Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt

05:29 CH @ Thứ Sáu - 16 Tháng Năm, 2014

Clip nữ sinh bạo lực khuấy động dư luận. Nhiều người sửng sốt vì tình trạng bạo lực học đường. Nhiều người khác giật mình chất vấn giáo dục, xã hội. Trong khi đó, nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn cho rằng: Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt mà ta không tự thấy.

>> Xem thêm:

Năm nay gần 70 tuổi, Vương Trí Nhàn đã làm phê bình lý luận văn học trong vài thập kỷ và sau này chuyển sang nghiên cứu văn hoá. Ông được biết đến là một trong những người đầu tiên chủ trương nghiên cứu về những thói hư, tật xấu của dân tộc Việt Nam và là người được chú ý nhất trong mảng công việc này.

Loạt bài viết của ông về các thói xấu của người Việtđược đăng tải thường kỳ trên báo Thể thao & Văn hóa cách đây vài năm đã trở thành một chuyên mục thu hút sự chú ý của nhiều độc giả và gây ra tranh luận nhiều chiều. Thậm chí, có nhiều người mong muốn có thể tập hợp thành sách “Người Việt xấu xí”, tương tự cuốn sách gây sốc Trung Hoa đại lục mang tên “Người Trung Quốc xấu xí” của tác giả Bá Dương.

Năm 2007, khi vụ scandal clip sex Vàng Anh - Việt Dartnổ ra, trong khi dư luận ầm ĩ xung quanh vụ việc này, trong khi nhiều người cũng sửng sốt và giật mình không khác gì với hiện tượng clip nữ sinh ẩu đả vừa qua… thì Vương Trí Nhàn nhìn vào sự kiện theo một cách tiếp cận rộng hơn ở góc độ dân tộc tính. Nhận định của ông “Dân tộc Việt là một khối tự phát khổng lồ” trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo mạng ngay lập tức dấy lên một làn sóng tranh luận với nhiều ý kiến đa chiều: Có nhiều ý kiến cực lực ủng hộ và không ít tiếng nói phản đối gay gắt.

Ở hiện tượng xã hội gây xôn xao dư luận lần này, những nhìn nhận của ông cũng mang lại cái nhìn tương đối rộng mở và mới mẻ. Và, đương nhiên, cũng không ít ý kiến có thể sẽ gây tranh cãi… Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy đây là hướng suy nghĩ cần được tiếp tục bàn luận.

Dưới đây là trao đổi ông với Vnmedia trên tinh thần này.

Sẽ còn những biểu hiện bạo lực mới

Tuần qua cả xã hội xôn xao với clip nữ sinh đánh hội đồng bạn trên phố. Nhìn nhận của ông xung quanh hiện tượng này?

Việc các em nữ đánh bạn dã man như trong clip là biểu hiện của một cách sống mà trong đó bạo lực trở nên cần thiết trong giao tiếp giữa người với người, mà người ta cho rằng, lời lẽ thông thường không còn đủ để tác động tới người khác.

Cảnh tượng trong clip này là sự tràn ra của một cái gì đó đã đến mức không bình thường… Nếu đọc báo những năm qua sẽ thấy nhiều hình thức bạo lực trong xã hội. Ngay trong môi trường giáo dục, không biết bao nhiêu vụ hoặc các cô trông trẻ bạo hành với trẻ con, hoặc các thầy cô giáo đánh phạt học trò hay các học trò đánh lại thầy cô giáo…

Những việc như thế này tôi cho rằng sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện mới, với những cấp độ rồi sẽ còn cao hơn. Nếu chúng ta không tính chuyện chữa trị lâu dài, và trước tiên là tìm về tận gốc để lý giải một cách khái quát, rồi thì sẽ còn lĩnh đủ.

Có thể hiểu như thế này, sự xuất hiện của clip nữ sinh bạo lực kia trong xã hội tương tự như việc một người huyết áp thấp bị ngã ngất lần đầu. Họ hẳn là ngỡ ngàng nhưng cái sự ngất ấy nó không hề ngẫu nhiên. Và nếu chưa biết là mình bị huyết áp thấp, người ta sẽ không ý thức là mình có thể đối diện nguy hiểm hơn trong những lần ngất tiếp theo?

