Mạnh ai nấy sống... và kiếm sống với bất cứ giá nào!
Thử tìm một triết lý toát ra trong cách đi lại của hiện thời
Đường sá hay là hình ảnh của xã hội
"Trong ý nghĩa tượng trưng của chúng, các xe cộ, cổ cũng như hiện đại, là những hình tượng của cái tôi. Chúng phản ánh các mặt khác nhau của đời sống nội tâm và có quan hệ với các vấn đề phát triển của nhân cách".
Trong một cuốn sách nghiên cứu mang tên Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới (Nxb Đà Nẵng) tôi thấy người ta viết như vậy. Đúng quá rồi còn gì?
Nhưng nếu xe là biểu hiện của cái tôi, thì đường là hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống mà ta vẫn sống tuy không bao giờ hình dung ra đầy đủ. Như nhìn vào đường sá ở ta hiện nay. Xã hội đấy? Ai cũng mắm môi mắm lợi để cố mà đi cho nhanh trong khi thực tế tốc độ xe cơ giới trung bình chỉ độ 20 km một giờ. Và chen chúc. Và lộn xộn nữa.
Biết là xấu mà vẫn bị kích động làm theo
Trước khi ra đường, thường tôi không quên tự nhủ mình già rồi không có việc gì quan trọng, hãy cứ từ từ mà đi, kẻo tai nạn xảy ra thì khốn.
Ấy vậy mà nhiều lần nhìn đồng hồ xe máy, thấy đã phóng với tốc độ bốn năm chục km từ lúc nào. Hoặc ở những quãng đông, xe mình cũng bóp còi inh ỏi chẳng kém một ai, rồi cũng ra cái điều khoái trá hỉ hả y như bắt được của, khi vượt được người bên cạnh, mặc dầu sau khi phóng như điên đến cái nơi cần đến, cũng chẳng có việc gì quan trọng, mà chỉ làm chén nước và tán gẫu.
Thấy lối đi ấy ở mình đã thành thói quen tự nhiên, và hỏi chuyện những người khác, rồi tôi mới vỡ ra: cái cách đi lại như hiện nay nó làm nảy sinh trong mỗi chúng ta cái tâm lý đua chen. Tức là thường xuyên nảy sinh sự so sánh. ông này đi ngớ ngẩn quá, bị người ta chèn, còn mấy cậu choai choai kia đi liều đi ẩu song hóa ra lại được việc. Ta hay trông trước trông sau. Và chỉ sợ thiệt. Ta học rất nhanh những thói xấu, xoay xở luồn lách. Hình thành một loại tâm lý đặc biệt: lấy việc hơn người được nửa vành bánh xe làm điều vênh váo. Nhưng con người có phải cái máy đâu mà thoát được cái tâm lý tầm thường ấy!
Thử biện hộ cho những người phạm luật
Hầu như ngày nào trên đường cũng thấy có những người đi đường phạm luật, dù chỉ một số nhỏ trong họ bị giới chức giao thông bắt phạt. Lại nhớ một cách nói của dân gian có từ hồi 1981 khi anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ: "Trên trời chỉ có một Phạm Tuân, còn dưới đất có muôn ngàn người phạm pháp".
Tại sao ư? Trong nhiều lý do, tôi xin nêu một lý do không nên bỏ qua: đường sá ở một đô thị như Hà Nội (phần chính làm ra từ trước 1954) là để dành cho người đi bộ, cùng lắm là đi xe đạp. Vì thế đường phố không chỉ chật hẹp mà lại lắm ngã tư. Nay ngã tư nào cũng đèn xanh đèn đỏ, hành trình đi của người dân thành ra cứ bị cắt vụn ra thành những quãng lắt nhắt. Vừa rú ga đi được ba bốn chục mét đã phải tính chuyện dừng lại, hỏi làm sao người ta khỏi bực mình và dễ tặc lưỡi, phóng ào cho được việc.
Có thể gọi là kỳ quái?
Có những ý nghĩ cứ len vào tâm trí mình như cỏ dại tức không hiểu từ đâu mà nó lại xuất hiện. Đây là hai ý nghĩ loại đó:
1/ Sao tự nhiên cái cảnh hàng đoàn xe máy chen chúc nhau lại thành môi trường cách sống của cả triệu con người thế này? Có phải là kỳ quái quá không? Có thể có cách đi lại kiểu khác hay không?
2/ Chúng ta đang còn lo đi lại cho an toàn. Không biết đến bao giờ mới lại lo đi lại cho đẹp - cái đẹp chung, không phải của từng người mà của cả thành phố?
Những triết lý tự phát
Tôi chưa có điều kiện ra nước ngoài nhiều, chỉ mới sang Nga làm việc vài năm và đi du lịch bụi ở Trung Quốc vài tuần lễ. Cái món metro là một thứ đặc sản ở Nga không nói làm gì rồi, đến hệ thống xe buýt của họ cũng cho tôi một cảm giác trật tự. Mỗi ngày một ít ở người tham gia giao thông tự nhiên hình thành một cảm quan chung, mình chỉ là một bộ phận của một guồng máy xã hội, và mình có trách nhiệm thực hiện những quy ước chung, khi xe an toàn đến bến thì mình cũng đến đích.
Phải nhận đấy là ưu thế của mọi nền giao thông hiện đại. Có lẽ vì thế mà ở Trung Quốc người ta sớm nghĩ ra chuyện hạn chế sự lưu thông xe máy, một quyết định mà tôi cho là cực kỳ thông minh, nó có khả năng giúp cho con người sống một cách cô văn hóa. Còn cứ như ở ta mỗi người một xe, đi nhanh hay chậm do mình, an toàn hay tai nạn cũng do mình, thì cái cảm giác gắn bó với cái chung có giảm đi cũng là một điều tự nhiên.
