Cảm giác có lỗi
Khiêm tốn, biết điều có vẻ như là một cái gì xa lạ trong tâm lý con người đương thời. Có thể bạn cho rằng tôi đã quá lời ư? Hãy thử lướt qua báo chí và các chương trình truyền hình hàng ngày. Có phải nhìn đâu chúng ta cũng bắt gặp những nụ cười tự mãn, những lời hoa mỹ khoe tài khoe giỏi.
Con người chỉ quen phô ra với nhau nào là cái phần đóng góp của mình thật là lớn lao, nào là thành tích làm được vô cùng vĩ đại. Bần cùng phải nói về những yếu kém thì chỉ nhắc tới qua loa trong mấy câu chiếu lệ vuốt đuôi. Cứ làm như chúng ta là những thiên thần tuyệt vời tài giỏi cả!
Bởi vậy tôi hơi ngạc nhiên khi đọc các bản tin về Đại hội Hội Kiến trúc sư lần thứ 8 vừa qua “Thư Đại hội 8 gửi giới kiến trúc sư cả nước nhận định: Kiến trúc Việt Nam phát triển chưa có bản sắc và còn một khoảng cách với trình độ kiến trúc quốc tế. Chúng ta xây dựng nhiều, nhưng còn ít thành công về sáng tạo nghệ thuật, lực lượng kiến trúc sư đông nhưng không mạnh, tổ chức hành nghề chưa chuyên nghiệp, còn manh mún, nhỏ lẻ; không đủ tài và sức để giải quyết yêu cầu lớn và phức tạp của xã hội”.
Cái chuyện hiện thời chúng ta chỉ có những làng quê và những đô thị xấu xí thì lâu nay ai cũng biết. Các kiến trúc sư thường biện hộ: “Tôi có quyền gì đâu? Tôi đã vẽ cho các nhà chủ mấy cái mẫu đẹp nhưng họ đâu có nghe?”. Đấy là nói chuyện từng ngôi nhà cụ thể. Còn hình ảnh toàn cảnh của một khu phố hay một đô thị mới xây dựng, tại sao nó xấu ư? Cái đó thì họ bảo tại ông trời, trời cho mỗi người một ý định và tập hợp một trăm căn nhà đẹp nhiều khi lại tạo nên một quần thể hổ lốn, cái nọ làm hại cái kia.
Khi cuộc sống đã rút lại ở hai chữ làm ăn, người ta chủ yếu quan tâm tới số lượng. Và nhỡ gặp ai máy mồm chê kém, chê xấu thì quay ra đổ lỗi cho người khác.
Trong hoàn cảnh ấy, sự khiêm tốn, biết điều và hơn thế nữa, một cảm giác xót xa nhận lỗi đứng đằng sau những lời lẽ chính thức của cả giới kiến trúc dẫn ra ở trên giống như một ngoại lệ. Nó vang lên quá đơn độc trên cái nền của một đời sống tinh thần xã hội nhiều phần yếu kém.
Ta thường hay nói đang thiếu những người làm chủ, những người dám chịu trách nhiệm. Cụ thể hơn, có lẽ nên nói là thiếu những con người muốn nhìn thẳng vào tình hình cụ thể và thấy có lỗi trước dư luận.
Xã hội chuyển từ tiểu nông lên làm ăn theo kiểu hiện đại. Ý muốn vượt quá khả năng thực hiện. Công cuộc phát triển mang tính cách chụp giật vội vàng. Trong tình hình đó, hư hỏng đỗ vỡ làm sao thoát được.
Thế nhưng không biết tự bao giờ đã hình thành cả một thứ “văn hóa” chối tội, trốn lỗi. Bắt đầu thấp thoáng có vẻ như có chuyện ư? Phải bịt đầu mối cho nhanh. Khi đã bung ra ai cũng biết ư? Hãy lấp liếm làm mờ làm nhòe mọi chuyện. Khi một cây cầu hay một ngôi nhà bị sập thì việc đầu tiên của những người bảo vệ là cấm không cho các nhà báo tiếp cận hoặc quay phim. Những người phụ trách nông nghiệp không muốn báo cáo rằng khu vực mình đang có dịch bệnh. Cô giáo không thích báo cáo lên phòng và sở giáo dục về việc trong lớp mình học sinh đánh nhau hay có hiện tượng quay cóp... Sự tự vệ kiểu này đang hiện ra với tất cả sự khôn ngoan tế nhị chỉ có ở con người hiện đại.
Khi nghe có một sự cố nào đó, cái mà dư luận chờ đợi chỉ là mọi việc được mang ra thanh thiên bạch nhật phân tích để có sự phán xét quy trách nhiệm rõ ràng. Và trước tiên mong chờ được thấy thiện chí của những người trong cuộc.
Nhưng có vẻ như cái thiện chí đó ngày càng hiếm gặp.
Xin nói thêm là mấy chữ “người trong cuộc” ở đây xin được hiểu theo nghĩa rộng .
Thời xưa, mỗi khi xảy ra mất mùa hay dịch bệnh, các bậc vua chúa thường tự nhận là do đức của mình mỏng, phải lập đàn cầu trời nhận tội và mong trời đừng vì mình mà làm khổ dân chúng. Trong các giờ sử, chúng tôi được dạy đó là một lối nghĩ duy tâm buồn cười. Nay nghĩ lại thấy đằng sau đó có “hạt nhân hợp lý” của nó. Đúng là lỗi của vua chúa thật, trong trường hợp này các vị tự xưng là cha mẹ dân có lỗi vì đã không biết tổ chức đời sống cho dân.
Cũng trong thời phong kiến ấy, khi có những viên quan mắc lỗi thì ông thầy dạy người đó từ nhỏ đứng ra tự nhận lỗi là tại mình.
Tôi cho rằng có thể học lối nghĩ đó để nhìn tình hình hôm nay. Tai nạn xảy ra hàng ngày không chỉ do dân thiếu ý thức mà còn nằm trong lỗi của những người quy hoạch, quản lý giao thông, đang để đường sá thiếu thốn, hư hỏng. Khi xử một cán bộ thoái hóa, đáng lẽ phải lần về tận gốc, xem ai đã đặt anh ta vào bệ phóng của con đường hoạn lộ. Cũng như bàn về bạo lực học đường, chỉ nói tới lỗi của các thầy giáo cô giáo là không đủ, ở đây có lỗi của cả những người viết sách giáo khoa, những người xác định chương trình giáo dục đạo đức cho lớp trẻ. Rút dây động rừng, chẳng có ai là vô can trong sự đi xuống của tình trạng nhân thế hiện thời. Có nghĩa là ở tất cả chúng ta, cảm giác có lỗi cần được đánh thức.
Nội dung khác
Tại sao con người cần phải học?
15/09/2016Nguyễn Hữu ĐổngTìm kiếm danh phận
22/07/2011Nguyễn Văn Trọng7 phát hiện bất ngờ sau khi đọc nguyên tác "Hành trình về phương Đông"
03/08/2023Thái Đức PhươngNói với các doanh nhân: "Đỉnh của bạn đâu" để có được...
03/08/2023Nguyễn Tất ThịnhThiên thần” vỗ về những đêm dài thao thức.
03/08/2023Tiểu Mai"Đỉnh Ngu" từ Hiệu ứng Dunning & Kruger
05/06/2022Ngọc HiếuHoài cổ là đi tìm vẻ đẹp trót bỏ quên
08/06/2019Linh HanyiHư học hư làm, hư tài
16/04/2014Nếu lãng quên lịch sử
13/02/2014Nguyên CẩnTản mạn nghịch lý và tại sao???
29/12/2007Linh LinhToàn cầu hoá và chuyện thịnh suy của môn văn học
31/01/2006Ngô Tự LậpSống chậm giữa đời nhanh
02/07/2010Lê Thiếu Nhơn