Cần nghĩ đến một cuộc tự vấn
Trong căn phòng nhỏ nằm khuất sau “phố nhà binh” (Lý Nam Đế, Hà Nội), nhà văn Nguyên Ngọc đã dành cho Tiền phong cuộc trò chuyện về chủ đề “Người Việt, phẩm chất và thói hư tật xấu”...
Có thể nói, suốt gần trăm năm qua, do những nhiệm vụ lúc nào cũng căng thẳng và cấp bách của cuộc chiến đấu, bằng khởi nghĩa, rồi bằng chiến tranh, quả thực chúng ta chưa có lúc nào có đủ điều kiện để thật sự bình tâm làm được một cách đầy đủ công việc cần thiết này.
Chiến thắng vĩ đại năm 1975 đưa lịch sử dân tộc sang một bước ngoặt lớn: kết thúc giai đoạn rất lâu dài đấu tranh dành độc lập và tự chủ, bước sang kỷ nguyên xây dựng đất nước. Cũng có thể nói: bắt đầu sự nghiệp to lớn phục hưng dân tộc.
Và để làm cơ sở cho sự nghiệp đó, một cuộc tự nhìn lại mình toàn diện là một trong những yêu cầu có tính chất quyết định. Tôi thường muốn gọi công việc đó là “tự vấn dân tộc” - có thể cách gọi nghe hơi to tát quá chăng, nhưng nghĩ cho kỹ, quả đó là nội dung chính xác của điều ta muốn nói.
Để làm được cuộc tự vấn đó, có nhiều vấn đề về lịch sử và văn hóa cần được nghĩ lại, nghiền ngẫm lại một cách bình tĩnh, khách quan, chính xác hơn – bình tĩnh, khách quan và chính xác hơn so với những gì ta vẫn làm và nói lâu nay.
Bởi quả thật lâu nay do những điều kiện khách quan và nguyên nhân chủ quan - những khách quan khắc nghiệt của chiến tranh và những hạn chế chủ quan do quan niệm chật hẹp của chính chúng ta tự gây ra thêm cho mình - chúng ta đã có khá nhiều “kiêng kỵ” trong công việc này, khiến cho lịch sử thật sự của dân tộc không được diễn đạt một cách toàn diện và văn hóa dân tộc cũng được nhìn nhận đôi khi khá khiên cưỡng.
Chẳng hạn như về lịch sử: có thể nói không quá đáng lâu nay phải chăng ta chỉ mới tập trung nói và viết có một nửa lịch sử dân tộc. Thật vậy, nếu căn cứ trên các sách lịch sử được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường của chúng ta, tức là lịch sử được viết một cách chính thống, thì dường như lịch sử dân tộc đã dừng lại trước Nguyễn Hoàng.
Mà từ Nguyễn Hoàng trở về sau là gì? Là cả một nửa giang sơn, từ Hải Vân cho đến Hà Tiên. Vì nhiều kiêng kỵ, hầu như toàn bộ lịch sử Nam tiến, tức một nửa lịch sử dân tộc, tính cả về thời gian lẫn không gian, hầu như bị bỏ qua, hoặc nói đến rất qua loa, chưa nói là có rất nhiều điều không khách quan, thậm chí không công bằng, bị bóp méo.
Mãi cho đến gần đây, phải qua rất nhiều tranh cãi và đấu tranh không ít khó khăn của nhiều người, mới giữ được tên đường Nguyễn Hoàng ở Tam Kỳ và Đà Nẵng. Còn thủ đô Hà Nội, thì hoàn toàn không có tên đường Nguyễn Hoàng, trong khi đó lại có quá nhiều tên tuổi các nhân vật mới toanh.
Mà Nguyễn Hoàng là ai? Nói thế này không hề quá đáng chút nào đâu: đó là ông tổ của miền Nam, của một nửa đất nước, cái đất nước toàn vẹn từ Lũng Cú cho đến Mũi Nai, Hà Tiên mà chúng ta đang được tận hưởng để xây dựng hôm nay…
Rồi còn Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Phúc Lan… những vị Chúa tuyệt giỏi đã xây dựng nên một Đàng Trong từng đạt đến một thời thịnh vượng nhất trong lịch sử…
Một ví dụ khác: Chúng ta đã viết và nói rất đậm, rất hay về lịch sử chống ngoại xâm suốt mấy nghìn năm của dân tộc. Điều đó là hoàn toàn đúng, là tuyệt đối cần thiết. Nhưng còn lịch sử nội chiến thì sao? Chúng ta cũng có một lịch sử cả nghìn năm nội chiến, và lịch sử đó cũng để lại những bài học không nhỏ chút nào, và có thể không chỉ là những bài học hoàn toàn tiêu cực đâu...
Gần đây, trong một lần nói chuyện với một đồng chí lãnh đạo cấp rất cao đang tại chức, tôi có kể cho anh ấy biết rằng ít ra là ba mươi năm nay, các đề thi lịch sử tốt nghiệp phổ thông trung học của ta chỉ hỏi từ năm 1930 trở về sau thôi, cứ như mãi cho đến 1930 dân tộc Việt Nam mới bắt đầu có lịch sử.
Anh ấy trố mắt: “Thật thế sao?”… Vậy đó, cho nên nếu học sinh phổ thông trung học không biết ông Trần Hưng Đạo với ông Trần Quốc Tuấn là hai hay là một, thì cũng là chuyện thường ngày ở huyện thôi!...
Nói, viết, hiểu cho thật đúng toàn vẹn lịch sử dân tộc, hiểu đúng miền Nam trong lịch sử dân tộc theo tôi là vô cùng quan trọng, xưa đã quan trọng, có lẽ nay càng quan trọng hơn. Và đó chỉ là một trong nhiều vấn đề, một trong nhiều ví dụ…
Mất đoàn kết! Tôi sang Pháp, anh em người Việt bên đó rất tốt, nhưng buồn cười là chơi với ông này thì ông kia khó chịu, nghĩa là mất đoàn kết quá chừng. Ở Mỹ cũng thế. Trong khi đó, chúng ta biết cộng đồng Do Thái và Hoa kiều ở các nước thì khác hẳn. Một người Hoa mới sang Mỹ mở quán ăn, tất cả những quán ăn Hoa kiều khác lập tức nhường khách cho quán mới này, cứ thể họ dìu nhau đi lên trên đất khách... Người Việt ngược lại, thường có anh nào lơ ngơ mới sang đòi mở quán là thế nào cũng bị các anh cũ hè nhau dìm xuống, còn lâu mới ngoi lên nổi. |
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpBóng đá: trò chơi cũ kỹ theo một trật tự cũ kỹ và trong một thế giới cũ kỹ
22/06/2006Trà ĐoáCái tâm đời thường
20/10/2005Phan Chí Thành“Gã nhà quê làm thương hiệu”
25/04/2005Văn hóa đọc cho thiếu nhi - cần không?
09/07/2005Phan ĐăngTri thức có thúc đẩy quá trình tiến hóa hay không?
26/07/2006Đỗ Kiên Cường