Tôi chia sẻ với lối ví này của bạn ở khía cạnh: Nhiều khi phải có những “cú điếng người”, ta mới hết nhởn nhơ coi thường và bắt đầu nhận ra những thứ tiềm ẩn trong mình. Cái nguy hiểm hôm qua đã đáng sợ, nhưng cái nguy hiểm tiếp theo mới thật đáng bàn.

Bây giờ thử bình tĩnh mà nhìn lại xem, hóa ra trong nhiều mặt đời sống người Việt, mầm mống bạo lực đã có mặt và ta đã chung sống với nó quá lâu - cái cách sống bạo lực ấy - mà ta không biết.

"Những việc như thế này sẽ còn tiếp tục có những biểu hiện mới,
với những cấp độ rồi sẽ còn cao hơn"

Tôi muốn nhấn mạnh hai điều.

Một là, sở dĩ có hiện tượng lớp trẻ sống với nhau theo kiểu bạo lực, vì người lớn cũng hành xử theo kiểu bạo lực. Xã hội đen. Giới giang hồ thanh toán nhau. Những vụ cướp giết hiếp, và cả những vụ nợ tình, trả thù… Có quá nhiều sự việc trong xã hội mà chúng ta chưa phản ánh hết, chưa có dịp phân tích soi rọi.

Hai là, trước khi có những biểu hiện cực đoan theo kiểu bột phát nói trên, nhiều hình thái tạm gọi là tiền bạo lực cũng đã nhan nhản trong đời sống hàng ngày. Muốn ép người ta phải nghe mình điều gì đấy nói một lần chưa đủ, nói đi nói lại hàng trăm lần, bắc loa vào nhà người ta lải nhải…

Ai đi cầu cúng đầu năm hẳn nhớ cảnh dân địa phương nhiều nơi vừa thấy người đi chùa thì áp sát, bắt người ta mua đồ cúng của mình, lèo nhèo nói đi nói lại, không mua thì chửi xéo chửi đổng, đốt vía đốt vang… Đấy là tiền bạo lực chứ còn gì nữa?

Lâu lắm rồi từ 1999, tôi đọc trên báo Nông thôn ngày nay thấy một hiện tượng kỳ cục ở một tỉnh nhỏ. Giữa công ty X và công ty Y có sự tranh chấp. Để trả thù, bên Y liên tiếp gửi tới bên X những chiếc quan tài và các vòng hoa tang, trong đó đề rõ tên tuổi kẻ thù của mình. Kiểu khủng bố độc đáo này thật tiêu biểu cho người mình, tức là ác vặt, nhưng mà cứ ác một cách dai dẳng đáng sợ.

Đạo diễn Xô viết Mikhail Rom từng có một bộ phim mang tên “Chủ nghĩa phát xít thông thường”. Ở ta giá có ai bắt chước mà làm một bộ phim “Chủ nghĩa bạo lực thông thường”, chắc cũng dễ có một tác phẩm có sức răn đe với xã hội.

Bạo lực có mầm mống trong xã hội Việt

Ở trên ông vừa nói nhiều mặt trong đời sống đã tiềm ẩn yếu tố bạo lực mà ta không ý thức.. Ông có thể nói rõ hơn một chút về cái ý này?

Gần đây tôi đã viết trong một bài báo, ngay cách đi đường của người Việt Nam hôm nay cũng có tính chất bạo lực. Chúng ta có xu hướng chen lấn, xô đẩy, chèn ép người khác để vượt lên... Không ở đâu tiếng còi bị lạm dụng như ở ta. Nó có tính hối thúc, đe nẹt, doạ dẫm… Nghe trong tiếng còi như toát lên một lời đe dọa: nếu không tránh cho tôi đi, anh sẽ biết mặt.

"Ngay cách đi đường của người Việt cũng có tính chất bạo lực"

Thơ văn cho thấy chúng ta yêu thiên nhiên, sống chan hoà với cỏ cây, hoa lá. Nhưng trong đời sống tôi thấy tình yêu thiên nhiên này… chạy đi đâu cả. Văn học nói cái điều ta muốn, nhưng trong đời sống ta hiện ra hoàn toàn khác. Để tự nuôi sống, ta chưa biết tìm thêm cách để làm giàu thiên nhiên mà nhiều khi chỉ lo bóp nặn, bóc lột thiên nhiên.

