"Con người khắc khoải vắng bóng dần trong văn học"
Âm thầm viết, âm thầm dịch sách, thậm chí âm thầm mở một trang web văn chương, tiểu luận - nhà văn, dịch giả Mai Sơn đến nay đã có 8 đầu sách (truyện ngắn, biên soạn, dịch thuật), trong đó đáng chú ý là cuốn "101 triết gia" và tập truyện "Hư cấu"...
Vì sao anh chọn sách triết để dịch, đặc biệt là tác phẩm của một số triết gia Anh?
- Với niềm đam mê triết được nhen nhóm từ nhỏ, tôi đọc và cố gắng dịch trong khả năng của mình để tự mở mang đầu óc. Hình như "lẽ sống" của trí tuệ là nó phải không ngừng mở rộng kích thước, là để không trở lại với kích thước của ngày hôm qua. Và để chia sẻ với bạn đọc.
Tôi chỉ mới dịch một tác phẩm của George Berkeley (sắp xuất bản) và chuẩn bị dịch một tác phẩm khác của David Hume; nhưng có thể nói triết học Anh quyến rũ vì, không bay bướm như triết học Ấn Độ hay triết học Đức, nó có vẻ muốn "gây sốc". Hơn nữa và chủ yếu vì tiếng Anh là công cụ khả dĩ của tôi, nó giúp tôi được dịch thẳng vào văn bản, mặc dù tiếng Anh của George Berkeley là thứ tiếng Anh cổ, rất khó đọc.
Như anh từng nói, dịch là để lấp lỗ hổng triết học. Cụ thể, công việc lấp lỗ hổng ấy như thế nào?
- Với việc dịch, chúng ta hiểu một văn bản sâu sắc hơn việc đọc bình thường gấp mấy lần. Tôi nghĩ, triết học cho chúng ta cách suy nghĩ phổ quát của nhân loại để lý giải cuộc sống, hay nếu không lý giải được mà cứ khắc khoải thì niềm khắc khoải đó cũng hướng thượng như một câu nói của Saint Augustine: "Lòng tôi cứ khắc khoải không yên cho đến khi được yên nghỉ trong tay Thượng đế".
Con người khắc khoải là đang tồn tại. Đó là lối mở của văn chương và phải chăng là điều mà văn học ta đang thiếu?
- Con người khắc khoải vắng bóng dần trong thời buổi bận rộn này. Nếu một vài người nào đó đang khắc khoải suy tư một cách tự nhiên như thánh Augustine thì hoặc là họ bị trời đày ải hoặc họ cố chống lại những dòng chảy xiết của cuộc sống mà bản chất của nó là tha hoá chúng ta, lôi chúng ta cùng lúc ra biển lớn, mặc những bộ đồng phục thật đẹp để dự đại hội. Nhà văn, chắc cũng cùng chung số phận trời đày, thường bị điếc không nghe được tiếng ầm ầm duyệt binh, trái lại rất thính nhạy trước những "hơi thở nhẹ" (Ivan Bunin), hoặc sự nhẹ nhàng không thể chịu nổi của kiếp sống ("The unbearable lightness of being" của Milan Kundera).
Nếu không có một nền triết học bình thường, thì con người sẽ tư duy theo lối nào? Một nền văn học không bắt rễ từ một nền tảng triết học cơ bản sẽ đi đến đâu?
- Cứ nói cô đọng, thì theo tôi đã lâu rồi chúng ta không có một sinh hoạt triết học theo dạng bình thường nhất, từ trong trường trung học đến xã hội, từ đó mà chúng ta thiếu hẳn tư duy theo lối minh triết, thiếu phản biện, vội vàng khái quát hoá hiện thực, nhất là hiện thực tinh thần (trong khi từ thời trung cổ đã có triết gia phủ nhận những ý niệm phổ quát), thiếu sự hoài nghi có tính khoa học và triết học, tình trạng độc quyền chân lý, sự phân định ranh giới đúng-sai, phải-trái quá thô bạo, không lắng nhìn lắng nghe sự vận động, biến chuyển của cuộc sống, tình trạng xuyên tạc, thực dụng hoá, giáo điều hoá các luận điểm triết học.
(Ví dụ tiêu biểu là luận điểm của Hegel: "Cái gì hợp lý tính thì hiện thực, cái gì là hiện thực thì hợp lý tính". Theo Bùi Văn Nam Sơn, đây là luận điểm mang tính triết học liên quan đến toàn bộ "vũ trụ" (tinh thần lẫn tự nhiên) chứ không phải là luận điểm chính trị nhất thời).
Tuy nhiên, bất chấp những điều đó, khuynh hướng ngước nhìn "bầu trời đầy sao trên đầu tôi" để truy vấn cái tuyệt đối vẫn không dễ gì nguội lạnh trong con người trí tuệ VN. Một bằng chứng sống động cho khuynh hướng vĩnh cửu đó là cuộc song thoại của nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận và Mathieu Ricard trong cuốn sách "Vũ trụ trong lòng bàn tay".
Một nền văn học không bắt rễ từ một nền tảng triết học cơ bản thì sẽ đi đến chỗ thiếu khám phá, thiếu chiều sâu tư tưởng. Nó sẽ không sản sinh ra nhiều tài năng. Những ngoại lệ đây đó trên thế giới chỉ xác nhận thêm quy luật: Nền văn học Châu Âu luôn có những tài năng vĩ đại vì nó đứng trên những nền tảng vững chắc: Truyền thống triết học Hy Lạp, triết học Kitô giáo, triết học kinh viện, triết học Đức, Anh, Pháp... Có thể có một bài thơ của Hoelderlin "mặc khải" cho Heidegger về chân lý; nhưng nên nhớ Hoelderlin cũng là một triết gia, nhưng là một triết gia bị đóng đinh trên cây thập tự của thi ca.
Xin cảm ơn anh.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005