Thể diện quốc gia

07:43 SA @ Thứ Năm - 28 Tháng Mười Một, 2019

Có khá nhiều câu chuyện cho thấy chúng ta khi ra nước ngoài hay tiếp xúc với những cơ quan, cá nhân hay đoàn thể nước ngoài, trong các dịp nghiêm túc hẳn hoi lại bộc lộ những yếu kém và sơ suất trong ứng xử ngoại giao, tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười, và xấu hổ cho những ai còn có thể diện dân tộc.

Một trong những ví dụ, cách đây vài tháng có chương trình giao lưu âm nhạc giữa ban nhạc thính phòng của một trường đại học Nhật Bản do cựu thủ tướng Nhật dẫn đầu, với một trường phổ thông khiếm thị ở thành phố. Giao lưu âm nhạc giữa hai bên khá cảm động.

Đến lúc cựu thủ tướng Nhật ngỏ ý muốn dành tặng cho trường một số tiền mà đoàn đã gây quỹ được trước khi sang Việt Nam, hiệu trưởng vui vẻ đưa một em nhỏ trường khiếm thị lên nhận phong bì từ tay cựu thủ tướng. Nhưng khi tiếng vỗ tay còn chưa kịp dứt, ngay khi em nhỏ vừa quay người chậm rãi bước đi được một bước, ông hiệu trưởng đã vội đưa tay giật cái phong bì lại.


Em nhỏ, có lẽ do phản xạ của người khiếm thị, không biết ai giật nên nắm chặt lại, và thầy hiệu trưởng tiếp tục giật mạnh hơn cho đến khi tước được cái phong bì khỏi tay em, đút vào túi áo mình và tiếp tục tươi cười phát biểu tiếp với cử tọa.

Tôi chỉ biết xấu hổ kinh người, vội nhìn quanh, thấy các thành viên đoàn Nhật đang cố giấu nụ cười khi chứng kiến cảnh tượng khôi hài trên sân khấu.

Có lẽ thầy hiệu trưởng đã quen với môi trường khiếm thị, nên nghĩ rằng chẳng ai nhìn thấy những gì mình làm (quen đến nỗi quên là hôm nay có rất nhiều người sáng mắt đang nhìn lên chăm chú), chứ chẳng lẽ không có cách nào khá hơn để lấy lại cái phong bì, như nói nhỏ với em: con đưa thầy giữ cho, hoặc chờ cho đến khi em xuống khỏi sân khấu, chứ ai lại giật đi thô bạo thế?

Lúc đó tôi cứ nghĩ, các em thì khiếm thị nên không nhìn thấy, còn thầy thì rõ ràng không khiếm thị, nhưng lại không thấy xấu hổ!

Một người bạn của tôi nói anh hiểu cảm giác xấu hổ này. Bạn tôi là một tiến sĩ y khoa đang làm việc cho một viện nghiên cứu tại Washington DC, Mỹ. Bạn kể chuyện cơ quan này vừa đón đoàn cán bộ y tế từ Việt Nam sang. Người phụ trách cơ quan thảo ngay chương trình làm việc chi tiết và nhờ bạn dịch luôn ra tiếng Việt, rồi đích thân đem đến khách sạn cho đoàn, còn ghi ra các số điện thoại và ghi chú cẩn thận là muốn đi chơi ở đâu, lúc nào cứ gọi sẽ có người đưa đón và hướng dẫn.

Nhưng đến ngày, giờ họp (11 giờ), mọi người chờ mãi chẳng thấy ai, kể cả người của Cục Dân số sang chờ hơn một tiếng đồng hồ cũng đành bỏ về. Gọi đến khách sạn thì được biết họ đã đi đâu không rõ. Bạn tôi hy vọng do họ còn kẹt một cuộc họp ở đâu đó chưa đến kịp, liền gọi điện thoại đến cơ quan khác mà đoàn cán bộ Việt Nam chắc chắn sẽ đến họp cùng ngày, cũng nghe bên kia nói đã hẹn lúc 9 giờ thậm chí cho người và xe đến tận khách sạn đón (như đã hẹn trong thư gửi trước) mà không đón được và cũng chẳng ai đến họp.

Chưa hết, bạn kể đến khi liên lạc được thì họ lại viện lý do là “thư không nói rõ” mặc dù thư ghi rõ ngày giờ cụ thể, lại còn được gửi kèm một bản tiếng Việt và cẩn thận gửi cho cả 4 thành viên trong đoàn! Rồi đến khi có thể sắp xếp đến họp, theo anh bạn tôi, họ nghe một cách thụ động, lờ đờ và hỏi những câu hỏi trời ơi đất hỡi chẳng biết muốn hỏi về điều gì. Bạn tôi kể đúng là xấu hổ kinh người với mọi người vì mình cũng là người Việt Nam.

Điều đáng buồn là những gì tôi kể chẳng có gì mới, chẳng có gì lạ. Nhiều người nói: chuyện thường ngày ấy mà. Người ta nói chuyện không ít cán bộ, quan chức đi ra nước ngoài chỉ chú tâm mua sắm, tham quan, hay chạy theo các nghi thức xã giao bề ngoài, chung chung, còn nội dung làm việc và cung cách làm việc với quốc tế lại lơ là cẩu thả... là chuyện rất bình thường phổ biến.

