"Trí thức không được phép thiếu tri thức"
Với xuất hiện chưa đầy một năm, đã thấy có nhiều người nhắc đến NXB của ông, đến những cuốn có sức hấp dẫn bạn đọc mà hoàn toàn không phải là dòng văn học nghệ thuật... Ông đã bắt đầu công việc mới này của mình như thế nào và điều gì thúc đẩy ông dấn thân vào một mảnh đất vốn đang rất đông đúc này?
- Ý định "làm sách" đã hình thành trong tôi từ rất lâu rồi. Suốt những năm làm ở Bộ KH-CN, hàng ngày tiếp xúc với các đồng nghiệp cả trong và ngoài nước, tôi tự nhận ra bản thân mình - một trí thức đấy nhưng vẫn còn thiếu nhiều tri thức quá, cả các bạn đồng nghiệp, lớp đàn em rồi thế hệ sau nữa, có quá nhiều thiếu hụt. Tâm trạng đó xuất hiện rõ nhất trong những dịp ra nước ngoài công tác, đôi khi tôi rất xấu hổ khi các bạn đồng nghiệp nói đến những cuốn sách kinh điển, những vấn đề triết học mang tính thời sự đang tác động lớn đến XH mà chúng ta đều ngơ ngác. Ngay tôi, tuy được đào tạo rất nghiêm chỉnh, sinh ra trong một gia đình có ý thức về văn hoá, có đến 3 ngoại ngữ, chịu khó đọc nhưng vốn ấy không thể đủ để thấu hiểu những tác giả kinh điển.
Vậy mà trong các thư viện của ta, những tác phẩm kinh điển về xã hội học còn thiếu nhiều quá, chỉ vì một lẽ rất đơn giản là có ít người dịch và không có thị trường. Ngay cả những tác phẩm kinh điển của Mác-Lênin được xuất bản rất lâu rồi mà tên người dịch không thấy có. Như vậy có thể thấy lâu nay, vai trò của những dịch giả kinh điển rất lu mờ trong xã hội. Trong khi đó, thị trường sách tự phát đang bùng phát một cách không thể kiểm soát được và hoàn toàn không có quy hoạch để hướng dẫn văn hoá đọc. Tôi không hề có tham vọng là người hướng đạo trong vô vàn khuynh hướng đọc hiện nay. Tôi chỉ dám làm một việc nhỏ là tập hợp được những dịch giả, những người viết có uy tín trong một lĩnh vực hẹp nhưng rất cơ bản là văn hoá, tri thức phổ cập của nhân loại bởi chúng ta bị quá quá chậm (trong hiểu biết) so với bên ngoài.
Sự chậm trễ này sẽ có rất nhiều cách giải thích, nhưng theo ông, lý do chính là gì?
- Chúng ta đã phải trả giá về thời gian rất dài cho công cuộc giải phóng giành độc lập dân tộc, với hai cuộc chiến tranh cộng với một thời gian dài nữa bị cô lập về kinh tế. Nên mọi nỗ lực của chúng ta là để tồn tại về mặt vật chất đã, chứ chưa lo đến một tầm nhìn chiến lược cho đời sống văn hoá. Đi ngược lại lịch sử xa nữa, ngay cả trước chiến tranh thì đã có một người có không ít các ý kiến cho rằng nền văn hoá tự thân của chúng ta bị khiếm khuyết rất nhiều và phải tìm mọi cách để phục hưng, cách tân như một cuộc cách mạng dân tộc. Tiêu biểu là các ý kiến của cụ Phan Chu Trinh.
Ông là người nói ra được điều mà ít người nói ra ngày ấy, rằng chúng ta bị lạc hậu đối với các nước văn minh một thời đại, rằng cần phải có một cuộc cách mạng bắt đầu từ văn hoá, giáo dục với khẩu hiệu: "Chấn hưng trí - khai dân trí - hậu dân sinh". Nhưng hoài vọng của ông không thành công bởi ngày ấy chúng ta chưa có một nền độc lập thực sự. VN vẫn là một nước đang bị nô dịch. Nói như vậy để thấy rõ hơn một hiện trạng lạc hậu về văn hoá mà cụ thể là văn hoá đọc của chúng ta do lịch sử để lại. Còn thời buổi bây giờ, người ta hay nói nhiều đến văn hoá nghe nhìn đang thống trị. Nhưng thực ra ở nước nào cũng vậy, sự lấn át của văn hoá nghe nhìn chỉ trong một chừng mực nào đó thôi, càng ngày người ta càng thấy là không gì thay thế được văn hoá đọc.
Các nước phương Tây bây giờ hàng năm họ vẫn tái bản những tác phẩm triết học kinh điển cho dù chỉ bán được dăm bảy trăm cuốn, nhưng họ đã có trên 100 năm xuất bản rồi. Nói gì thì nói, ở nước ta với dân số 83 triệu người mà mỗi đầu sách thường chỉ in ra 1.000 cuốn là điều bất bình thường. Sự bất bình thường đó có thể giải thích là sách của các tác giả trong nước chưa thoả mãn được người đọc, mà sách dịch thì không có hoặc thiếu. Lý do sâu xa nữa là do giáo dục. Nếu chúng ta có một nền giáo dục tốt thì nó sẽ là chỗ dựa vững vàng cho văn hoá đọc.
