Nhà nước và thông điệp Vedan
>> Bài viết liên quan:
Chủ tịch InvestConsult Group Nguyễn Trần Bạt trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị góc nhìn của ông về vụ Vedan trong bối cảnh đơn kiện công ty này đang chuẩn bị được nông dân nộp lên toà án.
Vai trò của chính quyền trong vụ Vedan dường như đang mâu thuẫn. TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu thể hiện quyết tâm hỗ trợ người dân, trong khi Đồng Nai, nơi Vedan đóng trụ sở lại khác. Ông lý giải điều này như thế nào?
Cấu trúc quản lý của Nhà nước theo trục dọc và trục ngang. Trục dọc là quản lý nghiệp vụ, còn trục ngang là quản lý lãnh thổ, cả hai trục này không thể hiện sự nhất quán, rành mạch. Bằng chứng rõ nhất là chúng ta xây dựng một bộ luật Bảo vệ môi trường mà không phản ánh thực tế hiện tại của Việt Nam và không đủ sắc sảo để giúp bảo vệ các quyền lợi xã hội. Đây là điểm quan trọng nhất.
Bên cạnh cách điều hành bằng pháp luật – vốn không rành mạch vì bản thân các luật đơn giản và không phản ánh được tính phức tạp của đời sống, chúng ta còn cách điều hành bằng mệnh lệnh hành chính hay các chỉ thị, khi Chính phủ trực tiếp xử lý với từng vấn đề. Thái độ không rõ ràng của Chính phủ cũng như không sắc sảo và hoàn thiện của luật tạo ra trạng thái là trục dọc mất năng lực điều kiển. Khi trục dọc mất năng lực điều khiển thì không tạo ra sự thống nhất của trục ngang quản lý lãnh thổ. Do đó, nó dẫn đến các vùng lãnh thổ khác nhau có những phản ứng khác nhau, phụ thuộc vào nhận thức của chính quyền địa phương. Vụ Vedan là hệ quả của cái tổng thể đó.
Trong trường hợp Vedan xử thua kiện, thì điều đó có thể là thông điệp cho các nhà đầu tư nước ngoài là Việt Nam sẽ mạnh tay với các dự án gây ô nhiễm, nghĩa là một phần nào đó sẽ hạn chế vốn FDI mà Việt Nam muốn thu hút để phát triển đất nước. Một thông điệp như thế có phải là quá khó khăn không?
Dứt khoát phải bảo vệ môi trường, theo tiêu chuẩn nào thì chúng ta phải bàn trên cơ sở khoa học. Nếu lờ vấn đề môi trường đi, qua vụ Vedan là một thông điệp tiêu cực đến các nhà đầu tư nước ngoài, một thông điệp kêu gọi các nhà đầu tư tiêu cực. Không nên xem khắt khe trong vấn đề môi trường là thông điệp tiêu cực với các nhà đầu tư, mà là thông điệp tích cực để lựa chọn các nhà đầu tư. Đó là cái mà chúng ta cần dứt khoát. Nếu còn cò kè như một mụ hàng xén về vấn đề môi trường, thì tức là chúng ta gửi cho thế giới một thông điệp lớn hơn là Việt Nam không bảo vệ tương lai của mình.
Trong trường hợp cụ thể, Vedan đã xuống nước bằng cách cò kè hỗ trợ từ 3 tỉ lên 7 tỉ rồi lên 15 tỉ và nay là 30 tỉ đồng. Nếu có sự thoả hiệp, và được chính quyền đồng ủng hộ, thì có thông điệp xấu không?
Không. Thoả hiệp là hành động mang tính toàn cầu vì thế không xem việc đó là hiện tượng tiêu cực. Nhưng thoả hiệp đó phải là một thoả thuận xã hội công khai và tìm kiếm được sự đồng thuận và thống nhất trong cộng đồng dân cư.
Tôi biết là đoàn Luật sư TP.HCM quan điểm một kiểu, huyện Cần Giờ đưa ra đòi hỏi khác, Bà Rịa – Vũng Tàu một đòi hỏi khác, và Đồng Nai lại khác nữa. Rất nhiều người nói với tôi như thế là không nhất quán. Tôi trả lời như thế mới là nhất quán. Bởi vì tàn phá môi trường thì có mức độ khác nhau trong từng địa phương cụ thể. Vì thế, sự khác nhau về mức độ đòi bồi thường giữa các địa phương phản ánh sự gây hại của Vedan với các địa phương đó. Vì thế không nên xem sự khác nhau về đòi hỏi của các địa phương là mâu thuẫn. Nhưng tất cả việc đó phải công khai.
Nếu buộc Vedan bồi thường ở mức cao, thì cũng có thể công ty này sẽ rút khỏi Việt Nam. Đây là giả thiết thôi. Điều này có đáng lo không?
Khi chúng ta làm chủ một đất nước, chúng ta không tính toán nó chi li theo kiểu như thế. Chúng ta phải bảo vệ đất nước, bảo vệ môi trường sống của con người bất chấp mọi sự mặc cả, bất chấp sự ra đi có thể của Vedan. Nếu một Vedan trong lĩnh vực bột ngọt ra đi mà anh đã sợ, thì nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác căn cứ vào đó làm theo, và Chính phủ đứng trước một sự thương lượng chắc chắn thua. Trong trường hợp Vedan, ý chí của Chính phủ dường như là quyết định.
Nhưng với chính quyền Đồng Nai dường như lưỡng lự về hai yếu tố. Vedan tiêu thụ nhiều nguyên vật liệu là củ mì ở tỉnh cũng như ở Đông Nam bộ, lợi ích đó là nhiều hơn so với của những người trực tiếp chịu ô nhiễm của dòng sông. Sự bao biện như thế có thể chấp nhận được không?
Không. Giả sử Vedan dọn đi thì cả khu đất đó để kinh doanh việc khác. Tôi không nghĩ người Việt Nam bất lực và ngu đến mức giả sử Vedan rút đi không biết làm gì trên địa điểm ấy. Vì thế cho nên, phải điều phối lợi ích lãnh thổ phù hợp với luật pháp, chứ không phải lợi ích mà anh tính toán gián tiếp như vậy trên sức chịu đựng của những người dân bị ảnh hưởng.
Trong vai trò là một công dân, đọc các bài báo về vụ Vedan, nhìn thấy cuộc sống của người nông dân bị ảnh hưởng trong vụ này, thì cảm xúc cá nhân của ông là gì?
Nếu cứ tiếp tục lập luận theo kiểu hàng xén như vậy về lợi ích quốc gia, mà không có hành động cụ thể thì không có người Việt Nam nào muốn về quê nữa. Mọi làng quê sẽ bị tàn phá bởi công nghiệp hoá. Cái đấy tác động tiêu cực vào chính sách công nghiệp hoá của Đảng và Nhà nước. Chúng ta phát triển để làm gì? Chúng ta phát triển để sống, và cùng nhau sống, chứ không phải như thế này.
Tôi cho là Chính phủ và Thủ tướng phải có thái độ rành mạch hơn nữa trong vấn đề Vedan.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Có khi bi quan khi nhìn vào thực trạng văn hóa
12/04/2016Hồng Thanh Quang (thực hiện)7 nguyên tắc sống bất di bất dịch của Đại bàng
24/12/2015Bài học cuộc sống từ "Vua hề Sác-lô"
07/12/2015Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên Cẩn