… Và kiếm sống với bất cứ giá nào!
Thời tiết oi ả, đang nóng bỗng lạnh đang lạnh bỗng nóng, nhiều nhà đêm trước vừa mở điều hòa, đêm sau đã phải lôi chăn mùa rét ra đắp, khí trời năm nay ở đồng bằng sông Hồng độc quá? Chẳng những con người nhoai ra mà đến cả các giống vật cũng khó sống: ở vùng ngoại ô tôi đang ở, sáng sáng trên mặt hồ vô khối cá chết nổi lềnh bềnh. Có cá chết là có người đi vớt, bởi thứ cá này đun lên còn cho lợn cho chó ăn được.
Mấy người dậy sớm lại chuẩn bị sẵn vợt, cá vớt được dễ đến cả rổ. Đến lượt một ông già nọ, lộc giời chẳng còn bao nhiêu, đi lui đi tới ngắm nghía mãi mới thấy một hai con sót lại. Cá thì nằm khá xa mà trong tay ông không có lấy một cái que cái sào nào cả. Nhưng ông không chịu! Thoạt đầu thấy ông nhặt gạch hòn to hòn nhỏ vun thành đống lùm lùm tôi chưa hiểu để làm gì. Bỗng nghe tũm tũm gạch ném xuống nước, thì ra ông lấy gạch để lái cho cá trôi dần vào bờ. Liên tiếp, có đến vài chục viên gạch được sử dụng. Khi mùi cá chết nồng nặc xông lên thì cũng là lúc tôi nghe cái túi ni-lông trong tay ông già sột soạt Có thế chứ! Thoát làm sao được khỏi tay ta, hỡi những chú cá không biết mới chết đêm qua hay từ hôm kia mà thân hình đã mủn cả ra trên mặt nước?
Tôi đứng nhìn ông già lấy gạch dồn cá mà nghĩ đến cách kiếm sống của con người hiện nay. Nào ông có khác với nhiều thanh niên trai trẻ háo hức vào đời, nhất là những thanh niên nông thôn đang đổ lên đô thị: Tay trắng lập nghiệp. Nghề ngỗng chẳng có. Đồ nghề không tức là công cụ không. Có miếng ngon miếng sốt thì lớp người đi trước giành hết cả rồi. Thành thử có gì là lạ khi họ chỉ còn cách lăn xả vào bất cứ việc gì người ta thuê mướn dù là mồ hôi đổ ra nhiều mà đồng bạc thu về chẳng khác mấy con cá trôi nổi trên mặt hồ.
Thế nhưng cái đáng sợ nhất vẫn là cái "triết lý" toát lên từ cái việc kiếm sống đơn giản này.Nhìn đống gạch được ném xuống nước, tôi cứ định nói với ông già rằng như thế tức là trực tiếp phá hủy môi trường. Ai cũng thích thì làm, hôm nay mươi viên mai vài chục viên, hỏi còn gì là cái mặt nước thân yêu? Chẳng phải là chỉ mấy năm nay nước hồ đã đen dần vì nước cống, lòng hồ đã bồi cao lên vì các loại phế thải xây dựng và rác rưởi? Nhưng tôi không mở miệng nổi. Từ cái việc mà ông già thản nhiên và hào hứng theo đuổi, tự nó đã toát ra một lời tuyên bố. để kiếm sống, con người ta có quyền làm bất cứ việc gì họ có thể làm, bất kể là có hại cho người chung quanh hoặc tàn phá môi trường sống chung quanh đến như thế nào.
Lại nhớ nhà văn Nga Tchékhov (1860 - 1904) từng có một đoản thiên kể chuyện một người mugich hồn nhiên tháo đinh bù loong trên đường sắt về rèn mấy cái đinh thúc ngựa. Sắt ê hề ra đấy mà làm gì, tháo một vài cái có sao, không tàu hỏa thì đi bộ đã chết ai? Còn ở ta những năm chiến tranh có những người coi kho phá cả một cỗ máy để lấy mấy cái vít. Xét về mặt lý lẽ mà người trong cuộc đưa ra để biện hộ, giữa những việc đó với việc người ta rải đinh trên đường cao tốc, bán đủ các loại rau quả vừa phun thuốc trừ sâu, đá bóng vào lưới nhà để thực hiện hợp đồng bán độ, rồi chặt phá rừng vô tội vạ, rồi mua bán bằng cấp và chức sắc, rồi kê đơn cho bệnh nhân toàn những thuốc đắt tiền để ăn hoa hồng, rồi đưa ma túy vào trường học rủ rê con nhà lành vào con đường nghiện ngập cốt bán được ít hàng quốc cấm... có khác nhau là bao? Ở đâu thì cũng cùng một lý lẽ ấy, lý lẽ của ông già ném gạch dồn cá, vốn đã bắt rễ trong tiềm thức nhiều người chúng ta. Khi độ nguy hiểm của nó ta còn chưa cảm thấy rõ ràng thì làm sao đủ sức để chống lại?
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiBệnh sùng bái thần tượng và sự rối loạn của giáo dục
05/04/2019Hư học hư làm, hư tài
16/04/2014Tôi sợ nhất là cái "văn hoá" phi văn hoá, phản văn hoá
29/04/2018Phan Thắng (thực hiện)Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015