Nói đến đây bỗng ông im lặng nhìn ra cửa sổ phòng làm việc, nơi có cành cây long não xanh mướt trong tiết cuối xuân rủ một bóng mát, tôi hiểu là câu chuyện đã chạm vào một nỗi bức bối lâu nay. Ông thở dài: "Giáo dục của chúng ta đang là một vấn nạn, từ mầm non cho đến đại học đều có những bất cập rất vô lý mà nó vẫn tồn tại. Tôi đã từng tham gia rất nhiều hội thảo, đã nói và viết rất nhiều bài báo kể cả với tư cách một công dân. Nhưng nói vậy thôi, cho đến giờ vẫn chưa có một biện pháp cụ thể nào cho hệ thống giáo dục, cụ thể từ nhân sự trở đi. Tôi nghĩ phải có một quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa, dám đương đầu với thực trạng, làm lại từ đầu, từ móng. Thảm trạng của giáo dục không phải lỗi của Bộ Giáo dục, mà là lỗi của các cấp lãnh đạo. Lãnh đạo cao nhất mà quyết làm thì chắc cũng sẽ chẳng khó...". Lúc này tôi chợt nhìn thấy một vẻ mặt khác của ông, một nỗi sốt ruột đến cáu kỉnh.
- Ông có những ý định rất thực tế rất bức thiết, nhưng xét ra, trước một tình trạng xuất bản và phát hành sách rất hỗn độn như hiện nay, liệu ông có phải là kẻ lãng mạn, phiêu lưu?
- Tôi sẵn sàng chia sẻ với bè bạn về nỗi lo ngại trước những khó khăn chồng chất trong công việc xuất bản hiện nay. Nhưng tôi đã tự khẳng định, trước sau cũng phải làm. Tất nhiên tôi gặp không ít khó khăn. Ban đầu các bạn đồng nghiệp, các học giả rất ủng hộ tôi, nhưng các cơ quan chức năng cho rằng còn nhiều việc khác cần kíp hơn (biết làm sao, mỗi người nhìn theo quan điểm của mình).
Với tôi, tôi thường nói với các anh em đồng nghiệp rằng chúng ta đi quá chậm, chậm so với Nhật Bản 1,5 thế kỷ - thời Minh Trị họ đã làm những việc này; chậm hơn Trung Quốc 100 năm - chính thời mà cụ Phan Chu Trinh muốn làm mà không làm được. Còn khó khăn về kinh phí cũng đáng kể. Chúng tôi cần khoảng 30 tỉ đồng trong 5 đến 7 năm để có thể xuất bản 500-700 cuốn sách kinh điển. Số tiền không là gì so với một con đường hay một cây cầu phát sinh. Nhưng bây giờ xin phải 2-3 năm nữa mới được thông qua. Được rồi lại phải trả tiền tác giả theo cơ chế hiện hành của Nhà nước, một barem ít thuyết phục với các tác giả. Trong khi yêu cầu chuyên môn ở sách kinh điển với các dịch giả là rất cao.
- Vậy ông phải có một giải pháp trước mắt cho sự tồn tại của mình?
- Chúng tôi đang cố gắng thành một doanh nghiệp với một mô hình gọn nhẹ nhất. NXB chỉ tập hợp những biên tập viên giỏi còn lại là các cộng tác viên rồi liên kết với công ty phát hành.
- Mô hình này liệu có giống một nhà XB tư nhân?
- Không hẳn. Vốn ban đầu vẫn của Nhà nước, hơn nữa với Luật Xuất bản hiện nay, để có một đầu sách phải qua rất nhiều bước, rất nhiều đơn vị phải chịu trách nhiệm. Điều này một cơ sở tư nhân khó có thể hoàn tất được.
NXB Tri Thức đã có bao nhiêu đầu sách và những dự định tiếp theo liệu có thể hoàn - tất?
- Chúng tôi mới có trên 10 đầu sách, công việc tiếp sẽ là dịch sang tiếng Việt hai loại sách kinh điển: 1 là cổ điển từ Platon trở đi, hai là những tác giả hiện đại nhưng có tác động tích cực đến xã hội ví dụ như những tác phẩm về nhận thức luận hoặc tủ sách phổ biến tri thức cho lớp trẻ, diễn giải các tác phẩm cổ điển như sự nhập môn các tri thức tổng hợp v.v... Phải nói là công việc này rất kén bản thảo, kén tác giả. Chúng tôi ra được 10 cuốn nhưng cũng đã phải từ chối 10 cuốn.
- Lớp trẻ đón nhận những sản phẩm ban đầu này thế nào, liệu họ có thờ ơ trước cơ man các loại sách văn học, nghệ thuật?
- Họ không hề thờ ơ, thật là đáng mừng. Thí dụ cuốn "Bàn về Tự do" rất khó đọc, chúng tôi in 1.500 cuốn. Sau 2 tháng phải in thêm. Hay như cuốn: "Thế giới như tôi thấy" tập hợp những bài nói của Einstein, độc giả rất thích và chúng tôi cũng vừa tái bản.
Ông nở một nụ cười rạng rỡ khi bắt tay tôi làm tôi tin rằng ông sẽ thành công. Ra đến cửa, ông gọi theo để tặng tôi một món quà, cứ ngỡ một cuốn sách mới ra lò mà không phải. Ông tặng tôi chiếc đĩa Concerto số 2 của Chopin. Tôi chợt nhớ ra ông mê nhạc cổ điển từ thời trai trẻ. Và, tôi biết thêm một điều, ông vẫn là một người lãng mạn.
Phó Giáo sư - tiến sĩ Chu Hảo |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngCon người hiểm độc
01/01/1900Phạm QuỳnhCơ hội thứ tư - toàn cầu hóa
18/04/2004Nguyễn Trần Bạt