Cây - Sự sống và tinh thần
Cây là cảnh quan, là môi sinh, là chứng giám, là trải nghiệm, là bầu bạn…với tư cách là thực thể sống gắn bó, hữu ích với con người, cùng với tâm tưởng cá nhân và văn hóa cộng đồng, thậm chí đến mức tâm linh. Chả thế mà xưa nay có câu ‘Cây Gạo có Ma, Cây Đa có Thần’. Ở Nhật Bản, theo đạo Shinto thì trong mỗi cây – thực thể sống – đều ngự bên trong yếu tố tinh thần đáng tôn trọng và bảo vệ, như nhắc nhở, định hướng về cách sống của con người.
Cây cùng người đã bấy nay
Làm giàu cho đất, hàng ngày hát ru
Mùa hạ cho đến mùa thu
Cây reo niềm sống, xóa u giải buồn
Nhờ Cây đời sẽ đẹp hơn
Màu xanh tỏa bóng mãi luôn bên người
(Xem thêm: Thơ về cây xanh)
Trong mỗi loài Cây, cùng với loài Người, hơn thế đều mang ý niệm sống: như Cây Xương rồng: quật cường bền bỉ trong hoang cằn / Cây Hoa Hồng: tượng trưng cho Tình yêu / Cây Bao Báp: sự vươn lên vững vàng theo thời gian…./ đến Thảo Mộc: mang lẽ tập sinh thiết yếu, chỉ dấu cơ bản về khả năng tồn tại tối thiểu của các vùng đất…./ Cây Hoa Sữa đi vào những bài hát xuyên năm tháng gian khó mà lãng mạn của mảnh đất Thủ đô Hà Nội…/ Cây Đa Tân Trào….như sắp chết rồi, nhưng vì là biểu tượng của những ngày tiền lập quốc của Chính phủ Hồ Chí Minh, nên cả nước tôn trọng và tìm cách cứu sinh cho nó…
Những sinh thể nào đã sống trên 30 năm ( giống như con người gọi là ‘tam thập nhi lập’ ) thì đã vần vũ bốn mùa của thiên nhiên, dài đến mức tự nó đã là một giá trị sống độc lập, ý nghĩa văn hóa mặc nhiên, giá trị tinh thần lan tỏa, không chỉ với sinh vật khác, mà đặc biệt là với đời sống con người… Thì khi bị cưỡng chế mà phải chết ( không theo cách tự nhiên, quy luật sinh tồn tất yếu ) thì tính ‘phản vệ’ của Cây đó sẽ đủ mạnh để môi sinh, con người cảm thấy được tính’nhân quả’ xấu tác động lại vào đời sống thường ngày của mình. Chưa kể, những Cây ở độ tuổi ‘tri thiên mệnh’ ( như cách nói của chúng ta về con người trên 50 ) thì sự tồn tại của Nó có ý nghĩa ‘gieo sinh’ nghĩa là làm loài khác dễ sinh và dễ sống hơn, ngoài ra có giá trị như sự chỉ báo về thay đổi nào đó sẽ diễn ra trong môi trường vĩ mô. Vì thế Cây đã là một ‘Linh Mộc’ . Không tự nhiên mà Cây càng có tuổi càng quý giá ( không phải về giá trị sử dụng chế biến thành các vật dụng, mà là cân bằng, tái tạo, cải hóa, tiên nghiệm…cho con người về môi trường và thiên nhiên ).
