Thói hư tật xấu của người Việt: huyền hồ, than vãn, học để thi
Tật huyền hồ sáo hủ
(Nguyễn Văn Vĩnh, Tật huyền hồ sáo hủ,Đông Dương Tạp chí, năm 1913)
Xét trong văn chương, xảo kỹ nước Việt Nam, điều gì cũng toàn là huyền hồ giả dối hết cả, không cái gì là thực tình... Thời tiết nước mình thì không biết một chút chi chi, tả đến tứ thời thì Xuân phải phương thảo địa, Hạ phải lục hà trì, Thu phải hoàng hoa tửu, Đông phải bạch tuyết thi(1). Thành ra đến câu hát cũng hát cho người, cảnh nhà mình thì như mắt mù tai điếc. Mượn chữ người, mượn đến cả phong cảnh tính tình chớ không biết dùng cái vật liệu mượn ấy mà gây dựng lấy văn chương riêng cho nó có lý tường đặc biệt.
Người Việt Nam lý hội(2) điều đẹp cũng có một cách lạ. Sách Tàu tả người đẹp môi son mắt phượng, mày ngài khuôn trăng mình liễu thì bao giờ tả người đẹp ta cũng cứ thế mà tả.
(1) Huyền là sự gì lơ lửng không dính vào đâu, hồ là lời nói càn, sáo là lời dựa theo khuôn có sẵn, hủ là lời khoe khoang, bốn chữ này ghép lại chỉ sự ăn nói linh tinh, trống rỗng, giả tạo.
(2) Vùng đất đầy có thơm, ao sen xanh mướt, rượu hoàng hoa và thơ tả tuyết trắng.
(3) Hiểu, quan niệm.
Nặng về rên rỉ than vãng
(Quốc dân độc bản, Tài liệu doĐông kinh nghĩa thục soạn, năm 1907)
Những kẻ chơi bời lười biếng, vô công rồi nghề, sống dựa vào người khác, hưởng lợi mà không sinh lợi, thật chẳng khác gì giống ký sinh trùng trong loài động vật. Đó là những con mọt nước...
Quen thói ỷ lại vào người thì dù có tâm có lực cũng không dùng được mà dùng cũng chẳng được lâu, tâm tư tài lực ắt sẽ nhụt dần. Hơi khó khăn gian khổ là rên rỉ, than vãn, uất ức bó tay chịu chết. Hỏi vì sao không cải lương, nói lệnh trên chưa thay đổi. Hỏi vì sao không học tập, nói không có tài năng. Như thế thì xã hội ngày một suy, nước làm sao mạnh được?
Tâm lý học để đi thi
(Ngô Đức Kế, Nền quốc văn, Hữu Thanh, năm 1924)
Người nước mình từ xưa đến nay, cái tâm lý đối với việc học là học mà đi thi, đi học cũng như đi buôn bán hay làm nghề, cái mục đích chỉ là cầu lợi mà thôi. Tiếng rằng nước mình tôn sùng đạo Khổng, song đó là vì học đi thi mà tôn sùng, chứ không phải vì tôn sùng mà phải học. Cho nên ngày trước triều đình thi Hán tự thì người mình lo học Hán tự để lấy ông cử ông nghè, ngày nay Chính phủ Bảo hộ thi Pháp văn thì người mình lo học Pháp văn để lấy ông thẩm, ông phán.
Có khoa cử mà không có sự nghiệp
(Phạm Quỳnh, Bàn về quốc học, năm 1931)
Nho học có lợi cho cái chính thể quân chủ chuyên chế nên các đế vương nước ta lại càng tôn sùng lắm. Cái chế độ khoa cử thật là một cái quà rất hại mà nước Tàu đã từng cho ta. Ngay bên Tàu nó đã hại mà sang đến ta cái độc của nó lại gấp mấy lần nữa. Người Nhật Bản họ hơn mình, chính là vì họ không mắc phải cái vạ khoa cử như mình. Họ bắt chước cái gì của Tàu thì bắt chước, chứ đến cái khoa cử thì họ không chơi. Đời Đức Xuyên (Tokugawa) cũng đã có một hồi thi hành cái chế độ hãm hại nhân tài, nô lệ thân tri đó, những sĩ phu trong nước họ không chịu nên cũng không thể bền được. Ở nước ta thì đến hơn 600 năm sinh trường trong cái chế độ ấy, trách nào cái khí tinh anh trong nước chẳng đến tiêu mòn đi hết cả. Ở Văn miếu Hà Nội còn mấy dãy bia kỷ niệm các cụ đỗ Tiến sĩ về đời Hậu Lê , trong đó chắc có nhiều bậc nhân tài lỗi lạc, nhưng vì mài miệt về đường khoa cử, nên đều mai một mất cả, tên còn rành rành trên bia đá đó, mà có sự nghiệp về đường học vấn tư tưởng được như ai?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015