thế ! Nên tôi cần viết lại một cách chắc chắn câu của nhà đại trí thức là Nguyễn Trãi : ‘Nhân tài như lá mùa Thu, nhân kiệt như sao buổi sớm’…để đi đến kết luận thứ hai : người Trí thức chân chính, thực sự luôn có trong đời, mọi thời. Phải thêm một điều rất quan trọng là họ có gặp được ‘Minh chủ’ cho chí lớn, viễn kiến của mình hay không, chứ không hẳn là xã hội đó vốn như thế nào. Vì vậy dù là Tần Thủy Hoàng, sau này là Mao Trạch Đông, Stalin….đều là những người được xem là ‘Minh chủ’ …Với những vĩ nhân đó thì câu của Nguyễn Trãi quá đúng! Chỉ có loại trí thức không ra gì, nửa mùa, hủ nho, chẻ chữ, mài ý, gian thuật, xảo ngôn, đạo văn, điêu luận… mới ca cẩm giới của mình không được trọng dụng, khó ngoi đầu ngóc cổ lên được để ‘nhất Sỹ nhì Nông’, nên ta thán thiếu chế độ đối xử ưu đãi này nọ mà tự giải thích cho đỡ xấu hổ rằng ‘vì gạo chạy rông’ chí chóe chành chọe với nhau, giả lả nịnh bợ xun xoe đậm chất chất ký sinh rằng ‘nhất Nông nhì Sỹ’. Cũng giống hệt như nhiều năm trước một số nhà văn có danh có chức, kêu là không được Nhà nước đầu tư tiền tỉ như phim để viết tiểu thuyết về chiến tranh thần thánh, các nhà làm phim được xếp hàng đầu bởi chuỗi danh hiệu… than thở thiếu có sự ưu tiên ngân sách đặc biệt để làm phim Lý Công Uẩn rời Đô…Đến khi có tiền, và sa vào chỗ rất nhiều tiền thì cái chất giả trí thức ấy nó không còn chỗ che dấu được nữa mà bộc lộ thật táng đởm kinh hồn

Cá nhân tôi cảm nhận được theo trải nghiệm của mình về một số người trong ‘giới trí thức’ ( tất nhiên với phạm vi công tác hạn chế của mình thôi ), để nói rằng : tôi không bao giờ thấy kính trọng mấy ‘cái’ học hàm học vị, những danh hiệu , các giải thưởng, số lượng tóc bạc… của họ cả! Chỉ có cá nhân họ ( tư cách người, tri thức thực, công ích bền ) là tôi có kính trọng được không mà thôi ( theo nghĩa : giá trị thực của mỗi người là điều quý của chính họ sau khi đã tước bỏ, hay không cần nhắc đến những ‘cái’ nêu trên ). Tôi càng không muốn, thấy không nên bình luận thêm về con đường đạt được những ‘cái’ đó của . Vì tôi đã nghe không ít ở nhiều nơi rằng : rất khó chịu vì kẻ khác không hơn mình mà có những ‘cái’ đó nên cũng cố có ‘cái’ đó, nhưng theo cách để có được rồi, lại thấy sâu thẳm trong lòng không còn thiêng liêng, quý hóa gì nữa cả ( biểu hiện là : không thấy đáng tôn trọng những người cùng có ‘cái’ đó như xưa nữa / giới thiệu mình với nó thấy không sang, gờn gợn đáy lòng / Người thân trong gia đình không thực tự hào mà đơn giản là khoe cái công cụ để mưu cầu thôi…. ). Nếu ai có phản đối thì chỉ việc công bố với đại chúng rằng : họ có thể, có dám viết hồi ký / hay tiểu sử về quá trình đó của họ không , ( dù họ có rất nhiều cách và quan hệ để có nhiều sách mang tên họ đã ra đời đấy thôi )?! Tôi đoán trước nhiều người sẽ lẩm bẩm như AQ mà thôi….

