Bàn thêm về bài "Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức của Việt Nam" của GS - TS Chu Hảo
Theo GS Chu Hảo phẩm tính đặc trưng của trí thức Việt hiện nay có thể được tả bằng chữ “hèn”. Rồi Ông cũng đưa ra những ý kiến nhằm góp phần xây dựng đội ngũ trí thức trong hiện tại và tương lai. Ông bảo “cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp trí thức thực thụ được hình thành và phát triển như Nghị quyết của TW Đảng về Xây dựng đội ngũ trí thức đã nêu rõ”. Điều kiện cơ bản mà ông nhấn mạnh là nền dân chủ. GS Chu lại cụ thể hóa vấn đề dân chủ thành ba điểm mấu chốt:
“-Trước hết phải thực hành Dân chủ ở trong nội bộ Đảng.
-Phải từng bước xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh.
-Phải thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân như được ghi trong Hiến pháp.”
Chủ ý của GS Chu Hảo rất mạch lạc và thẳng thắn. Chúng tôi hoàn toàn tán đồng, nhưng cũng bạo gan xen thêm vài ý nhỏ.
1.Thiên chức của trí thức
Các nhà nghiên cứu động vật học bảo chó là loài động vật tinh khôn. Trong muôn loài, bộ óc của chó đứng thứ hai sau bộ óc người. Vậy bộ óc rất quý. Bộ óc là nơi tích tụ tri thức. Nhưng quan trong hơn cả, cách thức sử dụng tri thức đã tích tụ ấy (phương pháp tản cái khối tri thức đang tích trong óc ra) mới có thể biến chúng ta thành người, thành cao hơn hẳn muôn loài.
Vì vậy, chúng tôi sẽ dựa trên nguyên lý cơ bản của tự nhiên học là nguyên lý tích/tản [2] để có vài lời thưa lại với GS Chu Hảo về thiên chức của người trí thức. Theo GS Chu Hảo thiên chức của trí thức là:1) Tiếp thu và truyền bá tri thức KH&CN hoặc VH&NT ; 2) Sáng tạo các giá trị mới của tri thức KH&CN hoặc VH&NT; 3) Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; 4) Dự báo và định hướng dư luận xã hội.
Như vậy, trí thức muốn thực hiện thiên chức của mình phải thực hiện hai quá trình: thứ nhất là tích, thứ hai là tản. Họ tích lũy kiến thức hiểu biết để truyền bá, để sáng tạo, để phản biện và để dự báo. Theo nguyên lý tích/tản cả 4 hành vi truyền bá, sáng tạo, phản biện và dự báo đề thuộc pha tản. Nếu lấy bộ óc làm trung tâm ta có thể hình dung thiên chức của trí thức theo biểu đồ hình 1 dưới đây. Theo biểu đó đó, về mặt hình thức bốn thiên chức của người trí thức là hoàn toàn tương đồng nhau: tích để tản. Nhưng, về mặt chất lượng hành động (có thể hơi khiên cưỡng) truyền bá là thang độ thấp còn dự báo là ở thang độ cao. Ví dụ, đọc bài giảng “quan hệ tuyến tính là một đường thẳng” là truyền bá, nhưng từ thế kỷ 16 mà nói câu “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” lại là dự báo thiên tài.
Hình 1. Thiên chức của trí thức theo nguyên lý tích tản
GS Chu Hảo chắc có ý xếp thứ tự cho dự báo ở cấp 4 trong định nghĩa thiên chức của người trí thức. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo rất tài tình. Cụ đã đưa ra dự báo trong môi trường xã hội phong kiến phi dân chủ. Do đó có thể nói người trí thức có thể sống và làm việc trong các môi trường xã hội rất khác nhau. Kể cả các xã hội quân chủ chuyên chế. Bởi vì, xã hội nào cũng có những người thông tuệ. Họ là những trí thức. Họ là những người nắm vững nguyên lý tích/tản của tự nhiên. Họ biết tích và họ biết tản.
Tóm lại, thiên chức của trí thức là tích lũy không ngừng để tản không ngừng. Họ phải tản ra những giá trị sáng tạo và những giá trị văn hóa. Nghĩa là, thiên chức của người trí thức là không ngừng học tập rèn luyện để nắm vững nguyên lý tích/tản, và vận dụng nguyên lý ấy ở mức độ nghệ thuật.