Khách quan mà xét, đứng ngoài mà nhìn, phải nói đó là một cách ứng xử khá tệ bạc. Chặt cây, phá rừng, đốt rẫy… ta làm những việc đó vô tư chứ chả cần quan tâm gì đến thiên nhiên. Đến khi no đủ rồi thì lại bẻ hoa, ngắt cành vì thú vui của mình. Những dịp lễ tết cây cối xơ xác vì bị vặt cành làm lộc. Rồi các sự việc ở lễ hội hoa anh đào năm trước và lễ hội hoa đầu năm dương lịch vừa rồi. Chẳng nhẽ không nói đó là cách sống bạo lực?

Chúng ta cũng không phải là dân tộc yêu thương các giống vật. Các loài thú quý hiếm đang đứng trước nạn tận diệt. Ở nhiều nơi người ta sẵn sàng dùng điện, dùng chất nổ đánh cá... Rất nhiều người phương Tây ngạc nhiên vì chúng ta ăn thịt chó, là vật nuôi mà họ coi như bạn bè của con người.

Từ tháng 4 tới, Trung Quốc chính thức cấm ăn thịt chó mèo. Ở ta tôi không nghĩ được là bao giờ có thể có một lệnh cấm tương tự. Nhiều cuộc chọi trâu xong, dân sở tại mổ ngay con trâu vừa đoạt giải để bán cho dân tới xem. Chẳng có luật pháp nào kết tội người ta được, nhưng tôi cứ luấn quấn với ý nghĩ làm thế là một cách gieo mầm bạo lực mà ta không biết.


Sôi sục đấy, rồi lại quên đi rất nhanh

Thử nhìn lại sự việc. Các em trị nhau ngay giữa phố một cách bạo lực. Bạn bè thản nhiên ngồi nhìn. Không thấy ai đứng ra can ngăn. Khi quay xong hình, các em khoái trá post lên mạng, nhiều người truyền cho nhau qua internet để cùng xem clip đó. Đó là một chuỗi sự vô cảm cho đến khi thành sự kiện hot thì xã hội mới bùng lên chất vấn. Ông có bình luận gì thêm về việc này?

"Vô cảm rồi bùng lên chất vấn rồi lại quên đi rất nhanh"

Từ lâu phương Tây người ta đã nói đến sadism với nghĩa thói quen thích thú những trò tàn ác bao gồm cả quan sát người khác làm lẫn tự mình thực hiện. Những tưởng đó là chuyện đâu đâu, hóa ra xứ mình không phải không có.

Ngoài ra tôi muốn ghi nhận một tình trạng nước đôi thế này: Không hẳn là vô cảm đâu, nhiều người chúng ta cũng đang xúc động lắm. Chỉ có cái dở là rồi chúng ta lại quên đi rất nhanh. Tôi nhớ những lần lòng mình sôi lên thầm hứa nhất định không bỏ qua chuyện nọ chuyện kia. Nhưng chỉ ít lâu sau là tôi quên hết.

Để vượt lên sự nông nổi, tôi chỉ muốn nhân dịp này chúng ta cùng suy nghĩ về gốc rễ của bạo lực trong đời sống.

Nguồn:VnMedia
FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Người có học

    18/07/2016Phan Thị Vàng AnhMột lớp ngoại khoá mở ra cho những sinh viên chăm chỉ trong dịp hè. Mỗi người có một phiếu vào lớp với số ghế cố định, có nghĩa là dù đi sớm hay muộn, anh vẫn có một chỗ ngồi đàng hoàng. Nhầm to! Ban tổ chức lớp nhầm to, ngày nào cũng có cãi vã đòi chỗ: số người nhiều hơn số ghế và đâu phải chỗ nào cũng dễ nhìn thấy bảng đen...
  • Mở rộng không gian lối sống để bảo vệ các giá trị

    03/03/2016Cao Tự ThanhDi sản văn hóa truyền thống bao gồm cả các giá trị vật thể lẫn phi vật thể cũng bị đặt trước nhiều thách thức mới, trong đó nổi bật là tình trạng mất mát chưa từng có so với trong những giai đoạn thời bình trước kia. Đây là một nguy cơ mà nhiều năm qua đã không ngăn chặn được...
  • Thấy gì qua lối sống sinh viên thời nay?