Đã là lịch sử thì không thể hỏi có hay không mà là như thế nào! Tôi nghĩ riêng trong lĩnh vực âm nhạc, có bao nhiêu Nhạc sĩ ( Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Lam Phương, Ngô Thụy Miên….) họ không hề có danh hiệu Nhà nước chi hết…nhưng thử hỏi nếu thiếu những bài ca của họ thì nền âm nhạc nước ta nghèo nàn đến như thế nào, cuôc đời chán đến thế nào… Tôi đã đi qua khắp các tỉnh thành, trong rất nhiều giao lưu đời thường, rất nhiều sĩ quan quân đội từng tham gia chống Mỹ hay chiến tranh biên giới, lại rất yêu thích hát đắm say những bài hát trữ tình của các nhạc sĩ đó ( và tuyệt nhiên không thể xuyên tạc như rất nhiều bài hát được coi là ‘nhạc đỏ’ )… Trong khi lại thử hỏi: nếu chả có thời nào phải chống Mỹ để không có những bài hát thời đó, với bao nhiêu nhạc sĩ đầy huy chương, giải thưởng, danh hiệu đầy mình thì sao nhỉ ??? Mở rộng câu hỏi : nếu bớt đi, thậm chí không có nhiều học hàm học vị, danh hiệu như hôm nay trong nước chúng ta từng thấy thì xã hội ra sao nhỉ ? ?? Có thêm được nhiều công trình mang tính chất của Đại thủy nông Bắc Hưng Hải / Đại công trường ‘xã hội chủ nghĩa’ thời 1957 – 1963 hay không, khi cả nước ta chả có học hàm học vị gì ??? Con người trong các quan hệ sống và lao động có tồi đi hơn so với hôm nay không nhỉ ??? Rồi Thế giới ra sao, có chậm phát triển, hay mông muội đi không nhỉ ???

Với đối suy như thế, tôi thấy trong số trí thức Việt trong nửa thế kỷ gần đây, rất nhiều ông thực sự là ‘trí thức mậu dịch’ – theo cách gọi của một người bạn là nhà văn, triết gia tôi thấy rất là dí dỏm và đúng nghĩa - họ sẽ nghĩ về bao nhiêu nhà bác học, nhạc sĩ, triết gia, nhà văn… của Thế giới, và bao nhiêu tiền nhân của chúng ta liệu có phải là trí thức không nhỉ, theo cái cách họ cho rằng phải có danh hiệu, học hàm Nhà nước… Và khi một khoảng thời gian là hơn nửa thế kỷ trôi qua, cái gì /gắn với danh hiệu nào đã chết, biến mất, đi đến suy đồi, còn cái gì / gắn với ai, dù chịu bao nhiêu oan ẩn vẫn sống động, đi đến thừa nhận và phát triển??? Bài viết này của tôi ( ngẫm nghĩ từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…sau này, ở cấp độ nhỏ hơn là rất nhiều người như Nguyễn Văn Vĩnh chẳng hạn….) nhất định không xem những người mang danh hàm học vị Nhà nước kiểu như ‘bảng nhãn / thám hoa / trạng nguyên /…. là ‘người trí thức’ mặc dù cách nhìn nhận nhất thời của xã hội lúc đó xem họ đương nhiên là 'giới trí thức' . Vì thế tôi đưa các phương diện định dạng về trí thức đích thực, sẽ theo bản chất tri thức của chính Trí thức mà thôi ( không thuần túy gắn với danh hiệu học hàm học vị ) ! Khảo sát trên bốn phương diện như sau ( chí ít tôi tự tìm ra được những bằng chứng để tin rằng có nhiều Trí thức thật như thế, và tôi đặt ra cho mình phấn đấu thế ) :

  • Có tri thức cao, uyên bác về lĩnh vực chuyên môn theo đuổi ( thể hiện bằng tác phẩm / giao giảng phổ cập được / được thừa nhận tính khoa học / ứng dụng phát triển được / đi vào đời sống hữu ích của xã hội )
  • Thực hành được cả quá trình tư cách Quốc Sĩ ( yêu nước, cải cách, khí phách ) đứng từ sở học, năng lực kiến giải mang tính tri thức hướng vào các phản biện khoa học, chỉ vì tính hữu ích với xã hội, mà không phải chờ đợi đến thời điểm có lợi cho bản thân
  • Nhẹ nhàng đi qua cám dỗ của Tham Sân Si ( ở mức được thừa nhận về cách sống đời thường, mưu cầu thân gia, bản chất hành động, phương cách tranh luận ). Nung nấu tự thân hướng tới đỉnh cao ở lĩnh vực của họ ,và nhân cách cốt lõi là sử xự với mọi điều có học thức

- Họ tạo ra được sự kế tục về tri thức, thể hiện : hoặc là truyền giáo cho ‘môn đệ’ / hoặc là những viên gạch xây tiếp được tòa nhà lĩnh vực / Giúp đời kiến giải được vấn đề cuộc sống / tạo nên sự khát khao về học vấn đích thực

Bản thân tôi được đọc nhiều, tìm hiểu qua nhiều nguồn khác nhau để tự thấy sung sướng hân hoan trong lòng mà rằng: ở Việt Nam ta xưa nay không thiếu những trí thức nhìn từ bốn phương diện này ( nhất là trở về hơn nửa thế kỷ trước …) ! Thêm sự khẳng định câu nói của Nguyễn Trãi…. Họ luôn có! Vấn đề như hai kết luận tôi viết ở trên: một là ‘Minh chủ’ và hai là: xã hội cho dù có sai lầm, nhưng trong vòng hơn nửa Thế kỷ có khả năng nhìn lại được ra họ, sử dụng lại được họ không, nếu có thể thì vẫn đi qua được mà hướng đến phát triển ( mà điều này lại phụ thuộc vào chất lượng của ‘giới rí thức’ còn lại của xã hội đó ). Khi xã hội suy vong dài và thiếu vắng ‘Minh chủ’ nữa thì sự suy đồi của số đông được gọi là ‘giới trí thức’ thật muôn hình vạn trạng ngóc ngách gớm ghiếc, chính họ làm quái dị tri thức và thủ tiêu người trí thức đích thực ! Vì thế họ phải chịu trách nhiệm rất lớn với xã tắc, chứ không riêng gì giới cầm quyền ! Vì đơn giản là ‘giới trí thức’ vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của xã hội. Nhưng dù thế nào họ cũng là giới có ảnh hưởng và còn khả năng cuối cùng để duy trì nhân văn, nếu không thể phản tỉnh thì cũng là lực lượng giới cầm quyền phải tính đến, cần lắng nghe . Hơn nữa xã hội dù thế nào cũng cần phát triển phương thức hoạt động cho nó. Với ‘giới trí thức’ , đó lại chính là cơ hội như cơn đau đẻ về tư tưởng, để ra đời được khả năng chính họ nhìn nhận lại được đâu là người trí thức đích thực. Còn người trí thức đích thực, tuy có thể đã bị thiệt thòi không được nhìn ra được sử dụng, nhưng chí ít thì họ vẫn đẻ ra sản phẩm, để lại giá trị tinh thần của mình ở bốn phương diện trên !

Gần đây có cuộc đấu khẩu / tranh luận về ‘thế nào là người trí thức’ với GS Ngô Bảo Châu mà tôi đọc được… Có vẻ thiên về ngôn từ, sĩ diện, suy diễn từ cách nhìn, quan điểm khác nhau đối với phát biểu của Giáo sư Ngô Bảo Châu …

Thỉnh thoảng như thế thấy vui, sôi động như Bạch tuộc Paul trong sự kiện World Cup năm 2010… Nhiều ông thuộc ‘giới trí thức’ ngày nay, thực ra không có được bốn phương diện nêu trên hội vào cuộc đời, sự nghiệp của họ… xuất thân ‘mậu dịch’ vừa ‘cất cánh bao cấp’, lại vừa ‘hạ cánh an toàn’ bây giờ to tiếng hô hoán lắm! Newton chả có ‘phản biện xã hội’ như các ông ấy quan niệm nhưng trên cả nhà vật lý, được Nhân loại tôn vinh là nhà tư tưởng đấy ! Galie dũng khí nói : Trái đất vẫn quay ! Chẳng nhẽ cách phản biện đó kém vĩ đại hơn mấy cái ‘phản biện xã hội’ kiểu ‘tùy theo tình hình’ của các ông ??? Người trí thức đích thực có nhiều cách phản biện, và đứng từ khoa học của họ đang nghiên cứu! Bông Hoa Hồng có nên cố đòi Hoa Cẩm Chướng phải như mình không ? Tôi cảm thấy mấy ông đang ‘tranh luận ảo’ với GS Châu có cái kiểu biến thể của ‘Cách mạng Văn hóa’ ở Trung Quốc một thời ! Vẫn vương tí cáu cạnh dính vào của bộ ‘sổ gạo và tem phiếu mậu dịch’ !

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Cần phân biệt trí thức với trách nhiệm công dân của trí thức

    08/12/2015Hồ Quang HuyThời gian qua cộng đồng bạn đọc báo mạng bình luận sôi nổi về chủ đề trí thức. Đặc biệt các ý kiến trái chiều về phát biểu của GS Ngô Bảo Châu đăng trên báo tuổi trẻ online qua bài trả lời phỏng vấn của GS với báo này...
  • Ngô Bảo Châu và dư luận

    31/01/2012Hòa VânMấy ngày Tết, tưởng được nghỉ đôi chút sau khi làm xong số xuân, nhưng lại bị một cơn bão tố trong làng mạng kéo dậy! Chuyện là Ngô Bảo Châu bị bà con dân mạng ném đá tơi bời, chủ yếu là do một hai câu nói về vai trò của trí thức, trong bài trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ cuối tuần (đề ngày 20.1.2012)...
  • Trí thức là cái chi chi?

    31/01/2012Nguyễn Văn PhúCó những cái, chỉ khi ta đã đánh mất thì mới ý thức được sự tồn tại trước đó của nó. Đạo đức là một ví dụ. Một xã hội lương hảo ai bàn chuyện đạo đức mà làm chi.
    Trí thức cũng là một khái niệm tương tự...