2. Phẩm tính của trí thức Việt Nam
Nếu nói trí thức Việt nam hiện nay hơi có tính “hèn” cũng có thể đúng. Nhưng xem xét dài lâu trong lịch sử thì phẩm tính nội trội của trí thức Việt Nam là “sớm mệt”. Vậy tại sao sớm mệt? Ngày xưa muốn tích đủ mấy bồ chữ để đi thi, thì đã mất mười mấy năm Hán học, hoặc hơn nữa. Quá trình mười mấy năm ấy rất mệt mỏi. Vừa được võng lọng xong, lại được triều đình trọng tài, nên các vị thi đỗ thường ra làm quan luôn. Do đó, ít người có điều kiện dấn bước trên con đường học thuật. Họ đã học và truyền bá chữ nghĩa thánh hiền, hoặc sáng tác những bài thơ. Đôi khi họ cũng có những điều trần trước vua. Họ cũng có những dự báo. Nhưng điều trần (phản biện) và dự báo rất ít. Mặt khác, trong cả ngàn năm Hán học, gần như tầng lớp trí thức nước ta không tích lũy tri thức nhiều đến mức có thể sáng tạo ra một trường phái mới nào ngoài phạm vi các kiến thức đã tích lũy. Vì vậy gọi là sớm mệt.
Tâm lý sớm mệt có gốc rễ từ văn hóa làng. Ngày nay, chúng ta thường nghe nói công trình A, B, C nào đó có tầm cỡ nhất Đông Dương, hoặc nhất Đông nam Á. Đó là vì xưa nay chúng ta hay có cách đánh giá theo kiểu nhất làng, hay nhất xứ Đông, Xứ Đoài. Đối với tầng lớp có học khi đạt được cái đích bảng vàng là thỏa mãn rồi và ít khi ưu tư về những vấn đề khác. Tâm lý sớm mệt có lẽ xuất phát từ các nghề khác nữa. Ví dụ, có nhiều anh thợ cày xong một thửa ruộng liền ngả lưng khoan khoái trên bãi cỏ xanh mát ngay.
Sớm mệt làm cho người ta đi nửa đường chân lý. Mà muốn hoàn thành thiên chức của người trí thức, người ta nhất định phải tìm đến chân lý. Muốn phản biện phải biết chân lý, muốn dự báo càng phải biết chân lý. Nếu GS Chu Hảo bảo hai thiên chức đầu (truyền bá, sáng tạo) thuộc về người lao động trí óc, còn hai thiên chức sau (phản biện, dự báo) thuộc về trí thức, thì rõ ràng rằng tâm lý sớm mệt càng làm cho những người có học khó đạt đến hai thiên chức sau. Vì sớm mệt cho nên, những người có học không phát triển lên thành tầng lớp trí thức tinh hoa, mà lâu lâu mới có vài vị biệt tài xuất chúng (ví dụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quí Đôn, Lê Hữu Trác, Đỗ Tất Lợi, Nguyễn Hiến Lê,…). Những vị đó xứng đáng là những trí thức tiêu biểu cho dân tộc Việt nam. Hiềm vì số lượng quá ít nên không thể lập thành một tầng lớp. Trong những năm gần đây, những người có học sớm mệt ngày càng nhiều[3]. Họ sớm mệt vì phải đảm đương việc quan, không còn nhiều thời gian để đi theo con đường liên tục tích lũy tri thức nhằm vươn tới đỉnh cao của sáng tạo. Muốn khắc phục tâm lý “sớm mệt” phải có hùng tâm.
3. Nền dân chủ và trí thức
Nền dân chủ cho phép mọi công dân được tự do phát biểu ý kiến. Người trí thức trong quá trình đi tìm chân lý rất cần phát biểu ý kiến thẳng thắn công khai. Khi phát biểu ý kiến, họ có điều kiện nhận được những chỉnh sửa của công luận. Do đó, họ có thể đi đến chân lý nhanh hơn. Đó gọi là phản biện xã hội. Không có những phản biện ấy, rất khó đi đến chân lý. Vì con đường đi đến chân lý thường là quanh co khúc khuỷu. Mà thiếu dân chủ thì khó có phản biện. Người ta bảo nền dân chủ là môi trường bên ngoài của phản biện.
Tuy nhiên, còn một môi trường phản biện bên trong nữa. Đó là môi trường bên trong bộ óc của mỗi người. Tức là, người ta hoàn toàn có quyền và có thể tranh biện với chính mình. Nhưng làm thế nào để có thể tranh biện với chính mình khi mà mình luôn luôn có xu thế bảo vệ những ý tưởng của mình, những ý tưởng mà mình đã dày công xây dựng.
Thực vậy, muốn tranh biện phải so sánh đối chiếu với chân lý. Vậy cái mà mình nghĩ ra đã phải là chân lý chưa. Nó có phù hợp với cái “dưỡng” làm thước đo so sánh ở trong óc không. Nhiều khi chúng ta chưa biết mình có cái dưỡng đó. Nhiều người nói họ “cảm nhận” việc này đúng, hoặc theo kinh nghiệm “tôi cảm thấy” đúng. Do đó, việc đầu tiên là phải xây dựng một cái dưỡng trong nhận thức, để lựa chọn trong mớ những “cảm nhận” những cái hữu lý nhất. Cái dưỡng đó là nguyên lý phổ quát của tự nhiên. Nguyên lý phổ quát là gì? Là nguyên lý đúng cho mọi hiện tượng, mọi lúc, mọi nơi.
Một người có học, nếu không mệt mỏi, kiên trì “tinh tiến” đi hết con đường của mình thì chắc chắn một ngày nào đó sẽ nhận ra một thứ qui luật đúng đắn phổ biến trong nghề nghiệp chuyên môn của mình. Dù anh ta là họa sỹ, là nhạc công, hay một bác học, một thợ thủ công, một nhà quản lý… thì khi làm việc nhuần nhuyễn trong chuyên môn của mình anh ta sẽ tìm được chân lý của nghề nghiệp. Một lúc chín muồi nào đó anh ta sẽ thấy qui trình nghề nghiệp ấy có nét tương đồng với các qui trình nghề nghiệp khác. Mở rộng ra, qui nạp lại, anh ta sẽ ngộ được một qui luật phổ biến cho tự nhiên và xã hội. Qui luật ấy chúng tôi gọi là nguyên lý tích/tản. Khi đã ngộ được nguyên lý tích/tản anh ta sẽ xây dựng được cho mình một môi trường phản biện bên trong. Khi đã có môi trường phản biện bên trong thì người trí thức đã có công cụ để nhận thức chân lý nhanh nhậy, sắc bén. Lúc đó, anh ta có thể tản (phát biểu) những phản biện và dự báo mà vẫn ung dung tĩnh tại, không nghi hoặc, không sợ lầm. Như vậy, muốn trở thành một nhà trí thức, có lẽ cũng phải sống đến ngoài 50 tuổi khi người ta đã tự ngộ ra được môi trường dân chủ bên trong bộ óc, gạt bỏ giáo điều. Bởi vì, giáo điều, sự cố chấp, niềm tin mù quáng chính là những ông vua độc tài ngự trị trong óc, ngăn cản sự tích lũy tri thức mới.
Tuy vậy, nếu chờ đến ngoài 50 tuổi thì lâu quá. Đảng và Nhà nước đang muốn xây dựng một cách nhanh chóng đội ngũ trí thức thật hùng hậu để có thể sớm biến tri thức thành lực lượng sản xuất tiên tiến trong mươi năm tới. Do đó, phải cải cách giáo dục, làm sao cho những thanh niên 19-20 tuổi tiếp thu được nền dân chủ nhanh chóng ngay trong cách cho điểm ở nhà trường phổ thông[4]. Những thanh niên đó sẽ sớm trở thành những trí thức có đức có tài vì họ được tích lũy kiến thức trong hai môi trường dân chủ: dân chủ bên trong bộ óc và dân chủ bên ngoài xã hội.
Tài liệu tham khảo
[1].Chu Hảo “Thử tìm hiểu tầng lớp trí thức Việt Nam” www.chungta.com.
[2].Thu San Nguyễn Thế Hùng “Ngũ hành nhịp điệu sáng tạo”, NXB Văn hóa thông tin, Hà nội 2008
[3].Chu Hảo, Tài liệu đã dẫn: “Ngày nay, những người có bằng cấp từ đại học, cao đẳng trở lên, được coi là tầng lớp “trí thức ”. Con số này vào khoảng 2, 6 triệu. Trong đó có bằng Tiến sĩ khoảng 16 nghìn, Thạc sĩ 20 nghìn, Giáo sư khoảng 1, 2 nghìn và Phó Giáo sư khoảng 7 nghìn. Lực lượng này nằm đông nhất là trong các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước, sau đó là ở các trường học, bệnh viện, các lực lượng quân đội an ninh, và doanh nghiệp.”
[4].Thu San Nguyễn Thế Hùng “Ngũ hành và Khoa học”, NXB Văn hóa thông tin, Hà nội 2007., trang 101, “Ngũ hành trong khoa học và giáo dục”. Có thể xem trên www.chungta.com
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị QuýBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáBàn về Nguyên khí, Dương khí & Âm khí
08/12/2009Nguyễn Tất Thịnh