    21/10/2003Trương HiệuCuộc điều tra về giáo dục học tại TP.HCM mới đây đã cho thấy thực trạng: 60% sinh viên sống khép mình, ít tham gia hoạt động xã hội; 10% sinh viên hướng vào vui chơi, hưởng thụ và chỉ có 30% sinh viên say mê học tập...
  • Lối sống

    27/02/2013Nguyễn Trần BạtCon người luôn luôn phải tồn tại trong một cộng đồng người, một nước, một khu vực nhất định. Trong cuộc sống chung như thế, người ta buộc phải tuân thủ những qui tắc nhất định, thành văn hoặc bất thành văn. Những qui tắc này bao trùm tất cả các lĩnh vực: đạo đức, thẩm mỹ... Trong số đó, có những qui tắc dần dần được cá nhân thừa nhận và trở thành thói quen...
  • Văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

    27/08/2009PGS.TS. Phạm Hồng TungLối sống chỉ là những giá trị văn hóa, những mô hình và phương thức ứng xử được đa số cá thể của một cộng đồng người xác định nào đó chấp nhận (cái được lựa chọn) và hiện thực hóa trong hoạt động sống hằng ngày của họ. Trong số đó có cả những giá trị, những truyền thống và những cách ứng xử được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng cũng bao gồm cả những giá trị ngoại sinh, những cách ứng xử và những biểu tượng… ngoại nhập.
  • Toàn cầu hóa và nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay

    28/05/2007Nguyễn Thị Thanh HuyềnToàncầu hóalà một xu thế khách quan,có tácđộng mạnh mẽ đến mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi cá nhân con người. Sự tácđộng củanó có tính hai mặt: tích cực và tiêu cực. Tác động tiêu cực của toàn cầu hóa dẫn đến nhiều nguycơ mà do nhiều nguyên nhân, dẫn đến nguycơ suy thoáiđạo đức, lối sống của con người Việt Nam...
  • Thuyết nhân, ái thông, hòa của Nho gia

    29/12/2006Mậu Trung GiámLễ kỷ niệm 2550 năm ngày sinh Khổng Tử sẽ được tổ chức long trọng tại quê hương ông - Khúc Phụ vào tháng 10/1999, nhưng từ đầu quý 11, các nhà nghiên cứu đã lần lượt viết bài trên các báo về ý nghĩa, giá trị của Nho học thời đại hiện nay. Bài viết sau đây là một ý kiếm trong số nói trên...
  • Một số mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình xây dựng lối sống mới ở nước ta hiện nay

    08/11/2005Võ Văn ThắngQuá trình xây dựng lối sống ở nước ta hiện nay đang gặp phải một số mâu thuẫn. Đó là, mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với xu hướng phủ nhận những phẩm chất đó; mâu thuẫn giữa yêu cầu kế thừa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống với xu hướng phương Tây hóa; mâu thuẫn “hóa giải” các mâu thuẫn đó, đồng thời đảm bảo mục tiêu xây dựng lối sống mới, hiện đại, văn minh và mang đậm bản sắc dân tộc...
  • Học sinh trung học muốn gì: “Hãy lắng nghe chúng em”

    20/08/2003“Đau lòng lắm khi nhìn những hiện tượng dạy và học đó” - một cô bé học sinh Quảng Ninh đã phát biểu như vậy. Hãy lắng nghe các em nói và nhìn lại trách nhiệm của người lớn – đó là nội dung chính của diễn đàn “Chúng em nói về giáo dục” được tổ chức từ 18 đến 20-8 tại Hà Nội với sự tham gia của 160 em từ 10 - 17 tuổi đến từ 11 tỉnh thành. Đây là một cơ hội hiếm có để các em nói về những suy nghĩ của chính mình...
  • xem toàn bộ