Có nên viết về khuyết tật của người mình không?
Cách đây nhiều năm, Giáo sư Cao Xuân Hạo đã viết bài “Đôi chút tự trào” đăng trên Tuổi Trẻ Cười. Ở bài viết đó tác giả đã chỉ ra được một số đặc điểm về thói hư tật xấu của người Việt. Nhân cuốn sách “Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng” được giải vàng sách hay, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng Giáo sư...
- Cách đây nhiều năm, nhiều bạn đọc đã có được một ấn tượng khá mạnh sau khi đọc bài của ông đăng trên Tuổi Trẻ Cười. Trước khi viết bài này, ông có đọc cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”… không?
- Rất tiếc là mãi mấy năm sau tôi mới được đọc. Tôi rất thích cuốn đó. Tôi nghĩ rằng nhưng cuốn sách như thế rất có ích cho người đọc, nhất là những người thực sự có quan tâm đến dân tộc, và nhất là trong thời kỳ hiện nay.
- Ông có nói “Những cuốn sách như thế rất có ích cho người đọc, nhất là trong thời kỳ hiện nay”. Phần cuối câu này nên hiểu như thế nào?
- Bấy lâu các tác giả viết về tính dân tộc và “bản sắc” của dân tộc ta, dù là những chuyên gia về dân tộc học hay là những tác giả nghiệp dư, không trừ một tác giả nào, đều đã hết lời ca ngợi những cái hay cái đẹp của dân tộc ta. Những cuốn sách và những bài vở tự ca ngợi như thế rất cần cho chúng ta, ít nhất là để nâng cao niềm tự hào dân tộc và khắc phục tâm lý tự ti vốn thường thấy ở những dân tộc nhỏ yếu đã từng lệ thuộc ngoại bang trong những thời gian dài. Tự ca ngợi là việc rất cần làm trong những thời kỳ mà ta phải đương đầu với những kẻ thù mạnh hơn ta gấp bội. Nhưng có một điều quan trọng không thể quên: người Việt Nam cũng là người chứ không phải là thần thánh. “Con rồng cháu tiên” chẳng qua là một huyền thoại, chứ thật ra chúng ta cũng chỉ là con cháu của cha ông ta, vốn là những con Người, không hơn không kém, dù cái danh hiệu này có viết hoa hay viết chữ thường. Trong khi say sưa tự ca ngợi, khá nhiều tác giả quên mất một sự thật quan trọng: mình không phải là người theo chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa vị chủng. Chỉ có người theo chủ nghĩa vị chủng mới cho rằng dân tộc mình là “ưu tú nhất”, là sinh ra để dìu dắt các dân tộc khác, để khai hóa cho họ trở thành văn minh và ưu tú như mình, vì các dân tộc khác còn man rợ và kém cỏi, không thể thiếu sự hướng dẫn và ban ơn của mình, một dân tộc thượng đẳng có quyền và có sứ mệnh dìu dắt họ thoát khỏi tình trạng mông muội.
Ta đã biết rõ cái tâm lý tự hào dân tộc kiểu đó đã đưa đến những cuộc chiến tranh tàn khốc như thế nào, và đã làm cho những dân tộc “thượng đẳng” thảm bại một cách nhục nhã ra sao.
Một nhà hiền triết cổ đại có nói rằng, một trong những nhân tố quan trọng nhất khiến cho một dân tộc, một triều đại, một nhà vua, một tướng lĩnh sa đọa nhanh nhất chính là một trận đại thắng lẫy lừng khiến cho người ta có ảo giác là mình bất khả chiến bại, mình là tinh hoa của nhân loại, mình là tuyệt đối hoàn hảo. Đó chính là dấu hiệu chắc chắn nhất của sự suy đốn và đồi bại. Cho nên, sau một thắng lợi lớn, nguy cơ suy vong của một dân tộc không những không mất đi, mà còn tăng gấp bội.
- Vậy làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa niềm tự hào dân tộc và chủ nghĩa vị chủng?
- Có lẽ cách đặt vấn đề như thế không thật ổn, vì ở đây vấn đề không phải là một sự lựa chọn giữa hai cực. Nếu có khác nhau chăng thì đó là khác nhau giữa tự hào và tự mãn mới đúng. Dĩ nhiên ta có quyền tự hào đúng mức về những thắng lợi vẻ vang mà ta đã giành được trong dĩ vãng và đang giành được trong hiện tại. Tôi nói “tự hào đúng mức” là vì nếu vượt quá một mức độ nào đó ta rất dễ trở thành lố bịch. Có những dân tộc không có thành tích vẻ vang bằng ta trong lịch sử chống xâm lược chỉ vì trong lịch sử họ chưa từng bị xâm lược chỉ vì trong lịch sử họ chưa từng bị xâm lược kể từ khi lập quốc. Và sở dĩ như vậy cũng có thể vì họ quá hùng cường, và dĩ nhiên họ cũng có quyền tự hào về sự hùng cường ấy.
Tự hào quá mức rất dễ đưa đến tự mãn. Mà tự mãn thì bao giờ cũng có cái hại. Điều đó xưa nay không có ai không thừa nhận. Sống có nghĩa là tiến lên, là cải thiện, là phát triển, là khắc phục, là sửa chữa. Vậy nếu thấy mình không cần tiến lên, không cần cải thiện, không cần sửa chữa gì hết, thì kết quả chắc chắn mười phần là tiến thẳng đến cái chết. Muốn sống tiếp, không thể nào tự mãn được. Mà muốn không rơi vào tự mãn, phải biết rất rõ bản thân có những nhược điểm gì. Điều đó cũng cần thiết như niềm tự hào dân tộc.
Không những phải nêu rõ những nhược điểm, mà còn phải làm cho mỗi người Việt thấy xấu hổ những nhược điểm ấy một cách sâu xa. Cho nên viết về cái xấu cần có một ngòi bút thật sắc bén thiện chí và tài hoa. Đó chính là vấn đề khó khăn nhất được đặt ra trước những người có ý định viết về những thói hư tật xấu của dân tộc. Và những người có vai trò cầm cân nảy mực cho các tác giả phải phóng tay phát động lòng dũng cảm của họ lên, dẹp lòng tự ái dân tộc đến tối đa. Hễ tác giả nào nêu lên được một sự thật đáng buồn đến đâu chăng nữa, bằng một giọng điệu giễu cợt cay độc đến đâu chăng nữa, thì cũng không gặp phải bất cứ sự phản ứng nào. Và dù những lời chê bai của họ chỉ đúng với một thiểu số “không đáng kể” chăng nữa, thì việc họ làm vẫn hết sức có ích không những cho những người “đương sự”, mà cả cho những người còn lại nữa.
Cho nên tôi có thể hoan nghênh những cuốn sách và những bài báo viết về những nhược điểm tiêu biểu nhất và có tác dụng cản trở lớn nhất cho sự phát triển và đổi mới của dân tộc.
- Ông là người tâm huyết với giáo dục, vậy thưa ông, giáo dục thời nay – nhất là trong cải cách có những “sai lầm” về chữ viết, sách giáo khoa… Những cải cách này có ảnh hưởng gì…?
- Thật ra khi các tác giả thực hiện cuốn sách Giáo khoa Tiếng Việt tập 1, tôi và một số đồng nghiệp đã có góp ý. Nhưng dường như các tác giả không chịu tiếp nhận và như anh đã thấy, hậu quả của nó mà báo chí dư luận đang phê bình. Nhưng có lẽ việc đã lỡ nên… vậy thôi. Theo chúng tôi thì chúng tá không nên đưa con người ra “thí nghiệm”, nhất là lại đem giáo dục “thử” thì thật là nguy hại.
Riêng cuốn sách “Tiếng Việt sơ thảo ngữ pháp chức năng” NXB Khoa học xã hội và Công ty văn hóa Phương Nam (quý II-2006) đã xuất hiện lần đầu vào năm 1991, quyển sách này được các nhà ngôn ngữ học xem là "đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nghiên cứu tiếng Việt" và đây là lần tái bản thứ 3.
Sách gồm có 2 phần: Phần Dẫn luận chủ yếu cung cấp những tư liệu về tình hình chung của các trào lưu ngữ pháp chức năng hiện nay. Phần thứ 2 nói về cấu trúc và nghĩa của Câu trong tiếng Việt. Theo tác giả thì đây là sự "cố gắng miêu tả trung thành những đặc trưng ngữ pháp của tiếng Việt đúng như nó được người Việt hiểu và sử dụng hằng ngày". Giáo sư cho biết thêm việc ra đời công trình này là nhằm “bổ cứu cho những thiếu sót này là công việc của tương lai".
- Xin cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này và kính chúc Thầy hoàn thành tâm nguyện.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu NhơnTương lai trong lòng quá khứ
06/02/2009Nguyễn QuânKế thừa tinh thần yêu nước truyền thống của dân tộc ta trong bối cảnh toàn cầu hóa
02/02/2010Mai Thị Quý