Văn học thiếu nhi: Nhìn đâu cũng trống vắng
Thiếu một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp và tâm huyết, quá ít những tác phẩm hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi, thiếu cả một công nghệ quảng bá sách hay đến với các em… đó là những khoảng trống trong mảng sách văn học trong nước dành cho thiếu nhi.
Ít tác phẩm mới và hay
Dạo một vòng quanh các cửa hàng sách lớn ở thủ đô, thấy sách cho thiếu nhi bày ra nhan nhản, đủ mọi loại hình từ tiểu thuyết dày cộp đến những cuốn truyện tranh bé xíu bắt mắt, từ sách dịch cho đến sách biên soạn… Nhưng hình như, trong biển sách ồ ạt và có phần “hỗn loạn” đó, thì mảng sách văn học dành cho thiếu nhi trong nước thực sự đang “lép vế”.
Mấy năm gần đây, số lượng các tác phẩm viết cho thiếu nhi của các nhà văn trong nước thực sự không có nhiều, những tác phẩm thành công lại càng hiếm. Điểm đi điểm lại, có bộ Kính vạn hoa, Chuyện xứ Liang Biang và mới đây nhất là Cho tôi một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh là đáng kể nhất.
Lặng lẽ hơn một chút, nhưng cũng ghi dấu ấn thành công có vài tác phẩm của tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Thuần từng giành giải thưởng trong và ngoài nước như Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng...
Một năm về trước, “Cha và con” của nhà văn Hồ Phương trở thành hiện tượng hiếm hoi của văn học nói chung và sách thiếu nhi nói riêng với con số ấn hành mười nghìn bản.
Hàng năm, trong các Tủ sách dành cho thiếu nhi của các NXB Kim Đồng, Trẻ, Văn học… vẫn liên tục được bổ sung những bộ sách mới của các tác giả như Trần Hoài Dương, Trần Quốc Toàn, Kao Sơn, Nguyễn Thái Hải, Lê Phương Liên… Các tác phẩm mới của những nhà văn thế hệ trước, dù tâm huyết và cũng có được những thành công nhất định, nhưng con số bản sách in ra và thu hút đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi là rất ít ỏi.
Hụt hẫng đội ngũ sáng tác trẻ
Ở những giai đoạn trước, đã có những nhà văn đã rất thành công với những tác phẩm cho thiếu nhi như Tô Hoài, Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng… Các tác phẩm của họ, cho đến bây giờ vẫn được các em thiếu nhi tìm đọc. Và thực tế thì những cuốn như Dế mèn phiêu lưu ký, Đất rừng phương Nam, Lá cờ thêu sáu chữ vàng… vẫn liên tục được tái bản.
Trong số những nhà văn thế hệ trước, có những người cả đời đam mê sáng tác cho thiếu nhi và cho đến giờ họ vẫn tiếp tục viết. Điển hình là nhà văn Trần Hoài Dương, với một giọng văn trong trẻo ẩn chứa vẻ đẹp tinh khiết của thế giới tuổi thơ. Dù tuổi đã cao, ông vẫn liên tiếp cho ra những tác phẩm mới và luôn có mặt trong các tủ sách dành cho thiếu nhi. Tiếp nối, Nguyễn Nhật Ánh đã làm nên một “hiện tượng” đáng quý với các tác phẩm tạo thành “làn sóng đọc sách” trong các em nhỏ. Thành công của Nguyễn Nhật Ánh cũng mở ra nhiều hy vọng cho văn học thiếu nhi.
“Hiện nay có phong trào viết trẻ, với những hiện tượng văn trẻ, thơ trẻ khá hăng say, nhưng chưa có phong trào viết cho thiếu nhi”- Nhà văn Lê Phương Liên, Trưởng Ban văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam nói
Mấy năm gần đây, NXB Kim Đồng chi nhánh TP Hồ Chí Minh tổ chức Tủ sách tuổi mới lớn và thu hút được khá đông lực lượng sáng tác trẻ tham gia và cũng tạo được phong trào đọc sách khá rầm rộ trong giới trẻ học đường. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhà văn Lê Phương Liên , rất hiếm cây bút trẻ thực sự tâm huyết với mong muốn mình sẽ là một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi.
Tại trại sáng tác văn học cho thiếu nhi do Hội Nhà văn tổ chức vừa mới kết thúc gần đây, nhìn vào danh sách những người viết tham dự, không có ai thực sự trẻ về tuổi nghề.
Cũng theo nhà văn Lê Phương Liên, sự đam mê và nhiệt tình của lớp nhà văn có tuổi, thật sự đáng ghi nhận, nhưng họ là lớp nhà văn đã định hình phong cách và tư duy, rất khó thay đổi để bắt kịp cách nghĩ, cách cảm của thế hệ sau này.