Chúng ta thử làm một thí nghiệm: hãy mua hai chậu Cây hoa cảnh ( cùng gốc giống, cùng ngày tháng, cùng chủ vườn, cùng cách nuôi trồng ), được để riêng rẽ ở hai ban công khác nhau của cùng một nhà. Hàng ngày tưới tắm bình thường. Nhưng một cây ta nói với nó lời cay nghiệt tàn độc, cho nghe nhạc kinh khủng, thỉnh thoảng chí cho nó một phát vào thân cành…còn cây kia thì ngược lại: nói lời hay ý đẹp, thủ thỉ hát nhạc hay trữ tình lãng mạn, nâng niu vuốt ve trìu mến…Kết cục là: Một cây hôi hám, nhanh rũ héo, tỏa ra sự độc hại. Còn cây kia thì mơn mởn xanh tươi, ngan ngát hương hay lạ, truyền nhẹ vào ta cảm giác tuyệt vời…. Cho nên cách đối xử của con người như thế nào với Cây sẽ gặt được ‘sự phản về tiêu cực’ hay ‘phản ứng tuyệt vời’ của Nó với mình ( xung quanh môi trường đang sống ). Chính tôi đã được chứng kiến: Nhà một ông trí thức bự, có Cây Xoàitrước sân, đã quá 50 năm, bà vợ vì muốn xây nhà mới, cứ cằn nhằn kêu ca về nó, kiếm cớ hạ bỏ…một hôm đợi chồng đi công tác vắng, mời ‘thày bói’ về ( cho có lý do khách quan, và giải tỏa tâm lý ) nói dựa theo ý bà ấy, rồi chặt bỏ…Chỉ thời gian ngắn sau cả gia đình họ không ai còn ra gì nữa về tâm thế sống, an hòa sinh.. ( dù trước đó rất là ổn ).
Tôi và các bạn từng được biết người Nhật nâng niu Cây cối như thế nào (tôi đã tận mắt nhìn một chuyên gia Nhật nước mắt đỏ hoe khi chứng kiến 300 Cây Anh Đào mang sang Hà Nội triển lãm dịp Xuân vài năm trước bị thi nhau bẻ trụi). Người Singapore tùy tiện chặt hạ cây trong vườn họ thôi cũng cần phải điều trần với chính quyền …. ở Nước ta, kẻ nào đụng đến Cây ta trồng trước cửa nhiều năm thì oán ghét trùng lai….Thế mà , kẻ nào cùng một lúc dám hạ sát hàng loạt ( nghìn, vạn cây ) được trồng bằng tâm, tình, trí của bao nhiêu thế hệ con người , trên khắp cách ngả phố lịch sử (Nơi người Thủ đô thường tự hào nói: Địa linh , Nhân kiệt)…thì kẻ đó thật ghê gớm, và hậu quả sẽ là: trời không tha, đất không dung, người không thương cho nổi. Người thường dân không thể dám làm như vậy, càng không thể có quyền làm đến mức như vậy ! Những ai đó có quyền, thì nên áp dụng thứ quyền lực của lương tri, quyền phụng sự cộng đồng, hòa với tình yêu thiên nhiên – đất nước – con người - hơn là để ‘bất chấp’!
Thanh niên thỏa sức bẻ cành hoa anh đào mang từ Nhật sang trưng bày để đem về nhà riêng
Nhưng chúng ta cũng biết: không nên quá lụy tình mà khăng khăng rằng không thể thay thế những Cây đã ốm bệnh, mục ruỗng. Không thể chịu nổi mùi hoa Sữa nồng nàn khi trồng với mật độ dày đặc như ở Đà Nẵng…