Như đã nói, căn cơ lâu dài là chính mỗi con người phải phát triển nội lực và cái nền văn hóa, kiến thức trong ứng xử và giao tiếp, nhưng điều cơ bản là cần biết lắng nghe và tìm đến công tác cố vấn trong ngoại giao. Chúng ta không hề thiếu các chuyên gia, các cá nhân có tầm hiểu biết rộng về ngoại giao và văn hóa quốc tế, cũng như kiến thức và thông tin sâu sắc về các lãnh vực như kinh tế, y tế, giáo dục... hoàn toàn có thể và sẵn sàng tư vấn để những chuyến viếng thăm có ý nghĩa và đạt được kết quả ngoại giao tốt nhất, đem lại niềm tự hào và thể diện cho quốc gia.

Nếu không thì chẳng những ngân sách quốc gia phải tốn kém cho những chuyến công du vô bổ mà thể diện quốc gia cũng đang bị phung phí một cách không thương tiếc.

FacebookTwitterLinkedInPinterestCập nhật lúc:

Nội dung liên quan

  • Thân phận công dân thế giới hạng hai!

    27/03/2014Nguyễn TrungCông dân thế giới hạng hai, đấy là cái cùm đang xích vào chân dân tộc Việt Nam ta sau khi giành được độc lập thống nhất đất nước năm 1975. Tên gọi của thân phận này dấy lên trong tôi hình ảnh cái triện sắt nung đỏ thời trung cổ xa xưa thường được đóng vào trán kẻ nô lệ - để phân biệt với những người không phải là nô lệ. Khác chăng, là thời nay cái triện sắt nung đỏ ấy vô hình!
  • Chiến lược ngoại giao của các quốc gia nhỏ yếu

    30/07/2009Nguyễn Tất ThịnhChính phủ do Dân bầu của Quốc gia có khả năng tự mình giải quyết hiệu quả các vấn đề Quốc nội mà không cần sự trợ giúp của Quốc gia nào khác, cũng như việc chủ động tham gia vào giải quyết các vấn đề quốc tế mà không chịu sự hối thúc của Quốc gia khác. Quá trình đó không gây ra những hậu quả tiêu cực nào về kinh tế - chính trị - xã hội trong đối nội hay ngoại giao mà khó kiểm soát
  • Không còn là chuyện “trà dư tửu hậu”

    08/06/2009Nguyễn Quang ThânNhững ai từng học tiểu học trước Cách mạng Tháng Tám hẳn còn nhớ bài văn “Quốc văn giáo khoa thư” đọng lại trong ký ức ấu thơ với lời răn dạy đơn giản: hãy giữ danh dự như giữ đôi giày mới, chỉ cần dây bẩn một lần thì sẽ khó gột sạch mãi mãi.
  • Tài ngoại giao của Bác Hồ với TQ và Tưởng Giới Thạch

    19/05/2009Đoan TrangKỷ niệm 119 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin giới thiệu đến độc giả bài viết về một giai đoạn lịch sử đầy cam go của dân tộc, khi nhà nước Việt Nam DCCH non trẻ phải đương đầu với nhiều thử thách dồn dập. Chính trong hoàn cảnh này, đã càng bộc lộ rõ hơn tài ngoại giao xuất sắc và đức độ của Bác Hồ - vị lãnh tụ chỉ đạo trực tiếp công tác ngoại giao trong thời gian đó.
  • Ngoại giao văn hóa và hình ảnh "người Việt xấu xí"

    07/04/2009Phương Loan10h sáng, đại sứ quán vắng hoe. Sau 15 phút chờ đợi, một người đàn ông trung niên ra tiếp, trong trang phục quần đùi, áo may ô... Đôi khi, hình ảnh "người Việt xấu xí" làm xóa sạch những nỗ lực tiến hành ngoại giao văn hóa của hai quốc gia.
  • “Hãy cố yêu người mà sống” !

    23/01/2009Đoàn Khắc XuyênĐôi khi, trong đời ta phải bám víu vào cái gì đó để tin, để sống. Đôi khi ta vẫn thường lặp đi lặp lại trong trí câu hát ấy của Vũ Thành An để tự nhủ mình rằng đời dù sao vẫn còn nhiều người tốt, đời vẫn còn rất nhiều điểm sáng.
  • Bóng đá Việt Nam và khoảng trống văn hóa

    23/12/2005Thanh Thảo... phải ngẫm nghĩ rất nhiều khi muốn cắt nghĩa tại sao bóng đá Việt Nam lại nhiều tiêu cực như vậy, tại sao cầu thủ VN lại "bán mình" một cách dễ dàng và rẻ rúng như vậy ? Câu trả lời chính là cái "khoảng trống văn hóa" ấy đang cư ngụ ngay trong lòng bóng đá VN, trong hành trang vào đời và vào nghề của nhiều cầu thủ.
  • xem toàn bộ