“Ở thế hệ nhà văn trẻ có sự chân thật, có vốn sống, sự nhiệt tình. Nhưng để có những trang viết về thế giới trẻ thơ một cách thật tự nhiên trong sáng mà không bị “giả nai” là rất khó. Có thể nói, cho đến nay, chưa ai thực sự thành công như Nguyễn Nhật Ánh.” – Nhà văn L.P.L |
Văn học thiếu nhi trong nước trong hàng chục năm nay vẫn bị ý thức “văn dĩ tải đạo”, mang nặng tính giáo điều cũ kỹ, và rất nhiều người từng lên tiếng về sự “già” của nó. Vì vậy, dù các bậc phụ huynh có “định hướng” đến mấy cũng vô ích nếu tác phẩm không thực sự hấp dẫn và “sống” được trong lòng các em. Có lẽ đó cũng do một phần vì các nhà văn “già” vẫn phải gánh vác trách nhiệm này mà chưa có sự tiếp nối nhiệt tình của thế hệ trẻ.
Thực ra thì số lượng các nhà văn viết cho thiếu nhi trên thế giới thực sự thành công cũng không phải là nhiều, tài năng lại càng hiếm. Chúng ta cũng không nên kỳ vọng nhiều. Có được một hiện tượng như Nguyễn Nhật Ánh đã nên lấy làm mừng rồi. Tuy nhiên, trong dòng chảy liên tục của văn học thiếu nhi, rõ ràng có sự hẫng hụt và một nỗi lo thiếu vắng các cây bút trẻ tài năng và tâm huyết.
Thiếu một công nghệ quảng bá
Cũng phải thừa nhận rằng, thành công của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với bộ Kính vạn hoa, Chuyện xứ Liang Biang và hiện nay, là tác phẩm Cho tôi một vé đi tuổi thơ, phần nào cũng nhờ bước đầu tiếp cận được với “công nghệ quảng bá sách”. Sự tham gia của báo chí, các diễn đàn, với cách tổ chức phát hành bài bản của nhà xuất bản, nhà sách, sự quan tâm chú ý của các nhà phê bình đã phần nào tạo nên cơn sốt đọc các tác phẩm đó.
Một năm trước đây, vào tháng 9-2007, NXB Kim Đồng cũng đã làm nên “hiện tượng” hiếm có đối với sách văn học, đặc biệt là sách cho thiếu nhi khi phát hành tới 10 nghìn bản cuốn “Cha và con” của nhà văn Hồ Phương. Cuốn tiểu thuyết viết về thời thơ ấu của Bác Hồ đão tạo nên cơn sốt đối với các độc giả nhỏ tuổi. Một cuốn sách mang tính giáo dục cao và đã phát hành rất thành công nhờ kết hợp công nghệ quảng bá.
Vậy nhưng, theo nhà văn Lê Phương Liên, vẫn còn có những tác phẩm của các nhà văn Việt Nam viết cho thiếu nhi thực sự hay, nhưng đang ở trong tình trạng “áo gấm đi đêm” vì không được quảng bá tốt.
“Hình như vào mỗi dịp 1-6 và rằm trung thu thì báo chí mới đến hỏi tôi về sách văn học thiếu nhi. Giá như tháng nào cũng có bài phê bình, điểm sách trên báo để các em tìm đọc. Giá như các vị phụ huynh ai cũng không chỉ mua sách cho con mỗi năm vài dịp như thế…”- Nhà văn Lê Phương Liên. |
Những tác giả với lối viết duy mỹ, rất mực trong trẻo và thơ mộng, nhân văn và sâu sắc như Trần Hoài Dương, Nguyễn Ngọc Thuần… thật sự là món ăn tinh thần quý giá đối với lứa tuổi nhỏ. Mặc dù họ vẫn có một lượng độc giả nhất định, nhưng nếu như được quảng bá tốt hơn, bà tin rằng, sẽ dễ dàng được nhiều bạn đọc tiếp cận hơn.
Bên cạnh đó, có thể dễ dàng nhận thấy một khoảng cách về hình thức trình bày giữa sách dịch và sách trong nước. Nếu những cuốn sách dành cho thiếu nhi dịch từ nước ngoài trung thành với nguyên bản về hình thức trình bày, rất đẹp và hấp dẫn, thì sách văn học thiếu nhi trong nước trông chưa được bắt mắt.
Sách văn học thiếu nhi của các nhà văn trong nước, vốn đã ít ỏi, thế nhưng vẫn còn những tác phẩm giá trị còn chưa đến được với bạn đọc bởi vì thiếu một hình thức quảng cáo, tiếp thị.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí ThànhVề tật xấu của người Việt: Tre Việt Nam trong thế kỷ 21
09/05/2008Phong Doanh“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005