Không thể đòi thôn quê mãi mãi xanh bóng tre…. Nhưng cây tre chính là biểu tượng văn hóa và tinh thần người Việt! Nên dù có đô thị hóa, cũng nên giữ lại những khóm tre đằng ngà ở những đình làng, cửa thôn. Chúng ta cũng vô cùng tiếc nuối, đau lòng khi Hải Phòng đã không còn gắn sâu sắc với hình ảnh ‘tháng năm rợp trời Hoa Phượng đỏ’ nữa. Không còn Hà Nội với những hàng Cây Sấu, Hoa Sữa ‘vẫn ngọt ngào đường phố đêm đêm’ nữa….Chỉ còn vài Cây Sưa thôi bên cạnh tòa nhà Bộ Ngoại giao cũng đã là một nét đẹp không gì sánh nổi cho dù quanh đó có thể mọc lên những tòa nhà bê tông kính hiện đại. Tâm hồn, tinh thần là một thứ gì đó không nên bị đốn hạ phũ phàng… Sẽ là gì, khi điều được gọi là ‘hồn hương’ của một thành phố, làng quê mang ý nghĩa văn hóa….và còn bản sắc nữa không khi ‘hình ảnh’ đặc sắc về thiên nhiên của một vùng đất bị hủy hoại . Cây chính là loài đã mang những điều ấy đi cùng năm tháng cùng lịch sử của các miền đất, cho dù có những thăng trầm hay trào lưu hiện đại….Hủy hoại hàng loạt Cây với kích cỡ như thế, với thời gian như thế, với tâm hồn và văn hóa các lớp người như thế…thì lịch sử đã phần nào cũng bị trốc gốc, mất đi chứng tích, mà chỉ còn lại trong những trang sách cho trẻ nhỏ học vẹt, để điền lấp vào sự khô cứng của vật chất công nghiệp, sự chai sạn của tâm hồn, sự khôn kiệt của cảm nhận, văn minh mất thăng bằng bởi tính mềm mại nhân văn và u ám vì bị mất tính thiên nhiên đẹp đẽ….
Chúng ta biết: nên thay đổi, nên văn minh, nên tiêu chuẩn, nên cải mới… Nhưng người Malaixia, cũng như nhiều các Quốc gia khác đã thấm thía: để đánh đổi lấy cái gọi là ‘tăng trưởng kinh tế’ và ‘hiện đại độ thị’ họ đã mất đi hàng nghìn km vuông rừng với vô vàn Cây cối, thảm thực vật quý hóa….để hôm nay phải nhận ‘nhân quả’ về môi sinh…. Nhân loại phải than thở: cùng với sự phát triển con người càng hiểu ra: thiên nhiên là tài sản ( chứ không còn chỉ là tài nguyên nữa ) lớn nhất, tuyệt vời nhất mà Tạo Hóa ban tặng cho Mình! Cây cối, hơn cả thiên nhiên thuần túy, cùng với đời sống con người là nơi chứa đựng, gửi gắm những giá trị tinh thần tươi xanh về đời sống. Cây lâu niên trong đô thị làm người dân tuy không được đắm mình trong Rừng nữa nhưng đó chính là hơi thở và vẻ đẹp của Rừng còn lại với mỗi người….Đừng mượn cớ để hủy hoại! Mọi nguyên cớ chính đáng chính là ‘PHẢI BẢO TỒN SỰ SỐNG VÀ TINH THẦN SỐNG’. Những quan chức có quyền, hơn thế chúng ta mong rằng họ có ý thức về điều này cao hơn quyền của họ! HÃY HỎI TRỜI, HỎI ĐẤT, HỎI NGƯỜI VỀ VIỆC MÌNH SẼ LÀM KHI ĐỘNG ĐẾN SỰ SỐNG!
Cha ông ta xưa khuyên dạy
------------------------------------------
Đối xử với thực vật
Cây cỏ dù có tình cảm, trí khôn thì cũng khác xa loài người, nhưng cũng có sự sống, có cảm giác, nên đáng được đối đãi như động vật. Trừ phi những cây có hại cho ta, hoặc ta muốn lợi dụng chúng, thì không được tàn phá không đúng lúc.
Tóm lại, đối với động vật, thực vật là những loài có cơ thể thì cũng không cần phải nói, mà đối với những loài không có cơ thể cũng không được bạo tàn vô cớ, không được bừa bãi. Người đạo đức sẽ chê trách là làm hại đến điều nhân, mà người lý tài (lo về tài chính) sẽ buộc tội đã bỏ mất một vật có thể bán lấy tiền.
(Trích "Tân Đính Luân Lý giáo khoa thư", SGK của Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907)
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn