Nếu chỉ có sách giải trí, văn học đi vào con đường tự sát
Nhà phê bình Nguyễn Hòa luôn sát sao với diễn biến của đời sống văn học. Anh thẳng thắn nói: "Để viết sách giải trí, yếu tố kỹ thuật là yếu tố hạng hai và ý tưởng là một thứ xa xỉ. Một người chỉ viết như thế, sẽ khó trở thành nhà văn. Một nền văn học chỉ có tác phẩm như thế, sẽ là một nền văn học đang đi trên con đường tự sát"…
- Chắc anh có theo dõi dòng sách giải trí thời gian qua. Nhiều người cho rằng, đó là sự phát triển tất yếu, vì nhu cầu giải trí của bạn đọc là có thật. Anh có đánh giá thế nào về xu hướng này?
Nhà phê bình Nguyễn Hòa: Theo tôi, tính đa dạng và sự phân tầng của thị hiếu thẩm mỹ là một thực tế cần phải chấp nhận. Còn nhu cầu giải trí, đó là loại nhu cầu luôn tỷ lệ thuận với sự phát triển của điều kiện sống, của sự gia tăng thời gian rỗi - hai yếu tố đang dần rõ nét trong cuộc sống của chúng ta. Vả lại, xét từ chức năng, giải trí cũng là một chức năng của nghệ thuật nói chung, của văn học nói riêng. Cho nên, nếu trong văn học có xuất hiện "dòng" sách giải trí cũng là việc bình thường, cần tôn trọng. Đáng bàn ở chỗ, phải xác định đó là giải trí lành mạnh, lành mạnh ở phía người sáng tác lẫn ở phía người cảm thụ.
- Nếu tham gia hội chợ sách TP.HCM 2010, sẽ thấy hơn 100 gian hàng sách được bày, và quả thực dòng sách văn học giải trí đang chiếm thế thượng phong, được các nhà sách trưng bày ở những nơi dễ nhìn nhất. Anh có nghĩ rằng, lúc nào văn chương chính thống cũng yếu thế hơn văn chương giải trí?
Không chỉ ở hội chợ sách, bạn đến bất kỳ hiệu sách nào ở các thành phố lớn cũng đều gặp kiểu trưng bày sách đó, và quả là bắt mắt. Dạo nọ, tôi xin ở nơi phát hành bộ sách "Tự thú của một tín đồ shopping" (Sophie Kinsella) về đọc. Sách không có gì đặc biệt, vậy mà lại bán chạy mới lạ. Thực tế cho thấy lâu nay, sách giải trí có người đọc, thậm chí là sách viết rất "sến" vẫn có người đọc. Tôi không nghĩ đến sự yếu thế của điều bạn gọi là văn chương chính thống, tôi nghĩ tới sự chuyển dịch nhu cầu đọc của công chúng. Dường như sự chuyển dịch này có liên quan tới cuộc "khủng hoảng về khả năng lựa chọn văn hóa" mà tôi khái quát từ các hiện tượng xã hội - con người diễn ra lâu nay. Thiếu khả năng lựa chọn, có xu hướng nhẹ dạ, cả tin, lại bị vây bủa bởi vô số phương tiện truyền thông chủ yếu lấy PR làm cách thức mưu sinh,... thì văn học giải trí có cơ hội "lên ngôi".
- Nhiều người cho rằng, những cuốn sách giải trí sở dĩ dễ được mua, vì tâm lý không ngần ngại của bạn đọc, thích thì mua, thích thì đọc, không cần phải nâng lên đặt xuống và suy nghĩ nên đọc khi nào thì thích hợp. Anh có nghĩ như vậy?
Ngày trước, trong nhà có tủ sách là niềm tự hào của nhiều gia đình. Còn thời nay, đến nhà nào có tủ sách, người ta hỏi: "Đọc nhiều thế mà không đau đầu à?". Và để không đau đầu, nhiều người tìm đến sách giải trí, đỡ tốn thời gian, không phải liên tưởng và hình dung lằng nhằng, lại nhiều chi tiết giật gân, đọc vèo một tý là xong. Tri thức của xã hội đã đạt tới trình độ cao, thì đó là một cách để giải tỏa. Tri thức của xã hội còn lỗ mỗ như ở Việt Nam hôm nay, thì đó là kìm hãm sự phát triển của trí tuệ, vì không tạo ra động lực để con người suy nghĩ, nạp thêm tri thức để hoàn thiện. Vừa rồi, mấy tờ báo và cả truyền hình, giới thiệu phòng tranh vẽ chân dung hổ của họa sĩ Lê Trí Dũng đều khẳng định: "hổ - một con vật trong tứ linh (Long, Ly, Quy, Hổ), tượng trưng cho sức mạnh và sự thành công trong sự nghiệp" (!). Đọc và nghe thông tin này mà buồn, nếu có đọc sách thì làm sao người ta dám thay "phượng - phụng" trong tứ linh bằng "hổ"!
- Ở Việt Nam, thực ra ranh giới giữa sách lá cải và văn chương nghiêm cẩn là rất mong manh và hoàn toàn chưa có dòng riêng trên kệ sách. Chính vì thế dễ rơi vào vàng thau lẫn lộn. Người ta nói, đó là lúc những người làm sách thì diễn xiếc và không ít người viết vô danh bắt đầu mưu danh bằng sự cợt nhả với những con chữ, mua vui thiên hạ bằng những chiêu mánh rẻ tiền. Anh có nghĩ khác những điều tôi vừa nói?
Bạn đã diễn đạt một cách thú vị và khá chính xác về một tình trạng, tôi chia sẻ với bạn. Chúng ta coi sách nói chung, sách văn học nói riêng, là hàng hóa đặc biệt. Nhưng trên thực tế, dường như chữ "hàng hóa" lại được tôn sùng, chữ "đặc biệt" thì bị lãng quên. Coi sách như hàng hóa thì người làm sách mới có cơ hội kinh doanh, và tôi muốn đặt câu hỏi: Phải chăng hiện tại, người làm sách mới là chủ thể đích thực và đang thao túng thị trường sách? Khi một ông làm sách cũng hăng hái xông ra phân tích cái hay, cái xác đáng trong cuốn sách do mình liên kết xuất bản, khi một vài nhà phê bình cũng nhập vào đội ngũ PR để lăng xê một cách cẩu thả cho mấy cuốn sách hay ít dở nhiều... thì văn chương đích thực sao có được chỗ đứng đàng hoàng mà làm nên dòng riêng.
- Một nhà phê bình có nói, dòng sách giải trí của chúng ta đang lộn xộn. Và rất ít tác phẩm có kỹ thuật viết tốt để giúp độc giả giải trí, mà chủ yếu gây tò mò bởi… sex. Đó có phải là một dấu hiệu không bình thường?
Như đã nói với bạn, giải trí là hành vi cần được tôn trọng, sách giải trí cũng không có gì phải phê phán nếu đó là giải trí lành mạnh. Tôi tin là, để viết sách giải trí, người viết tập trung vào cốt truyện, vào các tình tiết gay cấn và giật gân, rồi viết càng nhanh càng tốt; viết như thế thì kỹ thuật là yếu tố hạng hai và ý tưởng là một thứ xa xỉ. Một người chỉ viết như thế, sẽ khó trở thành nhà văn. Một nền văn học chỉ có tác phẩm như thế, sẽ là một nền văn học đang đi trên con đường tự sát. Còn sex ư, mấy cuốn sách có yếu tố sex xuất bản trong mấy năm qua trở nên "nổi tiếng" vì một số người đã gán cho yếu tố sex trong tác phẩm mấy "tinh thần vĩ đại" nằm ngoài văn bản, kết hợp với sự chú ý đến bất thường của báo chí. Theo tôi, hai yếu tố ấy mới đưa tới dấu hiệu không bình thường.
- Những cuốn sách chúng ta đang nói thường lại được một số NXB rất có uy tín về mặt văn chương cho xuất bản. Sự thay dòng này, có phải là một sự mất giá của văn chương?
Khi các nhà xuất bản phải xoay xở để sống, khó lòng đứng ngoài sự cám dỗ của lợi nhuận, nên họ liên kết với người làm sách và nghe nói, đôi khi chỉ cấp giấy phép và thu các khoản tiền liên quan, còn thì phó mặc cho đơn vị liên kết thì sẽ rất khó kiểm soát. Rồi nữa, bạn thử hình dung, một khi biên tập viên của nhà xuất bản cũng đồng thời là người làm sách thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi nghĩ, chẳng có sự thay dòng nào cả, chỉ có sự lơ là với trách nhiệm mà thôi.
- Một số người cũng cho rằng, sở dĩ văn học giải trí tràn lan và được PR rầm rộ còn văn học chính thống thường rơi tõm như đá ném ao bèo, là vì sự nhút nhát của các nhà phê bình, họ quên mất công việc của mình. Anh có tự ái không?
Theo dõi sát sao đời sống văn học, từ phạm vi của mình, tôi thấy, văn học của chúng ta đang giậm chân tại chỗ. Đó là kết quả của rất nhiều nguyên nhân, từ quan niệm làm thế nào để phát triển văn học và cách thức tổ chức để phát triển, từ khả năng hạn chế của không ít nhà văn và nhà phê bình, từ sự thao túng của người làm sách... Như vậy, phê bình chỉ là một trong tập hợp các yếu tố làm cho văn học giải trí tràn lan, nếu có điều để trách thì nên trách một số người làm phê bình đã tham gia vào việc đánh lừa, làm lạc hướng người đọc. Bạn đề cập tới tình trạng nhà phê bình nhút nhát cũng chưa chắc đã đủ đâu. Để chỉ ra được nguyên nhân vấn đề, để lên tiếng bác bỏ các lời tán dương thiếu cơ sở khoa học, để luận chứng về tình trạng,... người làm phê bình phải đọc, phải nghĩ, phải tự trang bị một nội lực tri thức, tôi không dám chắc hiện tại văn học chúng ta đang có những người làm phê bình như thế. Bản thân tôi cũng vậy, biết là như thế song làm được đâu có dễ, nên không có gì phải tự ái.
Một cuốn sách của Lê Kiều Như mà nhiều người tỏ ra bức xúc vì có những đoạn văn “khiêu khích”, nội dung dung tục, phản cảm nhưng vẫn được cấp quyền xuất bản... |
- Theo anh, nên siết chặt việc quản lý xuất bản hay cứ để mọi sự phát triển như hiện tại và sự thanh lọc của bạn đọc sẽ giúp những giá trị văn chương được khẳng định?
Theo tôi, để cuốn sách đến tay người đọc, có các công đoạn sau: tác giả - nhà xuất bản và người liên kết xuất bản - phát hành - người đọc. Mỗi công đoạn có ý nghĩa riêng của nó, nhưng cần lưu ý, điểm xuất phát chính là tác giả. Nếu tác giả có ý thức nghiêm túc trong sáng tạo, không để ngòi bút chạy theo đáp ứng nhu cầu tầm thường, không lấy tiền làm bản vị của sáng tác, thì tác phẩm kém chất lượng khó có thể ra đời. Nếu nhà xuất bản và người liên kết vừa quan tâm đến lợi nhuận, vừa quan tâm tới sự phát triển chân - thiện - mỹ của người đọc thì tác phẩm kém chất lượng không thể xuất hiện trong đời sống văn học. Nếu người phát hành không sử dụng các chiêu thức PR và sử dụng nhà phê bình tung hỏa mù làm rối trí người đọc thì tình trạng vàng thau lẫn lộn khó có cơ tồn tại.
Tôi vẫn nghĩ, bất đắc dĩ mới xử lý theo Luật Xuất bản, song khi cái ngón nghề cố tình vi phạm Luật Xuất bản bằng cách họp báo và phát hành trước hạn lưu chiểu để mọi chuyện ầm ĩ cả lên đã được "diễn" nhiều lần thì tôi lại nghĩ, có khi cũng phải siết chặt sự quản lý thật.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015